📞

Thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III: Để không ai bị bỏ lại phía sau

Huyền Trâm 08:00 | 28/10/2021
Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các khuyến nghị UPR chu kỳ III, Việt Nam đã có những bước tiến thực chất trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người, đặc biệt trong lĩnh vực lao động, xã hội và bình đẳng giới.
Mặc dù mới đi được nửa chặng đường của UPR chu kỳ III, Việt Nam ghi dấu nhiều thành tựu ấn tượng so với các nước trong khu vực trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở lĩnh vực lao động, xã hội và bình đẳng giới. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc các khuyến nghị theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ). Đây đồng thời cũng là bước triển khai tầm nhìn, đường lối, chiến lược phát triển toàn diện đất nước với tinh thần không để người dân nào bị bỏ lại phía sau của Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Kể từ khi chính thức chấp thuận 241 khuyến nghị UPR chu kỳ III vào tháng 1/2019, Việt Nam đã triển khai thực hiện các khuyến nghị một cách đồng bộ, toàn diện và đạt được những tiến bộ đáng kể. Mặc dù mới đi được nửa chặng đường của UPR chu kỳ III, Việt Nam ghi dấu nhiều thành tựu ấn tượng so với các nước trong khu vực trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở lĩnh vực lao động, xã hội và bình đẳng giới.

Hoàn thiện chính sách pháp luật, thực hiện quyền của người lao động

Trong những năm qua, Việt Nam không ngừng nỗ lực cải thiện khuôn khổ pháp lý và chính sách lao động quốc gia.

Sau nhiều lần sửa đổi và bổ sung, Bộ luật Lao động 2019 cơ bản đã đảm bảo tương thích với các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và LHQ về quyền con người mà Việt Nam đã gia nhập.

Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục tiến trình gia nhập các công ước quốc tế nhằm bảo đảm quyền của người lao động. Cụ thể, Việt Nam đang xây dựng hồ sơ gia nhập Công ước số 87 của ILO về Tự do hiệp hội và bảo vệ quyền được tổ chức, chuẩn bị cho việc tham gia Công ước quốc tế của LHQ về Bảo vệ quyền của tất cả những người lao động di cư và các thành viên gia đình họ (CRMW)…

Tất cả những điều này đóng góp vào nỗ lực chung nhằm hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật quốc gia về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, đưa Việt Nam đến gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế.

"Trong các khuyến nghị UPR chu kỳ III, một số lĩnh vực Việt Nam đã thực hiện và đạt được sự tiến bộ đáng kể, như bảo trợ xã hội, xóa đói giảm nghèo và bình đẳng giới. Đó là những lĩnh vực mà Việt Nam thực hiện rất tốt và so sánh với các nước trong khu vực thì Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc trong các lĩnh vực này". (Bà Diana Torres, Trợ lý Đại diện thường trú kiêm Trưởng phòng Quản trị và tham gia, Chương trình Phát triển LHQ tại Việt Nam)

Xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, công tác giảm nghèo và an sinh xã hội của Việt Nam trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên nhiều phương diện.

Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 có những kết quả tích cực như tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 2,75%, bình quân trong 5 năm giai đoạn giảm khoảng 1,43%/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 24%, bình quân trong 5 năm giảm 5,65%/năm.

Tiếp tục thực hiện sứ mệnh đem lại cuộc sống ấm no cho người dân, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững 2021-2030 định hướng công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu bền vững, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống và các địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng khó khăn.

Đồng thời, Chương trình cũng chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm đầy đủ, việc làm tốt cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo; giảm bất bình đẳng xã hội, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động, thương binh và xã hội (LĐTBXH), để thực hiện các khuyến nghị UPR, Bộ đã trình Thủ tướng ban hành Quyết định quy định quy trình rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, Bộ LĐTBXH cũng chỉ đạo, đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện bảo đảm hiệu quả; chỉ đạo việc tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các chính sách giảm nghèo đa chiều (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin) theo hướng tăng cường hỗ trợ, hướng tới tạo việc làm và thu nhập bền vững, giảm chính sách cho không.

Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH đã xây dựng cơ chế tạo mọi điều kiện để xây dựng và nhân rộng các mô hình, sáng kiến giảm nghèo từ cộng đồng có thể triển khai thuận lợi và thành công; triển khai các chính sách, dự án về nước sạch và vệ sinh môi trường tại vùng nông thôn.

