Ông Tim Rieser (bên phải) và Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Patrick Leahy. (Nguồn: Văn phòng Thượng nghị sĩ Patrick Leahy) |
Ông có cảm nhận gì về chuyến thăm này chính thức Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Joe Biden?
Tôi cho rằng chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Việt Nam là một tín hiệu tuyệt vời. Đồng thời, đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của ông ấy tới Việt Nam. Đây là một cơ hội quan trọng để ông và lãnh đạo Việt Nam nhấn mạnh những cách thức mà hai nước đang hợp tác với nhau, bao gồm giải quyết những vấn đề khó khăn nhất trong khắc phục hậu quả chiến tranh.
Họ sẽ không chỉ tập trung vào quãng đường mà hai nước đã đi cùng nhau kể từ sau khi chiến tranh kết thúc, mà còn mở ra một chương mới trong mối quan hệ đối tác, tập trung nhiều hơn với đối mặt với những thách thức trong tương lai.
Nền tảng then chốt cho quá trình thiết lập và phát triển quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ là giải quyết hậu quả chiến tranh, một quá trình đã bắt đầu từ nhiều thập kỷ trước và vẫn đang tiếp tục đến ngày nay. Ông có thể điểm lại một số cột mốc quan trọng của tiến trình này? Trải nghiệm đáng nhớ nhất của ông khi tham gia vào quá trình này?
Theo tôi, có thể nói chúng ta không thể đạt được tiến bộ trong giải quyết hậu quả chiến tranh nếu không có tình hữu nghị, hợp tác chặt chẽ giữa hai bên, trong đó có là Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Patrick Leahy và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Tầm nhìn, sự hiểu biết về tầm quan trọng của hoạt động này với quan hệ song phương, cũng như sự cống hiến của họ đã thay đổi lịch sử.
Tin liên quan |
Chuyên gia nhận định về chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ |
Tình bạn và những đóng góp của họ đã trở thành nền tảng cho sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trong hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, từ trước đó, bắt đầu từ năm 1981, của các cựu binh Hoa Kỳ như ông Bobby Muller, John Terzano và những người đồng cấp phía Việt Nam, đã bắt đầu kêu gọi hòa giải.
Sáng kiến mở đường của họ rất đáng chú ý bởi thay vì tiếp tục tức giận và phẫn nộ về những gì đã đánh mất trong chiến tranh, họ đã tìm cách biến những ký ức đó thành một điều gì đó tích cực.
Sáng kiến của họ đã khiến các quan chức của cả hai chính phủ, trong đó có Thượng nghị sĩ John Kerry, John McCain, và Patrick Leahy, cũng như các chuyên gia từ các tổ chức nhân đạo phi chính phủ, tham gia tích cực. Ví dụ cụ thể đầu tiên về điều đó là nỗ lực chung giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nhằm xác định vị trí hài cốt của hàng trăm người Mỹ mất tích, hiện vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.
Năm 1989, Thượng nghị sĩ Patrick Leahy đã thành lập Quỹ Nạn nhân chiến tranh Leahy để giúp đỡ những nạn nhân vô tội trong chiến tranh bị thương nặng do chiến tranh. Ông và cựu Tổng thống George H. W. Bush quyết định rằng nơi đầu tiên để sử dụng Quỹ này sẽ là ở Việt Nam, thông qua các tổ chức như Quỹ Cựu chiến binh Hoa Kỳ tại Việt Nam và Tổ chức Hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam, để cung cấp chân tay giả và xe lăn cho những người đã không may mất chân tay do tai nạn do bom mìn chưa nổ. Không lâu sau, Thượng nghị sĩ Leahy đã có chuyến đi đầu tiên tới Việt Nam, nơi ông tận mắt chứng kiến khó khăn mà những người mất khả năng đi lại phải đối mặt.
