📞

Tìm tiếng nói chung để hoàn thành mục tiêu Bogor

07:00 | 26/08/2017
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu Bogor, Trưởng SOM Nhật Bản Tsutomu Koizumi, Phó Cục trưởng Cục các vấn đề Kinh tế (Bộ Ngoại giao Nhật Bản) cho rằng, điều quan trọng là các quan chức cấp cao của 21 nền kinh tế thành viên phải nỗ lực truyền tải được những bài học, kinh nghiệm trong hoạt động thương mại và đầu tư của nước mình, vì lợi ích của tất cả các nền kinh tế thành viên APEC.  

Ông đánh giá như thế nào về triển vọng tự do hoá thương mại trong APEC mà cụ thể là mục tiêu Bogor?

Hiện tại, trên thế giới vẫn đang có tranh luận về xu hướng chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Tuy nhiên, trên quan điểm cá nhân, tôi vẫn đặt câu hỏi liệu xu hướng chủ nghĩa bảo hộ có thực sự đang mạnh lên hay không. Kể từ khi được thành lập vào năm 1989, APEC đã gặt hái các thành quả lớn trên nhiều lĩnh vực, trong đó bao gồm cả việc hội nhập kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trưởng SOM Nhật Bản Tsutomu Koizumi, Phó Cục trưởng Cục Các vấn đề Kinh tế (Bộ Ngoại giao Nhật Bản) (giữa).

Hiện nay, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của APEC chiếm tới 60% GDP thế giới, khoảng 44.300 tỷ USD; APEC chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch thương mại của thế giới, khoảng 17.800 tỷ USD; và các thành viên APEC chiếm tới 40% tổng dân số thế giới với 2,84 tỷ người. Các nỗ lực liên tục của APEC đã đóng góp cho một khu vực châu Á-Thái Bình Dương phát triển như ngày nay.

Với tư cách là một trong những thành viên sáng lập APEC, Nhật Bản luôn coi trọng vai trò của APEC. Trong bối cảnh, môi trường kinh doanh thay đổi với sự xuất hiện các ngành dịch vụ, thương mại điện tử và chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng gia tăng, APEC đang đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho xu thế tự do hóa thương mại và đầu tư trên thế giới.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Tôi hy vọng, APEC là một cầu nối để thúc đẩy xu thế hợp tác. APEC Việt Nam 2017 là một dấu mốc mới, quan trọng. Việt Nam sẽ đóng góp hết sức để duy trì sức sống của APEC. Để hoàn thành mục tiêu Bogor, tôi cho rằng, trước tiên APEC cần giương cao ngọn cờ tự do hóa thương mại và đầu tư. Hơn ai hết, APEC cần phải là ngọn cờ đi đầu trong lĩnh vực này.

Được thông qua từ Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ hai vào năm 1994, “Mục tiêu Bogor”- xác định APEC là khu vực tự do hóa thương mại và đầu tư hàng năng động nhất - là một trong những ưu tiên xuyên suốt của APEC. Các mục tiêu Bogor đã định hướng lộ trình cho các hoạt động của APEC trong cả giai đoạn 1994-2020. Theo tôi, khi nói về triển vọng của mục tiêu Borgo, chúng ta cần phải bàn về những việc các thành viên APEC phải làm để đảm bảo cho một tương lai chung mà có sự hợp tác toàn diện khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Năm APEC 2017 đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu này. Việt Nam lần thứ hai đăng cai các hội nghị quan trọng của APEC với các cuộc họp có sự tham gia của nhiều bên liên quan, từ các quan chức chính phủ đến giới học thuật, doanh nghiệp... Đây là cơ hội tuyệt vời để các bên cùng trao đổi tìm ra tiếng nói chung. Với tư cách là đại diện của Chính phủ Nhật Bản, tôi cho rằng điều quan trọng là các quan chức cấp cao của 21 nền kinh tế thành viên phải nỗ lực truyền đạt lại những bài học, kinh nghiệm trong hoạt động thương mại và đầu tư của nước mình, cùng nhau hiện thực hóa mục tiêu Bogor vì lợi ích của tất cả các nền kinh tế thành viên. 

