Tỉnh Thừa Thiên Huế có kế hoạch tiếp tục tổ chức các chuyến bay đón công dân từ TP. HCM về quê do ảnh hưởng của dịch Covid-19. (Nguồn: SK&ĐS) |
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 790.755 ca nhiễm, đứng thứ 44/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.034 ca nhiễm).
Từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 786.208 ca, trong đó có 603.652 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (388.659), Bình Dương (211.056), Đồng Nai (48.595), Long An (32.468), Tiền Giang (14.000).
Quy định mới về xét nghiệm
Hướng dẫn ban hành ngày 30/9 của Bộ Y tế nhấn mạnh, người lao động đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19 đã qua 14 ngày, hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng không cần xét nghiệm. Nếu có chỉ khuyến khích.
Bộ Y tế cũng chỉ rõ, cơ sở sản xuất, kinh doanh nếu tự xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 thì phải được hướng dẫn của trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh hoặc trung tâm y tế cấp huyện; test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 phải thuộc danh mục đã được cấp số đăng ký lưu hành hoặc cấp giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế. Cơ sở sản xuất, kinh doanh tự chịu trách nhiệm về chất lượng test kháng nguyên, quy trình và kết quả xét nghiệm.
Điều kiện nhận gói hỗ trợ của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp nhanh
Theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/10 toàn quốc, triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Để đảm bảo quyền lợi và nhận hỗ trợ một cách nhanh chóng, chính xác, BHXH Việt Nam khuyến nghị, người lao động nên chuẩn bị một số thông tin sau đây:
Thông tin về quá trình tham gia BHTN chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của bản thân để cùng rà soát, đối chiếu với dữ liệu của cơ quan BHXH, giúp xác định đúng mức hỗ trợ của mình.
Người lao động nên chuẩn bị một tài khoản ngân hàng cá nhân để nhận tiền hỗ trợ được nhanh chóng, thuận tiện nhất.
Chùm Covid-19 ở Hà Nam tăng lên 281 ca
Tính đến chiều 30/9, tỉnh Hà Nam đã thực hiện cách ly phòng, chống dịch đối với 45.899 người liên quan đến chùm Covid-19 trên địa bàn.
Theo phân tích dịch tễ, các ca bệnh được phát hiện tập trung chủ yếu ở TP. Phủ Lý, tiếp theo là các huyện Thanh Liêm, Kim Bảng và Bình Lục. Thị xã Duy Tiên, huyện Lý Nhân mới ghi nhận 2 trường hợp mắc.
Về nguồn lây, đa số các ca bệnh đều đã xác định được nguồn lây, chủ yếu được phát hiện ở các khu vực đã phong tỏa; khu vực trường học ghi nhận khoảng 60 ca; khu vực doanh nghiệp có khoảng 50 ca mắc. Ngoài ra, vẫn có 7 ca bệnh hiện chưa xác định được nguồn lây.
Hiện tỉnh Hà Nam đang tiến hành cách ly phòng, chống dịch cho 45.899 người.
Ứng dụng kiểm soát lưu thông ở TP. Hồ Chí Minh
Ứng dụng Y tế HCM và VNEID sẽ được dùng để kiểm soát việc lưu thông và các hoạt động sản xuất kinh doanh cho đến khi PC-COVID được triển khai.
Ứng dụng này sẽ xác định được lịch sử tiêm chủng, F0 đã khỏi bệnh. Do đó, bên cạnh người đã tiêm vaccine, ứng dụng này cũng sẽ hỗ trợ F0 đã khỏi bệnh nếu đủ điều kiện lưu thông.
Đồng thời, từ đây đến 15/10, TP yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn TP phải đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.vn.
Đến ngày 15/10, các cơ sở này quét mã QR của toàn bộ người đến liên hệ công tác, giao dịch bằng Y tế HCM hoặc ứng dụng PC-COVID để kiểm soát và tổ chức hoạt động.
| Các đột biến ở biến thể R1 của virus SARS-CoV-2 có đáng lo ngại? Được ghi nhận lần đầu ở Nhật Bản, biến thể R1 của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 có những đặc điểm chung với các biến ... |
| Vì sao các nước thận trọng việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ? Theo BS. Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trẻ em không phải là người ... |