📞

Taliban: Từ nhóm sinh viên đến mối quan hệ thăng trầm với Mỹ và 2 lần nắm quyền tại Afghanistan

Gia Bảo 13:45 | 18/08/2021
Lực lượng Taliban đã lật đổ chính quyền ở thủ đô Kabul, Afghanistan ngày 15/8, và đây không phải là lần đầu tiên Taliban làm được điều này. Vậy Taliban là ai?
Trong khi lực lượng Taliban tiến vào Kabul giành quyền kiểm soát thì hàng nghìn người Aghanistan đổ dồn ra các sân bay tìm đường thoát khỏi đất nước.

Taliban là ai?

Taliban được thành lập năm 1994 ở miền Nam Afghanistan bởi Mullah Mohammad Omar, một thành viên của tộc người Pashtun có uy tín trong hoạt động chống lại các lực lượng Xô viết cho đến khi Liên Xô rút khỏi Afghanistan năm 1989.

Khi mới thành lập, Taliban chỉ có khoảng 50 thành viên, với cam kết giải thoát Afghanistan khỏi tình trạng bất ổn, tham nhũng và tội phạm hoành hành tại nước này từ sau khi các lực lượng Liên Xô rời đi.

Cái tên Taliban, có nghĩa là sinh viên, bắt nguồn từ thực tế là nhiều thành viên nhóm này là sinh viên tại các Madrassas (các trường học tôn giáo) của Afghanistan và Pakistan.

Nhờ tiếng tăm của mình, lãnh tụ tối cao của Taliban đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân. Nhóm này cũng nhanh chóng lớn mạnh nhờ sự hỗ trợ từ Pakistan, và được sự ủng hộ rộng rãi vì góp phần loại bỏ nạn tham nhũng, mang lại an toàn cho hoạt động thương mại tại những khu vực mà lực lượng này chiếm được.

Vào năm 1996, Taliban đã chiếm được thủ đô Kabul và lật đổ chính phủ. Đến năm 1998, Taliban đã nắm giữ 90% lãnh thổ Afghanistan.

Thành phần lãnh đạo của Taliban

Taliban có một hệ thống phân cấp rõ ràng và có tính kế thừa. Vào năm 2013, nhiều nguồn tin cho rằng thủ lĩnh Mullah Omar chết nhưng đến năm 2015 tổ chức này mới thông báo về cái chết của vị lãnh đạo này.

Năm 2016, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở Pakistan đã hạ gục người kế nhiệm của Mullah Omar, Mullah Akhtar Mohmmad Mansour.

Kể từ đó, Mawlawi Haibatullah Akhundzada, người Pashtun ở Kandahar, người từng lãnh đạo Hệ thống tòa án Hồi giáo của Taliban, trở thành lãnh đạo tối cao của nhóm.

Akhundzada có thẩm quyền tối cao trong mọi vấn đề chính trị, tôn giáo và quân sự. Dưới ông có ba cấp phó và một số bộ trưởng giám sát các lĩnh vực như quân sự, tình báo và kinh tế.

Trong dàn lãnh đạo của Taliban còn có "Rahbari Shura", được gọi là "Quetta Shura" tại Pakistan. Đây là cơ quan cố vấn cao nhất của nhóm, bao gồm 26 thành viên, tất cả đều là những người có kinh nghiệm chiến đấu từ thập niên 90.

Bộ phận đại diện chính trị của Taliban trong hợp tác quốc tế có trụ sở tại Doha, Qatar. Người đứng đầu là đồng sáng lập Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar. Đây là nhóm đã tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình với Mỹ, Mullah Abdul Hakim là người đứng đầu đội ngũ đàm phán.

Các nguồn thu của Taliban

Từ khi thành lập đến nay, Taliban chủ yếu dựa vào hoạt động buôn bán ma túy để kiếm nguồn thu. Lực lượng này áp thuế đối với những người trồng cây thuốc phiện và sản xuất heroin trong các khu vực mà họ kiểm soát.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, chỉ tính riêng hai năm 2018 và 2019, Taliban thu được hơn 400 triệu USD thông qua buôn bán ma túy, chiếm tới 60% thu nhập của nhóm này.

Taliban cũng áp thuế đối với các doanh nghiệp, thu lợi nhuận từ hoạt động buôn bán nhiên liệu ở các khu vực biên giới mà nhóm kiểm soát và các mỏ mà nhóm này vận hành.

Ngoài ra, Taliban giống nhiều tổ chức khác, đều nhận được tài trợ bên ngoài. Một số quốc gia được cho là chuyển tiền trực tiếp cho Taliban, bao gồm Pakistan, Iran và Qatar.

Các nhà nghiên cứu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ước tính rằng Taliban huy động được 1,6 tỷ USD mỗi năm.

Nhờ số tiền khổng lồ trên, Taliban có thể triển khai các kế hoạch tấn công vào những trọng yếu của chính phủ cũng như các căn cứ quân sự của Mỹ và đồng minh.

Người dân Afghanistan trên cánh đồng thuốc phiện ở tỉnh Nangarhar. (Nguồn: Reuters)

Thăng trầm trong quan hệ với Mỹ

Trước thời điểm Taliban được thành lập, nhiều thành viên Taliban đã hoạt động chống lại các lực lượng Liên Xô, được sự hậu thuẫn bí mật của tình báo Mỹ (CIA) và quan hệ hai bên được cho là rất tốt đẹp. Tuy nhiên, mọi thứ nhanh chóng thay đổi.

