Tên lửa từ dải Gaza phóng về phía khu định cư của người Do Thái ngày 10/5. (Nguồn: AFP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Lực lượng Wagner: Ukraine bắt đầu phản công: Ngày 11/5, trả lời câu hỏi từ truyền thông Nga, lãnh đạo tập đoàn Wagner Yevgeny Prigozhin cho biết Ukraine đã bắt đầu phản công và tiếp cận Bakhmut từ hai bên sườn. Ông nói: “Thật không may, (hoạt động của Ukraine) đã thành công một phần”. (Reuters)
* Nga cáo buộc Ukraine bảo trợ khủng bố: Ngày 10/5, trả lời phỏng vấn với kênh ATV (Cộng hòa Srpska, Bosnia & Herzgovina), người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Chúng tôi thực sự đã chứng kiến việc thực hiện âm mưu tấn công Điện Kremlin ở Moscow bằng hai máy bay không người lái (UAV), nơi có dinh thự Tổng thống Nga.
Chúng tôi có thể coi vụ tấn công là một âm mưu khủng bố nhằm vào nguyên thủ quốc gia Nga. Đây là vụ việc đáng báo động, không thể chấp nhận được và là hành động khủng bố nhà nước. Theo cách này, Ukraine đã tự đặt mình vào hàng ngũ quốc gia bảo trợ chủ nghĩa khủng bố”.
Sau vụ tấn công ngày 3/5, Ủy ban Điều tra Nga đã khởi tố vụ án về hành động khủng bố “liên quan đến âm mưu tấn công của Kiev” vào Điện Kremlin. (TASS)
* Ông Volodymyr Zelensky: Ukraine cần thời gian trước khi phản công: Trả lời phỏng vấn BBC (Anh) ngày 11/5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh: “Với (những gì đang có), chúng tôi có thể tiến lên phía trước và thành công, song sẽ mất rất nhiều người. Tôi nghĩ điều đó là không thể chấp nhận được. Vì vậy, chúng tôi cần phải chờ đợi. Chúng tôi vẫn cần thêm một chút thời gian”.
Hiện các lực lượng Ukraine đang huấn luyện một đội quân mới, cũng như dự trữ đạn dược và khí tài do phương Tây cung cấp. Theo giới phân tích, đây là chìa khóa để giành lại các khu vực hiện nằm dưới quyền kiểm soát của Nga. (AFP)
* Ukraine yêu cầu phương Tây cấp thêm UAV: Ngày 11/5, phát biểu trên đài Rada (Ukraine) Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết Kiev đã yêu cầu phương Tây cung cấp nhiều UAV để phá hủy cơ sở hạ tầng cơ sở Nga: “Chúng ta cần sử dụng và được cung cấp bao nhiêu UAV để phá hủy toàn bộ cơ sở hạ tầng (của Nga) dọc theo tiền tuyến? Một nghìn, hai nghìn, ba nghìn UAV với nhiều biến thể khác nhau. UAV là yếu tố then chốt của xung đột”.
Trong một tin liên quan, thống đốc vùng Bryansk của Nga, ông Aleksandr Bogomaz cho biết cùng ngày, các UAV của Ukraine đã tấn công một kho chứa dầu tại đây. Reuters cũng đưa tin UAV đã tấn công một tòa nhà chính phủ ở vùng Bryansk, nơi có chung biên giới với Ukraine. Thông tin trên được đưa ra sau khi một cuộc tấn công bằng UAV khác được báo cáo ở vùng Belgorod giáp Ukraine. (AFP/Sputnik)
* Ukraine bác bỏ đàm phán hòa bình “theo điều kiện của Nga”: Ngày 11/5, phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraine (NSDC) Oleksiy Danilov nêu rõ: “Tôi muốn các bạn nhận ra rằng họ gây leo thang căng thẳng để khiến chúng ta ngồi vào bàn đàm phán theo điều kiện của Nga. Không ai bán rẻ lợi ích quốc gia của chúng ta, ngay cả khi đại diện của các quốc gia khác, những người can dự vào tình huống này, muốn điều đó xảy ra”. Song ông không nêu quan chức, quốc gia nào đã gây sức ép. (RT)
* Anh cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine, Nga nói gì? Ngày 11/5, CNN (Mỹ) dẫn nguồn các quan chức cấp cao phương Tây cho biết Anh đã cấp cho Ukraine tên lửa dẫn đường tầm xa Storm Shadow. London đã từ chối bình luận về vấn đề này. Phát biểu ít lâu sau đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã cảnh báo hành động trên sẽ đòi hỏi “phản ứng thích đáng từ quân đội của chúng tôi”.
