Biểu hiện của sự hợp tác, tăng cường đối thoại là việc Đoàn liên ngành và chức sắc tôn giáo do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng làm Trưởng đoàn đã thăm và làm việc tại Hoa Kỳ (từ ngày 10/10-23/10/2023) để trao đổi về chính sách tôn giáo, thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, góp phần làm rõ những vấn đề khác biệt giữa hai bên về vấn đề nhân quyền, tôn giáo.
Đoàn liên ngành và chức sắc tôn giáo do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng làm Trưởng đoàn làm việc với Phó Trợ lý Ngoại trưởng Melissa Brown. (Nguồn: Bộ Nội vụ) |
Thông tin làm rõ việc triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo
Đoàn Việt Nam bao gồm đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ban Tôn giáo Chính phủ; chức sắc tôn giáo đại diện 6 tôn giáo có đông tín đồ ở Việt Nam: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, đã có buổi làm việc với Phó Trợ lý Ngoại trưởng Melissa Brown, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Vụ Đông Á - Thái Bình Dương Robert Koepcke, Đại sứ lưu động về tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ Rashad Hussain, Phó Chủ tịch Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ Frederick A. Davie và Hạ nghị sĩ Brad Sherman (Đảng Dân chủ, đại diện Tiểu bang California); chia sẻ thông tin về tình hình tôn giáo với cá nhân, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo Hoa Kỳ, như: Hội thánh Tin lành quốc gia Hoa Kỳ, Tổ chức Tin lành Báp tít, Lãnh đạo Viện Liên kết toàn cầu - IGE, Chủ tịch Hiệp hội truyền giáo Billy Graham - BGEA; Giáo sư Cole Durham (Đại học BYU); Tổ chức Liên minh Tin lành thế giới tại Liên hợp quốc; làm việc bàn tròn với đại diện một số tổ chức tôn giáo tại khu vực New York; gặp Tổng giám mục Gabriele Caccia - Đại diện Tòa thánh Vatican tại Liên hợp quốc…
Trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, Đoàn công tác đã thông tin làm rõ về chủ trương, tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam, đặc biệt là việc triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo để đối tác phía Hoa Kỳ hiểu và ủng hộ Việt Nam trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, không để các thông tin sai lệch làm ảnh hưởng tới việc triển khai thỏa thuận hợp tác đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Những thông tin Đoàn Việt Nam chia sẻ đã làm rõ những vấn đề phía Hoa Kỳ quan tâm, khẳng định chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của mọi người, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước… Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người đã được khẳng định tại Hiến pháp năm 2013. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được xây dựng phù hợp với Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, phù hợp với thực tiễn tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, đã tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.
Về việc triển khai thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Việt Nam đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đồng bộ từ trung ương đến cơ sở. Kể từ khi thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đến nay, Bộ Nội vụ (trực tiếp là Ban Tôn giáo Chính phủ) đã tổ chức 165 lớp tập huấn nghiệp vụ cho hơn 28.000 lượt cán bộ công chức làm công tác tôn giáo, 216 hội nghị cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành với hơn 30.000 lượt người tham dự. Trên địa bàn các tỉnh, thành phố đã tổ chức hơn 15.000 hội nghị phổ biến pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo với tổng số 1,1 tỷ lượt người tham dự.
Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị phổ biến chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho các tăng, ni sinh khóa VI Trường trung cấp Phật học Bình Dương, ngày 20/12/2023. (Nguồn: Báo Bình Dương) |
Công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực thi pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện thường xuyên, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo được tạo điều kiện thuận lợi. Hiện nay, 43 thủ tục giải quyết ở cấp trung ương đã được thực hiện trên môi trường mạng (dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4). Ban Tôn giáo Chính phủ đã cấp 13 tài khoản cho các tổ chức tôn giáo tham gia dịch vụ công trực tuyến. Hàng năm có hàng trăm hồ sơ của các tổ chức, cá nhân tôn giáo được giải quyết thông qua dịch vụ công trực tuyến. Tại địa phương, thực hiện cơ chế một cửa liên thông niêm yết công khai các thủ tục hành chính, có thời hạn trả lời. Cơ chế đối thoại giữa chính quyền và các tổ chức tôn giáo luôn được duy trì để trao đổi, thống nhất giải quyết những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc giữa Nhà nước và Giáo hội; Lãnh đạo Nhà nước, các cơ quan ban ngành quan tâm, thăm hỏi, động viên các tổ chức tôn giáo nhân các ngày lễ trọng, lễ hội lớn của các tôn giáo.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được bảo đảm trên thực tế. Từ khi thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đến nay, Nhà nước đã công nhận 2 tổ chức tôn giáo (Giáo hội Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam, Phật hội Hiếu nghĩa Tà Lơn), 3 tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo (Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam, Hội thánh Tin lành Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam, Giáo hội Các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Jesus Kito Việt Nam). Hàng trăm điểm nhóm được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, nhiều tổ chức tôn giáo trực thuộc được thành lập. Từ năm 2021 đến nay, 5 tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc đã chấp thuận thành lập thêm 18 tổ chức tôn giáo trực thuộc của đạo Tin lành; khu vực miền núi phía Bắc chấp thuận thêm 151 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung. Hơn 60 điểm nhóm của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được chính quyền các địa phương cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung.
