📞

Tình hình Syria: Một bàn tay không vỗ lên thành tiếng, vén màn người đứng sau

Vy Anh 19:00 | 05/12/2024
Những toan tính về Syria chưa khi nào nguôi trong nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ. Ở thời điểm "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" hiện nay, Ankara có những hành động táo bạo hơn để nhổ tận gốc "cái gai trong mắt".
Cuộc nội chiến ở Syria đã bước sang một bước ngoặt quan trọng với vai trò mới nổi của phiến quân HTS được cho là có sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: AFP)

Giữa “chảo lửa” Trung Đông, cuộc nội chiến kéo dài cả thập kỷ ở Syria bùng phát trở lại và một lần nữa trở thành tâm điểm. Thổ Nhĩ Kỳ đang đóng vai trò ra sao và đâu là toan tính của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang là những câu hỏi cần giải đáp.

Muốn nhổ tận gốc "cái gai trong mắt"

Tin tức về cuộc nội chiến ở Syria bùng phát trở lại không phải là điều bất ngờ đối với người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và đối tác liên minh - Chủ tịch đảng Phong trào Dân tộc Devlet Bahceli đã bàn tính về sự thay đổi quyền lực ở Trung Đông và những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn hai tháng qua.

Có ý kiến ​​cho rằng, những thay đổi trong khu vực có thể có lợi cho người Kurd ở Syria, lực lượng đang kiểm soát vùng Đông Bắc Rojava (còn được gọi là Khu tự trị Bắc và Đông Syria - AANES) kể từ khi cuộc nội chiến bắt đầu vào năm 2011. Lực lượng này trước nay luôn là “cái gai trong mắt” Ankara.

Bên cạnh đó, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tính toán rất kỹ tình thế hiện nay: Các đồng minh của Tổng thống Syria Bashar Assad là Hezbollah và Iran đã suy yếu sau một năm tấn công Israel; Nga vốn bảo vệ chính quyền của ông Assad lại đang vướng víu với cuộc xung đột tại Ukraine.

Nga dù vẫn duy trì các căn cứ quân sự ở Syria nhưng thực tế chỉ còn khoảng 13 máy bay chiến đấu đồn trú, trong đó có 7 máy bay có thể hoạt động. Con số máy bay của Nga tại Syria trước cuộc xung đột với Ukraine là 50 máy bay.

Thêm nữa, Ankara nhận thấy khả năng chính quyền mới của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ muốn định vị lại vị thế của Mỹ trong khu vực. Ankara cân nhắc câu hỏi liệu Mỹ có rút quân khỏi Syria và Iraq hay không và điều đó sẽ để lại hậu quả như thế nào?

Lực lượng phiến quân Syria do tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS) nhận ra tình hình trên là một cơ hội, do đó, đã bắt đầu một cuộc tấn công lớn chống lại chính quyền Tổng thống Assad vào ngày 27/11.

Chiến dịch này đã thành công và HTS chiếm được thành phố lớn thứ hai của Syria - Aleppo, chỉ trong vài ngày. HTS hiện đang mở rộng chiến dịch sang các thành phố lân cận. HTS trước đây có liên minh với tổ chức khủng bố Al-Qaeda và bị Mỹ coi là một tổ chức khủng bố vào năm 2018.

Các chuyên gia phân tích nhận định, Ankara rất có thể đã được thông báo về chiến dịch này trước khi bắt đầu. Nếu không có sự chấp thuận hoặc có khả năng là sự hỗ trợ của Ankara, không đời nào HTS có cơ hội chống lại Tổng thống Assad.

Chuyên gia về Trung Đông Michael Lüders giải thích trong một cuộc phỏng vấn gần đây với kênh tin tức công cộng Đức Deutschlandfunk: "Không còn nghi ngờ gì nữa, Ankara đã biết về cuộc tấn công, không chỉ thế, họ còn cung cấp hỗ trợ quân sự. Để nổi dậy, phiến quân cần vũ khí đầy đủ và nhìn vào thực tế, vũ khí đó chỉ có thể được cung cấp bởi Thổ Nhĩ Kỳ”.

Mối đe dọa an ninh cần phải loại bỏ

Khi cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu, Ankara đứng về phía quân nổi dậy, cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao với Damascus. Gần đây, Tổng thống Erdogan đã cố gắng khôi phục quan hệ ngoại giao nhưng Tổng thống Assad từ chối lời đề nghị này, nói rằng việc bình thường hóa là không thể cho đến khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi miền Bắc Syria.