Bộ cũng hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các hoạt động đầu tư, chính sách giảm nghèo đối với huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và người dân trên địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đơn vị còn tích cực, chủ động tham dự và chia sẻ kinh nghiệm giảm nghèo bền vững của Việt Nam tại các hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế.

Câu chuyện tại huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa) là một ví dụ điển hình của mô hình giảm nghèo nhanh, bền vững, tạo nên sự “thay da đổi thịt”.

Những con đường đất trước đây nay đã được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, đi lại. Những vạt đồi trọc đã được phủ bởi màu xanh trù phú của keo, cam, bưởi… Những nếp nhà tranh, nhà lá đơn sơ đã được thay bằng những ngôi nhà mái ngói kiên cố, khang trang.

Tất cả là nhờ người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ ruộng đất và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời được tạo điều kiện vay vốn với lãi suất ưu đãi từ chương trình giảm nghèo, từ đó có sinh kế để phát triển sản xuất.

Bà Phạm Thị Bình, thôn làng Gió, xã Bình Lương, huyện Như Xuân, một trong những hộ thoát nghèo thành công và đang từng bước vươn lên làm giàu, chia sẻ: "Chính sách đúng, trúng cùng sự đồng lòng của người dân, quyết tâm xóa đói giảm nghèo, chính là khâu trọng yếu để người dân vươn lên làm giàu chính đáng".

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 hướng tới mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Trong ảnh là các nữ đại biểu dự Đại hội Đảng lần thứ XIII. (Nguồn: TTXVN)

Bình đẳng giới

Việc thực hiện Luật bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đã mang lại nhiều thay đổi quan trọng, đặt nền móng vững chắc cho các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.

Hiện nay, công tác bình đẳng giới đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, tạo những chuyển biến tích cực ở cả cấp độ quốc gia và ở các bộ, ngành, địa phương.

Ngày 28/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2282/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030”.

Mục tiêu của Chương trình là đảm bảo sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách nhằm phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, hướng tới thực hiện cam kết đạt mục tiêu phát triển bền vững về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Ngày 3/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Chiến lược hướng tới mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, nhằm triển khai thực hiện các khuyến nghị UPR về bình đẳng giới, Bộ LĐTBXH đã tăng cường việc triển khai các quy định pháp luật về lao động, việc làm; thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, trong đó tập trung vào các mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động.

Cụ thể, Bộ LĐTBXH đã xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới; triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, trong đó tập trung vào Mục tiêu đảm bảo bình đẳng giới trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; triển khai có hiệu quả Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới đã được các cấp, các ngành chú trọng thực hiện và không ngừng nâng cao cả về số lượng và chất lượng.

Thông qua nhiều hình thức truyền thông, giáo dục về bình đẳng giới, đã giúp cho các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân thấy rõ nguy cơ, thực trạng và tác động của vấn đề bất bình đẳng giới, từ đó có được nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của bình đẳng giới đối với sự phát triển cộng đồng, xã hội.

Cùng với đó, Luật Bình đẳng giới cũng tiếp tục được nghiên cứu, sửa đổi nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới.

Ngày 26/10, bản báo cáo tổng quát đầu tiên phản ánh toàn diện về bình đẳng giới ở Việt Nam, có tiêu đề “Tổng quan về Bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021” dài hơn 280 trang, với 10 chương, đã được công bố sau một năm thực hiện.

Đại diện lâm thời ILO tại Việt Nam Nguyễn Hồng Hà đánh giá, thời điểm hiện nay, khi Việt Nam đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, chính là cơ hội để xây dựng một tương lai công bằng hơn bằng cách đưa bình đẳng giới trở thành vấn đề cốt lõi của các nỗ lực phục hồi và thực hiện các chiến lược đáp ứng giới.

Có thể nói, việc thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III cũng phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng được thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII, phản ánh những cam kết, nỗ lực nhất quán của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, nhất là những nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19.

Thực tiễn triển khai các khuyến nghị UPR chu kỳ III thời gian qua đã cho thấy rất rõ việc toàn dân được thụ hưởng quyền con người, qua đó thể hiện tính nhân văn trong các quyết sách của Đảng và Nhà nước với mục tiêu xuyên suốt là “không để ai bị bỏ lại phía sau”.