📞

Thủ tướng Ấn Độ thăm Nga: Truyền thống cũ, cân bằng mới

Hồng Phúc 07:07 | 08/07/2024
Cả Nga và Ấn Độ đều khẳng định “ý nghĩa to lớn” của chuyến thăm tới Moscow của Thủ tướng Narendra Modi từ ngày 8-9/7.
Cuộc gặp gần đây nhất giữa Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Putin diễn ra tại Hội nghị thượng đỉnh SCO ở Uzbekistan vào tháng 9/2022. (Nguồn: AP)

Hôm nay, 8/7, Thủ tướng Narendra Modi bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Moscow, tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nga-Ấn Độ thường niên lần thứ 22. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Vladimir Putin sẽ xem xét toàn bộ mối quan hệ nhiều mặt giữa hai nước và trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và toàn cầu cùng quan tâm.

Hội nghị thượng đỉnh thường niên giữa Thủ tướng Ấn Độ và Tổng thống Nga là cơ chế đối thoại mang tính thể chế cao nhất trong quan hệ song phương. Cho đến nay, 21 hội nghị đã diễn ra luân phiên ở cả hai nước. Hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất do New Delhi đăng cai vào ngày 6/12/2021.

Như vậy, chuyến thăm Moscow của Thủ tướng Modi tái khẳng định truyền thống lâu đời về việc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh thường niên giữa các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Nga. Tuy nhiên, với việc lựa chọn Nga là điểm đến trong chuyến thăm song phương đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ ba của mình, ông Modi phá vỡ một thông lệ rằng, các Thủ tướng Ấn Độ sẽ tới "chào hỏi" các nước láng giềng trước tiên trong nhiệm kỳ, cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và đặc quyền với Nga.

Hội nghị sắp tới cũng đánh dấu chuyến thăm Nga đầu tiên của Thủ tướng Modi sau gần 5 năm, khi tham dự một diễn đàn kinh tế quan trọng ở thành phố Vladivostok ở Viễn Đông vào năm 2019. Đây cũng là cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa ông Modi và ông Putin kể từ Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine (tháng 2/20222). Sau đó, hai nhà lãnh đạo chỉ gặp nhau trực tiếp một lần, bên lề Hội nghị thượng đỉnh SCO ở Uzbekistan vào tháng 9/2022.

"Đây là một truyền thống tốt đẹp. Chúng tôi là hai quốc gia có lịch sử hợp tác lâu dài và rất ổn định. Vì vậy, cả hai đều rất coi trọng nhu cầu tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên". (Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar trả lời ANI)

Xung đột ở Ukraine, thương mại và quốc phòng

Nhận xét về chuyến thăm, Đại sứ Ấn Độ tại Nga Vinay Kumar cho biết, sự hiện diện của Thủ tướng Modi tại Moscow có ý nghĩa quan trọng do có một số diễn biến địa chính trị.

Trong ba năm kể từ Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 21, "rất nhiều điều đã thay đổi trên khắp thế giới” và mối quan hệ song phương “đã được mở rộng. Nga hiện là một trong những nguồn cung cấp tài nguyên năng lượng thô rất quan trọng cho Ấn Độ. Ngoài ra, thương mại cũng mở rộng sang các lĩnh vực khác”.

Vì vậy, “chuyến thăm này trở nên rất quan trọng đối với các nhà lãnh đạo để trao đổi quan điểm về tất cả những diễn biến này trong mối quan hệ song phương, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế khác mà hai bên cùng quan tâm". Các vấn đề toàn cầu, trong đó có cuộc xung đột ở Ukraine, sẽ là chủ đề thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo.

Quan hệ thương mại giữa Ấn Độ và Nga đã phát triển mạnh mẽ, với kim ngạch vượt qua mốc 65 tỷ USD. Tuy nhiên, theo Đại sứ Vinay Kumar, thách thức về cân bằng thương mại buộc Ấn Độ phải tìm kiếm cơ hội xuất khẩu các mặt hàng mới, bao gồm nông sản, gạch men, linh kiện ô tô và hàng hóa kỹ thuật, sản phẩm hóa chất và đặc biệt là dược phẩm. Ngoài ra, trong lĩnh vực quốc phòng - một trụ cột của quan hệ hai nước, Ấn Độ đang xem xét mở rộng hợp tác để đồng sản xuất tại Ấn Độ.

Nhà ngoại giao Ấn Độ còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối trong thương mại và giao lưu nhân dân. Theo đó, Hành lang vận tải quốc tế Bắc-Nam đang được đưa vào chương trình nghị sự, hay việc khai thác các tuyến đường mới như tuyến đường biển Bắc Cực…

Nga là nguồn cung vũ khí lớn nhất của Ấn Độ, chiếm hơn 60% trong nhiều năm qua. (Nguồn: PTI)

'Rất quan trọng và toàn diện'

Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 6/7 cho biết, Nga đang mong đợi một "chuyến thăm rất quan trọng và toàn diện" của Thủ tướng Modi, điều này rất quan trọng để duy trì mối quan hệ song phương vốn đang ở cấp độ đối tác chiến lược.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình nhà nước VGTRK của Nga, ông Peskov cho biết, Thủ tướng Modi sẽ có một chương trình nghị sự dày đặc tại Moscow.

