📞

Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng

10:55 | 22/02/2019
Chia sẻ với Thế giới & Việt Nam về triển vọng của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai dự kiến diễn ra  tại Hà Nội vào cuối tháng Hai, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên Dương Chính Thức cho rằng, sự trùng hợp về lợi ích và nỗ lực của hai bên đã đưa lãnh đạo hai nước đến bàn đàm phán tại Singapore tháng 6/2018 và lần hai sắp tới, giống như một bàn tay không thể vỗ thành tiếng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa qua đã tuyên bố đã xác nhận cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều vào cuối tháng Hai tại Việt Nam. Kỳ vọng của ông về cuộc gặp lần này? Liệu sẽ có những kết quả khả thi và thực chất hơn Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất tại Singapore?

Sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất, đối thoại Mỹ - Triều có phần bị gián đoạn, có những lúc tưởng như rơi vào bế tắc. Nếu cuộc gặp lần thứ nhất có ý nghĩa như một sự phá băng, là dịp để hai bên khẳng định các lập trường, nguyên tắc lớn của mình thì tôi cho rằng cuộc gặp lần thứ hai lần này sẽ nêu những hướng đi cụ thể của hai bên.

Đã có những phê phán cho rằng cuộc gặp lần thứ nhất tại Singapore chỉ mang tính hình thức, không có kết quả thực chất. Do đó, cuộc gặp lần thứ hai này bắt buộc phải có những kết quả cụ thể. Nếu hai bên cảm thấy khó đạt được kết quả, chắc chắn họ sẽ chưa gặp nhau.

Cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam.

Việc hai bên nhất trí gặp nhau cho thấy, có thể họ đã đạt được những thỏa thuận cụ thể nhất định nào đó tại hai cuộc đối thoại giữa Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol thăm Mỹ trung tuần tháng 1/2019, gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump, hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và cuộc đàm phán Mỹ - Triều tại Stockhom (Thụy Điển) giữa Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui và Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên Steve Biegun. Lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đều đánh giá cao kết quả các cuộc gặp trên, tỏ ra lạc quan về một triển vọng tốt đẹp.

Hiện nay, mọi thứ đều đã chín muồi. Các bên đều có những nhu cầu thúc đẩy để đạt được bước tiến nhất định. Phi hạt nhân hóa vốn là một quá trình khó khăn và lâu dài, nhất là trong bối cảnh lập trường, yêu cầu của hai bên còn quá nhiều khác biệt, lòng tin của hai bên đối với nhau cỏn rất yếu nên ta khó có thể hy vọng sẽ có một kết quả bước ngoặt lớn tại Hội đàm thượng đỉnh lần hai này. Tôi cho rằng, hai bên cũng nhận thức được thực tế này và không mong chờ quá lớn như vậy.

Dự kiến, tại cuộc hội đàm lần thứ hai này, hai bên sẽ có một số nhượng bộ, đề ra được lộ trình thực hiện cơ bản. Triều Tiên có thể có một số nhượng bộ nhưng sẽ kiên trì một số mục tiêu như yêu cầu Mỹ nới lỏng cấm vận, thúc đẩy ký Tuyên bố kết thúc chiến tranh và bình thường hóa quan hệ. Về phía Mỹ, có thể cũng có một số những nhượng bộ nhất định nhưng sẽ kiên trì yêu cầu Triều Tiên thực hiện khai báo vũ khí hạt nhân, tên lửa, nhất là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), thực hiện phi hạt nhân theo nguyên tắc CVID (hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược), trong đó đề cao sự kiểm chứng.

Có thể nói, năm 2018 là một năm "sáng" trong tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Mỹ trong nỗ lực làm nên sự dịch chuyển này?

