Trong bài viết mới đây đăng trên trang mạng eurasiareview.com, TS. Mohammed Al-Sulami Chủ tịch Viện quốc tế về Nghiên cứu Iran (Rasanah) nhận định, những diễn biến chính trị ở Afghanistan đã bộc lộ những "mẫu số chung" giữa Nga và Iran về việc Taliban nắm quyền lực kiểm soát Kabul.
Đại sứ quán Iran tại Kabul, Afghanistan. (Nguồn: Tasnim) |
Nga và Iran là hai trong số ít quốc gia trên thế giới không bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Taliban đánh chiếm khắp các thành phố ở Afghanistan. Hai nước vẫn duy trì hoạt động ngoại giao tại đại sứ quán ở Kabul và không vội vàng sơ tán công dân của mình như nhiều nước khác.
Sự hậu thuẫn có tính toán
Nga và Iran dường như sớm kết luận rằng việc Taliban tiếp quản đất nước là một thực tế mà họ phải chấp nhận để ứng phó. Nga đã phát tín hiệu thân mật với Taliban bằng cách phản bác những luận điệu của phương Tây về lực lượng này, đồng thời thể hiện quan điểm ủng hộ Taliban tại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc.
Đằng sau đó có vẻ là thông điệp nhắm đến Taliban rằng Moscow có thể cung cấp "ô bảo trợ quốc tế" cho phong trào này, giống như những gì Nga từng làm với chế độ của Tổng thống Bashar Assad ở Syria.
Iran, vốn là đối địch với Taliban, cũng đang nối gót Nga khi các phe phái thù địch nhau của Iran và Taliban trở thành bạn bè chỉ sau một đêm.
Trên thực tế, sự thay đổi chóng vánh và đột ngột này trong chính sách của Nga và Iran đối với Taliban hoàn toàn không mang tính bốc đồng.
Động thái này trùng hợp với những động thái xích lại gần nhau và sự phối hợp chung của Nga và Iran đối với nhiều vấn đề khu vực.
Ngoài ra, Moscow và Tehran cũng nỗ lực khai thác những cơ hội địa chính trị từ việc Washington rút quân khỏi Afghanistan, bất chấp hai bên đôi khi có những xung đột lợi ích.
Taliban đã đáp lại ưu ái của Nga và Iran bằng những tuyên bố ngoại giao nhằm xoa dịu những lo lắng của Moscow và Tehran. Taliban không thể quên sự hỗ trợ quân sự của Nga và Iran đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp lực lượng này giành lại quyền kiểm soát Afghanistan.
Đó là chưa tính đến sự ủng hộ chính trị của Nga và Iran vốn thể hiện rõ ràng trong nỗ lực của hai nước nhằm thiết lập một kênh đàm phán để giải quyết các tranh chấp nội bộ của Afghanistan dưới sự bảo trợ của Moscow, như tiến trình Astana liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Syria, một tiến trình một lần nữa loại trừ vai trò của Mỹ.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bắt tay đại diện phái đoàn Taliban trước vòng hai cuộc đàm phán hòa bình đa phương Afghanistan theo thể thức Moscow ở cấp thứ trưởng ngoại giao ngày 9/11/2018. (Nguồn: EPA-EFE) |
Cùng với nỗ lực của hai nước nhằm làm suy yếu chính phủ Afghanistan thân phương Tây và thân Mỹ trước đây, những vấn đề nêu trên đã giúp tạo điều kiện thuận lợi cho Taliban trở lại nắm quyền lực.
Chắc chắn việc Taliban nắm quyền ở Afghanistan phục vụ mục tiêu chiến lược quan trọng vốn là cơ sở cho mối quan hệ hợp tác của Nga và Iran: Đánh bại Mỹ trên đấu trường này.
Với hai nước này, đây cũng là một thắng lợi địa chiến lược bởi đối thủ mạnh nhất của họ đã rút khỏi lãnh thổ của một quốc gia ngay sát vách, để lại một khoảng trống mênh mang cho họ nâng cao ảnh hưởng và sự hiện diện ở Afghanistan.
Sự ra đi bẽ bàng của Mỹ cũng phần nào khiến Moscow hài lòng vì Nga chưa bao giờ quên được thất bại trong Chiến tranh Liên Xô-Afghanistan vốn do Mỹ hậu thuẫn, thất bại mà Nga vẫn xem là một thảm họa địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ qua.