Kể từ khi thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, cả nước có hơn 6.500 người được phong phẩm, suy cử làm chức sắc; 16.783 người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc.
Nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số được chính quyền các cấp quan tâm, giải quyết: Cộng đồng dân tộc Chăm theo Hồi giáo và đạo Bà la môn được thành lập Ban đại diện cộng đồng để hỗ trợ sinh hoạt tôn giáo; Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer để đáp ứng nhu cầu đào tạo tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer…
Vấn đề đất đai liên quan đến tôn giáo được chính quyền địa phương quan tâm giải quyết. Tính đến nay, số lượng cơ sở tôn giáo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên phạm vi toàn quốc chiếm khoảng hơn 70%; hầu hết các cơ sở thờ tự của các tôn giáo được sửa chữa khang trang, nhiều cơ sở thờ tự được xây mới (năm 2021 có 225 cơ sở thờ tự được xây mới; năm 2022 có 203 cơ sở thờ tự tôn giáo được xây dựng mới, 283 cơ sở được sửa chữa, cải tạo).
Ông Nguyễn Tiến Trọng, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ trao Quyết định công nhận tổ chức tôn giáo đối với Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam, ngày 27/12/2023. (Nguồn: TTXVN) |
Những kết quả đáng ghi nhận
Cùng với việc thông tin cụ thể về các vấn đề phía Hoa Kỳ quan tâm, Đoàn Việt Nam cũng đề nghị phía Hoa Kỳ cần ghi nhận các thông tin khách quan về tự do tôn giáo tại Việt Nam qua các kênh chính thống (các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; Bộ Nội vụ và các tổ chức tôn giáo hợp pháp ở Việt Nam); không sử dụng các thông tin sai lệch do số đối tượng cực đoan, chống đối cung cấp để đánh giá về tự do tôn giáo tại Việt Nam như thời gian vừa qua.
Phía Hoa Kỳ ghi nhận sự thay đổi trong phương pháp đối thoại chủ động của Việt Nam trong bối cảnh hai nước đã nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện sau các chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa qua; ghi nhận những thành tựu, kết quả đạt được của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; thống nhất sẽ hợp tác trong việc thẩm định thông tin về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam trước khi đưa vào Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế hàng năm.
Qua tiếp xúc, rất nhiều người Mỹ có cảm tình với Việt Nam phấn khởi tiếp đón, hỗ trợ Đoàn và bày tỏ vui mừng về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ; thể hiện tin tưởng và sẵn sàng chia sẻ về những thành tựu bảo đảm quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam; mong muốn được giúp Việt Nam đưa những thông tin về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam đến với chính giới Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế.
Việc Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Đoàn công tác; tạo tâm thế chủ động trong tiếp xúc, làm việc với phía Hoa Kỳ. Kết quả chuyến công tác của Đoàn liên ngành và chức sắc tôn giáo đã góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, vượt qua sự khác biệt trong việc tiếp cận vấn đề tự do tôn giáo, thúc đẩy mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Đoàn liên ngành của Việt Nam gặp tổ chức Tin Lành quốc gia Hoa Kỳ và Tổ chức Tin Lành Bapstit. (Nguồn: Bộ Nội vụ) |
Để tiếp tục củng cố niềm tin và thu hẹp khoảng cách về vấn đề tự do tôn giáo giữa hai nước, Đoàn công tác rút ra một số vấn đề mà các cơ quan chức năng cần thực hiện đồng bộ trong thời gian tới.
Một là, rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa pháp luật trong nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; sửa đổi, bổ sung một số quy định trong các luật chuyên ngành liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo (theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội Việt Nam) nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Hai là, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật và việc thực hiện về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để nâng cao năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật, nâng cao nhận thức của chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ và quần chúng nhân dân nhằm bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.
Ba là, quan tâm hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo hiến chương, điều lệ, pháp luật của Nhà nước; chủ động giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo chính đáng của quần chúng tín đồ; kịp thời nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của các tổ chức tôn giáo, quần chúng tôn giáo; giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh, tránh để các đối tượng thiếu thiện chí lợi dụng vu cáo Nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền, tôn giáo.
Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền đối ngoại tôn giáo, chủ động tham gia các diễn đàn về tôn giáo quốc tế và khu vực, chủ động thông tin về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam để cộng đồng quốc tế hiểu và ủng hộ Việt Nam trên trường quốc tế; tăng cường tuyên truyền, nhận diện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thiếu thiện chí lợi dụng dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo để can thiệp công việc nội bộ của Việt Nam; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân, tổ chức các sự kiện quốc tế tôn giáo tại Việt Nam, đóng góp vào công tác đối ngoại của Nhà nước.
Năm là, thường xuyên cung cấp thông tin cho phía Hoa Kỳ, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, các tổ chức quốc tế và các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài về tình hình tôn giáo và việc đảm bảo quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam,; tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân tôn giáo Hoa Kỳ có tiếng nói với chính giới Hoa Kỳ về những thành tựu về bảo đảm quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam.