Ecuador đang rơi vào tình trạng báo động an ninh do sự trốn thoát của các tù nhân nguy hiểm và sự hoạt động mạnh của các băng đảng tội phạm. (Nguồn: AFP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
* Ukraine tuyên bố "những bất ngờ khó chịu" sớm chờ Nga: Ngày 9/1, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov, Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) Valeriy Zaluzhny và Tổng tham mưu trưởng Sergei Sheptala đã đến thành phố Kupyansk thuộc tỉnh Kharkov để thăm hỏi động viên binh sĩ.
Cảnh báo rằng "những bất ngờ khó chịu" sẽ sớm chờ đợi quân đội Nga ở Kupyansk, ông Umerov nói: “Tôi đã vinh dự được gặp chỉ huy các đơn vị hiện đang chiến đấu ở hướng này. Họ báo cáo về tình hình và những thách thức hiện tại. Ukraine sẽ sớm đưa ra các quyết định vốn sẽ khiến đối phương khó chịu".
Cũng trong chuyến đi này, các quan chức quốc phòng và quân đội Ukraine đã thảo luận với Tư lệnh lục quân nước này Alexander Syrsky, người cũng là chỉ huy nhóm quân Khortitsa.
Tướng Syrsky đã báo cáo về tình hình xung quanh Kupyansk, nói rằng bất chấp các cuộc tấn công liên tục của quân đội Nga, VSU vẫn tiếp tục “giữ vững vị trí của mình”. (The Kyiv Independent)
Tin liên quan |
Xu thế bất ổn 2024 |
* Nga thông báo con số thương vong của quân đội Ukraine năm 2023: Trong cuộc họp ngày 9/1, Bộ trưởng Quốc phòng LB Nga Sergei Shoigu cho biết, trong năm 2023, VSU đã tổn thất hơn 215.000 quân nhân và 28.000 vũ khí.
Cho biết Nga "duy trì thế chủ động chiến lược trên toàn bộ đường chiến tuyến", ông Shoigu cảnh báo, nỗ lực bổ sung binh sĩ của quân đội Ukraine "sẽ không làm thay đổi" tình hình trên thực địa mà "sẽ chỉ kéo dài xung đột quân sự".
Trước đó, cựu Tổng công tố Ukraine Yury Lutsenko cho biết, khoảng 500.000 quân nhân VSU thiệt mạng và bị thương kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột. (Al Jazeera)
* Anh tuyên bố tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong xung đột với Nga trong các năm 2024, 2025 và 2026, theo lời Ngoại trưởng Anh David Cameron ngày 9/1.
Ông Cameron nói: "Tổng GDP của nhóm các nước đồng minh của Ukraine lớn hơn Nga tới 25 lần. Việc tăng đáng kể sản xuất vũ khí sẽ không phải là vấn đề đối với chúng ta".
Theo nhà ngoại giao này, Anh cùng với các đồng minh "muốn cho Nga thấy rằng, 'chính sách chờ xem' của họ sẽ không có tác dụng với chúng ta... Anh sẽ sớm công bố gói viện trợ mới cho Kiev". (The Kyiv Independent)
TIN LIÊN QUAN | |
Bị Mỹ-Ukraine cùng các đồng minh tố sử dụng vũ khí Triều Tiên, Nga nói gì? |
Trung Đông
* Ngoại trưởng Mỹ gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ở Bờ Tây vào ngày 10/1, theo hãng AFP.
Trong cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, Washington tái khẳng định lập trường lâu dài của Washington là ủng hộ "các biện pháp rõ ràng" hướng tới mục tiêu thành lập Nhà nước Palestine "sát cánh cùng Israel", "cả hai đều sống trong hòa bình và an ninh".
Ngoại trưởng Blinken đã đề cập "sự bất ổn ngày càng gia tăng" ở Bờ Tây, nơi hàng trăm người Palestine thiệt mạng trong các cuộc đột kích của quân đội Israel.
Như một phần trong nỗ lực ổn định khu vực, ông "nhấn mạnh quan điểm của Mỹ rằng, tất cả các khoản thuế của người Palestine do Israel thu phải được chuyển giao một cách nhất quán cho chính quyền Palestine theo các thỏa thuận thống nhất trước đó".
Trước đó, ngày 9/1, trong cuộc gặp trực tiếp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại một căn cứ quân sự ở Tel Aviv, Ngoại trưởng Mỹ đã kêu gọi Israel tránh gây thương vong cho dân thường và duy trì lộ trình hướng tới thành lập Nhà nước Palestine.
* Ngoại trưởng Mỹ sẽ thăm Bahrain vào ngày 10/1 (giờ địa phương), chặng mới nhất của chuyến công du giải quyết khủng hoảng ở Trung Đông, theo lời một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ.
Ông Blinken sẽ thảo luận với Quốc vương nước chủ nhà Hamad bin Isa Al Khalifa về việc ngăn chặn cuộc chiến Israel-Hamas ở Dải Gaza leo thang trong khu vực. (AFP)
* Anh, Mỹ đẩy lùi "cuộc tấn công lớn nhất" của Houthi ở Biển Đỏ vào ngày 10/1, theo thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps.
Ông còn nêu rõ, một tàu chiến của Anh đã phá hủy "nhiều máy bay không người lái (UAV) tấn công bằng súng và tên lửa trên biển", vài giờ sau khi Washington tuyên bố lực lượng của hai nước đã bắn hạ 18 UAV và 3 tên lửa hôm 9/1.
Anh cũng mới thông báo cử chiến hạm HMS Richmond tới Biển Đỏ để đảm bảo an toàn hàng hải trong khu vực cùng với tàu khu trục HMS Diamond của Hải quân Hoàng gia. (AFP)
* Israel cho phép phái đoàn Liên hợp quốc thị sát phía Bắc Dải Gaza để đánh giá tình trạng cơ sở hạ tầng và xem xét khả năng đưa người Palestine trở lại khu vực này.
Quyết định được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken họp với thành viên Nội các Israel, bao gồm Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và Bộ trưởng Benny Gantz.
Trước đó, Israel nhiều lần khẳng định, chưa thể cho người Palestine quay trở lại phía Bắc Dải Gaza do còn nhiều khó khăn trên thực địa và chưa có tiến triển gì trong nỗ lực giải cứu con tin.
Giới chức Israel cũng ra điều kiện chỉ cho phép dân thường Palestine trở lại nơi ở cũ của họ ở phía Bắc Dải Gaza nếu các phong trào vũ trang ở vùng lãnh thổ này thả toàn bộ số con tin còn lại. (Times of Israel)
TIN LIÊN QUAN | |
Biển Đỏ: Anh xuất kích chiến hạm đáng gờm; hàng loạt tên lửa, máy bay không người lái của Houthi bị hạ |
Châu Âu
* Nga chứng minh là một quốc gia tự chủ mọi mặt: Ngày 10/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lần đầu tiên đến thăm Chukotka ở vùng cực Đông, có biên giới trên biển với bang Alaska của Mỹ.
Ông Putin từng tuyên bố vùng Viễn Đông đóng vai trò quan trọng đối với vị thế của nước Nga trong thế giới đa cực.
Phát biểu với người dân địa phương, nhà lãnh đạo Nga nói rằng: "Điều quan trọng mà chúng ta đã chứng minh cho chính mình và toàn thế giới biết là Nga là một quốc gia tự chủ về mọi mặt. Chúng ta mạnh mẽ tiến về phía trước và tự tin hướng tới tương lai".
Theo nhà lãnh đạo, đây "chắc chắn là kết quả quan trọng nhất trong năm qua".
Lưu ý ngay cả các nền kinh tế hàng đầu châu Âu cũng đang trải qua thời kỳ khó khăn dù "những vấn đề họ gặp phải thậm chí không thể so sánh với những vấn đề của Nga", Tổng thống Putin khẳng định, hiện nay, Moscow đang trên đà phát triển còn châu Âu đang suy thoái. (TASS)
* Tổng thống Ukraine công du các nước Baltic: Ngày 10/1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bất ngờ đến thăm Lithuania, một quốc gia Baltic thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trên mạng xã hội X, trước đây là Twitter, ông Zelensky tuyên bố sẽ tới Estonia và Latvia sau chuyến công du Lithuania, nhấn mạnh rằng: "Estonia, Latvia và Lithuania là những người bạn đáng tin cậy và đối tác có nguyên tắc của chúng tôi".
