📞

Thêm "bước đột phá" trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

20:27 | 17/10/2016
Hơn 150 quốc gia vừa đạt một thỏa thuận mang tính bước ngoặt để giảm lượng khí thải gây ra bởi một hóa chất được sử dụng trong các tủ lạnh và máy điều hòa nhiệt độ.

Liên hợp quốc gọi đây là một "bước đột phá" trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vì hiệp ước được ký kết cuối tuần qua tại Kigali, thủ đô của Rwanda có thể ngăn chặn nhiệt độ toàn cầu tăng lên đến 0,5 độ C vào cuối thế kỷ này.

Theo hiệp ước này, các nước thỏa thuận giảm việc sử dụng chất hydrofluorocarbons (HFC), thường được sử dụng trong tủ lạnh và điều hòa không khí. Việc sử dụng HFC gây ra phát thải loại khí nhà kính cực kỳ mạnh, có thể giữ nhiệt trong bầu khí quyển của Trái Đất mạnh hơn hàng ngàn lần so với carbon dioxide (CO2), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại hội nghị ở Kigali, Rwanda. (Nguồn: NPR)

Liên hợp quốc cho biết thỏa thuận này là một bước tiến quan trọng hướng tới mục tiêu "giữ sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C” - một mục tiêu đã được các nước nhất trí tại hội nghị về khí hậu tổ chức ở Paris (Pháp) năm ngoái."

Nỗ lực không thể ngăn cản

Thỏa thuận mới này cung cấp "cung cấp thời gian biểu cụ thể để thay thế chất HFC bằng nhiều sự lựa chọn khác thân thiện hơn với hành tinh" - theo tờ Times.

So với hiệp định Paris, kết quả của thỏa thuận Kigali "có thể có một tác động tương đương hoặc thậm chí lớn hơn về những nỗ lực để làm chậm quá trình tăng nhiệt của hành tinh," tờ Times nhận định.

"Đây là một tuyên bố rõ ràng của tất cả các nhà lãnh đạo thế giới rằng việc nỗ lực chống biến đổi khí hậu, bắt đầu bằng Hiệp ước ở Paris, là không thể đảo ngược và không thể ngăn cản", giám đốc Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc, ông Erik Solheim cho biết. "Nó cho thấy sự đầu tư tốt nhất chính là những công nghệ sạch, hiệu quả."

Biến đổi khí hậu gây ra những hậu quả nghiêm trọng như hạn hán. (Nguồn: AFP)

Thỏa thuận này đặt ra một lịch trình cho các nước phải giảm sử dụng chất HFC.

Theo UNEP, "các nước phát triển, bao gồm Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ bắt đầu ngừng sử dụng HFC từ năm 2019". "Các nước đang phát triển sẽ bắt đầu ngừng sử dụng HFC vào năm 2024, riêng một số nước sẽ từ năm 2028", thông báo của UNEP cho biết.

Các nước phải ngừng dùng HFC năm 2028 bao gồm Ấn Độ, Pakistan và một số nước vùng Vịnh, với lí do là nền kinh tế của họ cần thêm thời gian để phát triển.

(theo NPR/AFP)