TIN LIÊN QUAN | |
Hội nghị AMM 51: Các nước Đông Á tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng hải | |
Anh sẽ điều tàu sân bay đến Biển Đông hỗ trợ các tàu Australia |
Theo TS. Lê Đình Tĩnh, đứng trước các diễn biến địa chính trị khu vực và tình hình Biển Đông đang ngày càng hàm chứa nhiều thách thức, để làm tốt nhiệm vụ được giao, Viện Biển Đông sẽ bám chắc định hướng chính trị của Đảng, Nhà nước trong công tác đối ngoại, cũng như chỉ đạo trực tiếp của Bộ Ngoại giao trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng công cụ ngoại giao, pháp lý, góp phần thúc đẩy hợp tác vì hòa bình, ổn định của khu vực.
Xin ông cho biết những nét chính về tình hình Biển Đông kể từ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 (2016) đến nay?
Kể từ sau Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, cục diện Biển Đông nhìn chung không có sự cố lớn.
Diễn biến trên thực địa đáng lo ngại nhất là bồi đắp, tôn tạo đảo, quá trình quân sự hóa và các hoạt động hợp thức hoá nguyên trạng mới.
Trên mặt trận pháp lý, hai năm sau phán quyết của Toà Trọng tài vụ Philippines kiện Trung Quốc, Trung Quốc một mặt phản đối và không công nhận phán quyết, mặt khác đã triển khai nhiều biện pháp để hạn chế những tác động lan tỏa từ vụ kiện. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte ở Philippines có những dấu hiệu tránh đề cập phán quyết của Tòa Trọng tài.
Các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 9, tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, tháng 11/2017. |
Đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử (COC) có một số tiến triển, trong đó có việc ASEAN đã thống nhất văn bản dự thảo duy nhất làm cơ sở, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì môi trường thuận lợi cho tiến trình thương lượng. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp, không loại trừ khả năng quá trình đàm phán COC có thể kéo dài.
Cùng với tình hình này là các thách thức an ninh phi truyền thống như sự cạn kiệt nguồn tài nguyên sinh vật biển hay các vấn đề về môi trường tiếp tục diễn biến theo hướng báo động hơn. Chính vì vậy, Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 vừa qua đã ghi nhận sự quan ngại sâu sắc về rác thải biển, đặc biệt là rác thải nhựa bởi nó đe dọa đa dạng sinh học biển và sức khỏe con người, cũng như ảnh hưởng xấu tới các hoạt động du lịch và đánh bắt cá.
Kể từ sau Hội nghị 29, chính sách của các nước có nhiều điểm mới. Trung Quốc thúc đẩy các sáng kiến “Vành đai, Con đường”, trong đó có nội dung “Con đường Tơ lựa trên biển” trong khi Mỹ đề xuất “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Trong bối cảnh đó, ASEAN phải tích cực điều chỉnh để thích nghi, cố gắng bảo đảm vai trò trung tâm, đoàn kết nội khối, duy trì được các cuộc thảo luận về vấn đề Biển Đông, tiến hành đàm phán COC theo hướng thực chất, hiệu quả với Trung Quốc.
Do những diễn biến mới và do có lợi ích ở các mức độ khác nhau, gần đây các nước tầm trung như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Anh, Pháp đã thể hiện mức độ quan tâm lớn hơn đối với vấn đề Biển Đông, bằng cả tuyên bố và hành động.
Ông có dự báo gì về tình hình ở Biển Đông trong thời gian tới? Tình hình đó sẽ tác động tới Việt Nam ra sao?
Tình hình Biển Đông trong thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do nguyên nhân gốc rễ của vấn đề chưa được giải quyết. Nếu xu hướng quân sự hóa, chính trị cường quyền và cạnh tranh nước lớn gia tăng thì tình hình có thể sẽ bị đẩy lên mức căng thẳng mới, không loại trừ cả khả năng va chạm xung đột dù vô tình hay cố ý.
Tương tác nhiều chiều tại Biển Đông, nhất là giữa các nước lớn cũng đặt ra các bài toán cho các nước ASEAN và Việt Nam trong việc bảo đảm thế cân bằng chiến lược có lợi cho hòa bình ổn định. Đồng thời, hơn bao giờ hết, nhu cầu xây dựng một trật tự dựa trên luật pháp, cụ thể trong vấn đề Biển Đông là luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982, trở nên ngày càng cấp thiết.
Xu hướng này sẽ đem lại cả mặt thuận và không thuận cho Việt Nam. Mặt thuận là nhìn chung các nước đều chia sẻ nhu cầu giữ vững hòa bình ổn định, cùng ứng phó với các thách thức chung, duy trì tiến trình ngoại giao, ví dụ trong ASEAN và giữa ASEAN với các nước. Việt Nam có thể tranh thủ xu thế này để thực hiện các mục tiêu đồng thời nâng cao năng lực trên biển. Mặt không thuận là do có sự thay đổi nguyên trạng trên thực địa, tương quan so sánh lực lượng, cũng như tính toán của các bên còn khác nhau, tình hình trên Biển Đông sẽ diễn biến phức tạp và khó lường hơn đối với Việt Nam.
Xin ông cho biết những đóng góp của Ngoại giao kênh II vào giải quyết tranh chấp trên Biển Đông?
