Tin thế giới 14/7: Triều Tiên-Ukraine cắt đứt quan hệ. Hình ảnh trụ sở Bộ Ngoại giao Ukraine ở Kiev. (Nguồn: Sputnik News) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
* Triều Tiên-Ukraine cắt đứt quan hệ: Ngày 13/7, Ukraine tuyên bố cắt đứt quan hệ với Triều Tiên do Bình Nhưỡng công nhận 2 vùng lãnh thổ ly khai là Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) tự xưng ở miền Đông Ukraine.
Trang web của Bộ Ngoại giao Ukraine đăng tải tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi coi quyết định này là một âm mưu của Bình Nhưỡng nhằm làm suy yếu chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.
Bộ trên cho biết thêm, các mối quan hệ chính trị và kinh tế của nước này với Triều Tiên dù sao cũng đã bị hạn chế do các lệnh trừng phạt được áp dụng đối với quốc gia châu Á này.
Trong phát biểu của mình, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã công kích Moscow, cáo buộc Nga tác động tới quyết định của Triều Tiên. (Reuters)
* Nga chỉ trích Mỹ, Anh huấn luyện các lực lượng Ukraine: Ngày 14/7, Bộ Ngoại giao Nga đã lên án việc Mỹ và Anh đang giúp huấn luyện các lực lượng vũ trang Ukraine, coi hành động đó là một phần của "cuộc chiến tranh kết hợp" đang được các quốc gia NATO phát động nhằm chống lại Nga.
Trong một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Washington đã cung cấp cho Ukraine các chuyên gia huấn luyện, những người đang giúp các lực lượng Kiev sử dụng Hệ thống pháo phản lực phóng loạt cơ động cao (HIMARS) tấn công các vị trí của quân đội Nga.
Bà Maria Zakharova lưu ý, loại vũ khí này có tầm bắn xa hơn và chính xác hơn các loại pháo binh khác đang được lực lượng Ukraine sử dụng rộng rãi.
Bà Zakharova đồng thời chỉ trích quyết định của London đưa quân nhân Ukraine tới Anh để huấn luyện sử dụng vũ khí. (Reuters)
Châu Âu
* Vòng bỏ phiếu đầu tiên bầu Thủ tướng Anh: Ngày 13/7, vòng bỏ phiếu đầu tiên nhằm sàng lọc 8 ứng viên chạy đua vào vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ và Thủ tướng Anh đã diễn ra.
Theo kết quả, cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak giành được nhiều phiếu nhất với 88 phiếu bầu.
Theo sau ông Sunak là bà Penny Mordaunt, Quốc vụ khanh phụ trách Chính sách thương mại thuộc Bộ Thương mại Anh (67 phiếu) và Ngoại trưởng Liz Truss (50 phiếu). Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Nadhim Zahawi và cựu Bộ trưởng Nội các Jeremy Hunt đã bị loại khỏi cuộc đua.
Như vậy, cuộc đua vào chiếu ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ và Thủ tướng Anh hiện còn lại 6 ứng viên gồm ông Sunak, bà Mordaunt, bà Truss, Bộ trưởng Phụ nữ và Bình đẳng Anh Kemi Badenoch, Tổng Chưởng lý Suella Braverman, và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Anh ông Tom Tugendhat.
Sáu ứng cử viên sẽ cạnh tranh với nhau tại vòng bỏ phiếu thứ 2 trong ngày 14/7.
Tại vòng bỏ phiếu này, ứng cử viên có số phiếu bầu thấp nhất sẽ bị loại và những vòng bỏ phiếu tiếp theo sẽ được tổ chức giữa các nghị sĩ của đảng Bảo thủ cho tới khi danh sách ứng cử viên chỉ còn lại 2 người vào ngày 21/7.
Sau đó, nhà lãnh đạo mới sẽ được 200.000 thành viên của đảng Bảo thủ trên toàn nước Anh lựa chọn từ danh sách 2 ứng cử viên cuối cùng. Kết quả lựa chọn lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ sẽ được công bố vào ngày 5/9. (Reuters)
* Serbia không lựa chọn châu Âu: Ngày 13/7, Ngoại trưởng Serbia Nikola Selakovic tuyên bố, chính phủ Serbia có đủ năng lực thực hiện chính sách độc lập và có chủ quyền, không lựa chọn giữa châu Âu hay các trung tâm quyền lực thế giới.
Phát biểu trên truyền hình, ông Selakovic khẳng định, chính phủ Serbia coi người dân là trung tâm và nhiệm vụ chính là đấu tranh vì lợi ích quốc gia. Đề cập tới lập trường của Liên minh châu Âu (EU) đối với khu vực Tây Balkan, Ngoại trưởng Selakovic nhấn mạnh Serbia biết rõ đường lối cải cách và con đường châu Âu của mình, hiểu rõ nhu cầu cải cách xã hội và muốn xã hội hoạt động như thế nào trong tương lai.
Trong khi đó, theo ông Selakovic, Bussels dường như không biết mình muốn điều gì.
Khi được hỏi, liệu khu vực Tây Balkan có cần thiết đối với EU hay không, người đứng đầu ngành ngoại giao Serbia nói: "Đó là một câu hỏi dành cho họ, còn điều quan trọng đối với chúng tôi là chúng tôi đang trên con đường cải cách.
Chúng tôi đang thay đổi và hài hòa xã hội của mình với những tiêu chuẩn mà chúng tôi đã phấn đấu trong nhiều thập kỷ. Liệu họ có muốn chúng tôi ở trong gia đình đó không hay không, điều đó phụ thuộc vào họ". (Sputnik News)
* Lithuania duy trì các hạn chế thương mại với Kaliningrad: Ngày 14/7, Thủ tướng Lithuania Ingrida Simonyte tuyên bố, nước này sẽ giữ nguyên những hạn chế giao thương hiện nay với vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga trong khi soạn thảo những quy định mới để nối lại hoạt động thương mại này.
