Trung Quốc lùi một bước
Nhận định về tình hình kinh tế Trung Quốc, tờ Le Monde cho rằng, Bắc Kinh đã thừa nhận bị tác động vì chiến tranh thương mại với Mỹ. Giữa tháng 9/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump chấp nhận lùi thời hạn tăng thêm 5% thuế (từ 25% lên 30%) đến ngày 15/10 thay vì có hiệu lực từ ngày 1/10, đánh vào 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Dù vậy, hiện có những dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đã và đang "thấm đòn" và điều này được thể qua tuyên bố và số liệu thống kê mới từ Bắc Kinh.
Theo Le Monde, trừ lĩnh vực dịch vụ, ngành công nghiệp của Trung Quốc đang bị tác động mạnh mẽ. Lượng xe hơi bán ra trong năm 2019 đã giảm khoảng 10%. Tỷ lệ thất nghiệp dù đã được giữ ở mức ổn định nhưng một số ngành vẫn gặp vấn đề như sản xuất ô-tô, điện lực, xây dựng và bất động sản. Như vậy, kế hoạch thúc đẩy kinh tế được Bắc Kinh đề ra năm 2018 chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Việc Trung Quốc vào tháng 9/2019 quyết định hủy tăng thuế đối với 18 mặt hàng Mỹ, trong đó có thịt lợn và đậu nành – hai sản phẩm quan trọng cho cả nông dân hai nước, cũng được cho là dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn.
Khi chưa bị tác động trong năm đầu khai chiến, truyền thông Bắc Kinh từng tuyên bố rằng các doanh nghiệp Mỹ mới là những nạn nhân chính. Sự tự tin của Bắc Kinh đã giảm dần khi những thống kê mới cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.
Phát biểu trước Đại Hội đồng Liên hợp quốc vào cuối tháng Chín vừa qua ở New York (Mỹ), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo, sẽ không bên nào thắng cuộc trong cuộc chiến thương mại và công nghệ, thậm chí “thuế quan và tranh chấp thương mại sẽ phá hoại chủ nghĩa đa phương” và “có thể đẩy thế giới vào suy thoái”.
Không những không khảng khái chỉ đích danh Washington khuấy động thế giới, Bắc Kinh thậm chí lại tỏ ra nhân nhượng. Gần đây, Bắc Kinh đã cho phép công ty Paypal của Mỹ tham gia thị trường thanh toán trực tuyến, đưa Paypal trở thành công ty nước ngoài đầu tiên trong lĩnh vực này được cấp phép tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Quyết định được Thời báo Hoàn Cầu hôm 5/10 giải thích rằng “một hợp tác đôi bên cùng có lợi nên là mục tiêu của tất cả các nước sản xuất công nghệ”.
Bước lùi của Bắc Kinh, theo nhận định của giới quan sát là do số liệu thống kê mới không tốt đẹp của nền kinh tế Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh đã phải thừa nhận rằng không dễ dàng gì đạt được tăng trưởng trên 6% trong năm 2019, trong khi mục tiêu đề ra là từ 6%-6,5%.
Tuy nhiên, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng nhân nhượng trong cuộc đàm phán sắp tới. Phía Trung Quốc cũng có những đối tượng không chịu khuất phục trước chính quyền Mỹ.
Mỹ - Trung sẽ đình chiến?
So với Trung Quốc, tình hình kinh tế Mỹ khả quan hơn. Các số liệu thống kê công bố ngày 4/10 cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ rơi xuống 3,5%, mức thấp nhất trong 50 năm qua. Nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng, dù có một số dấu hiệu tăng chậm hơn, như trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.
Trái với hứa hẹn mang việc làm về cho người dân, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đã không giúp Nhà Trắng khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ chuyển hoạt động về trong nước. Thậm chí, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn khiến đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bị sụt giảm trên quy mô thế giới và dĩ nhiên tác động đến nền kinh tế Mỹ.
Hiện tại, vị trí của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng không được như hồi đầu năm. Tổng thống Trump kiên quyết buộc Bắc Kinh khuất phục, nhưng nếu tăng thuế đối với hàng Trung Quốc, người tiêu dùng Mỹ cũng chịu thiệt hại và có thể gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Phố Wall.
Rủi ro này quá lớn đối với ông chủ Nhà Trắng, trong khi chỉ còn một năm nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống. Dù ông Trump tuyên bố không cần một thỏa thuận với Trung Quốc trước cuộc bầu cử 2020, nhưng giới chuyên gia cho rằng khả năng “đình chiến” trong năm 2020 là điều có thể.