Tuần trước, một nhóm nước châu Âu do Anh dẫn đầu đã đề nghị các công ty quan tâm đến việc cung cấp tên lửa có tầm bắn lên đến 300 km cho Ukraine. Tuy nhiên, ngày 9/5, nước này cho biết vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc này. (Reuters)
* Ông Trump: Mỹ đang gửi quá nhiều vũ khí tới Ukraine: Ngày 10/5, trong chương trình Town Hall trên CNN, trả lời câu hỏi liên quan đến viện trợ quân sự cho Ukraine, cựu Tổng thống Mỹ khẳng định: “Đó là một câu hỏi rất quan trọng bởi vì chúng tôi đang cho đi rất nhiều thiết bị. Giờ đây nước Mỹ không còn đạn dược cho chính mình.
Khi được hỏi xem ông muốn ai thắng trong cuộc xung đột ở Ukraine, chính trị gia này đáp lại: “Tôi không nghĩ về thắng thua. Tôi nghĩ về việc giải quyết ổn thỏa để chúng ta ngừng mọi hành động gây chết người. Người Nga và người Ukraine, tôi muốn họ không bị chết!”. Ông Donald Trump cũng khẳng định sẽ giải quyết xung đột trong 24 giờ nếu vẫn còn là Tổng thống Mỹ.
Về vai trò của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong xung đột, ông Trump cho hay “đó là điều sẽ được thảo luận sau” bởi đàm phán thỏa thuận hòa bình sẽ khó khăn hơn và “ngay bây giờ, chúng tôi muốn giải quyết xung đột đó”. (Sputnik)
* Tổng thống Đức: Xung đột Ukraine phá hủy trật tự an ninh châu Âu: Phát biểu trên đài RBB (Đức) ngày 11/5, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier lưu ý: “Thật không may, trật tự an ninh châu Âu này không còn tồn tại nữa”. Theo ông, lý do duy nhất cho điều này là những gì đang xảy ra ở Ukraine.
Tổng thống Đức nhận định ngay cả khi xung đột Nga-Ukraine chấm dứt, triết lý an ninh cũ cũng sẽ không quay trở lại. Ông khẳng định: “Một tình hình mới sẽ nổi lên mà ở đó một bên là châu Âu, một bên là Nga, sẽ chủ yếu đề phòng lẫn nhau”. Theo ông, triết lý về an ninh chung sẽ không còn là một khái niệm phổ biến về lâu dài. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ chuyển tài sản Nga cho Ukraine, Moscow nói Washington bị 'gậy ông đập lưng ông' |
Mỹ-Trung
* Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ-Trung hoãn gặp: Ngày 11/5, Financial Times (Anh) cho biết Bắc Kinh đã thông báo cho Washington rằng cuộc gặp giữa người đứng đầu Lầu Năm Góc Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc tại Singapore tháng Sáu khó có thể diễn ra. Nguyên nhân của việc trên được cho là do trừng phạt của Washington đối với cá nhân của ông Lý Thượng Phúc do liên quan tới vụ mua Su-35 và S-400 của Nga.