Trong chuyến thăm Lithuania, Vilnius thông báo nêu rõ: "Hai Tổng thống sẽ thảo luận về cuộc xung đột ở Ukraine, sự hỗ trợ dành cho Kiev và việc nước này gia nhập Liên minh châu Âu và NATO". (Reuters)
* Nga bắt đầu sản xuất hàng loạt bom lượn Drel trong năm 2024: Ngày 10/1, hãng TASS dẫn lời một đại diện của Tập đoàn quốc phòng nhà nước Nga Rostec cho biết, Moscow có kế hoạch bắt đầu sản xuất hàng loạt loại bom lượn Drel mới trong năm nay, sau khi loại vũ khí này đã vượt qua tất cả các loại thử nghiệm.
Theo TASS, bom lượn Drel, một trong số những loại vũ khí mới nhất của Nga - có khả năng bay độc lập bằng cách sử dụng đường bay lượn tới mục tiêu ở khoảng cách xa hơn và nổ tung phía trên mục tiêu vào "đúng thời điểm".
Bom Drel được thiết kế để tiêu diệt xe bọc thép, trạm radar trên mặt đất, trung tâm điều khiển nhà máy điện và hệ thống tên lửa phòng không. Các nhà phân tích quân sự lưu ý loại bom này cũng có khả năng chống nhiễu và chống radar phát hiện, khiến nó khó bị tiêu diệt.
* Căng thẳng Azerbaijan-Pháp liên quan một công dân bị nghi ngờ gián điệp: Ngày 9/1, Đại sứ Azerbaijan tại Pháp Leyla Abdullayeva cho biết, Baku đã bắt giữ một người đàn ông Pháp vào tháng 12/2023 vì tội gián điệp và sẽ giam giữ người này trong thời gian 4 tháng.
Sau thông tin này, Paris ra tuyên bố cáo buộc Baku bắt giữ công dân Pháp một cách tùy tiện và yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho người này.
Ngày 10/1, Bộ Ngoại giao Azerbaijan nêu rõ: "Tuyên bố của Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp là không có cơ sở... nhằm bóp méo sự thật và can thiệp vào công việc nội bộ của Azerbaijan cũng như quá trình điều tra pháp lý. Chúng tôi một lần nữa mạnh mẽ yêu cầu phía Pháp ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Azerbaijan". (Reuters)
* Ngoại trưởng Iran, Nga điện đàm ngày 9/1 để trao đổi quan điểm về tình hình Biển Đỏ, diễn biến xung đột giữa Israel-Hamas ở Dải Gaza cũng như các vấn đề liên quan quan hệ song phương.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Iran, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh cho tuyến vận tải qua Biển Đỏ.
Theo ông, cần chấm dứt xung đột ở Dải Gaza nhằm ngăn chặn thương vong đối với người dân Palestine ở vùng lãnh thổ này.
Về phần mình, Ngoại trưởng Lavrov cho biết, Nga mong muốn chấm dứt tình trạng bạo lực và leo thang căng thẳng ở Dải Gaza.
Hai bên cũng thúc đẩy việc hoàn tất soạn thảo hiệp ước về đối tác chiến lược toàn diện cũng như việc vận chuyển hàng hóa song phương. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Những điểm đến không thể bỏ qua ở Iran |
Châu Á
* Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ để cải thiện quan hệ song phương: Trong bức thư hồi đáp một người bạn ở bang Iowa (Mỹ) hôm 5/1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, những thành tựu trong quan hệ Bắc Kinh-Washington chủ yếu là nhờ nỗ lực chung của nhân dân hai nước.
Lưu ý rằng, Trung Quốc là quốc gia đang phát triển lớn nhất và Mỹ là quốc gia phát triển lớn nhất thế giới, ông Tập nhấn mạnh, tương lai của hành tinh này cần sự ổn định và cải thiện trong quan hệ Trung-Mỹ.
Theo nhà lãnh đạo, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ để thúc đẩy quan hệ song phương phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững. (THX)
* Thủ tướng mới của Bhutan là ông Tshering Tobgay, lãnh đạo đảng Dân chủ Nhân dân (PDP), khi đảng này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 9/1 với 30/47 ghế.
