📞

Tại sao trường học vẫn không phải là nơi an toàn đối với trẻ?

12:20 | 05/04/2019
Vụ nữ sinh lớp 9 (Hưng Yên) bị 5 bạn cùng lớp đánh đập dã man ngay tại trường học mà không bạn nào dám can ngăn thực sự là câu chuyện đáng buồn. Điều đáng nói là toàn thể bộ máy nhà trường từ giáo viên chủ nhiệm, bảo vệ đến Ban Giám hiệu không một ai mảy may hay biết…          

Có người đặt câu hỏi: "Sẽ làm gì nếu con bạn bị bắt nạt?", "Tại sao ngay cả trường học vẫn không phải là nơi an toàn đối với trẻ?".

Bên cạnh sự phẫn nộ trút lên những đứa trẻ vị thành niên đã gây ra tổn thương cho cô bé lớp 9, dư luận còn chĩa vào nhà trường, giáo viên chủ nhiệm và cả nền giáo dục cũng bị vạ lây. Rất nhiều lời than thở, vì sao giáo dục lại xuống cấp đến thế? Xã hội này sẽ đi về đâu khi nạn bắt nạt và sự vô cảm trở nên đáng sợ đến vậy?

Nhưng thật ra, bắt nạt và sự vô cảm đã có từ rất lâu rồi. Cũng như nạn quấy rối tình dục với phụ nữ, hiếm có ai đi học mà không từng bị bắt nạt. Nguyên nhân đầu tiên của sự bắt nạt là ghét những kẻ khác mình, đó có thể là học giỏi hơn.

Nạn nhân của những sự đố kị đó, có thể bị giật tóc, kéo áo, cướp cặp, giấu sách vở và bị một nhóm học sinh nam chặn đường đòi đánh, chỉ vì “ghét đứa thành phố học giỏi nên kiêu” dù chẳng hề quen biết. Bạn học nhìn thấy thường không dám nói năng gì vì sợ vạ lây, không ít bạn còn khoái trá, đắc thắng vì tâm lý được trả đũa...

PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh chia sẻ tại một hội thảo. (Ảnh: NVCC)

Tuy nhiên, bị bắt nạt trong trường thường không nguy hiểm bằng bắt nạt ngoài đường. Bởi ở đó sẽ có một đám đông im lặng, mù quáng luôn rất đáng sợ. Tôi từng là nạn nhân và cũng từng rất căng thẳng, sợ đi học, lúc nào cũng muốn khóc mà không biết nói với ai. Ngày đó, tôi không học hành gì được, chỉ trốn vào xó nhà khóc, thậm chí còn muốn chết vì không hiểu mình làm sai gì và làm thế nào để thoát ra được khỏi tình trạng ấy…

Bạo lực học đường nảy nở, từ đâu?

Có thể nói, tình trạng bắt nạt học đường thường xuyên xảy ra vì ở đâu cũng có kẻ thường ghét những người khác mình, tốt hơn mình, thành công hơn mình. Trong mỗi người luôn tồn tại một phần ghen tị, sợ hãi những gì khác mình, hơn mình và yếu đuối trước những kẻ mạnh.

Đừng vội trách những đứa trẻ vô cảm trong những vụ bắt nạt, bởi chính chúng ta luôn dạy trẻ biết tránh xa rắc rối. Liệu có bao nhiêu người lớn dám đứng ra can ngăn các vụ hành hung trên đường phố hay đơn giản là làm chứng chống lại kẻ ác? Chúng ta làm sao có thể trách trẻ con vô cảm khi chính người lớn còn hành xử tệ hơn?

Trong khi đó, trẻ con có quá ít sự bảo vệ. Thực tế, không một quốc gia nào cha mẹ và giáo viên có thể bảo vệ trẻ 24/24. Muốn hạnh phúc, trẻ cần có cuộc sống riêng, nơi người lớn không can thiệp được nhưng những "hung thủ tí hon" lại luôn hiện diện. Dù cha mẹ đưa đón tận cổng trường, camera khắp nơi nhưng trẻ cũng không thể tránh được những hiểm nguy lúc trong phòng thay đồ, nhà vệ sinh hay đơn giản là bị bạn bè tẩy chay do học giỏi.

