Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 tại Hà Nội tuy không có một tuyên bố chung, nhưng theo giới phân tích thì Hội nghị đã đạt được những kết quả hết sức thiết thực. Thứ trưởng có nhận xét gì về những ý kiến này?
Tôi cũng nhất trí với những đánh giá chung của cả chính giới cũng như báo chí các nước về Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 giữa Mỹ và Triều Tiên tổ chức tại Hà Nội. Tuy không ra được Tuyên bố chung hay văn bản thỏa thuận nào, Thượng đỉnh Hà Nội đã đạt được những kết quả hết sức thiết thực, có ý nghĩa. Như tất cả đã biết, hai nước Mỹ - Triều Tiên có quan hệ căng thẳng và đối đầu nhiều thập kỷ, sau Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất tại Singapore, có một cuộc đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất của 2 nước cho thấy xu thế đối thoại được củng cố và rất rõ ràng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều. (Ảnh: T.Anh) |
Thứ hai, trên thực tế, theo thông tin được biết, qua báo chí, hai bên đã có những nhất trí ban đầu trên một số vấn đề cụ thể. Đặc biệt là lãnh đạo cao nhất của hai bên đã biết được những quan tâm lớn của nhau về các vấn đề quan trọng mà hai nước trao đổi.
Một điểm rất quan trọng nữa, đó là hai bên đều khẳng định sẽ tiếp tục quá trình đối thoại này. Việc duy trì xu thế đối thoại nhằm giảm căng thẳng và từng bước giải quyết những vấn đề liên quan đến hòa bình và phi hạt nhân hóa ở Bán đảo Triều Tiên là kết quả rất quan trọng. Đồng thời, hai bên cũng đã đạt được những bước tiến nhất định về các vấn đề cụ thể để từ đó tiếp tục trao đổi trong thời gian tới.
Việc Hà Nội được lựa chọn là nơi tổ chức Thượng đỉnh lần 2 và nước chủ nhà đã tổ chức rất thành công sự kiện này có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam, thưa Thứ trưởng?
Việc cả Mỹ và Triều Tiên đều đề nghị Việt Nam đứng ra làm nước chủ nhà tổ chức Hội nghị thể hiện sự coi trọng của hai nước đối với quan hệ với Việt Nam, sự ghi nhận vị thế quốc tế, kinh nghiệm và khả năng bảo đảm an ninh cho sự kiện quốc tế lớn, nhất là nhìn nhận về những thành tựu phát triển của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác.
Qua dịp này, chúng ta có điều kiện để giới thiệu với các nước, nhất là qua các phương tiện truyền thông với trên 3000 phóng viên đến từ trên 200 hãng thông tấn báo chí quốc tế từ nhiều châu lục. Qua đó, thế giới có thể nhìn thấy tận mắt những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, con người, đất nước Việt Nam. Đặc biệt, trong dịp này, chuyến thăm Hữu nghị chính thức của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cũng nâng quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Triều Tiên lên một mức mới, mở ra một giai đoạn mới. Đối với Mỹ, các cuộc trao đổi của Tổng thống Donald Trump với các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam cũng giúp thúc đẩy quan hệ hai nước tiến thêm, trong đó có việc Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, việc tổ chức thành công hội nghị đã góp phần thiết thực triển khai đường lối đối ngoại, các chủ trương về ngoại giao song phương và đa phương của Việt Nam, tạo đà để Việt Nam đảm nhiệm tốt trọng trách Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020 và ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
|
Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và Triều Tiên đánh giá rất cao công tác chuẩn bị của Việt Nam. Đề nghị Thứ trưởng cho độc giả biết thêm về công tác chuẩn bị, phối hợp giữa các bộ, ngành của Việt Nam nói chung và Bộ Ngoại giao nói riêng?
Ngay sau khi có thông tin xác nhận của Mỹ và Triều Tiên về việc tiến hành cuộc gặp tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị đã xác định đây là một công việc đột xuất, trọng tâm trong năm 2019. Đây cũng là sự kiện quan trọng liên quan đến công tác đối ngoại của chúng ta, gắn với chuyến thăm của Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump và cũng là một bước khởi đầu của cả một năm, liên quan đến cả những niềm tin và sự phấn khởi của nhân dân cả nước.
Về công tác chuẩn bị, chúng ta có những điều thuận lợi từ sự chỉ đạo, quan tâm sát sao của lãnh đạo cấp cao Việt Nam. Chúng ta có quan hệ tốt với cả hai nước và quốc tế cũng ủng hộ chúng ta tổ chức hội nghị tại Việt Nam. Đặc biệt, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm tổ chức các hội nghị quốc tế.
Tuy nhiên, chúng ta cũng đứng trước nhiều thách thức, bởi thời gian chuẩn bị là quá ngắn. Trên thực tế, chúng ta có chưa đến 10 ngày trong khi thời gian để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1 tại Singapore là trên 2 tháng.
