Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (thứ hai từ trái sang), cũng là Chủ tịch đảng LDP, đặt bông hồng lên tên một ứng cử viên của đnảg giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện ngày 10/7. (Nguồn: AP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
* Ukraine tuyên bố sẽ phản kích ở Kherson: Ngày 10/7, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk kêu gọi dân thường tại vùng Kherson ở miền Nam nước này, đã bị Nga giành quyền kiểm soát, sơ tán trước một đợt phản công mới của Kiev, song không tiết lộ thời điểm chính xác cuộc phản công sẽ diễn ra.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov cũng cho biết, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ra chỉ thị giải phóng vùng lãnh thổ miền Nam nước này.
Theo đó, chính phủ Ukraine có kế hoạch huy động tới 1 triệu người tham gia nghĩa vụ quân sự để nỗ lực “tái chiếm các vùng lãnh thổ miền Nam”. Đồng thời, các lực lượng vũ trang Ukraine có kế hoạch “giành lại” quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ có tầm quan trọng chiến lược.
Bình luận về các thông tin trên, Nghị sĩ Hạ viện Nga đại diện cho khu vực Crimea Mikhail Sheremet cho rằng, "Ukraine không có cơ hội chiếm lại các vùng lãnh thổ do quân đội chúng ta đã kiểm soát".
Theo ông, những chỉ thị như vậy "sẽ không tồn tại lâu và không liên quan thực tế, vì họ không có sức mạnh, năng lực, phương tiện, cũng như tinh thần chiến đấu”. (Sputnik)
* Đức, Ukraine phản ứng trái ngược việc Canada trả tuabin cho Berlin: Ngày 10/7, Bộ Ngoại giao và Bộ Năng lượng Ukraine đã bày tỏ "vô cùng thất vọng" trước quyết định của Canada bàn giao cho Đức tuabin khí Siemens đã được sửa chữa, được sử dụng cho đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1.
Theo bộ trên, việc bàn giao lại tuabin sẽ tương đương với việc điều chỉnh các biện pháp trừng phạt áp đặt đối với Nga "theo ý muốn của Moscow".
Tuyên bố trên, được đăng tải trên trang web của Bộ Năng lượng Ukraine, kêu gọi chính phủ Canada rút lại quyết định này.
Trong khi đó, cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hoan nghênh quyết định trên của của chính quyền Canada.
Tuabin khí trên bị kẹt tại nơi bảo dưỡng ở Canada do các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Nga sau đó đã giảm lượng khí đốt vận chuyển sang châu Âu, viện dẫn lý do các vấn đề về kỹ thuật, trong đó có việc tuabin khí chưa được Canada trả về Đức. (Reuters, Sputnik)
* Ukraine muốn tịch thu bất động sản của Nga ở Anh: Ngày 10/7, tờ The Times đưa tin, Ukraine đang xem xét khả năng nộp đơn kiện nhằm tịch thu 18 tài sản bất động sản ở Anh có liên quan người Nga. Tổng giá trị của số bất động sản này lên tới 100 triệu Bảng Anh (khoảng 120 triệu USD).
Cũng theo The Times, nhiều bất động sản trong số này nằm gần khu Highgate ở phía Bắc London, địa điểm có nhiều nhà ngoại giao và tài phiệt Nga sở hữu các bất động sản đắt tiền nhất khu vực.
Trong danh sách nói trên có Witanhurst, dinh thự lớn thứ hai ở London sau cung điện Buckingham, trị giá 300 triệu Bảng Anh và thuộc sở hữu của tỷ phú Nga Andrey Guryev.
The Times cho biết Đại sứ Ukraine tại Anh Vadym Prystaiko đang thuê luật sư để kiện Nga ra tòa ở Anh, với hy vọng tòa án sẽ cho phép tịch thu tài sản hoặc buộc Moscow phải bán số bất động sản này và chia sẻ một phần lợi nhuận.
