Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif ký thỏa thuận hợp tác vào ngày 27/3 tại Tehran, Iran. (Nguồn: CNBC) |
Trung Quốc – Iran bắt tay, Mỹ lo lắng?
Ngày 27/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif đã ký một thỏa thuận hợp tác trên quy mô lớn về kinh tế và an ninh, kéo dài 25 năm, được phát trực tiếp trên truyền hình nhà nước Iran.
Động thái trên được xem là một trong những nỗ lực của Iran nhằm thúc đẩy các mối quan hệ ngoại giao với các cường quốc không thuộc phương Tây.
Thông tin chi tiết về thỏa thuận chưa được công bố, song theo bản dự thảo thỏa thuận được tiết lộ hồi năm ngoái, Trung Quốc sẽ đầu tư vào các dự án năng lượng hạt nhân, cảng, đường sắt và cơ sở hạ tầng khác của Iran để chuyển giao công nghệ quân sự và đầu tư vào ngành dầu khí của Iran.
Hãng thông tấn Tasnim bán chính thức của Iran ngày 27/3 cho biết, để đổi lại các khoản đầu tư, Trung Quốc sẽ nhận được nguồn cung dầu ổn định từ Iran, Hai nước cũng đồng ý thành lập ngân hàng Iran - Trung Quốc để có thể giúp Tehran né tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trước khi thỏa thuận được ký kết, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 26/3 nhấn mạnh: "Sự hợp tác này là cơ sở để Iran và Trung Quốc tham gia các dự án lớn và phát triển cơ sở hạ tầng”, trong đó có sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Bắc Kinh - một chiến lược phát triển và đầu tư toàn cầu rộng lớn của Trung Quốc.
Thỏa thuận này cũng làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa Tehran và Bắc Kinh vào thời điểm Trung Quốc đang tìm kiếm thêm ảnh hưởng ở Trung Đông, còn Iran đang tìm kiếm sự hỗ trợ đối với nền kinh tế đang chao đảo do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Ngoại trưởng Vương Nghị: "Quan hệ của chúng tôi với Iran sẽ không bị ảnh hưởng bởi tình hình hiện nay mà sẽ là mối quan hệ lâu dài và chiến lược. Iran độc lập quyết định về mối quan hệ của mình với các nước khác và không giống như một số nước khác thay đổi lập trường chỉ với một cuộc điện thoại". |
Trong những năm gần đây, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại quan trọng của Iran, là "cửa thoát hiểm" chính của Iran trong bối cảnh Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với hệ thống ngân hàng và các mặt hàng xuất khẩu chính của Iran, trong đó có dầu mỏ.
Năm 2018, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm buộc Tehran phải đàm phán một thỏa thuận mới và quy mô lớn hơn. Iran và Mỹ hiện tranh cãi về cách quay trở lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân này.
Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 từng mở ra triển vọng khai thông các dòng đầu tư nước ngoài vào Iran, nhưng việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận, kèm theo đó là các lệnh trừng phạt khắc nghiệt, đã ngăn cản nhiều công ty phương Tây đổ tiền vào Iran.
Giờ đây, thỏa thuận với Trung Quốc mang lại cho Iran triển vọng về một dòng đầu tư nước ngoài rất cần thiết.
Dina Esfandiary, thành viên của Tổ chức Thế kỷ (The Century Foundation) và là đồng tác giả của một cuốn sách viết về mối quan hệ của Iran với Trung Quốc và Nga, nói: “Nó (thỏa thuận với Trung Quốc) cho phép Iran cứng rắn hơn một chút. Nó sẽ khiến châu Âu và Mỹ lo lắng hơn vì có vẻ như Iran đã tìm được một lối thoát cho nền kinh tế vốn đang bị bóp nghẹt của mình”.
“Đồng minh trong mọi thời tiết”?
Lượng dầu mà Trung Quốc nhập khẩu từ Iran đã tăng mạnh trong những tháng gần đây.
Trung Quốc dự kiến sẽ nhập khẩu 918.000 thùng/ngày từ Iran trong tháng 3/2021, mức cao nhất kể từ khi Mỹ áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ hoàn toàn đối với Tehran cách đây 2 năm.
Tin tức nói trên đã khiến chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo rằng họ sẽ thực thi các biện pháp trừng phạt có từ thời Tổng thống Trump nhằm vào dầu lửa của Iran, đồng thời áp dụng các lệnh trừng phạt này đối với Trung Quốc.
Việc nối lại một số hoạt động buôn bán dầu mỏ, cùng với một ngành công nghiệp trong nước được củng cố, đã thúc đẩy tăng trưởng của Iran, dù ở mức khiêm tốn. Thỏa thuận cũng được đánh giá giúp Tehran có được một số đòn bẩy trong các cuộc đàm phán hạt nhân tiềm tàng với chính quyền Biden.
Tổng thống Biden cho biết ông sẵn sàng quay trở lại thỏa thuận hạt nhân nếu Iran thực hiện các cam kết trong thỏa thuận mà nước này đã từng bước vi phạm kể từ năm 2019. Trong khi đó, Tehran đề nghị Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt trước khi chấp nhận bất kỳ yêu cầu nào của Washington.
Tháng 2 vừa qua, Iran đã từ chối lời mời của Liên minh châu Âu (EU) tham gia các cuộc đàm phán không chính thức với Washington vì các biện pháp trừng phạt vẫn chưa được dỡ bỏ trước. Kể từ đó, hai bên vẫn "án binh bất động".
Mối quan hệ của Iran với Trung Quốc đã có từ nhiều thập kỷ trước, nhưng sự phụ thuộc ngày càng tăng của Tehran vào Bắc Kinh đã khiến nhiều người Iran chỉ trích rằng chính phủ đang dung túng để Trung Quốc có quá nhiều ảnh hưởng kinh tế đối với các lĩnh vực quan trọng của đất nước.
Tâm lý chống Trung Quốc trong đại dịch Covid-19 đã làm tăng thêm những lời chỉ trích như vậy.
Tuy nhiên, bà Esfandiary cho rằng đối với Iran, thỏa thuận với Trung Quốc giúp Iran gửi đi một tín hiệu rằng, họ có các đồng minh hùng mạnh, trong đó có một quốc gia có ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Mặc dù vậy, theo bà Esfandiary, mối quan hệ đối tác này có giới hạn và sẽ không làm thay đổi cách Trung Quốc kinh doanh ở Trung Đông.
Bà Dina Esfandiary khẳng định: “Trung Quốc sẽ ủng hộ Iran nếu điều đó phù hợp với lợi ích của Bắc Kinh và sẽ phớt lờ Iran nếu quan hệ đối tác không mang lại lợi ích cho Bắc Kinh".