TIN LIÊN QUAN | |
Thủ tướng khuyến khích các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả | |
Hội thảo Hội nhập TPP và xu thế đầu tư |
Mục tiêu đến năm 2021 toàn tỉnh Quảng Ninh có ít nhất 500 hợp tác xã (HTX) hoạt động theo Luật 2012. Trong đó, từ 65-70% HTX đạt khá trở lên, 30-35% HTX đạt trung bình, hạn chế thấp nhất số HTX yếu kém; mỗi xã, phường có ít nhất 2 mô hình kinh tế làm ăn hiệu quả, để kinh tế tập thể đóng góp vào GDP tỉnh từ 2-3%/năm.
HTX gắn với chương trình OCOP
Theo báo cáo của Liên minh HTX, Quảng Ninh có tổng số 370 HTX đang hoạt động. Quy mô hoạt động của các HTX chủ yếu nhỏ, số lượng ít, tăng trưởng chậm, chưa vững chắc; nguồn vốn cho hoạt động còn hạn chế. Các HTX cũng chưa theo kịp với nhu cầu đổi mới. Vai trò của các HTX chưa phát huy được hiệu quả trong các chương trình kinh tế - xã hội, nhất là Chương trình xây dựng nông thôn mới và Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP).
HTX là mô hình kinh tế góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới. |
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Văn Nghi cho rằng, nhiều địa phương có sản phẩm truyền thống nhưng sản xuất chưa đạt quy chuẩn do quy mô nhỏ lẻ và chưa áp dụng khoa học công nghệ nên số lượng và chất lượng chưa cao. Bởi vậy, việc thành lập HTX tại các địa phương có sản phẩm truyền thống được cho là rất cần thiết. Trong đó, thành viên là các hộ sản xuất cùng làm ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, sau đó HTX đứng ra bao tiêu sản phẩm cho thành viên. Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, hiện có 36 HTX tham gia chương trình OCOP với 105/198 sản phẩm, thu hút 1.220 lao động tham gia sản xuất trực tiếp với số vốn hơn 133 tỷ đồng.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh, để nâng cao vai trò của thành phần kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX trong giai đoạn 2017-2021, Liên minh HTX cùng với Hội Nông dân và Ban Xây dựng nông thôn mới của Tỉnh đã phối hợp để xây dựng và phát triển thêm các HTX. Theo đó, mỗi năm, Tỉnh sẽ thành lập mới từ 40-50 HTX. Đồng hành cùng HTX, Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ về giao đất, thuê đất, ưu tiên vay vốn hỗ trợ, tổ chức quảng bá, đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, kết nối HTX tham gia chương trình OCOP với đối tác trong hoạt động sản xuất...
Bên cạnh đó, Liên minh HTX phối hợp với các đơn vị xây dựng chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho cán bộ quản lý HTX, tập trung vào các kỹ năng quản lý, lập kế hoạch phương án sản xuất kinh doanh, xây dựng chiến lược... Đặc biệt, Liên minh HTX tỉnh cùng sở, ngành, địa phương xây dựng phát triển các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với HTX và nông dân để sản xuất theo chuỗi gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản; khuyến khích các HTX xây dựng vùng chuyên canh làm đầu mối tiêu thụ cho các hộ thành viên để cung cấp cơ sở chế biến trong và ngoài tỉnh, hướng đến thị trường xuất khẩu.
Xây dựng HTX kiểu mới
Để hội viên nông dân được hỗ trợ về vốn, kỹ thuật và liên kết được với nhau trong tiêu thụ sản phẩm..., những năm qua Hội Nông dân (HND) tỉnh luôn chú trọng hướng dẫn, vận động thành lập các HTX, câu lạc bộ (CLB), tổ hợp tác. Hội xác định việc hình thành HTX kiểu mới này là nền tảng quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, mang lại thu nhập bền vững cho hội viên.
Ngoài ra, HND tỉnh cùng với HND các cấp còn rà soát, đánh giá lại năng lực, quy mô sản xuất của các hội viên để đề xuất thành lập mô hình cho phù hợp, tránh tình trạng các CLB, tổ hợp tác, HTX hình thành theo phong trào, hình thức.
Không chỉ đóng vai trò vận động, tuyên truyền hội viên, nông dân sản xuất theo mô hình mới, các cấp HND trong tỉnh còn tích cực triển khai hoạt động vay vốn, tư vấn, dịch vụ... ; đồng thời, chủ động kết nối với HND Việt Nam, các tổ chức, doanh nghiệp để nghiên cứu, ứng dụng các mô hình mới phù hợp. Với sự tiếp sức của HND các cấp, hàng nghìn hội viên nông dân, chủ trang trại, HTX có cơ hội tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm để vận dụng vào thực tiễn, mạnh dạn nhân rộng các mô hình mới, khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của địa phương.
Thông qua hoạt động, các CLB đã tạo môi trường, điều kiện để thành viên gắn kết, thành lập các tổ hợp tác như ở Đông Triều, Bình Liêu, Đầm Hà, Ba Chẽ, Vân Đồn. Điển hình như mô hình hỗ trợ vốn, giống, bao tiêu sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất tại CLB Nông trang Dực Yên (huyện Đầm Hà). Hiện mức doanh thu thấp nhất của các thành viên đạt 300 triệu đồng/năm, cao nhất đạt gần 2 tỷ đồng. CLB các hộ sản xuất kinh doanh giỏi ở Đông Triều có thể huy động được 1 tỷ đồng cho thành viên vay ngắn hạn, không lấy lãi.
Thủ tướng khuyến khích các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Liên minh Hợp tác xã (HTX) cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong hệ thống chính ... |
Cuba tiếp tục cải tiến mô hình kinh tế Ngày 2/10, báo Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba, đã đăng thông báo của Hội đồng Bộ trưởng nước này về ... |
Cuba thông qua lộ trình cập nhật mô hình kinh tế Ngày 18/4, các đại biểu tham dự Đại hội Đảng Cộng sản Cuba lần thứ VI đã thông qua văn kiện "Đường lối chính sách ... |