TIN LIÊN QUAN | |
Thứ vũ khí như 'cánh tay nối dài' của không quân Nga tại Ukraine |
Châu Âu
* Quốc hội Nga dự kiến tiến hành phiên họp bất thường: Hạ viện Nga quyết định sẽ tiến hành phiên họp bất thường vào ngày 15/7 tới, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, nước này thậm chí còn chưa bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine "một cách nghiêm túc".
Tuy nhiên, Quốc hội Nga không tiết lộ chi tiết vấn đề sẽ được thảo luận tại phiên họp này.
Theo ông Vladimir Vasilyev, người đứng đầu đảng nước Nga Thống nhất, có 325 ghế trong tổng số 450 ghế Quốc hội, các nghị sĩ sẽ thảo luận hơn 60 vấn đề tại phiên họp trên. (Reuters)
* Nga-Belarus thảo luận cách trả đòn Lithuania: Ngày 11/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Belarus Alexander Lukasenko đã có cuộc thảo luận phương án chung đáp trả việc Lithuania cấm trung chuyển hàng hóa qua lãnh thổ nước này vào vùng lãnh thổ Kaliningrad thuộc Nga.
Tại cuộc thảo luận, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh, các động thái của Lithuania là áp đặt "các hạn chế bất hợp pháp" đối với việc trung chuyển hàng hóa vào Kaliningrad.
Ngoài ra, hai bên khẳng định tiếp tục củng cố quan hệ đối tác và liên minh cũng như thảo luận về các vấn đề hợp tác song phương và xung đột ở Ukraine. (TASS)
* Kaliningrad đề xuất cấm trung chuyển hàng hóa giữa các nước Baltic và Nga, theo Thống đốc vùng Kaliningrad Anton Alikhanov ngày 11/7.
Đề xuất này được xem là nhằm đáp trả quyết định "phong toả" của chính quyền Lithuania đối với vùng lãnh thổ thuộc Nga.
Trước đó cùng ngày, Lithuania đã mở rộng các biện pháp hạn chế đối với hoạt động thương mại qua lãnh thổ nước này tới vùng Kaliningrad của Nga thêm các sản phẩm bê tông, gỗ, cồn và hóa chất công nghiệp có cồn. (Reuters)
* Tổng thống Israel Yitzhak Herzog thăm chính thức Czech bắt đầu từ ngày 11/7 và kéo dài 2 ngày.
Tại Prague, ông Herzog sẽ tham gia hội đàm với các nhà lãnh đạo của Czech gồm Tổng thống Milos Zeman, Chủ tịch Hạ viện Marketa Pekarova Adamova, Chủ tịch Thượng viện Milos Vystrcil và Thủ tướng Petr Fiala.
Chủ đề của các cuộc thảo luận dự kiến sẽ xoay quanh các vấn đề về hợp tác song phương và cuộc họp Ủy ban Liên chính phủ Czech-Israel.
Ngoài hợp tác song phương về kinh tế, hai bên sẽ thảo luận việc Czech đảm nhận vai trò Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) hiện nay và hợp tác giữa khối này với Israel, kế hoạch chuyển địa điểm đặt Đại sứ quán Czech tại Israel.
Bên cạnh đó, Israel-Czech có thể thảo luận về các hợp đồng mua bán vũ khí cũng như việc tổ chức họp ủy ban liên chính phủ giữa hai nước. (JNS)
TIN LIÊN QUAN | |
'Vũ khí' mới của G7 mang đến phần thưởng cho Nga? |
Khủng hoảng Sri Lanka
* Nội các Sri Lanka nêu điều kiện từ chức: Ngày 11/7, Văn phòng Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe nhấn mạnh, toàn bộ Nội các nước này sẽ từ chức chỉ khi đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ mới gồm đại diện của tất cả các chính đảng.
