📞

Tín hiệu khơi thông bất đồng Mỹ-Trung Quốc: Đốm lửa nhỏ hay ngọn đuốc lớn?

Vy Anh 19:13 | 09/08/2023
Nhiều nguồn tin cho thấy, Mỹ và Trung Quốc đang phối hợp kiên trì để mở các kênh liên lạc nhằm giải quyết bất đồng trên nhiều lĩnh vực. Nhưng liệu rằng như vậy đã đủ để tìm ra hướng đi cho cặp quan hệ có tầm quan trọng hàng đầu trong cục diện thế giới hiện nay, vốn tồn tại nhiều cạnh tranh gay gắt.
Mỹ xác định mối quan hệ với Trung Quốc là “cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể và đối đầu khi bắt buộc”. (Nguồn: Reuters)

Đề xuất nhiều kênh liên lạc

Các tờ Financial TimesThe Hill gần đây đăng tải các bài viết có chung nhận định rằng, Mỹ và Trung Quốc đang mở ra các kênh liên lạc mới để giải quyết các vấn đề tranh cãi, một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy tiến triển hướng tới ổn định quan hệ kể từ khi Ngoại trưởng Antony Blinken đến thăm Bắc Kinh vào tháng 6 vừa qua.

Tờ The Hill ngày 7/8 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan và Thứ trưởng Ngoại giao Victoria Nuland đã tổ chức một cuộc họp ngắn với Đặc phái viên Trung Quốc Lý Huy.

Ông Miller nhận xét sự tham gia của Trung Quốc trong hội nghị thượng đỉnh về hòa bình ở Ukraine ở Jeddah, Saudi Arabia là “hiệu quả”, đồng thời bác bỏ ý kiến cho rằng Trung Quốc và Mỹ đã thảo luận về khả năng đàm phán giữa Ukraine và Nga.

Trong khi đó, Financial Times dẫn các nguồn tin cho biết, Washington và Bắc Kinh sẽ thành lập hai nhóm làm việc để tập trung vào các vấn đề khu vực châu Á-Thái Bình Dương và các vấn đề hàng hải; một nhóm thứ ba có thể tập trung vào các khu vực rộng lớn hơn. Ông Vương Đào, một quan chức hàng đầu của Trung Quốc sẽ gặp các quan chức cấp cao Mỹ tại Washington ngày 7/8 để bàn thảo kế hoạch.

Rõ ràng, đây sẽ là bước tiến đầu tiên hướng tới mục tiêu mà Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý tại Bali (Indonesia) vào tháng 11/2022 nhằm thiết lập một “điểm sàn” trong mối quan hệ, ngăn cạnh tranh “chuyển hướng thành xung đột”.

Scott Kennedy, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington D.C nhận định: “Việc tăng cường liên lạc với Trung Quốc về các vấn đề quan trọng khi hòa bình đang bị đe dọa là vì lợi ích quốc gia của Mỹ”.

Tỏ ra thận trọng, Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ Marshall Đức hoan nghênh việc Trung Quốc sẵn sàng thành lập các nhóm làm việc với Mỹ, nhưng cho rằng vẫn còn phải xem liệu các kênh mới có mang lại kết quả hay không.

“Liệu Bắc Kinh có sẵn sàng hợp tác với Mỹ để gây sức ép buộc Triều Tiên quay lại đàm phán về việc loại bỏ vũ khí hạt nhân hay thảo luận về cách Trung Quốc có thể đóng vai trò trong việc chấm dứt xung đột ở Ukraine hay không?”, chuyên gia Bonnie Glaser đặt câu hỏi.

Ít lạc quan hơn, Ryan Hass, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Brookings cho rằng, Mỹ không quan tâm đến các cuộc đàm phán và đã không nối lại các cuộc đối thoại chính thức đã tồn tại trong quá khứ.

“Họ đã không nhượng bộ bất cứ điều gì trong trao đổi với Trung Quốc. Tôi cho rằng thái độ đó sẽ tiếp tục”, chuyên gia Ryan Hass nhận định.

Thực tế thái độ thận trọng của những chuyên gia như ông Hass là hoàn toàn có cơ sở trong bối cảnh Mỹ xác định mối quan hệ với Trung Quốc là “cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể và đối đầu khi bắt buộc”.

Những nghi ngại vẫn bủa vây

Giữa những thông tin tích cực về cơ hội khơi thông bất đồng Mỹ-Trung đa phương diện, theo thông tin của tờ Wall Street Journal, Mỹ đã triển khai 4 tàu chiến hải quân sau khi lực lượng hải quân Nga và Trung Quốc tiến hành tuần tra chung gần bờ biển Alaska.

Tin tức cho hay ít nhất 11 tàu của Nga và Trung Quốc áp sát quần đảo Aleutian ở bang Alaska phía Bắc Mỹ, song không đi vào lãnh hải của Mỹ và đã rời đi sau đó. Mỹ triển khai 4 tàu khu trục và 1 máy bay P-8 Poseidon theo sát.

Brent Sadler, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Heritage, một chỉ huy hải quân đã nghỉ hưu, bình luận hoạt động phối hợp Nga-Trung kiểu này diễn ra “lần đầu tiên trong lịch sử”.

Bộ Tư lệnh phương Bắc (NORTHCOM) đã xác nhận thông tin: “Các lực lượng hàng không và hàng hải dưới sự chỉ huy Bộ Tư lệnh đã tiến hành các hoạt động để đảm bảo khả năng phòng thủ của Mỹ và Canada. Cuộc tuần tra vẫn ở trong vùng biển quốc tế và không được coi là một mối đe dọa”.

Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết các tàu khu trục USS John S. McCain, USS Benfold, USS John Finn và USS Chung-Hoon đã được triển khai để theo dõi hoạt động của hạm đội Nga-Trung.

Đại sứ quán Nga tại Washington D.C chưa trả lời yêu cầu bình luận. Bộ Quốc phòng Nga ngày 4/8 cho biết các tàu Nga và Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận liên quan đến huấn luyện thông tin liên lạc, hạ cánh và cất cánh trực thăng từ boong tàu cũng như diễn tập chống tàu ngầm ở phía Tây Nam Biển Bering.

Trong khi đó, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington D.C khẳng định cuộc tuần tra không nhằm vào Washington.

Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc Lưu Bằng Vũ nói: “Theo kế hoạch hợp tác hằng năm giữa quân đội Trung Quốc và Nga, các tàu hải quân của hai nước gần đây đã tiến hành tuần tra chung tại các vùng biển có liên quan ở Tây và Bắc Thái Bình Dương. Hành động này không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào và không liên quan đến tình hình quốc tế và khu vực hiện nay”.

Các quan chức Mỹ coi sự hợp tác ngày càng tăng giữa hải quân Nga và Trung Quốc là một nỗ lực đối trọng các liên minh của Mỹ với Nhật Bản, Hàn Quốc và các đối tác khác trong khu vực.

(theo the Hill, Financial Times)