Chúng ta làm sao có thể trách trẻ con vô cảm khi chính người lớn còn hành xử tệ hơn? (Nguồn: Internet)

Chính vì thế, bắt nạt có khắp nơi trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Theo thống kê, Mỹ là quốc gia có tình trạng bắt nạt phổ biến nhất thế giới, thứ 2 là Nhật Bản, thứ 4 là đất nước Canada nổi tiếng hiền hoà, New Zealand đứng thứ 9, Hàn Quốc đứng thứ 13 và Việt Nam đứng thứ 19.

Nhìn lại, hậu quả của việc bắt nạt nghiêm trọng hơn ta tưởng rất nhiều. Theo các nhà nghiên cứu, trẻ bị bắt nạt thường rơi vào trạng thái căng thẳng, buồn bã, cô độc, sợ hãi, mất ăn mất ngủ, ảnh hưởng đến sức khoẻ, học hành sút kém, thậm chí bỏ học. Còn những kẻ bắt nạt sẽ dễ có xu hướng bạo lực, nghiện ngập, sa đà vào những mối quan hệ xấu và bất hạnh trong đời tư.

Ngay cả những trẻ thường chứng kiến cảnh bắt nạt cũng bị lo lắng, trầm cảm, có xu hướng nghiện ngập và dễ bỏ học. Nghiêm trọng nhất là việc thường xuyên bị bắt nạt có thể dẫn đến việc tự tử ở người trẻ. Thậm chí, hậu quả của việc bắt nạt nghiêm trọng đến mức năm 2018, UNICEF đã phải có một nghiên cứu xây dựng chỉ số Bắt nạt Toàn cầu (Global Bullying Indicator – GBI) để thúc đẩy các chính phủ phải tích cực hơn nữa trong việc phòng, chống bắt nạt trẻ em.

Ai dạy trẻ thờ ơ?

Đặc biệt, cùng với Internet và mạng xã hội, một hình thức bắt nạt mới xuất hiện, còn đáng sợ hơn và khó phòng chống hơn, đó là bắt nạt trên mạng (cyber bullying). Do tâm lý, những kẻ ác luôn thích phô trương hành động của mình nên hiện tượng quay cảnh bắt nạt nạn nhân rồi đưa lên mạng ngày càng phổ biến. Trong hình thức này, đám đông “a dua” chính là thủ phạm kinh khủng nhất.

Bằng những hành động chia sẻ clip, các bình luận ác ý, họ đã đẩy nạn nhân vào sự cô đơn, tuyệt vọng. Theo các nghiên cứu, bắt nạt trên mạng còn dễ dẫn đến tự tử hơn bắt nạt thông thường.

Như vậy, bắt nạt trẻ em ở trường là tình trạng phổ biến toàn cầu và thật sự có hậu quả nghiêm trọng đến tâm sinh lý cũng như tương lai của người trẻ. Tiếc rằng ở Việt Nam nhiều người lại có xu hướng coi đó chỉ là “việc trẻ con”, chỉ khi sự việc trở thành bạo lực công khai, dư luận mới sôi lên vài hôm, để rồi lại đâu vào đấy.

Để ngăn chặn tình trạng này, phụ huynh và nhà trường cần quan tâm đến trẻ em, hỏi han ngay khi thấy con em có biểu hiện bất thường. Bởi thống kê cho thấy, 43% trẻ em từng bị bắt nạt khi đến trường nhưng chỉ 1/10 nói lại với người lớn và tham vấn với gia đình/thầy cô ngay để tìm cách giải quyết.

Đặc biệt, hãy khuyến khích trẻ chia sẻ và thông báo về tình trạng bắt nạt mà các em chứng kiến vì bảo vệ người khác chính là bảo vệ mình. Cần lắng nghe tất cả các bên như thủ phạm, nạn nhân, bạn học, giáo viên... để đưa ra cách giải quyết phù hợp và dứt khoát.

Trong trường hợp nghiêm trọng, hãy để luật pháp giải quyết như trường hợp nữ sinh bị đánh hội đồng ở Hưng Yên. Không nên giải quyết kiểu “cải lương” như cho nghỉ học vài ngày và đặc biệt không cảm tính kiểu buộc giáo viên chủ nhiệm thôi việc! Có lẽ, chúng ta hãy tham vấn kinh nghiệm của nước ngoài và hành động dứt khoát vì tình trạng này rất đáng báo động rồi.

PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh (Đại học Ngoại thương Hà Nội)