Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Minh Châu/TG&VN) |
Được biết từ ngày 6-7/6/2013 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm của các nước FEALAC về chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm phát triển bền vững”, xin Ông cho biết về Diễn đàn FEALAC và ý tưởng tổ chức Hội thảo này?
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Tôi xin được nêu 3 điểm,
Thứ nhất, Diễn đàn hợp tác Đông Á – Mỹ Latinh (FEALAC) ra đời năm 1999; Việt Nam là thành viên sáng lập. Qua 14 năm phát triển, FEALAC thực sự là một nhịp cầu nối 36 nước thành viên của hai châu lục, trong đó có các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ố-xtrây-li-a, Ác-hen-ti-na, Bra-xin, Chile, Mê-hi-cô v.v... Các nước thành viên FEALAC chiếm 40% dân số và 30% quy mô kinh tế toàn cầu và được dự đoán sẽ đóng góp tới 66% tăng trưởng kinh tế của thế giới trong năm 2013.
Thứ hai, sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, mô hình phát triển là vấn đề thời sự đối với các quốc gia. Liệu mô hình thị trường tự do của Mỹ, mô hình xã hội phúc lợi của Tây Bắc Âu, hay mô hình thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, là mô hình hiệu quả nhất? Đây cũng là câu hỏi các nước FEALAC đang trăn trở. Trên hành trình đi tìm câu trả lời, nhiều nước thành viên FEALAC đã trải nghiệm việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng và đã đạt được một số kết quả quan trọng. Từ nhu cầu và thực tiễn đó, rất cần tạo một diễn đàn để các nước FEALAC trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, bài học về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững.
Thứ ba, với tinh thần chủ động và có trách nhiệm, Việt Nam đã tích cực tham gia vào các hoạt động của FEALAC và giữ vai trò đồng chủ trì Nhóm công tác Kinh tế - Xã hội FEALAC nhiệm kỳ 2011-2013, một trong 3 trụ cột của FEALAC (hai trụ cột khác là Chính trị - Văn hóa – Giáo dục – Thể thao; Khoa học – Công nghệ). Việt Nam đã nêu sáng kiến tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm của các nước FEALAC về chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm phát triển bền vững”. Sáng kiến này đã nhận được sự hưởng ứng của của 27 nước thành viên FEALAC, nhiều tổ chức kinh tế-tài chính có uy tín như Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IADB), ASEAN…, cùng các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam.
Xin Ông cho biết đôi nét về nội dung của Hội thảo và một số kết quả chính mà Hội thảo đã đạt được?
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Có thể nói Hội thảo đã đạt 3 kết quả chính:
Thứ nhất, qua trao đổi về kinh nghiệm, bài học và các khuyến nghị chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, Hội thảo đã nhất trí rằng tuy không có một mô hình tăng trưởng chung cho tất cả, song các nền kinh tế đều cần ưu tiên gắn tăng trưởng kinh tế với an sinh xã hội, hài hòa giữa tăng trưởng và bảo vệ môi trường; gắn tái cơ cấu kinh tế và hội nhập quốc tế. Hội thảo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, phòng ngừa những biến động về tài chính-tiền tệ trong quá trình tái cơ cấu kinh tế.
Thứ hai, Hội thảo nhất trí trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cần tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước FEALAC, nhất là trên các lĩnh vực còn nhiều tiềm năng như thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực… Diễn đàn FEALAC vừa giúp thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực nêu trên giữa các nước thành viên, vừa tạo cơ chế, diễn đàn để các nước trao đổi kinh nghiệm, định hướng và tìm biện pháp hợp tác sâu rộng hơn trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Thứ ba, Hội thảo đã xác định những biện pháp cụ thể để các tổ chức quốc tế tăng cường hợp tác, hỗ trợ các nước thành viên FEALAC trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Các khuyến nghị, đề xuất tại Hội thảo được tập hợp trong Báo cáo của Chủ tọa và sẽ được gửi tới Hội nghị Bộ trưởng các nước FEALAC được tổ chức tại Bali, Indonexia vào ngày 13-14/6 sắp tới.
Đây là một trong những hoạt động ngoại giao kinh tế quan trọng do Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức trong năm nay, xin Ông cho biết ý nghĩa của Hội thảo đối với Việt Nam và đóng góp của đoàn Việt Nam tại Hội thảo lần này?
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Ngoại giao kinh tế là một trọng tâm công tác của Ngành và đây là một trong nhiều hoạt động ngoại giao kinh tế trong năm nay. Chúng tôi đánh giá Hội thảo có ý nghĩa thiết thực vì 3 lý do sau:
Thứ nhất, Hội thảo góp phần thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các nước thành viên FEALAC, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Các nước Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN… nằm trong số những đối tác kinh tế-thương mại quan trọng nhất của Việt Nam; trong khi kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước Mỹ La tinh đã tăng nhanh những năm gần đây và đạt khoảng 6 tỷ USD vào năm 2012. Thông qua Hội thảo lần này, chúng ta thấy rõ hơn tiềm năng, cơ hội cũng như biện pháp triển khai hợp tác giữa Việt Nam và các nước thành viên FEALAC.
Thứ hai, thông qua Hội thảo, các đại biểu Việt Nam đã tiếp thu nhiều kinh nghiệm bổ ích nhằm phục vụ cho tiến trình tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững hiện nay, nhất là liên quan đến các nội dung ổn định kinh tế vĩ mô, phòng ngừa khủng hoảng tài chính-tiền tệ, bảo đảm an sinh xã hội, hội nhập quốc tế, kinh tế xanh… Kinh nghiệm của Việt Nam thực hiện công cuộc Đổi mới, triển khai tái cơ cấu kinh tế cũng được các đại biểu quan tâm và đánh giá cao.
Thứ ba, Hội thảo là cơ hội tốt để các địa phương của Việt Nam quảng bá tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác FEALAC. Nhiều địa phương, doanh nghiệp tham dự Hội thảo đã kết hợp có các hoạt động trao đổi, quảng bá hình ảnh, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch tới các đoàn đại biểu quốc tế, đạt kết quả thiết thực. Nhiều đại biểu quốc tế cho rằng Việt Nam tiếp tục có “sức hút đặc biệt” với bạn bè trên thế giới.
Với tư cách là nước đề xuất và chủ trì Hội thảo, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam đã có đóng góp tích cực và hiệu quả và thành công chung của Hội thảo. Qua Hội thảo, Việt Nam đã thể hiện vai trò nước thành viên tích cực thúc đẩy tiến trình hợp tác FEALAC. Các đại biểu đều đánh giá cao ý nghĩa của việc tổ chức Hội thảo và khuyến nghị cần tiếp tục tổ chức các diễn đàn trao đổi chuyên môn về kinh tế, phát triển giữa các nước thành viên FEALAC trong thời gian tới./.