Ngay từ những năm đầu đó, Hoa Kỳ cũng đã hỗ trợ các chương trình rà phá hàng nghìn quả mìn, bom, vốn tiếp tục gây thương vong cho người dân vô tội ở Việt Nam; hỗ trợ người Việt Nam khuyết tật nhiễm chất độc màu da cam; tầy độc tại sân bay Đà Nẵng và tại sân bay Biên Hòa.
Gần đây, Hoa Kỳ và Việt Nam bắt đầu một sáng kiến mới nhằm giúp xác định vị trí và xác định hàng trăm nghìn binh sĩ và dân thường Việt Nam trên khắp đất nước – ở miền Bắc, miền Nam và miền Trung Việt Nam – những người đã thiệt mạng trong chiến tranh và vẫn còn mất tích. Trên thực tế, những mất mát từ cuộc chiến đã ảnh hưởng đến mọi gia đình trên đất nước Việt Nam. Vì vậy, dự án này có tiềm năng trở thành một trong các dự án có ý nghĩa nhất chúng tôi đã thực hiện.
Trong những năm qua, đã có một số nỗ lực nhằm xác định vị trí bia mộ của những người Việt Nam mất tích, bao gồm sự giúp đỡ của một số cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Patrick Leahy cảm thấy chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để đáp lại sự giúp đỡ vô giá mà Việt Nam đã dành cho Hoa Kỳ trong việc tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA) ở Việt Nam nhiều năm qua.
Ông Tim Rieser trao đổi với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến về thúc đẩy nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, tháng 8/2022. (Nguồn: Quân đội Nhân dân) |
Hiện chúng tôi đang bắt tay vào một chương trình kéo dài năm năm với sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ và Viện Hòa bình Hoa Kỳ, đồng thời hợp tác chặt chẽ với các đối tác Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng bằng cách cung cấp thông tin từ các tài liệu lưu trữ, thông tin truyền miệng và các thông tin thời chiến khác, cùng hỗ trợ kỹ thuật và thiết bị DNA, nhiều gia đình Việt Nam cung cấp mẫu DNA sẽ biết được số phận những người thân yêu của mình.
Tôi cho rằng chương trình này không chỉ giúp mang lại cái kết cho một số gia đình Việt Nam đã tìm kiếm người thân gần 50 năm qua. Bởi lẽ, giống như các chương trình khắc phục hậu quả chiến tranh khác chúng tôi đã triển khai, nó sẽ xây dựng lòng tin và tăng cường quan hệ giữa hai nước.
Trong những năm qua, tôi đã có nhiều trải nghiệm đáng nhớ trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh. Tuy nhiên, chắc chắn một trong số những ký ức ấn tượng nhất là lễ khánh thành dự án xử lý môi trường Biên Hòa vào năm 2019. Dự án này, dự kiến kéo dài 10 năm và tiêu tốn gần nửa tỷ USD, cho thấy nỗ lực chưa từng có giữa hai quốc gia từng đứng bên hai bờ chiến tuyến nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, vốn đang tiếp tục đe dọa môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Một trải nghiệm khác đáng nhớ diễn ra gần đây. Đầu năm nay, tôi đã có dịp ghế thăm Trường John F. Kennedy tại Đại học Harvard, bang Massachusetts (Hoa Kỳ), nơi đang tham gia dự án MIA của Việt Nam. Ở đó, tôi đã gặp nhiều thanh niên Việt Nam đến từ khắp mọi miền đất nước. Họ đang được quân đội Hoa Kỳ trả phí để dịch nhật ký, thư từ và các tài liệu khác do các cựu quân nhân Mỹ thu thập được để sử dụng trong việc xác định hài cốt của người Việt Nam mất tích, với không ít người chưa trở về ấy có thể là ông bà của họ. Đó là một ví dụ khó quên về bánh xe của cuộc sống - sau tất cả, mọi thứ luôn trở lại điểm xuất phát ban đầu..
