📞

Sự đồng điệu từ trái tim

Hà Phương 10:00 | 03/08/2024
Mỗi dân tộc, đất nước là mỗi ngôn ngữ khác nhau, nhưng khi tới Việt Nam trong những ngày này lại chung một “thông điệp” từ trái tim, đồng điệu đến kỳ lạ! Ngôn ngữ của sự sẻ chia, đồng cảm trước nỗi đau mất đi một nhà lãnh đạo kiệt xuất, nhà ngoại giao tầm cỡ, một người bạn lớn – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra trong hai ngày 25-26/7. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Phần cảm kích, phần tự hào

Việt Nam những ngày buồn, nỗi buồn đủ lớn để bao trùm lên tất cả, ngày nối ngày trời tuôn mưa, lòng người hụt hẫng mênh mang. Bắc - Trung - Nam đều hướng về một trái tim lớn – trái tim của nhà lãnh đạo, chiến sĩ cộng sản kiên trung, sống trọn cuộc đời vì nước, vì Đảng vì dân Nguyễn Phú Trọng. Trái tim ấy đã ngừng đập, hòa vào bình yên của Tổ quốc hôm nay.

Đã bao lần trải qua mất mát, thương đau nhưng với nỗi đau lần này của cả dân tộc, Việt Nam không hề đơn độc.

Lào và Cuba tuyên bố Quốc tang, các nhà Lãnh đạo ASEAN ra Tuyên bố bày tỏ sự thương tiếc trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong những ngày Quốc tang, 100 đoàn quốc tế đã đến viếng và gửi hoa chia buồn tại Việt Nam; cùng hơn 3.500 đoàn đã viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các cơ quan đại diện Việt Nam trên khắp thế giới, trong đó nhiều nước có lãnh đạo tới viếng (Lào, Trung Quốc, Campuchia, Cuba, Australia...). Bên cạnh đó, lãnh đạo cấp cao các nước, các chính đảng và bạn bè quốc tế từ 103 nước, vùng lãnh thổ, 32 tổ chức quốc tế đã gửi gần 500 thư, điện, thông điệp chia buồn.

Bạn bè quốc tế đến với Việt Nam lần này mang theo những trái tim đầy sẻ chia và thấu hiểu trước sự ra đi của người bạn lớn, gần gũi và thân thiết Nguyễn Phú Trọng. Họ đồng cảm với mất mát to lớn của cả dân tộc Việt Nam.

Chính những tình cảm chân thành xuất phát từ trái tim đã chạm đến tình cảm của hàng triệu người dân đất Việt, phần cảm kích, phần tự hào! Càng làm sáng tỏ đường lối đối ngoại đúng đắn của Việt Nam, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 (tháng 12/2023): “Phải luôn luôn kiên định về nguyên tắc và linh hoạt về sách lược. Nguyên tắc của chúng ta là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sách lược của chúng ta là cơ động, linh hoạt điều chỉnh tùy theo từng vấn đề, từng thời điểm và tùy theo đối tượng hay đối tác, tuân thủ những tư tưởng lớn của Bác Hồ: 'Dĩ bất biến, ứng vạn biến', 'thêm bạn bớt thù', 'sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai'. Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế”.

Bạn bè quốc tế sẽ không quên vị kiến trúc sư của trường phái ngoại giao mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", người thổi bùng “ngọn lửa” hội nhập, đưa Việt Nam ngày càng hòa mình sâu rộng với thế giới để dải đất hình chữ S vốn đứng dậy từ thương đau - “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế quốc tế như hiện nay”.

Họ nhớ mãi vị Tổng Bí thư làm được những điều đặc biệt giữa một thế giới bộn bề, chỉ trong chín tháng từ tháng 9/2023-6/2024, cả ba nguyên thủ quốc gia của ba cường quốc hàng đầu thế giới là Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

Đoàn Đảng, Nhà nước Lào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Người bạn vĩ đại, nhà lãnh đạo nổi bật

Đã từng có một câu nói thế này: Nụ cười có thể tặng bất cứ ai. Nhưng nước mắt chỉ dành cho những người ta không muốn mất đi. Sự tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của bạn bè quốc tế là thước đo chuẩn xác về tầm vóc cũng như tầm ảnh hưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nước mắt trên mi hay giọt lệ trong lòng đều là muốn níu giữ và trân trọng người đã đi xa.

Tinh thần đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nữa” và cũng vì lẽ đó “nỗi đau san sẻ làm hai”. Khoảnh khắc gây xúc động mạnh mẽ với những người chứng kiến hay người xem truyền hình trực tiếp trong ngày Quốc tang đầu tiên là khi đoàn lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước Lào, do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và phu nhân Naly Sisoulith vào viếng.

