📞

Sức sống mới ở vùng biên giới Giang Thành

Phương Nghi 14:10 | 12/06/2022
Baoquocte.vn. Diện mạo vùng biên giới Giang Thành (Kiên Giang) đã đổi thay, nhất là sự chuyển biến trong ý thức và ý chí tự lực vươn lên.

Giang Thành (tỉnh Kiên Giang) là huyện biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia, có đông đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm gần 23%). Sau nhiều năm thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước cùng sự nổ lực vươn lên của đồng bào dân tộc, đời sống các mặt của người dân nơi đây không ngừng thay da đổi thịt, góp phần xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên cương Tổ quốc.

Từ các nguồn vốn, Giang Thành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng góp phần diện mạo vùng biên giới khởi sắc.

Vùng biên khởi sắc

Về các xã Phú Mỹ, Phú Lợi, Vĩnh Điều, Vĩnh Phú và Tân Khánh Hòa có đường biên giới với Campuchia hôm nay, dễ dàng nhận thấy, các tuyến đường đã được nối liền nhau, bà con Khmer giờ đây ra đồng trên những con đường bê-tông vững chãi; những căn nhà lá xiêu vẹo, dột nát trước kia giờ đã được thay bằng những nhà tol. Xóm ấp đã khoác lên mình bộ mặt của phát triển, văn minh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch huyện Giang Thành cho biết: 5 năm qua, Giang Thành triển khai thực hiện kịp thời và hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số về hỗ trợ đất ở, chuộc lại đất sản xuất, tạo việc làm với số tiền gần 1,2 tỷ đồng; hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ cho gần 9.000 lượt người, với số tiền trên 1,6 đồng; hơn 1.600 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào dân tộc Khmer được hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng nhân dịp lễ, Tết.

Ngoài ra, Giang Thành còn hỗ trợ nước sinh hoạt theo Quyết định 755, thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc theo Quyết định 18; hỗ trợ các chùa, con em đồng bào dân tộc và thăm, tặng quà nhân các dịp lễ, Tết của đồng bào dân tộc số tiền hàng tỷ đồng...

“Song song đó, Giang Thành thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường học, hệ thống thủy lợi, chợ xã được tập trung xây dựng với tổng nguồn vốn hơn 390 tỷ đồng. Các tuyến đường liên xã, liên ấp vùng đồng bào dân tộc được bê tông hóa; trên 98% hộ đồng bào dân tộc được sử dụng điện lưới quốc gia”, ông Hà nói.

Trước đây, việc đi lại của bà con rất khó khăn, Giang Thành có chủ trương vận động người dân hiến đất làm các tuyến đường mới, bà con vùng đồng bào dân tộc Khmer sẵn sàng tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động. Nhiều người tích cực tham gia làm cột cờ, trồng hàng rào cây xanh để tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp.

Điển hình như ông Lưu Văn Khol, người có uy tín ấp Trà Phọt, xã Phú Lợi luôn phát huy tính gương mẫu, nói đi đôi với làm. Không chỉ tiên phong thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bản thân ông Khol và gia đình còn tiên phong trong phong trào lao động sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

Ông Khol chia sẻ: “Tham gia xây dựng xã nông thôn mới, người dân ở đây hưởng ứng rất tích cực, thực hiện tốt các phần việc của hộ gia đình do xã phát động. Phú Lợi so với trước đây, kinh tế, văn hóa và xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.

Tôi và người dân ở đây tiếp tục nỗ lực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình hiệu quả để góp phần xây dựng Giang Thành đạt nông thôn mới vào năm 2025, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia”.

Đồng bào Khmer có việc làm ổn định nhờ trồng lác cho hiệu quả kinh tế khá cao.

Nỗ lực vươn lên

Những năm qua, sự chuyển biến trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên vùng biên giới Giang Thành có sự giúp đỡ bộ đội biên phòng, nhiều hộ dân trở nên khá hơn.

Để giúp đồng bào Khmer thoát nghèo, các đơn vị biên phòng hướng dẫn hộ nghèo thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, tận dụng diện tích đất trống, cải tạo vườn tạp để thực hiện mô hình vườn - ao - chuồng, từ đó nâng cao thu nhập, vươn lên trong cuộc sống.

Trước đây, gia đình ông Tiên Cần, ấp Trần Thệ, xã Phú Lợi là một trong những hộ nghèo của xã. Thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình ông Tiên Cần, cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Phú Mỹ đã giao nhiệm vụ cho một số cán bộ phụ trách dành thời gian hướng dẫn ông Tiên Cần thực hiện mô hình sản xuất mới.

Đồn Biên phòng Phú Mỹ tặng bò giống, gà để gia đình ông phát triển mô hình chăn nuôi. Hiện ông Tiên Cần phát triển mô hình chăn nuôi, gia đình ổn định đời sống.

Ông Tiên Cần nói: “Tôi cảm ơn cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ đã hỗ trợ và giúp gia đình thoát nghèo. Hiện gia đình tôi có đàn bò được 4 con, tận dụng đất trống trồng thêm rau, vừa có rau sạch, vừa phát triển kinh tế”.

Ông Tiên Cần, ấp Trần Thệ, xã Phú Lợi (Giang Thành) chăm sóc đàn bò từ nguồn giống của Đồn Biên phòng Phú Mỹ tặng, giúp ông thoát nghèo và có thu nhập ổn định.

Bên cạnh đó, Giang Thành còn tập trung thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững; tạo việc làm cho người lao động, đầu tư phát triển sản xuất, các mô hình kinh tế trang trại, làng nghề và nghề đan đát truyền thống...

Theo ông Lê Tồn Thuận, Trưởng phòng Lao động, thương binh và xã hội huyện Giang Thành, 5 năm qua, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Giang Thành mở 58 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 1.563 lao động nông thôn; giới thiệu, giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động; mở 15 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật; hỗ trợ vay vốn cho hơn 15.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác với tổng số tiền trên 200 tỷ đồng.

Ngoài ra, Giang Thành còn cất mới, sửa chữa 210 căn nhà tình nghĩa, với số tiền trên 7 tỷ đồng và 317 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho những hộ nghèo đang gặp khó khăn về nhà ở.

“Nhờ thực hiện nhiều hình thức hỗ trợ người dân, đến cuối năm 2021, Giang Thành còn 486 hộ nghèo (chiếm 5,95%), trong đó hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số 162 hộ (chiếm 8,84% tổng số hộ nghèo), hộ cận nghèo còn 413 hộ (chiếm 5,06%)”. (Ông Lê Tồn Thuận)

Diện mạo Giang Thành đã đổi thay, nhất là sự chuyển biến trong ý thức và ý chí tự lực vươn lên, bà con hăng hái thi đua sản xuất, góp phần xoá đói giảm nghèo, xây dựng vùng biên ngày càng phát triển.