Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc hội đàm tại Singapore. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Mỹ) |
Báo Thế giới & Việt Nam xin điểm lại một số tin thế giới nổi bật ngày 10/6:
Nga-Ukraine
* Ukraine lo Nga ‘bắt thóp’ ở sông Siverskyi Donets: Ngày 10/6, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ukraine Oleksandr Motuzyanyk cho biết, Nga đang tìm kiếm điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Ukraine gần sông Siverskyi Donets.
Theo quan chức này, lực lượng Nga đã không từ bỏ nỗ lực tiến hành chiến dịch tấn công trong khu vực trên.
Giới phân tích nhận định, nếu Nga chiếm được các thành phố Sievierodonetsk và Lysychansk ở khu vực sông Siverskyi Donets thì Moscow sẽ nắm giữ toàn bộ Luhansk, một trong hai tỉnh ở vùng Donbas, miền Đông Ukraine.
Trong khi đó cùng ngày, Ukraine tuyên bố lực lượng nước này đã tấn công các cứ điểm quân sự của Nga ở tỉnh miền Nam Kherson, nơi quân đội của Kiev đang chiến đấu để giành lại vùng lãnh thổ bị lực lượng của Moscow kiểm soát.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola cho biết, cơ quan này ủng hộ nỗ lực của Ukraine trong việc giành được vị trí ứng cử viên để gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Ngoài ra trong bài phát biểu, bà Metsola cho rằng, công dân các nước thành viên EU đã bắt đầu cảm thấy tác động của lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, đồng thời nhấn mạnh động thái này đặt ra câu hỏi về tính bền vững của mô hình tài chính của EU. (AFP/Reuters/Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Chính quyền mới của Philippines có quan điểm như thế nào về xung đột Nga-Ukraine? |
Châu Âu
* Hội nghị ngoại trưởng châu Phi và Bắc Âu ở Phần Lan: Bộ Ngoại giao Phần Lan ngày 10/6 thông báo, Ngoại trưởng của 25 quốc gia châu Phi sẽ gặp người đồng cấp các nước Bắc Âu ở thủ đô Helsinki (Phần Lan) từ ngày 13-15/6 tới để thảo luận vấn đề an ninh và hợp tác. Đây là hội nghị cấp bộ trưởng trực tiếp lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Trong một tuyên bố, Bộ trên nêu rõ: “Ngoại trưởng Pekka Haavisto sẽ chủ trì hội nghị Ngoại trưởng Bắc Âu-châu Phi trong các ngày 13-15/6. Ngoài Ngoại trưởng các nước Bắc Âu, 25 Ngoại trưởng châu Phi cũng được mời tới dự hội nghị".
Theo tuyên bố, hội nghị sẽ thảo luận về hòa bình, an ninh, bền vững và biến đổi khí hậu cũng như hợp tác tại nhiều diễn đàn khác nhau. Ngoại trưởng các nước cũng sẽ tiến hành thảo luận các đại diện thanh niên Phần Lan.
Ngoại trưởng Haavisto cho biết thêm: “Tôi rất vui vì những người đồng cấp Bắc Âu và châu Phi của tôi giờ đây có thể có mặt tại Helsinki. Hội nghị không chính thức mang đến cơ hội quý giá để trao đổi quan điểm về nhiều chủ đề cũng như tăng cường hợp tác song phương và đa phương. Đây là điều chúng ta cần nhất là trong tình hình toàn cầu hiện tại”
Hội nghị đầu tiên của các Ngoại trưởng Bắc Âu-châu Phi được triệu tập vào năm 2001 do Ngoại trưởng Thụy Điển Anna Lindh chủ trì. Hội nghị gần nhất diễn ra tại Tanzania vào năm 2019 trước khi bùng phát đại dịch Covid-19. (Sputnik)
* Thụy Điển kỳ vọng vào đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ: Ngày 10/6, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde cho biết nước này mong muốn đạt được tiến triển mang tính xây dựng trong cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về việc quốc gia Bắc Âu này xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong tuyên bố về chính sách đối ngoại trước quốc hội sau khi Thụy Điển cùng Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng trước, bà Linde nhấn mạnh: “Đơn của chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các thành viên NATO... Tham vọng của chúng tôi là, trên tinh thần xây dựng, đạt được tiến bộ trong việc giải quyết những khúc mắc mà Thổ Nhĩ Kỳ đã nêu ra”. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Thượng đỉnh NATO: Tổng thống Ukraine được mời? Lãnh đạo 2 nước châu Á lên kế hoạch tham dự |
Đối thoại Shangri-La 2022
* Bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Trung Quốc hội đàm: Bên lề Đối thoại Shangri-La 2022 ở Singapore, ngày 10/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có cuộc hội đàm đầu tiên với người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa kể từ khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ.
Buổi gặp gỡ diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc cố gắng đảm bảo căng thẳng giữa hai nước không leo thang do hiểu lầm quân sự hoặc thông tin sai lệch.