Ông Lý Thượng Phúc là người đứng đầu Bộ Phát triển Trang bị Quân ủy Trung ương Trung Quốc từ năm 2017-2022. Năm 2018, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với bộ phận này và cá nhân ông Lý vì hợp tác quân sự với Nga. Đây là lý do khiến Bắc Kinh từ chối tham gia cuộc họp cấp bộ trưởng quốc phòng.
Về phần mình, Mỹ thông báo với Trung Quốc rằng các lệnh trừng phạt không ngăn cản hai bên gặp gỡ ở nước thứ ba. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết hiện Trung Quốc không thể đồng ý tổ chức cuộc họp khi trừng phạt vẫn còn hiệu lực và Mỹ không có kế hoạch dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Bộ trưởng Lý. (Financial Times)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ: G7 lo hành vi 'ép buộc kinh tế' của Trung Quốc, Washington vỡ nợ sẽ gây suy thoái toàn cầu |
Nga-Mỹ
* Moscow chỉ trích Mỹ tịch thu tài sản của tài phiệt Nga: Ngày 11/5, Nga đã chỉ trích việc Mỹ đã tịch thu tài sản của nhà tài phiệt xứ bạch dương Konstantin Malofeyev để chuyển giao cho Ukraine. Moscow khẳng định quyết định này sẽ khiến Washington bị “gậy ông đập lưng ông”.
Trước đó, ngày 10/5, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland đã cho phép tiến hành đợt chuyển giao đầu tiên các tài sản bị tịch thu của Nga để tái thiết Ukraine. Ông nêu rõ: “Dù đây là đợt chuyển giao đầu tiên của Mỹ đối với các khoản tiền bị tịch thu của Nga để tái thiết Ukraine, nhưng đó sẽ không phải là lần cuối cùng”. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Pháp hiểu 'vai trò quan trọng' của Trung Quốc trên trường quốc tế, bày tỏ với Bắc Kinh các nỗi lo |
Đông Nam Á
* Lãnh đạo ASEAN thông qua Lộ trình kết nạp Timor Leste: Ngày 11/5, trao đổi với các phóng viên sau khi dự họp báo công bố kết quả Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 42 tại thị trấn Labuan Bajo, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thảo luận và thông qua Lộ trình kết nạp Timor Leste làm thành viên chính thức.
Bà nhấn mạnh: “Cam kết của các quốc gia thành viên ASEAN rất mạnh mẽ và rõ ràng, rằng chúng ta sẵn sàng hỗ trợ Timor-Leste hoàn thành các tiêu chí của Lộ trình. Văn kiện này đã được thông qua và chúng ta sẵn sàng hỗ trợ Timor-Leste”. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Để ASEAN bứt phá thành tâm điểm tăng trưởng |
Nam Thái Bình Dương
* Bộ trưởng Thương mại Australia thăm Trung Quốc: Ngày 11/5, ông Don Farrell đã tới Trung Quốc để thảo luận với người đồng cấp Trung Quốc Vương Văn Đào “để thúc đẩy giải quyết các trở ngại thương mại còn tồn tại”. Văn phòng của ông cho biết cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 12/5. Hai bên cũng sẽ chủ trì phiên họp Ủy ban kinh tế liên bộ trưởng thứ 16, lần cuối diễn ra tại Bắc Kinh năm 2017.
Ông Farrell nêu rõ: “Tôi sẽ nỗ lực hết sức để đẩy mạnh khôi phục đầy đủ xuất khẩu từ Australia sang Trung Quốc mà không gặp trở ngại - với tất cả các lĩnh vực - vì lợi ích của cả hai nước, các nhà xuất khẩu và nhà sản xuất Australia”.