Moscow còn nhận thấy rằng những diễn biến tại Afghanistan mang đến cho nước này cơ hội lịch sử để giải quyết các vấn đề thời Chiến tranh Lạnh với Mỹ và NATO.
Trong khi đó, việc Mỹ rút quân không kém phần quan trọng với Iran bởi Tehran coi việc "hất cẳng" Mỹ ra khỏi khu vực ảnh hưởng quan trọng của mình là chính sách đối ngoại trong khu vực.
Cả Nga và Iran cũng sẽ được hưởng lợi từ cam kết mà Taliban tự đưa ra nhằm đánh bại Nhóm phiến quân Hồi giáo Khorasan (ISIS-K), ngăn chặn các phong trào của tổ chức khủng bố Al-Qaeda, trấn áp hoạt động buôn bán ma túy và bảo vệ biên giới.
Cam kết này là một phần trong nỗ lực của Taliban nhằm khôi phục và gây dựng lại hình ảnh "Taliban 2.0".
Nhóm này muốn đạt được tính chính danh và được quốc tế công nhận để ngăn chặn một cuộc đối đầu khác tương tự như cuộc đối đầu vào năm 2001 sau vụ tấn công khủng bố 11/9.
Đây là điều cần thiết để Taliban giành được lòng tin của cộng đồng quốc tế và sau đó muốn nhận được viện trợ tài chính giúp tái thiết Afghanistan và cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho người dân Afghanistan.
"Miếng bánh" chưa hẳn ngọt ngào
Tuy nhiên, bất chấp tất cả những điều này, không loại trừ khả năng Nga và Iran thất bại ở Afghanistan. Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan không có nghĩa là Washington sẽ nhường đất nước này cho các đối thủ.
Một số ý kiến cho rằng, đây là một phần trong chiến lược có chủ đích nhằm "xoay trục" các nguồn lực quân sự của Mỹ về phía Đông, bao vây Nga và Trung Quốc trên bộ và trên biển.
Theo quan điểm xoay trục của Mỹ, Afghanistan có thể trở thành nguồn gốc của các thảm họa như khủng hoảng, khủng bố và buôn bán ma túy, ảnh hưởng đến cả Iran và Nga.
Về tổng thể, tại thời điểm này, Tehran và Moscow có mối quan hệ khá êm thấm ở Afghanistan, không giống như ở Syria, nơi hai bên đôi khi vướng vào những vụ đụng độ quân sự căng thẳng.
Ở Syria, Nga đã hậu thuẫn Tổng thống Assad xây dựng lại nhà nước Syria, bao gồm cả quân đội và các lực lượng an ninh. Trong khi đó, Iran lại nỗ lực duy trì tình trạng tan rã và hỗn loạn, giúp Iran đạt được lợi ích cơ bản ở Syria.
Đối với Afghanistan, cả Nga và Iran có lẽ đều muốn thấy một chính quyền Kabul ổn định để tránh những hậu quả có thể gây mất ổn định an ninh khu vực.
Hơn nữa, cả Nga và Iran đều muốn định hình lại cấu trúc khu vực nhằm phục vụ lợi ích chính trị và kinh tế của họ trong bối cảnh đang diễn ra cuộc cạnh tranh khu vực và quốc tế chưa từng có để tranh giành tầm ảnh hưởng ở Afghanistan.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, bất kỳ sự hợp tác nào ở quốc gia Nam Á này không nên được coi là tất yếu hoặc vĩnh viễn. Lý do là Iran có khuynh hướng muốn thống trị khu vực và có vai trò sâu rộng ở Afghanistan, vốn được thúc đẩy bởi nền văn hóa, ngôn ngữ và hệ tư tưởng tương đồng giữa Iran và Afghanistan.
Điều này có thể dẫn đến việc thành lập một nhà nước Afghanistan mong manh với sự tham gia của nhiều phe phái khác nhau và do Iran kiểm soát bằng cách hậu thuẫn các nhóm phiến quân gây ra tình trạng hỗn loạn như đã thấy ở Iraq hoặc Syria.
Trong quá trình phân tích tình hình phức tạp và khó kiểm soát ở Afghanistan cũng như phân tích mối quan hệ gần gũi Nga-Iran, cần xem xét các yếu tố quan trọng khác.
Trong đó không thể không nhắc đến những diễn biến liên quan đến quá trình đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran và những lo ngại của Nga về khả năng các cuộc đàm phán tại Vienna này có thể giúp cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Iran.