Trước đó, các đảng đối lập chính của Sri Lanka đã nhất trí thành lập một chính phủ lâm thời với sự tham gia của tất cả các đảng phái. (Reuters)
* Trung Quốc hy vọng người dân Sri Lanka đoàn kết vượt qua khó khăn: Ngày 11/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, nước này sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình ở Sri Lanka.
Theo ông Uông, với tư cách là láng giềng hữu nghị và đối tác hợp tác, Bắc Kinh hy vọng tất cả các bên ở Sri Lanka sẽ hành động vì lợi ích cơ bản của đất nước và người dân, cùng nhau vượt qua khó khăn, sớm thực hiện ổn định xã hội, khôi phục kinh tế và cải thiện sinh kế. (THX)
* Ấn Độ khẳng định đứng về phía người dân Sri Lanka: Trong phản ứng đầu tiên đưa ra trước diễn biến ở Sri Lanka, ngày 10/7, Ấn Độ khẳng định đứng về phía người dân Sri Lanka khi họ tìm cách hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng và tiến bộ thông qua “các phương tiện và giá trị dân chủ, các thể chế được thiết lập và khuôn khổ hiến pháp”.
Ấn Độ cũng bác bỏ "những thông tin mang tính suy đoán trên các phương tiện truyền thông về việc New Delhi đưa binh sĩ tới Sri Lanka". Theo đó, những thông tin và quan điểm như vậy "không phù hợp với lập trường của chính phủ Ấn Độ”.
Tuy nhiên, Ấn Độ cũng nâng cao cảnh giác tại khu vực biên giới trên biển với Sri Lanka nhằm ngăn chặn nguy cơ dòng người tị nạn hoặc những nhân tố chống đối New Delhi tràn sang. (ANI)
TIN LIÊN QUAN | |
Sri Lanka: Các đảng phái nhất trí thỏa thuận quan trọng, Tổng thống khẳng định kế hoạch từ chức |
Nhật Bản
* Bầu cử Thượng viện Nhật Bản: Liên minh cầm quyền đã giành được thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử khi chiếm hơn 50% trong tổng số 125 ghế được bầu lại.
Cụ thể, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Kishida giành được 63 ghế, tăng 8 ghế so với trước bầu cử. Với 56 ghế chưa tới thời điểm bầu lại, LDP nắm trong tay tổng cộng 119 ghế tại Thượng viện.
Cùng với đảng Công minh - đối tác của LDP trong liên minh cầm quyền, có tổng cộng 27 ghế tại Thượng viện sau bầu cử - liên đảng cầm quyền nắm giữ tổng cộng 146 ghế, chiếm 58,87% ghế tại Thượng viện.
Bên cạnh đó, phe ủng hộ sửa đổi Hiến pháp cũng giành được thế đa số 2/3 tại Thượng viện, qua đó tạo cơ hội cho Thủ tướng Kishida Fumio khởi động tiến trình sửa đổi văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất này. (Kyodo)
* Thủ tướng Kishida khẳng định kế thừa di sản của cố Thủ tướng Abe Shinzo: Ngày 11/7, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, ông sẽ nỗ lực thực hiện tâm nguyện của cố Thủ tướng Abe Shinzo, sau khi LDP giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Thượng viện ngày 10/7.
Theo đó, Thủ tướng Kishia, cũng là Chủ tịch LDP, khẳng định sẽ thúc đẩy việc sửa đổi Hiến pháp hòa bình "sớm nhất có thể" và nỗ lực giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc tại Triều Tiên những năm 1970-1980. Đây là những vấn đề được cố Thủ tướng Abe theo đuổi khi còn đương nhiệm. (Kyodo)
* Lời khai mới của nghi phạm sát hại ông Abe: Các nguồn điều tra ngày 10/7 cho biết, nghi phạm bắn cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã học trên YouTube cách chế tạo khẩu súng mà đối tượng này dùng trong vụ tấn công.
Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, khai nhận đã thử khẩu súng tự chế tại một cơ sở có liên quan đến tổ chức tôn giáo mà tên này thù hận. Yamagami cho biết mẹ đối tượng đã quyên góp một "khoản tiền lớn" cho tổ chức này.
Cảnh sát tỉnh Nara cho rằng, Yamagami đã thử khẩu súng trước khi tiến hành vụ tấn công, song chi tiết về địa điểm đối tượng thử vũ khí chưa được tiết lộ.
Trong cuộc thẩm vấn, Yamagami nói rằng không tấn công ông Abe vì động cơ chính trị mà nổ súng vào ông sau khi ban đầu dự định tấn công một lãnh đạo của tổ chức tôn giáo mà y thù hận. (Kyodo)
* Nhật Bản điều tra sơ hở an ninh trong vụ sát hại cựu Thủ tướng Abe: Ngày 11/7, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết, chính phủ hy vọng những sơ hở an ninh trong vụ sát hại cựu Thủ tướng Abe Shinzo sẽ được thảo luận và điều tra.
Ông Matsuno nói rằng, chính phủ Nhật Bản đã nhận được báo cáo chỉ ra điểm yếu trong hệ thống an ninh và bảo vệ ông Abe. (Reuters)
* Cuba quốc tang tưởng niệm cố Thủ tướng Abe: Theo một sắc lệnh do Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel ký cùng ngày, từ 6h-24h ngày 11/7 (giờ địa phương), các tòa nhà công cộng và đơn vị quân sự ở đảo quốc Caribbean sẽ treo cờ rủ để tưởng nhớ chính trị gia kỳ cựu này.
Chủ tịch Miguel Díaz-Canel bày tỏ tiếc thương cố Thủ tướng Abe Shinzo, người luôn giữ thái độ trọng thị với Cuba và có nhiều đóng góp trong việc củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
Cuba và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1929. Sau khi bị gián đoạn trong Thế chiến II, mối quan hệ này được tái lập vào năm 1957, 2 năm trước khi Tổng Tư lệnh Fidel Castro lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Cuba năm 1959.
Cựu Thủ tướng Abe Shinzo là người đứng đầu chính phủ Nhật Bản đầu tiên đến thăm Cuba. Trong chuyến thăm chính thức vào năm 2016, ông đã hội kiến lãnh tụ Fidel Castro và Chủ tịch Cuba khi đó là Đại tướng Raúl Castro. (Prensa Latina)
TIN LIÊN QUAN | |
Tương lai của Abenomics - di sản kinh tế của cố Thủ tướng Abe Shinzo |
Australia
Australia sẽ không đáp ứng điều kiện của Trung Quốc để cải thiện quan hệ: Ngày 11/7, Thủ tướng Australia Anthony Albanese tuyên bố nước này mong muốn hợp tác với Trung Quốc, nhưng sẽ không đáp ứng danh sách đề xuất từ phía Bắc Kinh nhằm khôi phục mối quan hệ song phương.
Trước đó, trong cuộc gặp với người đồng cấp Australia Penny Wong, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Trung Quốc đã vạch ra yêu cầu để khôi phục mối quan hệ song phương.
Cụ thể là Australia cần coi Trung Quốc là một đối tác, thay vì một đối thủ; tuân thủ cách thức hợp tác giữa hai nước, đó là cùng tìm kiếm điểm chung, trong khi bảo lưu những khác biệt; không nhắm mục tiêu vào hoặc bị kiểm soát bởi bất kỳ bên thứ ba nào; xây dựng các nền tảng xã hội tích cực, thực tế và sự ủng hộ của công chúng. (The New Daily, News)
* Phó Thủ tướng Australia thăm Mỹ: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles sẽ có chuyến thăm Mỹ từ ngày 11-14/7, chuyến thăm đầu tiên tới Washington kể từ khi nhậm chức.
Trang tin của Bộ Quốc phòng Australia cho biết, ông Marles sẽ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cùng các thành viên trong chính quyền, Quốc hội, cộng đồng quốc phòng và an ninh quốc gia Mỹ.