Ông Tshering Tobgay, 58 tuổi, từng giữ chức Thủ tướng Bhtutan giai đoạn 2013-2018. Ông tốt nghiệp ngành cơ khí trường Đại học Pittsburgh và Thạc sĩ hành chính công của trường Harvard (Mỹ).
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chúc mừng ông Tobgay giành chiến thắng. Về phần mình, ông Tobgay khẳng định tiếp tục tăng cường quan hệ với Ấn Độ. (Al Jazeera)
* Philippines-Indonesia thúc đẩy quan hệ song phương: Ngày 10/1, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo đang ở thăm chính thức Manila 3 ngày.
Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo cho biết hai bên đã trao đổi về các biện pháp tăng cường quan hệ song phương, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.
Tổng thống Widodo nhấn mạnh tới việc mở cửa thị trường nhằm thúc đẩy thương mại. Indonesia mong muốn nhận được sự ủng hộ của Philippines trong việc áp dụng các biện pháp bảo hộ đặc biệt đối với mặt hàng cà phê của nước này.
Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi cởi mở và thực chất về các vấn đề khu vực cùng quan tâm. Tổng thống Marcos Jr. nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: Tương lai của hành tinh cần sự ổn định và cải thiện trong quan hệ Trung-Mỹ |
Châu Mỹ
* Bạo loạn nhà tù ở Ecuador: Bạo lực đang leo thang sau khi một trong những tù nhân nguy hiểm nhất Ecuador và 39 tù nhân khác trốn thoát khỏi các nhà tù, dẫn đến bạo loạn tại 6 nhà tù khác trên khắp đất nước Nam Mỹ này.
Ít nhất 10 người, trong đó có 2 nhân viên thực thi pháp luật, đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực liên quan tổ chức tội phạm.
Ngày 9/1, Tổng thống Ecuador Daniel Noboa buộc phải ban bố tình trạng "xung đột vũ trang trong nước", một ngày sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong 60 ngày, đồng thời chỉ thị các lực lượng vũ trang thực thi các chiến dịch quân sự theo luật nhân đạo quốc tế nhằm triệt phá các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia.
Trước tình hình trên, từ ngày 10/1, Trung Quốc sẽ tạm thời đóng cửa Đại sứ quán và các tổng lãnh sự quán của nước này tại Ecuador cho đến khi có thông báo mới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố, Bắc Kinh ủng hộ các nỗ lực của Ecuador trong việc bảo đảm ổn định xã hội và hy vọng tình hình ở quốc gia Nam Mỹ sẽ nhanh chóng bình thường hóa.
Cùng ngày, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Tây bán cầu Brian Nichols cho biết, Washington rất quan ngại về tình hình bạo lực tại Ecuador hiện nay và sẽ duy trì liên hệ chặt chẽ với chính quyền Tổng thống Daniel Noboa. (THX, Reuters)
| Tin thế giới 9/1: Nga ra tuyên bố chặn đứng hành động của Ukraine, Trung Quốc 'khoe' thành công, WHO cảnh báo đau đớn ở Gaza Diễn biến xung đột ở Ukraine, tình hình Biển Đông lại 'nóng' qua những tranh cãi ngoại giao, Pháp có Thủ tướng mới, giao tranh ... |
| Giới chức Trung Quốc khẳng định không tìm cách định hình lại trật tự toàn cầu, tìm kiếm sự hợp tác lớn hơn với Mỹ Trung Quốc tuyên bố là một trong những nước xây dựng trật tự thế giới hiện tại và đã được hưởng lợi từ nó. |
| Trùm tội phạm Ecuador vượt ngục, Tổng thống ban lệnh nóng, Peru đưa cảnh sát tới biên giới, Trung Quốc đóng cửa Đại sứ quán Ngày 9/1, Tổng thống Ecuador Daniel Noboa ban bố tình trạng "xung đột vũ trang trong nước" trong bối cảnh bạo lực leo thang ở ... |
| Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: Tương lai của hành tinh cần sự ổn định và cải thiện trong quan hệ Trung-Mỹ Mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, những thành tựu trong quan hệ Trung-Mỹ chủ yếu là nhờ nỗ lực chung ... |
| Điểm tin thế giới sáng 10/1: Malaysia tăng cường mua sắm khí tài, Pháp có Thủ tướng 34 tuổi, 4 cảnh sát Ecuador bị bắt cóc Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 10/1. |