📞

Thế giới sống chung với dịch Covid-19, lựa chọn khó khăn, biện pháp khả dĩ

Vũ Đăng Minh 20:00 | 01/07/2021
Phòng, chống đại dịch Covid-19 trở thành chủ đề nóng trên các diễn đàn quốc tế, hội nghị thượng đỉnh, gặp gỡ song phương, đa phương.
Covid-19 tác động lên thế giới theo cách không ai mong muốn. (Nguồn: AA)

“Khách không mời”

Virus SARS-CoV-2 đến ngôi nhà chung của chúng ta bằng cách nào, còn là điều tranh cãi. Điều đáng nói là nó gây ra “…một cuộc khủng hoảng không giống với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trước đây”. Đó là đánh giá của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong thông điệp gửi cộng đồng thế giới nhân chương trình âm nhạc trực tuyến “Một thế giới: Cùng nhau ở nhà” ngày 19/4.

Đại dịch lập những kỷ lục buồn, diễn ra trên hầu hết các quốc gia, kéo dài hơn năm rưỡi. Tính đến ngày 1/7, toàn thế giới có 183.056.434 ca nhiễm virus, 3.964.509 người tử vong. Con số đó chưa có dấu hiệu dừng lại.

Đại dịch Covid-19 đảo lộn thế giới, nền kinh tế đứng trước nguy cơ rơi vào thời kỳ tồi tệ nhất, phân hóa giàu nghèo giữa các quốc gia, các nhóm người gia tăng. Hình thành “nền kinh tế thời Covid-19”, hình thức làm việc, dạy, học trực tuyến… Lần đầu tiên phòng, chống đại dịch Covid-19 trở thành chủ đề nóng trên các diễn đàn quốc tế, hội nghị thượng đỉnh, gặp gỡ song phương, đa phương.

Xuất hiện chính sách “ngoại giao vaccine”. Vaccine trở thành thứ vũ khí lợi hại, hàng hóa đặc biệt có điều kiện trong quan hệ giữa một số quốc gia. Cuộc chiến tranh cãi về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ và một số nước phương Tây.

Tình hình đến mức mà lần đầu tiên trong lịch sử 75 năm của Liên hợp quốc, Tổng thư ký Antonio Guterres phải đưa ra lời kêu gọi “ngừng bắn trên toàn thế giới” để các nước bị ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, nội chiến, xung đột vũ trang tập trung vào phòng, chống đại dịch.

Dự báo buồn

Trong 18 tháng qua, thế giới gồng mình đối phó với đại dịch bằng mọi hình thức, biện pháp có thể. Từ miễn dịch cộng đồng, xét nghiệm, truy vết nguồn lây nhiễm, thực hiện giãn cách xã hội, cách ly, đóng cửa biên giới, đeo khẩu trang, khử khuẩn đến chiến dịch vaccine…

Tuy nhiên, việc ngăn chặn lây nhiễm virus vẫn chưa khả quan. Trong 24 giờ qua, trên thế giới, số ca lây nhiễm mới tăng 358.701, số người tử vong tăng 7.932. Các quốc gia được xem là hình mẫu, triển khai tiêm chủng từ 50-60% dân số như Israel, Singapore… Nga, Anh và một số quốc gia khác đã sản xuất được nhiều loại vaccine, đủ để tiêm chủng cho người dân và xuất khẩu.

Nhưng ở đó, tình trạng lây nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng, nhất là nhóm người chưa được tiêm chủng. Ngày 27/6, chính phủ Malaysia phải kéo dài đợt phong tỏa thêm 1 tháng nữa khi có hơn 6.000 ca lây nhiễm mới trong 1 ngày.

Câu hỏi “đại dịch kết thúc khi nào và như thế nào” chưa có đáp án xác đáng.

Hy vọng “miễn dịch cộng đồng” được cho là còn xa, thậm chí đến tận năm 2022.

Ông Nachman Ash, lãnh đạo nhóm chuyên gia phòng, chống đại dịch của Israel thừa nhận: “chưa rõ là cục bộ hay khởi phát khởi đầu của một đợt bùng phát rộng hơn”.

Một chuyên gia Israel khác, ông Eyal Leshem đưa ra dự báo đầy bi quan: “thế giới đang chứng kiến dấu hiệu về một cuộc sống mà virus covid-19 không bao giờ thực sự biến mất”!

Buồn thay, ý kiến đó không phải là cá biệt. Nhiều lãnh đạo và chuyên gia đồng tình với ông Eyal Leshem. Vì sao?