Nội dung các cuộc gặp sẽ tập trung vào việc tăng cường hợp tác giữa hai đồng minh, tiến trình thực hiện thỏa thuận đối tác quốc phòng Mỹ, Anh và Australia (AUKUS) và thúc đẩy tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bền vững và hòa nhập. (News)
TIN LIÊN QUAN | |
Trung Quốc ra yêu cầu 4 điểm với Australia nếu muốn cải thiện quan hệ, nói Canberra nên nắm bắt cơ hội |
Trung Đông
* Israel hy vọng Tổng thống Mỹ sẽ thúc đẩy một thị trường chung tại Trung Đông: Bộ trưởng Tài chính Israel Avigdor Lieberman ngày 11/7 cho biết ông hy vọng chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới khu vực trong tuần này sẽ dẫn đến một thị trường chung tại Trung Đông, bao gồm Saudi Arabia.
Ông Biden sẽ bắt đầu chuyến thăm Trung Đông, tới Israel vào ngày 13/7 sau đó sẽ đến Saudi Arabia. Israel đã bình thường hóa quan hệ với 4 quốc gia Arab theo một nỗ lực ngoại giao của Mỹ năm 2020./ (Reuté
* Israel huy động đội cảnh sát khủng bảo vệ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, theo lời người phát ngôn cảnh sát Israel Mikhail Zingerman ngày 10/7.
Lực lượng này sẽ đảm bảo an toàn, trật tự công cộng và giao thông thông suốt. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đảm bảo hạn chế tối thiểu việc "ảnh hưởng tới nhịp sống thường nhật của người dân".
Dự kiến, Tổng thống Biden sẽ tới khu vực Trung Đông từ ngày 13-16/7, trong đó chuyến thăm tới Israel được chú ý hơn cả. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng sẽ tới thăm khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng, sau đó tới Saudi Arabia dự Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) diễn ra vào ngày 16/7.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Israel Avigdor Lieberman cho biết, ông hy vọng chuyến thăm của ông Biden sẽ dẫn đến một thị trường chung tại Trung Đông, bao gồm Saudi Arabia. (Reuters, Times of Israel)
* Ai Cập-Israel nhất trí khôi phục tiến trình hòa bình Trung Đông, theo thông báo của Văn phòng Tổng thống Ai Cập về cuộc điện đàm giữa Tổng thống nước này Abdel Fattah el-Sisi và Thủ tướng Israel Yair Lapid.
Hai nhà lãnh đạo đã “trao đổi quan điểm về những diễn biến liên quan Palestine và Israel” và quyết định "tiến hành những cuộc gặp song phương và đa phương giữa lãnh đạo Ai Cập, Israel và Palestine trước khi nối lại hòa đàm”.
Thông cáo của Văn phòng Tổng thống Ai Cập nhấn mạnh, Cairo cam kết “tiếp tục các nỗ lực để đạt được một nền hòa bình toàn diện và công bằng” dựa trên những nguyên tắc cùng tồn tại giữa hai nước và các nghị quyết của Liên hợp quốc, đồng thời chỉ rõ sự cần thiết phải hỗ trợ cho chính quyền Palestine trong mọi lĩnh vực, chủ yếu là kinh tế. (TASS)
| Kết quả bầu cử Thượng viện Nhật Bản: Liên minh cầm quyền thắng lớn, Thủ tướng Kishida không chỉ có một tin vui Trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản ngày 10/7, liên minh cầm quyền đã giành được thắng lợi lớn khi chiếm hơn 50% trong ... |
| Sri Lanka: Các đảng phái nhất trí thỏa thuận quan trọng, Tổng thống khẳng định kế hoạch từ chức Báo Deccan Herald đưa tin, các đảng đối lập chính của Sri Lanka đã nhất trí thành lập một chính phủ lâm thời với sự ... |