📞

Thông điệp về hợp tác, tạo ra xã hội an toàn hơn cho phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam

Nhã Anh 21:08 | 14/10/2024
Đó là điều Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) Pio Smith nhấn mạnh trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, đồng thời tái khẳng định cam kết không ngừng của UNFPA trong việc hợp tác giải quyết tình trạng bạo lực trên cơ sở giới.
Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương UNFPA Pio Smith nói chuyện, khẳng định cam kết không ngừng của UNFPA trong việc hợp tác giải quyết tình trạng bạo lực trên cơ sở giới. (Nguồn: UNFPA)

Trong bốn thập kỷ qua, chính phủ Việt Nam đã hợp tác với UNFPA và đạt những bước tiến tích cực trong việc giải quyết tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, tăng cường các dịch vụ hỗ trợ cho người bị bạo lực.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 người từng chịu 1 hoặc hơn 1 hình bạo lực do chồng/bạn tình gây ra. Tuy nhiên, hơn 90% phụ nữ không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.

Trong chuyến thăm Hà Nội, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương UNFPA Pio Smith đã nêu bật vấn đề này trong các buổi làm việc với Chính phủ Việt Nam, cộng đồng quốc tế và các đối tác tại Việt Nam, đồng thời tái khẳng định cam kết không ngừng của UNFPA trong việc hợp tác giải quyết tình trạng bạo lực trên cơ sở giới.

Ông Smith nhấn mạnh tầm quan trọng của phương pháp tiếp cận tích hợp, đa ngành để giải quyết bạo lực trên cơ sở giới, bao gồm thông qua việc mở rộng các Trung tâm dịch vụ một cửa, Ngôi nhà Ánh Dương trên khắp Việt Nam.

Các trung tâm này cung cấp các dịch vụ tích hợp, thiết yếu và toàn diện cho người bị bạo lực trên cơ sở giới, bao gồm các dịch vụ y tế, xã hội, tư pháp và bảo vệ. Cho đến nay, 4 trung tâm Ánh Dương đã được thành lập với sự hỗ trợ của UNFPA. UNFPA hiện đang tiến hành kế hoạch mở rộng sáng kiến hơn nữa để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ của người bị bạo lực trên cơ sở giới.

Nhận thấy những tiến bộ đã đạt được gần đây để chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam, ông Smith cho biết: "Nhiều nỗ lực đã được thực hiện trong bốn thập kỷ qua để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam. Đầu tư vào bình đẳng giới và giải quyết bạo lực không chỉ là nghĩa vụ đạo đức mà còn là đem lại lợi ích cho nền kinh tế. Việc ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái có thể thúc đẩy tăng năng suất và cải thiện phúc lợi của các thế hệ tương lai. UNFPA cam kết tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và đối tác trong việc xây dựng một xã hội an toàn và công bằng hơn cho tất cả mỗi chúng ta".

Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương UNFPA Pio Smith (thứ hai từ trái sang) tại buổi làm việc với bà Hoàng Thị Thanh Nga, Phó Vụ trưởng, Vụ Các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao (thứ ba từ trái sang). (Nguồn: UNFPA)

Chuyến thăm của Giám đốc khu vực diễn ra vào thời điểm quan trọng sau cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam vào tháng trước và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cộng đồng dễ bị tổn thương, gia tăng nguy cơ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

UNFPA phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đang cấp phát 1.800 bộ đồ dùng thiết yếu cho người bị bạo lực giới và phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực tại các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề do bão lũ. Bộ đồ dùng thiết yếu bao gồm các vật dụng vệ sinh cần thiết, dụng cụ an toàn và thông tin về các dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới, giúp phụ nữ tự bảo vệ mình khỏi bạo lực và duy trì nhân phẩm.

Chuyến thăm tái khẳng định mối quan hệ đối tác lâu dài của UNFPA với Việt Nam và sự cam kết từ hợp tác từ UNFPA đối với các đối tác tại Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khoẻ sinh sản và quyền của mỗi cá nhân.

Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) là cơ quan Liên hợp quốc chuyên trách về sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản. Sứ mệnh của UNFPA là “tạo ra một thế giới nơi việc mang thai được mong muốn, mọi ca sinh nở đều an toàn và tiềm năng của mỗi người trẻ tuổi đều được phát huy”.

UNFPA phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan nhằm cải thiện khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản có chất lượng, thúc đẩy quyền sinh sản, giảm tử vong mẹ, thu thập và phân tích dữ liệu dân số chất lượng cao, giải quyết vấn đề bình đẳng giới và bạo lực giới, tận dụng cơ hội của cơ cấu dân số vàng, thúc đẩy sự phát triển của thanh niên và đối phó với thách thức già hóa dân số.