Về phần mình, phát biểu cùng ngày tại họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cũng nhấn mạnh rằng sự phát triển lành mạnh và bền vững quan hệ Trung Quốc - Australia là lợi ích của cả hai nước.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, với mức thương mại hai chiều hàng hóa trị giá 287 tỷ AUD (194 tỷ USD) vào năm 2022. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Căng thẳng Trung Quốc-Australia: Canberra dùng ‘vũ khí’ năng lượng, ‘uốn’ thành công dòng chảy thương mại, vẫn kiếm bộn tiền |
Nam Á
* Ông Imran Khan bị yêu cầu trình diện tại tòa, Thủ tướng Pakistan lên tiếng: Ngày 11/5, Tòa án Tối cao Pakistan đã yêu cầu ông Imran Khan phải trình diện tại tòa trong một giờ. Về phần mình, tối ngày 10/5, phát biểu về làn sóng các cuộc tuần hành bạo lực sau khi ông Khan bị bắt giữ một ngày trước đó, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif khẳng định: “Cảnh tượng như vậy chưa bao giờ được chứng kiến trong 75 năm qua. Mọi người bị bắt làm con tin trong xe của họ, bệnh nhân bị lôi ra khỏi xe cứu thương và sau đó, những phương tiện đó bị đốt cháy”.
Việc cựu Thủ tướng Pakistan bị bắt giữ ngày 9/5 liên quan đến cáo buộc tham nhũng trong thời gian tại nhiệm (2018-2022) đã gây nên làn sóng phản đối, bạo động trên khắp đất nước, từ Islamabad tới Lahore, quê nhà của chính trị gia này.
Những người ủng hộ đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) của chính trị gia này đã tổ chức tuần hành bên ngoài Đại sứ quán Pakistan ở Washington để bày tỏ thái độ. Họ kêu gọi trả tự do cho ông Imran Khan và thậm chí còn giương cao các khẩu hiệu phản đối Chánh án và các tướng lĩnh quân đội Pakistan.
Cũng trong ngày 10/5, Chính phủ Pakistan đã chấp thuận yêu cầu từ 2 trong số 4 tỉnh là Punjab và Khyber Pakhtunkhwa - thành trì của cựu Thủ tướng Khan - và thủ đô Islamabad được phép triển khai quân đội để khôi phục tình hình an ninh.
Trong khi đó, phát biểu ngày 10/5, Phó phát ngôn viên Liên hợp quốc (LHQ) Farhan Haq cho biết Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres mong muốn tất cả các bên ở Pakistan kiềm chế bạo lực, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu tôn trọng quyền hội họp hòa bình. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo này cũng hối thúc giới chức Pakistan “tôn trọng thủ tục tố tụng và pháp luật tố tụng” với cựu Thủ tướng Imran Khan. (IndiaToday/TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Sóng gió ‘mới mà cũ’ tại Pakistan |
Đông Bắc Á
* Quan chức Anh chỉ trích chuyến thăm đảo Đài Loan của bà Truss: Ngày 10/5, The Guardians (Anh) dẫn lời bà Alicia Kearns - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện nước này nói: “Chuyến đi này mang tính biểu diễn, không thực chất”.
Bà cũng gọi đây là “kiểu ngoại giao tồi tệ nhất”, cảnh báo hành động của cựu Thủ tướng Anh có thể khiến căng thẳng khu vực leo thang nghiêm trọng như chuyến thăm tháng 8/2022 của Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là Nancy Pelosi. Bà cũng lập luận rằng chuyến thăm có thể làm tổn hại đến cách tiếp cận cân bằng của London với Bắc Kinh, ngay cả khi “bà Liz Truss không còn bất kỳ ảnh hưởng nào nữa”.