Lễ hồi hương hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam (MIA) lần thứ 161 diễn ra tại sân bay quốc tế Đà Nẵng ngày 27/6/2023. (Nguồn: TTXVN) |
Việt Nam và Hoa Kỳ gặp phải những khó khăn gì khi nỗ lực giải quyết hậu quả chiến tranh? Họ đã vượt qua những rào cản như thế nào?
Việt Nam và Hoa Kỳ có nền văn hóa và lịch sử rất khác nhau. Là hai quốc gia từng đứng ở hai bờ chiến tuyến, vào thời điểm tôi mới tham gia, còn đó sự thiếu tin tưởng, thù hận, tức giận và phản kháng mạnh mẽ đối với các nỗ lực hòa giải, dù là ở trong chính phủ hay các tổ chức cựu chiến binh. Đây là một thách thức không hề đơn giản.
Tuy nhiên, chúng tôi đã tìm cách biến những thách thức đó thành cơ hội. Chúng tôi hiểu rằng việc xây dựng một mối quan hệ đối tác bền chặt đòi hỏi mỗi bên phải tiến từng bước một để giải quyết mối quan tâm của bên còn lại. Đây là điều chúng ta phải tiếp tục nỗ lực, bởi vì mối quan hệ hợp tác này có bền vững hay không đều phụ thuộc vào ý chí của chúng ta. Khi có bất đồng, chúng ta nên tìm giải pháp để củng cố mối quan hệ hợp tác.
"Tôi chắc rằng Tổng thống Biden sẽ nói về tiến bộ chúng tôi đã đạt được trong việc khắc phục hậu chiến tranh, cách tiến trình ấy mở ra những lĩnh vực hợp tác mới, cũng như tầm quan trọng của việc nhân dân hai nước tiếp tục thúc đẩy tiến trình này". (Ông Tim Rieser) |
Theo ông, chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tác động ra sao đến quan hệ song phương nói chung và nỗ lực của hai nước trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh nói riêng?
Với cá nhân tôi, chuyến thăm sẽ góp phần nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam. Tôi chắc rằng Tổng thống Biden sẽ nói về tiến bộ mà chúng tôi đã đạt được trong việc khắc phục hậu chiến tranh, cách mà tiến trình ấy đã đã mở ra những lĩnh vực hợp tác mới, cũng như tầm quan trọng của việc nhân dân hai nước cùng nhau theo đuổi nỗ lực này.
Song song với việc tiếp tục khắc phục hậu quả chiến tranh, chúng ta muốn mở rộng hợp tác song phương trong giải quyết những thách thức khác từ chống biến đổi khí hậu, ngăn chặn các đại dịch trong tương lai, thúc đẩy giáo dục đại học, đẩy nhanh đổi mới công nghệ đến duy trì an ninh khu vực.
Bằng cách đó, chúng tôi muốn các thế hệ người Việt Nam và người Mỹ tiếp theo biết rằng bất chấp những gì đã xảy ra trong chiến tranh, vốn là một thảm kịch đối với cả hai nước, chúng tôi đã tìm ra cách để sử dụng kinh nghiệm ấy trong nhiều năm sau đó để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
Xin cảm ơn ông!
| Động lực đưa quan hệ Việt-Mỹ lên tầm cao mới Kể từ khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ, các Tổng thống Mỹ đều đến thăm Việt Nam. Chuyến thăm sắp tới ... |
| Tổng thống Joe Biden thăm Việt Nam: Động lực cho những đột phá trong tương lai Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Phạm Quang Vinh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Mỹ nhận định rằng chuyến thăm Việt Nam lần này ... |
| Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden mở ra chương mới trong quan hệ hai nước 'Chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden là bước tiếp nối những tiến triển đã đạt được kể từ khi Hoa Kỳ và Việt Nam ... |
| Giai đoạn mới, không gian mới thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ Trao đổi với TG&VN, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an, nhận định, chuyến thăm cấp ... |
| Chuyên gia nhận định về chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Một số học giả, chuyên gia đã đưa ra một số nhận định về chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt ... |