Trước thềm cuộc gặp trên, một quan chức cấp cao của Mỹ nói: “Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để đảm bảo rằng đây là một cuộc hội đàm chuyên nghiệp, thực chất. Chúng tôi sẽ thảo luận về một số vấn đề rất nghiêm trọng, nhưng phía Washington không mong muốn công bố rộng rãi”. Truyền thông Trung Quốc cũng cho biết Bắc Kinh sẽ nhân cuộc gặp này để thảo luận hợp tác với Mỹ. (Reuters)
* Bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc và Trung Quốc bàn chuyện Triều Tiên: Ngày 10/6: Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup đã hội đàm song phương với người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Singapore ngày 10/6 nhân dịp dự Đối thoại Shangri-La 2022.
Hai bên được cho là đã thảo luận về tình hình Triều Tiên. Ngoài ra, cả hai được cho là đã đề cập đến việc Seoul cho phép chính thức vận hành hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ ở Hàn Quốc, hiện đang trong tình trạng “lắp đặt tạm thời” trong khi chờ đánh giá tác động môi trường.
Phát biểu với báo sau cuộc gặp, ông Lee cho biết hai bên đã có cuộc hội đàm “rất hữu ích”, đồng thời khẳng định đây là “một cơ hội tốt để hai bên hiểu nhau”.
Cuộc hội đàm giữa ông Ngụy và ông Lee diễn ra trong bối cảnh Seoul đang củng cố hợp tác an ninh khu vực nhằm ngăn chặn hành động khiêu khích của phía Triều Tiên, giữa lo ngại về khả năng Bình Nhưỡng tiến hành một vụ thử hạt nhân. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Trung Quốc lên án Mỹ ‘đổ thêm dầu vào lửa’ vào biên giới Trung-Ấn |
Bán đảo Triều Tiên
* Hàn Quốc cân nhắc trừng phạt Triều Tiên: Ngày 10/6, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin cho biết, nước này đang cân nhắc áp đặt trừng phạt đơn phương với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng thử hạt nhân.
Trả lời phỏng vấn trước thềm chuyến thăm thủ đô Washington để tiến hành hội đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken, ông Park nêu rõ: “Chính quyền mới (của Hàn Quốc) xem xét vấn đề áp đặt trừng phạt đơn phương nhằm vào Triều Tiên và đang thảo luận các biện pháp khác nhau”.
Theo ông Park, Triều Tiên dường như đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân và thời điểm có thể tùy thuộc vào “quyết tâm chính trị” của ban lãnh đạo Triều Tiên. Ngoại trưởng Hàn Quốc nhấn mạnh, nếu vụ thử hạt nhân được thực hiện thì Seoul sẽ phối hợp với cộng đồng quốc tế để gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới Bình Nhưỡng và đáp trả bằng các “biện pháp răn đe kiên quyết”.
Khi được hỏi liệu Trung Quốc và Nga có phản đối các lệnh trừng phạt bổ sung bất chấp vụ thử hạt nhân của Triều Tiên hay không, ông Park khẳng định nước này sẽ tập trung các nỗ lực ngoại giao để thuyết phục các nước thành viên thường trực của HĐBA LHQ đưa ra “một nghị quyết trừng phạt cứng rắn”. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Triều Tiên 'bất thường', Hàn Quốc tổ chức cuộc họp với đại sứ các nước |
Nam Á
* Liên hợp quốc lo Sri Lanka đối mặt “tình trạng khẩn cấp nhân đạo toàn diện”: Ngày 10/6, người phát ngôn của cơ quan nhân đạo Liên hợp quốc (OCHA), ông Jens Laerke lên tiếng cảnh báo, cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có của Sri Lanka có thể trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, với việc hàng triệu người dân đang cần viện trợ.
Phát biểu với báo giới, ông Laerke nêu rõ: “Chúng tôi lo ngại rằng cuộc khủng hoảng hiện nay có thể trở thành tình trạng khẩn cấp nhân đạo toàn diện, và chúng tôi đang hành động để giải quyết mối lo ngại đó”.
Theo ông Laerke, Liên hợp quốc và các đối tác đang kêu gọi số tiền 47 triệu USD để giải quyết nhu cầu khẩn cấp của 1,7 triệu người dễ tổn thương nhất và những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng.
Đại diện OCHA cho biết thêm, cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất của Sri Lanka kể từ khi giành được độc lập năm 1948 đã và đang gây ra tổn thất nặng nề, với ngành nông nghiệp và sinh kế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cảnh báo “nền kinh tế Sri Lanka đang trên bờ vực sụp đổ”, ông cũng “kêu gọi cộng đồng quốc tế sát cánh với người dân Sri Lanka”.
Trong khi đó, đại diện Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) Christian Skoog cũng cảnh báo tình hình tại nước này đang rất nghiêm trọng, với việc 17% trẻ em dưới 5 tuổi đã bị suy dinh dưỡng và thấp còi trước khi cuộc khủng hoảng bùng phát. (AFP)
| Hai điểm nhấn tại Đối thoại Shangri-La Sự xuất hiện của Thủ tướng Nhật Bản và khả năng về cuộc gặp bộ trưởng quốc phòng Mỹ-Trung là điểm nhấn nổi bật tại ... |
| Sri Lanka thanh minh vụ giữ máy bay Nga: Là vấn đề pháp lý, nhà nước không liên quan Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe khẳng định, vụ máy bay thương mại của Aeroflot (Nga) bị giữ tại sân bay Bandaranaike không phải là ... |