Thỏa thuận AUKUS giữa Australia, Anh và Mỹ thể hiện cam kết của các bên tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (Nguồn: AP) |
AUKUS là gì?
Đây là một liên minh phòng thủ chiến lược ba bên mới giữa Australia, Anh và Mỹ. Ba nước cam kết hợp tác với nhau tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc; hợp tác phát triển tàu ngầm chạy bằng nhiên liệu hạt nhân và những công nghệ tiên tiến khác.
Australia sẽ chấm dứt hợp đồng ký với Pháp vào năm 2016 để đóng 12 tàu ngầm chạy bằng điện diesel nhằm thay thế hạm đội tàu ngầm Collins hiện có của nước này.
AUKUS cũng đánh dấu lần đầu tiên Mỹ chia sẻ công nghệ tàu hạt nhân với một đồng minh ngoài Anh.
Lý do Australia “quay xe”
Australia nhận thức được những mối đe dọa từ Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các tàu ngầm hạt nhân có phạm vi hoạt động xa hơn, nhanh hơn và khó bị phát hiện hơn.
Cố vấn an ninh quốc gia của Vương quốc Anh, Stephen Lovegrove cho rằng AUKUS “là hợp tác khả thi và quan trọng nhất trên thế giới trong vòng 6 thập niên qua”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng cần thiết phải duy trì một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, đồng thời phải nắm bắt được “môi trường chiến lược hiện tại” của khu vực.
Phản ứng của Trung Quốc
Trong thông cáo ngày 16/9, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ phản đối sự hợp tác và cho rằng Mỹ, Anh, Australia đang nhắm vào nước này: "Các quốc gia nên rũ bỏ tâm lý chiến tranh lạnh và định kiến về ý thức hệ".
Ngày 15/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố thành lập AUKUS ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó, Washington và London sẽ cung cấp cho Canberra công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân. |
Các cặp quan hệ song phương giữa 3 nước Mỹ, Australia, Anh với Trung Quốc vốn xuống mức thấp trong thời gian qua.
AUKUS không chỉ đích danh Trung Quốc là mối đe dọa, sobg Bắc Kinh ngầm hiểu rằng mục tiêu của AUKUS chính là mình.
Trung Quốc cũng đặt câu hỏi về cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân của Australia. Thời báo Hoàn cầu thậm chí còn có quan điểm cứng rắn cho rằng: “Quân đội Australia cũng rất có thể là lứa lính phương Tây đầu tiên phải bỏ mạng ở Biển Đông”.
Khi nào tàu ngầm sẵn sàng và ai sẽ chế tạo?
Hiện chưa có thời gian cụ thể cho sự ra đời của các tàu ngầm hạt nhân. Tuy nhiên, 3 nước cho biết quá trình này sẽ kéo dài 18 tháng.
Có khả năng Mỹ sẽ tạm thời vận hành các tàu ngầm tấn công tại HMAS Stirling, một căn cứ hải quân của Australia ở gần thành phố Perth.
Mỹ sẽ dẫn đầu trong các dự án hợp tác và hiện vẫn chưa rõ chính xác công nghệ tàu hạt nhân mà Mỹ sẽ chia sẻ cũng như vai trò của Anh trong việc sản xuất tàu ngầm hạt nhân cho Australia.
Tin liên quan |
Hậu AUKUS, Mỹ bảo đảm không để Australia 'một mình chịu trận' trước sức ép từ Trung Quốc |
Nước Pháp “cay đắng”
Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian tuyên bố lấy làm tiếc vì hành động của Australia.
Trực tiếp bình luận trên phát thanh và truyền hình Pháp ngày 16/9, ông nhấn mạnh, "tôi thực sự tức giận và cay đắng trước quyết định này".
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh, "đó không phải cách hành xử giữa các đồng minh. Chưa nói hai bên đã dành tới 2 năm để đàm phán từ 2014 đến 2016, trong đó Australia muốn có sự tự chủ chiến lược, yêu cầu chuyển giao công nghệ rất nhiều, hợp đồng kéo dài tới 50 năm".
Cuối cùng, Pháp đã có được hợp đồng vì đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của Australia trong cạnh tranh với các đối thủ khác như Đức, Nhật ở thời điểm đó.
Tới năm 2019, hai bên đã ký thêm thỏa thuận khung, quan hệ đối tác nhằm thúc đẩy nhanh nhất để chiếc tàu ngầm đầu tiên dự kiến sẽ được giao vào khoảng năm 2023.
Tác động tạm thời tới cục diện quốc tế?
Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington sẽ vẫn khó khăn.
Liên minh phương Tây cũng tiếp tục lung lay. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tin rằng những tính toán của Australia về tàu ngầm đã được đáp ứng.
Canberra liên tục cảnh báo Paris về sự chậm trễ trong hợp tác và Washington có thể đã đưa ra một thỏa thuận mà Australia không thể chối từ.
Thêm nữa, dường như Mỹ không hoàn toàn tin tưởng ông Macron trong ứng xử với Trung Quốc. Ông Macron thường xuyên đề cập đường lối trung lập giữa hai cường quốc và một châu Âu độc lập bên cạnh Mỹ và Trung Quốc.
Trả lời câu hỏi của Reuters liệu thỏa thuận AUKUS có nhằm vào Trung Quốc hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói: “Thỏa thuận này không nhằm vào bất cứ điều gì hoặc bất kỳ ai, mục đích là giúp cải thiện hợp tác ba bên và năng lực của chúng tôi”. |
Như vậy, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một liên minh quốc phòng mạnh mẽ mới ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
AUKUS cũng tái khẳng định rằng, sau Brexit, Mỹ vẫn muốn Anh, chứ không phải EU, tham gia với tư cách là đối tác quân sự quan trọng của mình.
AUKUS còn cho thấy sự tập trung thời kỳ hậu Afghanistan của Tổng thống Biden là châu Á.
Ngày 24/9 tới, Tổng thống Biden sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của nhóm Bộ tứ (Quad) gồm Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ.
| Căng thẳng Pháp-Australia hậu AUKUS: Nga nhắc nhẹ vụ Moscow từng bị Paris 'bùng' hợp đồng Ngày 16/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tỏ ra ngạc nhiên trước phản ứng của Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ... |
| Ba điểm khác biệt của thỏa thuận Mỹ-Anh-Australia (AUKUS) Điều gì khiến thỏa thuận 'bộ ba' Mỹ-Anh-Australia tách mình khỏi nhiều cơ chế khác tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương? Báo Thế giới & ... |