Phu nhân Naly Sisoulith không kìm được cảm xúc khi gặp phu nhân Ngô Thị Mận. Họ ôm chầm lấy nhau và nước mắt cùng tuôn rơi. Giọt lệ cũng vì thế mà vương trên khóe mắt Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith. Trong sổ tang, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Lào xúc động viết: “Chúng tôi mất đi một người đồng chí kính yêu, một người bạn lớn và gần gũi thân thiết của Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào”; “Danh tiếng và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Phú Trọng sẽ luôn sống mãi cùng chúng tôi”.

Trước đó, khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, Phu nhân Naly Sisoulith đã viết bức tâm thư gửi đến phu nhân Ngô Thị Mận. Những nét tâm tình nhòa trong dòng lệ lay động lòng dân hai nước Việt - Lào: “Chị Mận thân mến ơi, tất cả người dân Việt Nam và rất nhiều người ở Lào đều biết đến tên tuổi của anh Trọng, người đã cống hiến không biết mệt mỏi cả cuộc đời vì đất nước và vì nhân dân Việt Nam cho đến hơi thở cuối cùng…”. Bao lần “chị Mận thân mến, chị Mận thân mến ơi!...” là bấy nhiêu lần thủ thỉ ruột gan thắt lại vì tiếc thương, vì đau buồn, vì thương nhớ. Những trái tim Việt - Lào, Lào - Việt ấy cao quý biết nhường nào!

Đến với Việt Nam từ nửa vòng Trái đất, ngay từ rất sớm, sau các đoàn cấp cao Việt Nam, đoàn Cuba do Chủ tịch Quốc hội Esteban Lazo Hernández dẫn đầu là đoàn quốc tế đầu tiên vào viếng Tổng Bí thư với vòng hoa ghi dòng chữ “Đảng, Chính phủ và nhân dân Cuba kính viếng”.

Trong sổ tang, đồng chí Esteban Lazo Hernández xúc động: “Tháng 9/2023, tôi có cơ hội trò chuyện với đồng chí Nguyễn Phú Trọng về tình hình thực tế của Cuba, tôi sẽ nhớ mãi buổi gặp gỡ đó. Tôi là vị lãnh đạo Cuba cuối cùng có cơ hội trao đổi với đồng chí, người bạn thân thiết của Cuba”.

Đoàn Campuchia do Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen làm Trưởng đoàn cũng đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong niềm tiếc thương vô hạn. Chia sẻ với các Lãnh đạo Việt Nam trước mất mát to lớn này, Chủ tịch Hun Sen đánh giá cao những công lao to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam; nhấn mạnh Tổng Bí thư là nhà cách mạng trọn đời cống hiến cho đất nước và nhân dân, cũng như vun đắp cho mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đã trực tiếp đến Đại sứ quán ta tại Bắc Kinh để kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là lần đầu tiên đồng chí Tập Cận Bình đến thăm đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh. “Người bạn vĩ đại của nhân dân Trung Quốc” cũng được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình nắn nót viết những dòng lưu bút đầy tình cảm lưu luyến trong Sổ tang. Tiếp đó, ngay sau khi đến Hà Nội, Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Vương Hỗ Ninh đã đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đặc phái viên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình bày tỏ trong Sổ tang: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Phú Trọng - người bạn vĩ đại của nhân dân Trung Quốc”.

Toàn bộ bảy Đối tác chiến lược toàn diện là Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Australia đều cử đoàn Lãnh đạo trực tiếp sang viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cho đi là còn mãi…

Đã bao người Việt Nam lúng túng khi được hỏi thế nào là hạnh phúc? Giờ đây, “định nghĩa” hạnh phúc của “Bác Trọng” cũng thật giản đơn để soi chiếu: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.

Tổng Bí thư đã đi xa nhưng hệ tư tưởng và di sản đồ sộ trên mọi phương diện còn sống mãi. Với bạn bè bốn biển, năm châu, những di sản ấy còn là nguồn cảm hứng về tình yêu Tổ quốc, đi đến cuối cùng trong hành trình xây dựng và bảo vệ đất nước, siết chặt vòng tay đoàn kết vì khát vọng hòa bình.

Tổ chức phi chính phủ ActionAid International (AAI)/Hà Lan viết trong thư gửi Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam rằng: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương cho các nhà lãnh đạo các tổ chức nhân dân toàn cầu vì sự bình dị, gần gũi và gương mẫu”. Hay Giáo sư V.N. Kolotov, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg (Liên bang Nga) đánh giá: Lịch sử sẽ ghi nhận chiến lược đối ngoại phát huy bản sắc ngoại giao “Cây tre Việt Nam” và chiến dịch “đốt lò” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã tăng cường vị thế của Đảng trong nước và trên trường quốc tế.

Trong thương đau vẫn lấp lánh niềm tự hào vì dân tộc, đất nước và nền ngoại giao Việt Nam có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Một trái tim lớn đã ngừng đập nhưng mạch nguồn về một Việt Nam bản sắc còn chảy mãi, làm tốt tươi đồng ruộng, núi đồi, chắp cánh cho một Việt Nam không ngừng vươn xa!