Đáp lại những lời chỉ trích từ quốc hội Anh, người phát ngôn của bà Truss đã lưu ý rằng chuyến thăm của cựu Thủ tướng sẽ diễn ra theo lời mời của chính quyền Đài Loan (Trung Quốc), vốn “biết điều gì có lợi cho người dân nơi đây”. (Reuters)
* Mỹ-Hàn tập trận hải quân chung trên Hoàng Hải: Ngày 11/5, Hải quân Hàn Quốc thông báo nước này và Mỹ đã tiến hành tập trận tác chiến đặc biệt thường xuyên trên Hoàng Hải cuối tháng Tư. Chiến dịch này có sự tham gia với sự tham gia của các tàu khu trục trang bị hệ thống chiến đấu Aegis - USS John Finn của Mỹ; ROKS Sejong Đại đế và tàu khu trục ROKS Eulji Mundeok của Hàn Quốc.
Trả lời báo giới, Trung tá Hải quân Jang Do-young cho hay: “Cuộc tập trận được tiến hành thường xuyên và nhằm tăng cường thế trận phòng thủ kết hợp cùng khả năng tương tác giữa hải quân của Hàn Quốc và Mỹ”.
Ngày 9/5, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ cũng nêu rõ cuộc tập trận nêu trên đã diễn ra từ ngày 24-27/4, bao gồm diễn tập tác chiến chống ngầm và chống hạm, tập trận phòng không, bắn đạn thật và các khoa mục huấn luyện khác. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ-Trung Quốc nỗ lực ổn định quan hệ |
Châu Âu
* Điện Kremlin: Người Serbia là bạn của nước Nga: Ngày 11/5, trả lời phỏng vấn đài ATV, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Chúng tôi có thể nhìn thấy và biết được trí tuệ và sự kiên cường về chính trị mà Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic thể hiện. Chúng tôi biết cách mà ông ấy phải tìm kiếm sự cân bằng tinh tế. Chúng tôi cũng hy vọng rằng Serbia đủ mạnh, đủ chủ quyền để không gia nhập vào hàng ngũ chung của phương Tây”.
Ông nhấn mạnh Serbia là bạn của nước Nga. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Moscow không muốn Belgrade xây dựng mối quan hệ với Washington và Brussels. Ông nhấn mạnh: “Serbia là một quốc gia có chủ quyền và chúng tôi không có gì chống lại (mối quan hệ của nước này với phương Tây). Điều quan trọng đối với chúng tôi là không nên làm như phương Tây, vì họ tin rằng nếu một quốc gia sẵn sàng làm bạn với họ quốc gia đó phải ghét Nga. Chúng tôi không muốn điều này, vì không có gì, không có sự hợp tác nào với phương Tây, châu Âu hoặc các quốc gia khác có thể là trở ngại cho sự phát triển hơn nữa trong quan hệ của chúng ta”. (TASS)
* Bầu cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ: Ứng cử viên M. Ince rút lui: Ngày 11/5, ông Muharrem Ince, một trong bốn ứng cử viên tham gia tranh cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ rút lui. Ông là một trong bốn ứng cử viên trong cuộc bầu cử ngày 14/5 cùng với đương kim Tổng thống Erdogan, chính trị gia Kemal Kilicdaroglu và Sinan Ogan. Kết quả một cuộc thăm dò ý kiến trước thềm bầu cử sắp tới cho thấy ông Erdogan kém Kilicdaroglu hơn 5 điểm phần trăm. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Gia hạn thỏa thuận ngũ cốc: Thổ Nhĩ Kỳ lạc quan, Nga từ chối bình luận, Ukraine không lo 'kịch bản tận thế' |
Trung Đông-Châu Phi
* Iraq, Iran nhất trí mở rộng hợp tác về dầu mỏ-khí đốt: Bộ Dầu mỏ Iraq ngày 10/5 ra thông cáo cho biết nước này và Iran đã nhất trí mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt, bao gồm kế hoạch xây dựng các nhà máy lọc dầu.
Tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc họp giữa Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Hayyan Abdul Ghanni và người đồng cấp Iran Javad Owji tại thủ đô Baghdad ngày 10/5. Song phương đã ký Bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác giữa hai bộ trưởng.