Trước đó, ngày 13/7, Ủy ban châu Âu (EC) cho hay, hàng hóa bị trừng phạt của Nga có thể quá cảnh lãnh thổ của khối bằng đường sắt, sau khi căng thẳng giữa Moscow và Lithuania leo thang liên quan tới giao thương với vùng Kaliningrad của Nga.
EC đã ban bố hướng dẫn mới trong việc thực thi các biện pháp trừng phạt Nga, trong đó nói rằng, Lithuania không thể cấm vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt từ Nga sang vùng lãnh thổ Kaliningrad. (Reuters)
Sri Lanka
* Sri Lanka áp đặt lệnh giới nghiêm ở Colombo: Ngày 14/7, Văn phòng Thông tin chính phủ Sri Lanka thông báo, lệnh giới nghiêm đã được áp đặt ở thủ đô Colombo từ trưa 14/7 đến 5h ngày 15/7 sau các vụ đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát ở nước này trước đó 1 ngày.
Theo sắc lệnh được chính quyền Sri Lanka công bố trước đó, quyền Tổng thống Ranil Wickremesinghe ngày 13/7 đã áp đặt lệnh giới nghiêm trên phạm vi toàn quốc tới 5h00 sáng 14/7 (theo giờ địa phương).
Sắc lệnh của chính quyền Sri Lanka quy định lệnh giới nghiêm sẽ có hiệu lực tại đảo quốc này trong vòng 5 giờ, bắt đầu từ nửa đêm.
Hôm 13/7, ông Wickremesinghe cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia sau khi hàng nghìn người biểu tình xông vào Văn phòng Thủ tướng ở Colombo để đòi ông từ chức. (Tân Hoa xã)
* Cựu Tổng thống Sri Lanka lên đường tới Singapore: Phóng viên của AP News viết trên Twitter rằng, giới chức Maldives cho biết, cựu Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đang định lên một chuyến bay của hãng Saudi Airlines để tới Singapore và sau đó tới Saudi Arabia.
Trong khi đó, nguồn tin Chính phủ Sri Lanka lại tiết lộ cựu Tổng thống Rajapaksa đã lên đường tới Singapore và dự kiến ở lại đảo quốc này.
Trước đó ngày 13/7, ông Rajapaksa đã di chuyển sang Maldives do sức ép từ những người biểu tình.
Ông cũng đã chỉ định Thủ tướng Ranil Wickremesinghe làm quyền Tổng thống. (AFP)
Hàn Quốc
* Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Hàn Quốc chỉ đạt 33%: Ngày 14/7, các công ty nghiên cứu thị trường Embrain, Kstat Research, Korea Research và Hankook Research công bố kết quả thăm dò ý kiến tiến hành trong vòng 3 ngày từ 11/7 với sự tham gia của 1.001 nam nữ trên 18 tuổi toàn quốc.
Trong đó, tỷ lệ ủng hộ công tác điều hành quốc gia của Tổng thống Yoon Suk Yeol đạt 33%, trong khi 53% số người trả lời đánh giá vị Tổng thống này điều hành quốc gia chưa tốt.
Như vậy, tỷ lệ không ủng hộ Tổng thống Hàn Quốc cao hơn 20% so với tỷ lệ không ủng hộ, có sự đảo ngược so với kết quả thăm dò 2 tuần trước (tỷ lệ ủng hộ 45%, tỷ lệ không ủng hộ 37%).
Trong tuần này, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Hàn Quốc đã giảm 12% so với tuần thứ năm tháng 6 (45%). Tỷ lệ ủng hộ ông Yoon trong tuần thứ nhất tháng 6 từng đạt 54%, tuần thứ ba tháng 6 là 49%, có chiều hướng giảm dần. Tỷ lệ cử tri không ủng hộ tăng tới 16% sau 2 tuần.
Tỷ lệ cử tri trả lời "không biết" hoặc không trả lời là 14%.
Trong số các cử tri ủng hộ Tổng thống Hàn Quốc, 28% chọn lý do là năng lực quyết đoán của Tổng thống, 18% chọn lý do Tổng thống tích cực trao đổi với người dân và 18% chọn lý do Tổng thống là người công bằng và chính nghĩa.
Trong số các cử tri không ủng hộ, 30% chọn lý do là Tổng thống độc đoán, 28% cho rằng Tổng thống thiếu kinh nghiệm và năng lực.
Theo kết quả thăm dò trên, tỷ lệ ủng hộ đảng cầm quyền Sức mạnh Quốc dân đạt 37%, đảng đối lập Dân chủ đạt 28%, đảng Công lý 5%. So với 2 tuần trước, tỷ lệ ủng hộ đảng Sức mạnh Quốc dân giảm 3%, đảng Dân chủ tăng 2%. (Đài KBS)
| Vụ tuabin khí Dòng chảy phương Bắc 1: Khi lợi ích lên tiếng Bất chấp phản ứng gay gắt của Ukraine, Canada vẫn quyết định chuyển lại tuabin khí mà nước này sửa chữa để lắp đặt cho ... |
| Khủng hoảng Sri Lanka: Người biểu tình rút lui, lộ trình chi tiết của cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa Ngày 14/7, những người biểu tình chống chính phủ ở Sri Lanka cho biết, họ sẽ rời khỏi những địa điểm chủ chốt mà họ ... |