Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ mở ra các mặt trận thương chiến mới. (Nguồn: Dailymotion) |
Mặt trận thương chiến mới
Ngày 2/12, Tổng thống Trump đã mở một số mặt trận mới trong cuộc chiến thương mại toàn cầu. Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố, sẽ tái áp thuế quan đối với sản phẩm thép, nhôm nhập khẩu từ Brazil và Argentina.
Trong một dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter , Tổng thống Trump tuyên bố, thuế quan sẽ "có hiệu lực ngay lập tức" bởi Brazil và Argentina mạnh tay phá giá đồng tiền của họ. Điều này không tốt cho nông dân Mỹ.
Nông dân Mỹ vốn là một lực lượng cử tri quan trọng đối với khả năng tái đắc cử Tổng thống Mỹ của ông Trump trong cuộc bầu cử 2020. Nhưng thương chiến Mỹ - Trung đã khiến năng lực cạnh tranh của hàng nông sản Mỹ suy giảm mạnh. Thay vì mua nông sản Mỹ như trước kia, Trung Quốc đã chuyển sang mua nông sản của Brazil và Argentina.
Không chỉ Brazil và Argentina, ngày 2/12, Tổng thống Trump còn đe dọa mức thuế lên tới 100% đối với phô mai, túi xách và rượu sâm banh của Pháp. Theo Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ, thuế quan kỹ thuật số của Pháp đã cản trở một cách không công bằng tới các "đại gia công nghệ" Mỹ như Google, Apple, Facebook và Amazon.
Bên cạnh đó, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cảnh báo, Washington cũng đang xem xét mở rộng điều tra để cân nhắc các mức thuế tương tự đối với Áo, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ.
Những động thái bất ngờ này được đưa ra giữa lúc Tổng thống Trump đang tìm cách giải quyết các tranh chấp thương mại khác trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Đánh giá về động thái của Tổng thống Trump, Chris Krueger, Giám đốc điều hành tại Nhóm nghiên cứu Cowen Washington khẳng định: "Không quốc gia nào an toàn trước Tariff Man".
David Kelly, Chiến lược gia trưởng toàn cầu tại JPMorgan Funds cho biết, sự trở lại của Tariff Man cho thấy, không thể chống lại các cuộc chiến thương mại mà không gây tổn hại cho nền kinh tế thế giới. Thỏa thuận thương mại với Trung Quốc vốn đã khó khăn, lại thêm khó khăn chồng chất bởi không dễ dàng khi chiến đấu với một cuộc chiến trên nhiều mặt trận.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung rơi vào "thế bí". (Nguồn: Milkbusiness) |
Căng thẳng Mỹ - Trung thêm tồi tệ
Ngày 3/12, tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở London (Anh), Tổng thống Trump tuyên bố, sẽ không có mốc thời gian để đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc và có thể thỏa thuận này sẽ đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Bên cạnh đó, Tổng thống Trump nhấn mạnh, thỏa thuận thương mại với Trung Quốc sẽ tùy thuộc vào quyết định của ông.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói với trang CNBC rằng, Mỹ còn nhiều "đạn" để chống lại Trung Quốc. Ông Wilbur Ross cảnh báo, thuế quan ngày 15/12 đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc sẽ có hiệu lực nếu không có lý do thực sự để trì hoãn. “Việc đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc theo hướng có lợi cho Mỹ sẽ quan trọng hơn thời gian đạt được thỏa thuận”, ông Wilbur Ross nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn cần phải bàn thảo chi tiết về việc mua nông sản Mỹ của Trung Quốc, một số vấn đề về cấu trúc và cơ chế thực thi, trước khi đi đến ký kết được một thỏa thuận thương mại tạm thời mà Tổng thống Donald Trump từng hy vọng hoàn tất vào tháng trước.
Các chuyên gia nhận thấy, việc nâng cao cuộc chiến thương mại sẽ chỉ gây thêm thiệt hại cho các doanh nghiệp và nông dân Mỹ.
Art Hogan, chiến lược gia thị trường tại công ty National Securities Corporation cho biết: "Nếu phía Mỹ áp hoàn toàn thuế quan với một số mặt hàng của Trung Quốc vào ngày 15/12 thì nền kinh tế sẽ tiếp tục phải chịu những tác động tiêu cực".
Các nhà đầu tư đã đặt cược vào một thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 - thỏa thuận mà chính Tổng thống Trump đã đề nghị vào tháng trước. Tuy nhiên, trước tình trạng hiện tại, sẽ có nhiều lo ngại rằng, thỏa thuận thương mại tạm thời sẽ khó có được trong năm 2020 hoặc có thể sẽ muộn hơn nữa.
William Marshall thuộc công ty luật thương mại Tiang and Partners cho biết, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa các siêu cường kinh tế thế giới, thật khó để biết được liệu có đủ lợi ích chung giữa hai quốc gia để đi đến một thỏa thuận hay không. Có vẻ như ở thời điểm hiện tại, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đối lập nhau trên mọi lĩnh vực.
Theo nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, một nhóm chuyên gia Bắc Kinh liên quan đến chính phủ Trung Quốc Wang Yongzhong, quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ rõ ràng đã xấu đi. Ngay cả khi hai quốc gia đạt được thỏa thuận giai đoạn 1 thì quan hệ kinh tế song phương khó có khả nằng hồi phục, thậm chí còn có thể trở nên tồi tệ hơn.
David Kotok, Giám đốc đầu tư tại Công ty quản lý đầu tư Cumberland Advisors thì dự đoán rằng, năm 2020 sẽ không có sự dàn xếp ổn thỏa trong cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump, đồng thời không có hy vọng căng thẳng Mỹ - Trung suy giảm.