Nhiều nền kinh tế, trong đó có cả Nhật Bản và Việt Nam kỳ vọng với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, Mỹ đã tuyên bố rút khỏi TPP. Theo ông, số phận của Hiệp định này sẽ ra sao?

TPP không phải đã hoàn toàn kết thúc nhưng nó có thể bị đóng băng trong một thời gian. Mặc dù không phải là chủ đề trong APEC, TPP được coi như là con đường dẫn dến Khu vực tự do thương mại châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). TPP chỉ bao gồm 12 bên ký kết song nếu các nước khác mong muốn tham gia đều được đón chào.

Thủ tướng của chúng tôi đã tranh luận nhiều lần với ông Donald Trump về tầm quan trọng của TPP không những về mặt kinh tế mà còn về mặt chiến lược đối với Nhật Bản, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cho toàn thế giới trong tương lai. Ông Trump có thái độ tích cực với những cuộc nói chuyện này. Tôi nghĩ rằng trong tương lai, Mỹ có thể sẽ quay lại TPP với những thay đổi cần thiết.

Cân bằng phát triển được các thành viên APEC khá chú trọng. Các thành viên phát triển hơn, trong đó có Nhật Bản, có thể làm gì để giúp đỡ các thành viên đang phát triển trong khuôn khổ APEC?

Nhật Bản có thể hỗ trợ các thành viên khác trong nhiều lĩnh vực như nâng cao năng lực, môi trường, dịch vụ...

Tuy nhiên, theo tôi, định nghĩa về các nước phát triển và đang phát triển ngày càng trở nên không rõ ràng bởi có những nước thuộc nhóm đang phát triển nhưng lại trên đà phát triển rất nhanh và trong tương lai ngắn có thể trở thành nước phát triển. Vì vậy, chúng ta không nên tiếp tục vạch ra ranh giới giữa nước đang phát triển và nước phát triển. Tôi cho rằng, các thành viên giúp đỡ lẫn nhau vốn là điều luôn được thực hiện trong khuôn khổ APEC. Điều quan trọng là chúng ta cần phải đảm bảo sự phát triển hài hoà giữa các nền kinh tế trong khu vực APEC và tôi nghĩ chúng ta đang nỗ lực cùng nhau thực hiện điều này.

Trung Quốc là nền kinh tế đang trỗi dậy rất mạnh mẽ và dẫn dắt rất nhiều cơ chế đa phương như Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Sáng kiến Vành đai và Con đường, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Ông có thể chia sẻ quan điểm về sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như vai trò của nước này trong APEC?

Theo tôi, tất cả các ý tưởng đều được hoan nghênh. Bởi trong APEC có rất nhiều nền chính trị khác nhau, lối suy nghĩ và cơ chế pháp lý riêng biệt nên chúng tôi không hướng tới điều gì đó cố định mà luôn linh hoạt trong mọi tình huống, ý tưởng, thảo luận trong tương lai... Dù ý tưởng được đưa ra bởi APEC, nhưng ở giai đoạn cuối thì cũng sẽ bị ràng buộc về mặt pháp lý dưới một hiệp định lớn như WTO, từ đó sẽ hỗ trợ thương mại và phát triển môi trường. Chính vì vậy, mọi ý tưởng đều được tiếp nhận, nhưng điều quan trọng nhất là kết quả cuối cùng phải đảm bảo công bằng, cởi mở, tự do và cùng có lợi.

Ông John Drummond, Trưởng bộ phận Thương mại trong Dịch vụ, Tổng vụ Thương mại và Nông nghiệp, Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD):

Toàn bộ thực tiễn và mục tiêu của APEC là hướng tới khu vực tự do thương mại ở châu Á - Thái Bình Dương nhằm tăng cường sự thịnh vượng cho tất cả công dân của các nền kinh tế khác nhau và có rất nhiều con đường để đi tới đó. TPP là một cách, RCEP cũng là một con đường. Do vậy, dù là qua TPP, RCEP hay các sáng kiến khác thì đó đều là hướng đi đúng đắn cho hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên APEC.

 

(thực hiện)