Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Hugo Chavez chứng kiến Lễ ký các hiệp định hợp tác giữa Việt Nam và Venezuela tại Caracas, (tháng 11/200 |
Tiềm năng
Với 33 quốc gia, 20,7 triệu km2 diện tích, hơn 581 triệu dân, giàu tài nguyên thiên nhiên, đa dạng về khí hậu và thổ nhưỡng, Mỹ Latinh không chỉ có vị trí địa - chính trị quan trọng trên bản đồ thế giới, mà còn có nhiều tiềm năng to lớn về kinh tế. Tuy chỉ chiếm hơn 8% dân số và 14,7% diện tích thế giới, nhưng Mỹ Latinh nắm giữ nhiều nguồn tài nguyên và khoáng sản với trữ lượng lớn, kể cả những khoáng sản chiến lược như: tiềm năng thủy điện (35%), bạc (31%), đồng (28%), than đá (27%), dầu lửa (24%)…
Tốc độ tăng trưởng GDP của toàn khu vực đạt mức khá cao trong 5 năm liền từ 2004 đến 2008, bình quân 5,36% năm; riêng năm 2008, GDP của toàn khu vực tăng 4,2%, đạt 4.267 tỷ USD, gấp 2 lần so với năm 2000 là 2.112 tỷ USD; xuất khẩu đạt 1.014 tỷ USD và nhập khẩu đạt 903,5 tỷ USD. Với thành tích đó, Mỹ Latinh đã được LHQ đánh giá “là một trong hai khu vực phát triển kinh tế năng động nhất trên thế giới thời gian qua”.
Từ cuối năm 2008 đến nay, do tác động của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, thiên tai và dịch bệnh, nhất là đại dịch cúm A/H1N1, kinh tế khu vực rơi vào suy thoái, tăng trưởng GDP năm 2009 dự báo sẽ âm 1,9%. Trước thực trạng đó, Chính phủ các nước Mỹ Latinh đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh mẽ với những gói kích cầu lớn đề khắc phục khó khăn, đưa đất nước từng bước thoát ra khỏi khủng hoảng. Ủy ban kinh tế Mỹ Latinh của Liên hợp quốc dự báo: “Mỹ Latinh sẽ sớm thoát ra khỏi khủng hoảng và có khả năng kinh tế khu vực sẽ tăng trưởng mạnh trở lại trong năm 2010 với mức tăng GDP khoảng 3,1%”.
Mặc dù còn phải đối phó với nhiều thách thức lớn như: nguy cơ bất ổn chính trị vẫn tồn tại ở một số nước mà vụ đảo chính năm 2002 ở Venezuela và cuộc đảo chính quân sự gần đây ở Honduras là một ví dụ; tính thiếu bền vững trong phát triển kinh tế vĩ mô, nợ nước ngoài vẫn đứng ở mức cao (hơn 700 tỷ USD năm 2008), sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn, tình trạng nghèo đói và thất nghiệp (với tỷ lệ tương ứng gần 40% và 9,1% năm 2009), nạn bạo lực và buôn lậu ma túy…, Mỹ Latinh tiếp tục là một khu vực phát triển kinh tế năng động, một thị trường xuất khẩu, đầu tư lớn, hấp dẫn mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể và cần khai thác.
Triển vọng
Các nước Mỹ Latinh có thế mạnh trên nhiều lĩnh vực như: khai thác, chế biến dầu khí (Mexico, Venezuela, Brazil); nhiệt điện, thuỷ điện, phong điện, điện hạt nhân (Brazil, Argentina); công nghệ sinh học (Cuba, Brazil); khai thác mỏ (Chile, Brazil, Mexico, Peru); hàng không (Brazil); công nghệ nuôi trồng và chế biến nông - lâm - hải sản (Colombia, Mexico, Peru…); du lịch (Brazil, Mexico, Cuba…) thể thao (Brazil, Cuba, Argentina…).
Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp (kinh nghiệm, chuyên gia, nhân công sản xuất lúa gạo, cây công nghiệp, hoa quả nhiệt đới, máy móc nông nghiệp nhỏ); công nghiệp (sản xuất thiết bị điện - điện tử gia dụng, đóng tàu biển, sản xuất - lắp ráp ôtô - xe máy, sản xuất hàng tiêu dùng); đông y, thủ công mỹ nghệ… Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường các nước Mỹ Latinh và tăng giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực về các sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao. Việt Nam có thể xuất khẩu dịch vụ vận tải biển, cho thuê tàu, thuyền viên, viễn thông quốc tế hoặc nội địa với Cuba; dịch vụ cung cấp chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng lúa nước, cây công nghiệp…) với Venezuela, Nicaragua, Bolivia, Ecuador; xuất khẩu lao động nông nghiệp phục vụ vành đai sản xuất rau, củ, quả ở Mexico cung cấp cho thị trường Mỹ; đánh bắt cá, sản xuất bột cá và dầu cá, nuôi trồng thủy, hải sản nước ngọt và nước mặn… với Peru, Chile, Venezuela, Ecuador…
Nhiều nhận định cho rằng quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Mỹ Latinh trong thời gian tới sẽ tiếp tục đà phát triển vừa qua và được nâng lên một tầm cao mới. Song để đạt được điều đó, cần có sự nỗ lực và hợp tác từ cả hai phía nhằm cùng nhau tìm ra những phương thức và biện pháp hợp tác thích hợp, có hiệu quả, khắc phục những hạn chế về khoảng cách địa lý, thiếu thông tin hiểu biết về tiềm lực, tiềm năng và thị trường của nhau, sự trùng hợp trong cơ cấu của nền kinh tế và hàng hóa xuất nhập khẩu, từ đó tìm ra những thế mạnh mà hai bên có thể bổ trợ, hợp tác với nhau.
Mỹ Châu
Hợp tác Việt Nam – Mỹ Latinh: Coi trọng tính hiệu quả, thiết thực
Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 27/33 nước ở Mỹ Latinh; lập 7 Đại sứ quán tại Cuba, Brazil, Argentina, Chile, Mexico, Panama và Venezuela. Các nước này cũng đã thiết lập Đại sứ quán tại Hà Nội. Ngoài ra, tại TP. Hồ Chí Minh có các Tổng lãnh sự quán của Cuba, Panama và Văn phòng Kinh tế - Thương mại Chile. Các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao giữa Việt Nam và nhiều nước Mỹ Latinh như Cuba, Brazil, Argentina, Chile, Mexico, Peru… diễn ra khá thường xuyên và ngày càng gia tăng.
Quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với Mỹ Latinh trong các năm qua đã phát triển mạnh, duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Giai đoạn 2001-2006, kim ngạch thương mại tăng bình quân khoảng 40%/năm, đến năm 2007 đạt trên 1,5 tỷ USD, năm 2008 đạt khoảng 1,8 tỷ USD. Trong đó, các đối tác chính của Việt Nam là Mexico (gần 600 triệu USD), Brazil, Cuba (gần 500 triệu USD mỗi nước). Đặc biệt, Việt Nam có bước đột phá trong quan hệ thương mại với Venezuela với nhiều hợp đồng, dự án hợp tác có giá trị lớn được ký kết và đi vào triển khai trên các lĩnh vực dầu khí, công nghiệp, nông nghiệp.
Nhiều lĩnh vực hợp tác kinh tế mới được mở ra, như hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí với Cuba, Venezuela, Brazil, Ecuador, Peru và Argentina, hứa hẹn nhiều triển vọng tốt đẹp. Hình thức hợp tác trồng lúa nước, nuôi trồng thuỷ sản, liên doanh sản xuất đồ điện tử gia dụng... đã và đang được trao đổi, triển khai thực hiện với Cuba và Venezuela. Giới doanh nghiệp, đầu tư khu vực ngày càng quan tâm hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực năng lượng điện, chế biến lương - thực phẩm, cà phê...
Phát huy lợi thế về tình cảm đoàn kết, hữu nghị vốn có và thế mạnh của mỗi bên, Việt Nam cần tiếp tục duy trì và tăng cường quan hệ chính trị tốt đẹp sẵn có cả về mặt Đảng, Nhà nước, Quốc hội, ngoại giao nhân dân; chủ động và tích cực tạo bước đột phá mới trong quan hệ hợp tác nhiều mặt, nhất là về kinh tế - thương mại, chú trọng đến các nước có vị trí quan trọng, tiềm lực kinh tế lớn ở khu vực; đưa các quan hệ đã được thiết lập đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững; coi trọng tính hiệu quả, thiết thực, phù hợp với điều kiện của mỗi nước.
M.C