Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (bên phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Italy vào tháng 6/2024. (Nguồn: Hindustan Times) |
Không muốn mất đi những gì vốn có
Chuyến thăm Ukraine của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào ngày 23/8 này sẽ khiến Nga đặc biệt lưu tâm. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ tìm cách điều hướng quan hệ với hai đối tác vốn đối đầu nhau là Nga và phương Tây.
Ấn Độ là một trong số ít quốc gia có quan hệ thương mại và ngoại giao phát triển với cả hai bên kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, gây nên căng thẳng toàn cầu, dẫn tới các lệnh trừng phạt đối với Điện Kremlin.
Chính phủ củaThủ tướng Ấn Độ Narendra Modiđã tìm cách giữ lập trường trung lập trong suốt cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhưng đã vấp phải sự chỉ trích vì duy trì quan hệ thương mại và ngoại giao chặt chẽ với Moscow.
Hiện tại, Ấn Độ dường như đang tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Ukraine thông qua chuyến thăm Kiev của Thủ tướng Modi vào tuần này, diễn ra theo lời mời của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Chuyến thăm của ông Modi sẽ là chuyến đi đầu tiên của một Thủ tướng Ấn Độ tới Ukraine kể từ khi quan hệ ngoại giao giữa hai nước được thiết lập cách đây hơn 30 năm, khi quốc gia châu Âu này giành được độc lập vào năm 1991.
Rick Rossow, chuyên gia nghiên cứu chính sách Mỹ-Ấn Độ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định Ấn Độ có mối quan hệ "sâu sắc hơn nhiều" với Nga nhưng muốn cải thiện mối quan hệ song phương còn “non trẻ” với Kiev.
"Trong năm tài chính 2021-2022, thương mại hàng hóa của Ấn Độ với Ukraine chỉ đạt khoảng 3,4 tỷ USD so với 13 tỷ USD với Nga. Moscow đã cung cấp cho New Delhi quyền tiếp cận các loại vũ khí tiên tiến mà các nhà sản xuất lớn khác như Mỹ chỉ mới phê chuẩn xuất khẩu sang Ấn Độ gần đây...
Tuy nhiên, Ấn Độ cũng có sinh viên đang học tập tại Ukraine, mua thiết bị quốc phòng từ Ukraine và Ukraine là một trong 50 đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ”, chuyên gia Rick Rossow phân tích đồng thời kết luận rằng quan hệ giữa Ấn Độ và Ukraine “không phải là không đáng kể”.
Bước ngoặt lịch sử
Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, đây sẽ là chuyến thăm “mang tính bước ngoặt và lịch sử”.
Tại cuộc họp báo về chuyến thăm, Vụ trưởng Vụ phương Tây của Bộ Ngoại giao Ấn Độ Tanmaya Lal khẳng định, New Delhi có mối quan hệ thực chất và độc lập với cả Nga và Ukraine. Chuyến thăm này sẽ dựa trên sự hợp tác liên tục và lâu dài giữa Ấn Độ và Ukraine.
“Hòa bình lâu dài chỉ có thể đạt được thông qua các lựa chọn được cả hai bên chấp nhận. Về phần mình, Ấn Độ tiếp tục hợp tác với tất cả các bên liên quan”, ông Tanmaya Lal cho biết.
Phía Ukraine cho biết khi lãnh đạo hai nước trực tiếp gặp gỡ vào ngày 23/8, Thủ tướng Modi và Tổng thống Zelensky sẽ thảo luận về quan hệ song phương và hợp tác đa phương.
Quan hệ giữa Ukraine và Ấn Độ chắc chắn đang ở giai đoạn mới phát triển so với mối quan hệ giữa New Delhi và Moscow.
Trước đó, Thủ tướng Modi đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 7, đây là lần đầu tiên ông đến thăm Điện Kremlin kể từ năm 2019. Trong thời gian diễn ra cuộc gặp, xung đột Nga-Ukraine diễn biến trên thực địa rất gay gắt và vấp phải phản ứng trái chiều từ cộng đồng quốc tế.