Tuy vậy, Thổ Nhĩ Kỳ lại không muốn rút quân khỏi nơi mà họ gọi là "khu vực an ninh" ở miền Bắc Syria. Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát khu vực này với sự giúp đỡ của Quân đội Quốc gia Syria (SNA), lực lượng dân quân Hồi giáo được Ankara hỗ trợ.

Mục tiêu lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ là lật đổ chính quyền tự trị do người Kurd đứng đầu ở vùng Bắc và Đông Syria. Ankara coi đây là mối đe dọa đối với an ninh biên giới.

Hiện tại, hai nhóm mạnh nhất đang hoạt động ở Syria là HTS và SNA. Theo chuyên gia người Thổ Nhĩ Kỳ về Trung Đông Erhan Kelesoglu, SNA đã phát động một cuộc tấn công chống lại người Kurd ngay sau khi Aleppo thất thủ.

Ankara phủ nhận mọi sự liên quan đến Syria. Bộ trưởng Ngoại giao Hakan Fidan gần đây nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ hỗ trợ các hoạt động có thể gây ra một làn sóng người tị nạn tiếp theo.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận khoảng 3,5 triệu người tị nạn Syria kể từ khi cuộc nội chiến của Syria bắt đầu, mọi chuyện càng trở nên tồi tệ khi Ankara đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Di cư đóng vai trò quá lớn trong các cuộc bầu cử thành phố và quốc hội gần đây tại Thổ Nhĩ Kỳ, gây áp lực buộc Tổng thống Erdogan phải hành động.

Ông Erdogan đã nói rõ rằng ông muốn gửi hầu hết những người tị nạn trở lại Syria. Họ sẽ được tái định cư ở vùng đệm miền Bắc Syria. Tổng thống Erdogan gần đây cũng đã nhắc lại ý định duy trì quyền kiểm soát dải đất dài 30-40 km (19-25 dặm).

Ankara sẽ chờ xem các đồng minh của mình có thể đẩy lùi người Kurd đến đâu và có thể chiếm được bao nhiêu lãnh thổ của họ. (Nguồn: AP)

Với những toan tính như vậy, Tổng thống Erdogan có sẵn sàng hợp tác với các lực lượng phiến quân, cụ thể là SNA và HTS.

Phần lớn các hoạt động đang diễn ra theo kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ. HTS và SNA đều muốn chính quyền của Tổng thống Assad sụp đổ.

Mặc dù chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang hỗ trợ quân sự cho các cuộc tấn công hiện tại ở Syria, Ankara vẫn cố gắng tránh xung đột trực tiếp với Nga, Iran và Tổng thống Assad. Chuyên gia Trung Đông Kelesoglu nhận định Ankara sẽ chờ xem các đồng minh của mình có thể đẩy lùi người Kurd đến đâu và có thể chiếm được bao nhiêu lãnh thổ của họ.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu các hoạt động quân sự trong một số khu vực ở Syria vào năm 2016 và đã ném bom các khu vực do người Kurd kiểm soát kể từ đó. Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang đồn trú tại Jarabulus, al-Bab, A'zaz, Tell Abyad và Idlib – được coi là thành trì của lực lượng phiến quân.

Gạt bỏ đối thủ hay gia tăng đối thủ?

Như vậy, vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong nội chiến ở Syria rất phức tạp và đa diện. Mặc dù Ankara không tuyên bố rõ ràng về sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc chiến Syria, nhưng ảnh hưởng của nước này là rõ ràng.

Lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria gồm hai phần:

Đầu tiên, Ankara tìm cách thiết lập một vùng an toàn dọc biên giới để quản lý cuộc khủng hoảng người tị nạn đang diễn ra. Bằng cách bảo vệ các khu vực như Aleppo thông qua các lực lượng ủy nhiệm như HTS, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tạo điều kiện để một số người tị nạn Syria hồi hương.

Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ muốn làm suy yếu sự kiểm soát của Tổng thống Assad tại miền Bắc Syria, mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình trong khi làm suy yếu quyền tự chủ của người Kurd ở miền Đông Bắc Syria.

Việc cho phép HTS cai quản các khu vực chiếm được là phương tiện để Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng quyền kiểm soát mà không cần trực tiếp quản lý lãnh thổ - động thái giúp giảm chi phí và tránh đối đầu trực tiếp với các cường quốc toàn cầu.

Tuy nhiên, việc Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ HTS không phải là không có rủi ro. Mặc dù Ankara được hưởng lợi từ thành công quân sự của HTS, nhưng mối quan hệ với tổ chức này làm phức tạp thêm mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh phương Tây và có thể làm gia tăng căng thẳng với Israel – nước có thể cho rằng Ankara đang hỗ trợ một nhóm có khuynh hướng cực đoan và chống Israel.

(theo Eurasia Review)