Việc giao lưu, trao đổi thường xuyên giữa các nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế, còn gọi là ngoại giao kênh II, giúp các bên hiểu được thực trạng, bản chất vấn đề và đề xuất các sáng kiến, ý tưởng để quản lý và thúc đẩy giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Đặc biệt, ý kiến của học giả dựa trên nghiên cứu khoa học khách quan giúp đấu tranh chống lại các luận điệu ngụy biện, tuyên truyền và thậm chí “xuyên tạc sự thật”, giúp đề xuất các biện pháp quá độ và lâu dài trên các khía cạnh khác nhau của vấn đề Biển Đông, từ giải quyết tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đến hợp tác bảo vệ môi trường, hợp tác nghề cá đến tránh va chạm trên biển, xây dựng lòng tin, bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải.
Với vai trò là một bên kênh II hoạt động tích cực, trong thời gian qua, Viện Biển Đông đã tổ chức các hội thảo quốc tế có quy mô và uy tín như Hội thảo Quốc tế về Biển Đông. Cho tới nay, chuỗi Hội thảo này đã bước vào năm thứ 9, thu hút được hàng nghìn lượt đại biểu tham dự Hội thảo, trong đó có các học giả, chuyên gia hàng đầu Việt Nam và quốc tế, nhiều thẩm phán, luật sư có uy tín, đại diện từ nhiều cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam và phóng viên từ hàng chục hãng tin trong và ngoài nước tham dự.
Cùng với đó, Viện Biển Đông phối hợp với các đối tác quốc tế tổ chức các sự kiện tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về biển đảo, ví dụ như thông qua series Đối thoại biển (Ocean Dialogue) với sự tài trợ của Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung – Đức và Đại sứ quán Australia tại Hà Nội và hợp tác về chuyên môn trong các hoạt động thi tìm hiểu, bồi dưỡng, tập huấn, trao đổi học thuật của một số tổ chức có liên quan. Trong hai năm 2016-2017, Viện cũng phối hợp với Đại sứ quán Anh và Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội tổ chức 2 Hội thảo đánh giá cục diện, phân tích chính sách của các bên và đưa ra khuyến nghị các giải pháp.
Bên cạnh đó, Viện cũng tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các học giả đến từ nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có các quốc gia có và không có tranh chấp trực tiếp với Việt Nam, nhằm chia sẻ thông tin, trao đổi đánh giá từ đó thu hẹp khoảng cách nhận thức, tạo hiểu biết chung, góp phần giảm thiểu căng thẳng, tăng cường hợp tác, đóng góp cho hòa bình ổn định chung và tìm giải pháp lâu dài cho vấn đề Biển Đông.
Một nỗ lực khác phải kể đến của kênh II – Viện Biển Đông đó là, Viện đã xuất bản hàng chục cuốn sách, hàng trăm bài báo trong nước, quốc tế cùng nhiều chuyên đề, đề tài nghiên cứu. Có những ấn phẩm nhằm cung cấp thông tin, hiểu biết cơ bản về tổng quan tranh chấp ở Biển Đông, nhưng cũng có những ấn phẩm có giá trị học thuật cao, chuyên sâu do các nhà xuất bản lớn trong và ngoài nước phát hành.
Trong tương lai, Việt Nam cần làm gì để phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà nghiên cứu về Biển Đông, thưa ông?
Để làm được điều này, Viện Biển Đông sẽ tăng cường công tác định hướng nghiên cứu, tích cực bồi dưỡng, phát triển đội ngũ chuyên gia, tập trung vào các công việc sau (i) tiếp tục hoàn thiện quy hoạch đội ngũ cán bộ nghiên cứu, đẩy mạnh công tác đào tạo và tái đào tạo cán bộ nghiên cứu theo hướng chuyên sâu, chuyên ngành; (ii) hỗ trợ, khuyến khích cán bộ nghiên cứu chủ động tìm hướng đào tạo, bồi dưỡng mới, tăng số lượng nghiên cứu viên có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, có năng lực, kinh nghiệm nghiên cứu trên các vấn đề cụ thể; (iii) tham gia nâng cao nhận thức trong nhân dân, giới học giả, hoạch định chính sách, công luận, học sinh sinh viên, các địa phương, Bộ, ngành để tạo đồng thuận chung về đường lối và hoạt động của Việt Nam tại Biển Đông; (iv) tích cực xây dựng, mở rộng mạng lưới học thuật, đối tác hợp tác nghiên cứu, gồm cả các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước để đa dạng sản phẩm nghiên cứu, tăng tính phản biện, tăng cường chiều sâu cho các khuyến nghị chính sách.
Xin trân trọng cảm ơn ông.
Mỹ đưa tàu sân bay USS Ronald Reagan tới Biển Đông Ngày 26/6, tàu sân bay USS Ronald Reagan với hơn 70 máy bay các loại đã có mặt ở vịnh Manila. |
Tìm kiếm ý tưởng hợp tác quản lý tranh chấp khu vực Biển Đông Ngày 11/6, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao, Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung (Đức) và Đại sứ quán Australia tại Hà Nội đã đồng tổ chức buổi ... |
ASEAN kêu gọi kiềm chế, tránh làm tình hình phức tạp tại Biển Đông Ngày 08/6, các Quan chức Cao cấp ASEAN và Trung Quốc đã họp Hội nghị Tham vấn lần thứ 24 (ACSOC-24) tại Singapore. Thứ trưởng ... |