Tôi nhất trí với đánh giá cho rằng năm 2018 là năm “sáng” trong tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Tôi cho rằng, những kết quả đạt được trong thời gian qua là do nỗ lực của cả hai bên Triền Tiên và Mỹ, thật khó đánh giá vai trò của bên nào lớn hơn. Tuy mục đích khác nhau nhưng cả hai bên đầu có nhu cầu mở ra một thời kỳ mới, hòa dịu hơn thời kỳ trước đây. Sự trùng hợp về lợi ích và nỗ lực của hai bên đã đưa lãnh đạo hai bên đến bàn đàm phán tại Singapore tháng 6/2018 vừa qua và lần hai sắp tới, giống như một bàn tay không thể vỗ thành tiếng.

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên Dương Chính Thức.

Theo ông, mục đích chuyến đi đầu năm của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tới Trung Quốc tháng 1/2019 có phải để chuẩn bị củng cố "vị thế" trong cuộc gặp tới đây với ông Trump? Nhân tố Trung Quốc tác động như thế nào đến cục diện chung trên Bán đảo Triều Tiên?

Chuyến thăm của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Trung Quốc vừa qua chứa đựng nhiều ý nghĩa, nhiều mục tiêu, trong đó có việc thể hiện quan hệ gắn bó, gần gũi, đoàn kết của hai nước, để cho Mỹ thấy Washington không phải là “chìa khóa” duy nhất giúp Triều Tiên mở ra cánh cửa mới. Điều này cũng phù hợp với khái niệm “con đường mới” mà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong - un đã nêu tại phát biểu đầu năm 2019. Việc lãnh đạo Trung Quốc khẳng định Trung Quốc là hậu phương vững chắc của Triều Tiên cũng là một ý có liên quan đến mục tiêu trên. Tôi nghĩ, chuyến thăm tuy không phải sự “răn đe” nhưng cũng là lời “cảnh báo” mà Mỹ nên chú ý.

Trung Quốc là một bên liên quan của Hiệp định Đình chiến trên Bán đảo Triều Tiên ký năm 1953 và có lợi ích chiến lược trên Bán đảo này. Quan hệ của Trung Quốc với Triều Tiên rất đặc biệt, Trung Quốc lại là đối tác kinh tế lớn, quan trọng và có ảnh hưởng lớn tới tính toán chiến lược của các bên liên quan. Do vậy, tác động từ phía Trung Quốc sẽ tạo ra sự thay đổi tới tình hình trên Bán đảo Triều Tiên. Tôi cho rằng, cục diện đối thoại hòa dịu hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên cũng là kết quả của sự tác động chính sách từ Trung Quốc.

Tôi rất chú ý tới việc lãnh đạo hai nước Trung Quốc và Triều Tiên thường gặp nhau trước khi có sự kiện quan trọng, nhất là tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo Triều Tiên và lãnh đạo Mỹ, Hàn Quốc thời gian qua. Tôi nghĩ rằng, Bán đảo Triều Tiên, quan hệ Triều - Mỹ khó có thể đạt được kết quả tốt nếu thiếu sự phối hợp, hợp tác của Trung Quốc.

Là người am hiểu và có nhiều năm gắn bó với đất nước và con người Triều Tiên, theo ông, trước những diễn biến mới, người dân Triều Tiên đang mong mỏi điều gì?

Là người gắn bó không chỉ với Triều Tiên mà còn với cả Hàn Quốc, tôi hiểu được khát vọng của những người dân trên Bán đảo Triều Tiên. Thống nhất đất nước là hy vọng không thay đổi của người dân trên Bán đảo Triều Tiên, nhưng trước mắt, họ cần hòa bình, ổn định lâu dài, bền vững để có thể toàn tâm toàn ý phát triển kinh tế - xã hội. Trước những diễn biến hiện nay, họ hy vọng và mong ý nguyện của họ trở thành hiện thực.

Thời gian qua, như mọi người đều biết, lãnh đạo Việt Nam cũng nhiều lần từng khẳng định, Việt Nam luôn ủng hộ và sẵn sàng đóng góp vào thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa Triều Tiên và các bên, xây dựng nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên. Tôi tin một tương lai tốt đẹp sẽ đến.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)