Thực tế đã xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, chủng sau nguy hiểm hơn chủng trước. Chủng Alpha, xuất hiện đầu tiên ở Anh lây lan mạnh hơn 50% so với chủng khởi đầu tại Vũ Hán, Trung Quốc. Chủng Delta mới nhất, xuất hiện đầu tiên ở Ấn Độ lan mạnh hơn 50% so với chủng Alpha. Hiện chủng Delta đã xuất hiện ở hơn 80 quốc gia.

Dự báo sẽ có thể tiếp tục xuất hiện những biến thể mới còn nguy hiểm hơn, khó ngăn chặn hơn. Chưa đủ cơ sở để kết luận các loại vaccine hiện nay có tác dụng đầy đủ với các biến thể virus mới không?

Thậm chí có chuyên gia lo ngại Delta và các biến chủng mới khác có thể phá vỡ “lá chắn vaccine”.

Hy vọng “miễn dịch cộng đồng” được cho là còn xa, thậm chí đến tận năm 2022. Trong những năm tới, virus SARS-CoV-2 vẫn len lỏi trên toàn cầu; chiến dịch tiêm chủng vẫn chưa được phổ cập ở tất cả các quốc gia và không thể ngăn chặn mãi việc di chuyển quốc tế. Những người chưa được tiêm chủng tại các quốc gia vẫn sẽ lây nhiễm virus.

Lựa chọn khó khăn

Thực tiễn đặt thế giới trước một lựa chọn rất khó khăn, nhưng không thể tránh khỏi. Đó là: kiên trì nỗ lực xóa sổ dịch bệnh hay chấp nhận sống chung với đại dịch covid-19.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho rằng “xóa sổ virus” trên phạm vi toàn cầu chỉ là hy vọng, thậm chí là “nhiệm vụ bất khả thi”. Không chỉ khó mà còn kéo theo tình trạng tiếp tục phong tỏa, hạn chế sản xuất, giao lưu, thương mại, bỏ ngỏ khả năng phục hồi nền kinh tế.

Không ít quốc gia, khu vực lo ngại tình trạng đói nghèo không kém gì dịch bệnh.

Do đó, lựa chọn sống chung với đại dịch là phương án khả dĩ nhất hiện nay. Chính phủ Singapore đang xây dựng kế hoạch chuyển đất nước sang một trạng thái bình thường mới. Một số nước cũng có chủ trương tương tự.

Tiêm chủng rộng rãi là chìa khóa, công cụ cơ bản, lâu dài để kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19. (Nguồn: Edmonton Journal)

Tư duy mới, cách làm khác

Sống chung với đại dịch Covid-19 đòi hỏi các chính phủ và người dân phải có tư duy mới, cách làm khác. Theo đó, Covid-19 được xem là một căn bệnh đặc hữu, tái phát nhưng có thể kiểm soát được, như các dịch bệnh khác.

Sống chung với đại dịch Covid-19 không có nghĩa là sống trong một xã hội bị hạn chế, đóng cửa, giãn cách xã hội trở thành trạng thái phổ biến. Các chính phủ cần xây dựng chính sách linh hoạt, cân bằng giữa phòng chống đại dịch và phục hồi, phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu kép. Thận trọng, chủ động, hạn chế rủi ro, không để bùng phát lây nhiễm. Tiến hành các biện pháp phòng chống đại dịch sao cho ít làm gián đoạn cuộc sống bình thường nhất; tạo điều kiện để nền kinh tế, nền giáo dục và các lĩnh vực xã hội khác tiếp tục hoạt động.

Phong tỏa, đóng cửa biên giới chỉ là biện pháp tạm thời. Xét nghiệm không chỉ là công cụ truy nguồn khoanh vùng ổ dịch, cách ly, mà sẽ được sử dụng nhiều hơn để sàng lọc, đảm bảo các sự kiện đông người, hoạt động xã hội và chuyến đi nước ngoài có thể diễn ra an toàn.

Tiêm chủng rộng rãi là chìa khóa, công cụ cơ bản, lâu dài để kiểm soát hiệu quả đại dịch. “Hộ chiếu vaccine” cũng là biện pháp hữu hiệu để mở cửa du lịch, giao thương.

Muốn vậy, như thông điệp của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres: để vượt qua đại dịch phải đoàn kết, “cùng nhau, chúng ta sẽ đánh bại con virus này và xây dựng lại một thế giới công bằng hơn - với tư cách là những công dân toàn cầu đoàn kết và các quốc gia thống nhất”.