Sau khi Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan lần thứ nhất, năm 1996, chính phủ Mỹ hy vọng lực lượng này sẽ có quan điểm tích cực và dân chủ. Tuy nhiên, mọi chuyện đã diễn biến ngược lại.

Taliban thiết lập nhà nước thần quyền Hồi giáo và nhanh chóng áp đặt các quy tắc Hồi giáo nghiêm ngặt, cấm truyền hình và âm nhạc, cấm nữ sinh đến trường, cấm phụ nữ lái xe và buộc phải mặc “burqa”, trang phục màu đen che kín từ đầu đến chân. Điều này đã bị Mỹ và các nước lên án vì vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Trong thời gian đó, Osama bin Laden, một tài phiệt nổi tiếng có quan hệ với Al Qaeda đã gây ra vụ khủng bố 11/9/2001 chấn động toàn cầu với gần 3.000 người thiệt mạng ở Mỹ.

Sau sự kiện trên, bin Laden chạy trốn qua Afghanistan dưới sự che chở của Taliban. Phía Mỹ yêu cầu Taliban giao nộp bin Laden nhưng tổ chức này từ chối.

Kết quả, Mỹ đã lật đổ Taliban và tiêu diệt Osama bin Laden. Một chính phủ thân Mỹ được lập ra tại Afghanistan từ năm 2004.

Về phần mình, Mullah Omar và các thủ lĩnh Taliban đã tìm nơi trú ẩn ở Pakistan đồng thời tiến hành nhiều chiến dịch nổi dậy nhằm giành lại chính quyền ở Afghanistan.

Từ sau năm 2004, Mỹ đã đổ hàng nghìn tỷ USD nhằm mục đích bình ổn Afghanistan và ngăn chặn nước này trở thành một cứ địa của Al Qaeda hay một nhà nước Hồi giáo có thể lên kế hoạch tấn công khủng bố Mỹ và đồng minh.

Vào năm 2018, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump bắt đầu trực tiếp đàm phán hiệp ước hòa bình với Taliban - mà không có sự tham gia của chính phủ dân cử Afghanistan. Các cuộc đàm phán hòa bình nội bộ Afghanistan giữa chính phủ và Taliban bắt đầu vào tháng 9/2020, nhưng sớm bị đình trệ.

Vào tháng 2/2020, Mỹ và Taliban đã ký một thỏa thuận lịch sử, đặt ra thời hạn 14 tháng để Mỹ rút toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan.

Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố vào tháng 4/2021 rằng Mỹ và NATO sẽ hoàn thành việc rút quân vào ngày 11/9/2021, các nhà phân tích đã lo lắng rằng tốc độ nhanh chóng của việc rút quân có thể khuyến khích Taliban “hành động” và dẫn đến việc Afghanistan sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn, chính phủ Afghanistan dân chủ sẽ không thể duy trì quyền lực của mình.

Trên thực tế, việc rút quân của Mỹ đã để lại khoảng trống quyền lực lớn ở Afghanistan và củng cố quyết tâm của Taliban thúc đẩy các cuộc tấn công.

9 ngày sau khi chiếm được thành phố thủ phủ tỉnh đầu tiên, Taliban đã tiến vào Kabul, hoàn thành việc kiểm soát hoàn toàn Afghanistan sau khi Tổng thống Ashraf Ghani rời đất nước.

Sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ thân Mỹ là một đòn giáng vào ảnh hưởng và lợi ích chính trị và tinh thần của phương Tây trong khu vực. Điều này tạo cho các nước Pakistan, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga cơ hội giành lợi thế chiến lược.

Taliban trở lại

Một lần nữa, Taliban lại nổi lên, lật đổ chính quyền ở Kabul được Mỹ hậu thuẫn trong gần 20 năm qua.

Tuy nhiên, lần này, Taliban trở lại với hình ảnh không giống lần trước.

Các lãnh đạo Taliban hiện cho biết họ muốn thành lập một chính phủ hòa nhập và không phải là mối đe dọa đối với phương Tây, và thông tin về chính phủ mới sẽ sớm được công bố.

Bên cạnh đó, người phát ngôn Taliban Mohammad Naeem phát biểu trên truyền hình Al Jazeera rằng nhóm này muốn có quan hệ hòa bình với các nước trên thế giới.

Taliban cũng khẳng định đã ra lệnh cho các chiến binh không được vào nhà của dân nếu không được phép và trấn an rằng người dân không có gì phải lo sợ, rằng họ sẽ ân xá những người từng làm việc cho chính phủ trước đây.

Tuy nhiên, nhiều người Afghanistan đã chạy trốn khỏi các khu vực Taliban kiểm soát, nói rằng họ đã chứng kiến các cuộc tấn công nhằm vào dân thường.

Hàng nghìn người cũng đã đổ dồn về sân bay Kabul, tìm kiếm một chuyến bay để rời đất nước.

Mặc dù Taliban đã cam kết ngăn chặn các nhóm cực đoan tìm nơi trú ẩn tại Afghanistan, các quan chức phương Tây vẫn bày tỏ lo ngại rằng nhóm này sẽ không thực hiện đúng cam kết của mình và cho biết hàng trăm thành viên al Qaeda hiện đã có mặt tại các khu vực mà tổ chức này đang kiểm soát.

Do đó, tương lai của Afghanistan hiện vẫn còn là điều khó đoán định.

(theo Livemint, Outlookindia)