Bất chấp những bình luận đó, Tổng thống Putin và Thủ tướng Modi đã chào nhau bằng cái ôm nồng ấm và Thủ tướng Modi đã gọi Tổng thống Putin là “người bạn thân mến”, đồng thời ca ngợi “sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau” giữa họ.
Ấn Độ cùng với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia Trung Đông được coi là số ít đối tác quốc tế của Nga có tiềm năng đóng vai trò là trung gian hòa giải tương lai giữa Nga và Ukraine.
Hiện tại, tiến trình hòa bình giữa Moscow và Kiev vẫn là viễn cảnh xa vời khi cuộc xung đột đang trong giai đoạn căng thẳng và cả hai bên còn tồn tại nhiều khác biệt về các điều khoản của một lệnh ngừng bắn.
Cầu nối cho hòa bình
Harsh V. Pant, Phó Chủ tịch Quỹ Nghiên cứu Nhà quan sát (ORF) cho rằng Ấn Độ có thể sử dụng ảnh hưởng của mình để đưa ra sáng kiến hòa bình trong tương lai.
“Tôi nghĩ Thủ tướng Modi luôn chú ý đến Ukraine vì về cơ bản, Ấn Độ có lợi ích lớn trong việc đảm bảo có được một cấu trúc an ninh ổn định ở châu Âu để đáp ứng được nguyện vọng của cả hai bên. Những gì Ấn Độ đã cố gắng làm là điều hướng phản ứng của mình đối với quan hệ Nga-Ukraine nói riêng và Nga-phương Tây nói chung", chuyên gia Pant đánh giá.
Ông Pant cho rằng chuyến thăm Ukraine của Thủ tướng Modi đã nhấn mạnh Ấn Độ mong muốn chấm dứt xung đột và “cả hai bên thực sự ngồi vào bàn đàm phán”. Ông Pant bổ sung thêm rằng theo quan điểm của Ấn Độ, nếu không có Nga trên bàn đàm phán, sẽ không thể đạt được giải pháp.
Ông Rajiv Bhatia, cựu đại sứ Ấn Độ tại Myanmar và là thành viên tại tổ chức nghiên cứu chính sách đối ngoại Gateway House có trụ sở tại Mumbai cũng chia sẻ nhận định trên. Thêm vào đó, ông cho rằng: “Nga là đồng minh truyền thống lâu đời và Ukraine cũng có quan hệ rất thân thiện với Ấn Độ. Đạt được sự cân bằng này là một nhiệm vụ khó khăn, đặc biệt khi Ukraine nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phương Tây”.
Theo ông Bhatia, New Delhi không lo ngại chuyến thăm Kiev có thể gây nguy hiểm cho mối quan hệ giữa Ấn Độ và Nga.
Trong những tháng gần đây, Kiev đã nhiều lần tìm kiếm sự hỗ trợ của Ấn Độ trong vấn đề giải quyết xung đột với Nga. Vào tháng 3 năm nay, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã có chuyến thăm chính thức tới Ấn Độ để khuyến khích New Delhi tham gia Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine tại Thụy Sỹ vào tháng 6.
Dù tham gia hội nghị này, nhưng giống như nhiều quốc gia khác, Ấn Độ đã chọn không ký tuyên bố chung vì các cuộc thảo luận không có sự tham gia của Nga. Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố việc tham gia hội nghị phù hợp với cách tiếp cận nhất quán của nước này nhằm tạo điều kiện giải quyết xung đột một cách hòa bình và lâu dài thông qua đối thoại và ngoại giao.
Ngoài ra, các nhà phân tích nhận định chuyến thăm Ukraine của Thủ tướng Modi sẽ giúp Ấn Độ duy trì sự cân bằng trong chính sách đối ngoại.