“Rõ ràng, chương trình nghị sự sẽ rất phong phú, nếu không muốn nói là quá bận rộn. Đây là một chuyến thăm chính thức và chúng tôi hy vọng rằng các nhà lãnh đạo có thể nói chuyện một cách thân mật”, ông chia sẻ.

Theo thông cáo trước đó của Điện Kremlin, ông Modi và ông Putin sẽ thảo luận về “triển vọng phát triển hơn nữa mối quan hệ thân thiện truyền thống Nga-Ấn Độ, cũng như các vấn đề liên quan trong chương trình nghị sự quốc tế và khu vực”.

Vai trò của New Delhi với tư cách là đối tác thương mại quan trọng đối với Moscow đã tăng lên kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine vào tháng 2/2022. Ấn Độ và Trung Quốc đã trở thành những khách hàng mua dầu chính của Nga sau khi các lệnh trừng phạt do Mỹ và các đồng minh áp đặt nhằm đóng cửa hầu hết các thị trường phương Tây đối với hàng xuất khẩu của Nga.

Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của ông Modi đã tránh lên án hành động của Nga ở Ukraine trong khi nhấn mạnh sự cần thiết của một giải pháp hòa bình.

Tuy nhiên, theo Guardian, mối quan hệ đối tác giữa Moscow và New Delhi đã trở nên căng thẳng kể từ khi Nga bắt đầu phát triển quan hệ chặt chẽ hơn với đối thủ chính của Ấn Độ là Trung Quốc. Tuần trước, ông Modi đã bỏ qua Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) do Moscow và Bắc Kinh dẫn dắt, thay vào đó, cử Ngoại trưởng S Jaishankar tới tham dự cuộc họp ở thủ đô Astana, Kazakhstan.

Vào đầu những năm 1990, Nga (Liên Xô trước đây) là nguồn cung cấp khoảng 70% vũ khí của quân đội Ấn Độ, 80% hệ thống của lực lượng không quân và 85% nền tảng của hải quân. Nhưng với việc nguồn cung cấp của Nga bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột ở Ukraine, Ấn Độ đã giảm sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga và đa dạng hóa việc mua sắm quốc phòng, mở rộng đối tác từ Mỹ, Israel, Pháp và Italy.

Ngoài ra, chuyến thăm lần này của ông Modi gửi đi một thông điệp địa chính trị trái ngược với một hội nghị thượng đỉnh khác ở Washington D.C. Ngày 9/7, khi hai nhà lãnh đạo Nga và Ấn Độ hội đàm ở Moscow thì Tổng thống Mỹ Biden sẽ chào đón các nhà lãnh đạo các nước Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tới dự lễ kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh quân sự này. Với sự hiện diện của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và nhiều nhà lãnh đạo phương Tây, theo báo The Hindu, đây sẽ là một màn phô trương sức mạnh nhằm thể hiện sự “cô lập” của Nga.

Thủ tướng Modi là một trong những khách mời dự Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2024 tại Borgo Egnazia, một khu nghỉ dưỡng gần thị trấn Fasano ở miền Nam Italy từ ngày 13-15/6. (Nguồn: Zuma Press)

Bản thân ông Modi đã nỗ lực cân bằng với việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Italy vào tháng trước và gặp ông Zelensky, sau đó cử một phái đoàn chính thức tới Hội nghị Hòa bình Ukraine vừa qua ở Thụy Sỹ. Mặc dù vậy, chuyến thăm kéo dài chính xác 26 tiếng đồng hồ của nhà lãnh đạo Ấn Độ vẫn thu hút sự quan tâm của phương Tây. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, không ngạc nhiên khi phương Tây chú trọng sự kiện này. Guardian nêu rõ, hôm 4/7, Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ Eric Garcetti cho biết Washington đang liên lạc liên tục với New Delhi về việc hợp tác cùng nhau để buộc Nga “phải chịu trách nhiệm”.

Do đó, chuyến thăm một lần nữa thử thách bản lĩnh của New Delhi với tư cách là một cường quốc đang nổi lên. Thực tế là, không chỉ phương Tây, cả thế giới đang dõi theo cách ông sử dụng vị thế đa cực, không liên kết đặc biệt của Ấn Độ để thúc đẩy mục tiêu “đối thoại và ngoại giao” cũng như giúp đẩy nhanh việc chấm dứt cuộc xung đột đã chia rẽ thế giới.