Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. (Nguồn: Financial Times) |
Triển vọng mờ nhạt
Có thể nói triển vọng dường như khá mờ nhạt đối với bất kỳ sự thay đổi rõ ràng nào trong mối quan hệ Nhật-Hàn vốn đã giảm xuống mức tồi tệ nhất trong thời gian qua, kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1965.
Ông Suga tuyên bố rằng, ông sẽ kế thừa các chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm Abe Shinzo. Về quan hệ với Hàn Quốc, ông Suga Yoshihide đã nhắc lại lập trường của chính quyền tiền nhiệm rằng Hiệp ước mà hai nước ký kết năm 1965 đã giải quyết hoàn toàn và kết thúc các khoản bồi thường liên quan đến giai đoạn Nhật Bản đô hộ ở Bán đảo Triều Tiên và phải là nền tảng của mối quan hệ song phương ngày nay.
Với viễn cảnh không mấy sáng sủa của mối quan hệ Nhật - Hàn ngay cả dưới thời chính quyền mới ở Tokyo, các chuyên gia nhấn mạnh rằng, Seoul cần chủ động khôi phục lòng tin giữa hai nước.
Liên quan đến vấn đề này, giới chuyên gia cho rằng, một trong những động thái đầu tiên phải làm là xóa bỏ sự không chắc chắn đối với Hiệp ước chia sẻ thông tin quân sự song phương (GSOMIA) được Seoul và Tokyo ký kết vào năm 2016.
Giáo sư Leif-Eric Easley thuộc Đại học Ewha (Hàn Quốc) nói: "Việc Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Kim Hyun-chong cố hủy bỏ GSOMIA với Nhật Bản là hành động không cần thiết, bởi nó làm làm tổn hại đến uy tín của Seoul, không chỉ với Tokyo mà còn cả đối với Washington, Bình Nhưỡng và Bắc Kinh”.
Ông Leif-Eric Easley cũng đề xuất, thay vì để GSOMIA "chết yểu", chính quyền Tổng thống Moon Jae-in cần mở rộng hợp tác an ninh với quốc gia láng giềng Nhật Bản và cũng là một trong những đồng minh chủ chốt của Mỹ ở châu Á.
Bên cạnh đó, thay vì đẩy cao những tranh chấp pháp lý hoặc chỉ trích Tokyo, Seoul nên khuyến khích các cuộc đối thoại dân sự. Việc gắn các tranh chấp thương mại với những di sản chiến tranh sẽ phản tác dụng đối với việc hòa giải, chưa kể còn gây tổn hại cho nền kinh tế vốn đang trên đà phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Seoul đã chủ động từ bỏ lập trường trước đó (ngừng GSOMIA vào tháng 11/2019) sau khi có sự phản đối mạnh mẽ từ Washington. Chính quyền Mỹ coi GSOMIA là một thành phần quan trọng của hợp tác an ninh ba bên Mỹ-Nhật-Hàn, đặc biệt trong bối cảnh các mối đe dọa liên tục từ Triều Tiên cũng như sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực.
Hàn Quốc sẽ chịu tổn thất hơn
Không có phản hồi nào từ phía Nhật Bản đối với đề xuất của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về việc nối lại các cuộc đàm phán song phương vốn được đề cập trong bài phát biểu nhân kỷ niệm Ngày Giải phóng 15/8 vừa qua.
Điều này chủ yếu là do hai nước vẫn còn khác biệt về vấn đề bồi thường cho những công dân Hàn Quốc bị ép buộc làm việc cho các doanh nghiệp Nhật Bản trong thời kỳ thực dân Nhật chiếm đóng Hàn Quốc giai đoạn 1910-1945.
Lập trường của Seoul là phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc tháng 10/2018 (yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho các nguyên đơn Hàn Quốc) phải được thực hiện. Tuy nhiên, Tokyo đã từ chối việc tuân thủ phán quyết và khẳng định rằng, Hiệp ước năm 1965 đã giải quyết triệt để mọi vấn đề liên quan.
Giáo sư Leif-Eric Easley lưu ý thêm, chính quyền của ông Suga Yoshihide có thể sẽ phản ứng theo chiều hướng thuận lợi với nỗ lực của Hàn Quốc trong việc khôi phục các mối quan hệ kinh tế và an ninh nếu phía Seoul tiến hành thu hẹp khoảng cách giữa phán quyết của tòa án trong nước và các thỏa thuận quốc tế hiện có.
Trong khi đó, một số người trong cuộc cho rằng, bất chấp những tranh cãi kéo dài về các vấn đề lịch sử, các nhà hoạch định chính sách của Hàn Quốc cần áp dụng cách tiếp cận hướng tới tương lai hơn đối với Nhật Bản với quan điểm rằng, lợi ích của Hàn Quốc là duy trì mối quan hệ tốt với Nhật Bản, nhất là trong bối cảnh tình hình địa chính trị phức tạp liên quan đến Mỹ, Trung Quốc và Triều Tiên.
Một nguồn tin ngoại giao nói với tờ Korea Times rằng “chính Hàn Quốc sẽ là bên chịu thiệt hại lớn nhất khi coi thường Nhật Bản, một đối tác rất quan trọng. Mối quan hệ Nhật-Hàn xấu đi sẽ ảnh hưởng đến quan hệ giữa Seoul và Washington cũng như với Bắc Kinh theo một cách rất tiêu cực”.
Theo nguồn tin này, việc quan hệ song phương xấu đi sẽ gây thiệt hại cho cả hai nước, song Hàn Quốc vẫn là bên bị ảnh hưởng tiêu cực hơn.
“Để giải quyết thực tế vấn đề địa chính trị của Hàn Quốc hiện nay, chúng ta cần một cách tiếp cận với ‘cái đầu lạnh’ để đảm bảo lợi ích quốc gia”, nguồn tin này cho hay.