Thông cáo nêu rõ: “Cuộc họp đi đến một thỏa thuận thành lập các ủy ban để thảo luận việc phát triển các dự án chung theo các thỏa thuận và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lọc dầu, hóa dầu, cũng như thăm dò dầu khí và phát triển cơ sở hạ tầng”.
Theo thông cáo, ông Owji cho biết Iran muốn mở rộng các lĩnh vực hợp tác trong việc triển khai các dự án chung về dầu mỏ và khí đốt xây dựng và phát triển lọc dầu, mở rộng các đường ống dầu mỏ và khí đốt cũng như làm sạch môi trường”. (Sputnik)
* Israel cáo buộc Iran kích động tình hình tại Gaza: Ngày 10/5, i24NEWS (Israel) cho hay chính quyền Israel hiện đánh giá tình hình xung đột với phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) có thể leo thang trong 2-3 ngày nhưng chưa biết sẽ đi tới đâu do Iran đang tìm cách kích động.
Hãng tin này dẫn lời quan chức Israel giấu tên nêu rõ: “Chúng tôi thấy Hamas không vội tham gia cuộc chiến với Israel cùng PIJ. Không thể biết họ sẽ tham chiến hay không. Có phần tử cố gắng kích động tình hình tuần tới. Iran đang chỉ đạo các hành động này”.
Ngày 18/5, Israel dự kiến kỷ niệm Ngày Jerusalem vào 18/5 tới, đánh dấu “sự thống nhất” Jerusalem sau khi giành quyền kiểm soát khu vực Đông Jerusalem trong sau cuộc chiến năm 1967. Theo truyền thống, Israel sẽ tổ chức diễu hành với cờ xuyên qua thành phố này, qua đó làm gia tăng các mối đe dọa từ Palestine.
Phát biểu trên đài phát thanh Kan (Israel), ông Yair Lapid cựu Thủ tướng, lãnh đạo phe đối lập, nêu rõ: “Tôi nghĩ đã đến lúc khép lại sự kiện này… Đã đạt được kết quả mong muốn… Chúng ta nên dừng lại”. Ông ủng hộ hoàn toàn việc Israel phát động chiến dịch quân sự “Tấm khiên và mũi tên”, nhưng chính phủ nước này cần biết đâu là điểm dừng trước khi “mọi việc có xu hướng trở nên phức tạp”.
Trước đó, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã thông báo về chiến dịch quân sự nhằm vào PIJ tại Dải Gaza. Phía Israel đã tiêu diệt 4 thủ lĩnh PIJ và cũng hứng trên 400 quả rocket từ lực lượng này trong 3 ngày qua. (TTXVN)
| Thế khó cho Thủ tướng Israel Thủ tướng Israel sẽ phải thể hiện sự khéo léo để vừa giải quyết vấn đề an ninh, vừa duy trì liên minh cầm quyền ... |
| Israel không kích Dải Gaza, Palestine lo ngại Hamas đảo chính An ninh tại Dải Gaza tiếp tục diễn biến phức tạp trước những động thái mới đây của lực lượng an ninh Israel và các ... |
| Pháo đài kinh tế Nga 'né đạn' trừng phạt đỉnh cao hay bỗng dưng đắc lợi? Nền kinh tế Nga đã được cách ly an toàn khỏi thị trường tài chính toàn cầu nhờ các biện pháp trừng phạt từ Mỹ ... |
| Mỹ lần đầu chuyển tài sản Nga để tái thiết Ukraine, khẳng định 'không phải lần cuối cùng' Ngày 10/5, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland đã cho phép tiến hành đợt chuyển giao đầu tiên các tài sản bị tịch thu ... |
| Tình hình Ukraine: Nga thừa nhận gặp khó ở Bakhmut, Kiev cần thêm thời gian để phản công, ông Trump lên tiếng Nga cho hay, chiến dịch quân sự của nước này ở miền Đông Ukraine đang diễn ra chậm chạp, trong khi Kiev nói cần thêm ... |