Trong bối cảnh đó, công tác chuẩn bị đã nhận được sự quan tâm cao và chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị. Dưới sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp, sát sao của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, đã có nhiều cuộc họp liên Bộ, ngành và địa phương. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc kiểm tra thực tế, làm việc tại Trung tâm báo chí quốc tế và làm việc trực tiếp với các cơ quan có liên quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ…
Với vai trò là cơ quan đầu mối, Bộ Ngoại giao đã chủ trì điều phối chung tất cả các hoạt động liên quan; thường xuyên giữ liên hệ chặt chẽ với các Bộ/ngành, địa phương, kịp thời chia sẻ thông tin cần thiết để chuẩn bị một cách tốt nhất cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong un và các cuộc tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao Việt Nam với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Với sự tham gia tích cực, khẩn trương của các Bộ, ban, ngành và địa phương, công tác tổ chức đã được triển khai nhanh chóng, đồng bộ và hiệu quả, đáp ứng tất cả các yêu cầu đặt ra, không để xảy ra bất kỳ sơ suất nào. Cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đều đánh giá cao, cảm ơn Việt Nam đã chuẩn bị chu đáo về mọi mặt cho Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cùng Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đại diện các Bộ, ban, ngành kiểm tra công tác chuẩn bị Trung tâm báo chí quóc tế phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều. |
Về nội dung, Bộ Ngoại giao trên cơ sở trao đổi với các Bộ ngành đã có những báo cáo lên Lãnh đạo về những nội dung, vấn đề lớn liên quan đến Hội nghị Thượng đỉnh lần này, mặc dù chúng ta làm công tác tổ chức là chính, vấn đề nội dung là do lãnh đạo hai nước Mỹ - Triều Tiên quyết định. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nắm các nội dung liên quan để hỗ trợ, giúp ích cho việc tổ chức Hội nghị.
Công tác tổ chức phải triển khai trên nhiều lĩnh vực như đảm bảo về mặt an ninh, an toàn, lễ tân, hậu cần, giao thông, y tế, thông tin… Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương có các đề án riêng, cụ thể về từng lĩnh vực nêu trên. Bộ Giao thông Vận tải cũng có một số kế hoạch liên quan như đảm bảo đường đi từ Đồng Đăng về Hà Nội, nâng cấp Ga Đồng Đăng để đáp ứng yêu cầu.
Chỉ trong thời gian rất ngắn, Trung tâm báo chí đã được hoàn thành với đầy đủ không gian, chỗ làm việc cho khoảng 2600 phóng viên quốc tế và 500 phóng viên trong nước. Cùng với đó là cơ sở hạ tầng về thông tin truyền thông mà theo đánh giá, tốc độ còn nhanh hơn dịp Hội nghị Thượng đỉnh lần đầu. Truyền hình Việt Nam ngoài việc đưa tin bình thường còn đóng vai trò là truyền hình nước chủ nhà, cung cấp hình ảnh cho các hãng thông tấn khác và được đánh giá chất lượng hình ảnh rất tốt.
Ngoài ra, việc phục vụ ăn uống tại Trung tâm Báo chí quốc tế cũng được các phóng viên đánh giá cao. Việc trực y tế, giao thông và cung cấp dịch vụ xe bus, xe taxi miễn phí để các phóng viên đi lại, nhiều công ty đã đóng góp nước uống, đồ ăn trong suốt thời gian Hội nghị cũng đã góp phần vào thành công chung.
Có thể khẳng định, chính giới và báo chí đã đánh giá rất cao về công tác chuẩn bị và quá trình tổ chức của Việt Nam với tư cách nước chủ nhà, không để xảy ra sơ xuất gì cả về mặt an ninh, lễ tân, hậu cần và để lại ấn tượng rất tốt, được đánh giá rất cao.
Thứ trưởng có kỳ vọng vào một tiến trình phi hạt nhân hóa thực sự và hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên sau Thượng đỉnh 2019?
Vấn đề Bán đảo Triều Tiên và hạt nhân Triều Tiên vốn rất phức tạp, là điểm nóng của khu vực và thế giới đã tồn tại hơn 70 năm qua, có liên quan đến lợi ích chiến lược của nhiều nước. Việc giải quyết vấn đề này cũng là một quá trình lâu dài, không thể kết thúc trong một sớm một chiều. Trên thực tế, quá trình đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên không phải mới được bắt đầu mà đã kéo dài hàng chục năm qua, có lúc được thúc đẩy mạnh và đạt kết quả tốt nhưng cũng có lúc đổ vỡ và kéo theo căng thẳng leo thang. Mấu chốt quan trọng nhất của vấn đề là Mỹ - Triều phải đi tới thỏa hiệp về nội hàm và tiến trình của việc thực hiện phi hạt nhân hoá, cơ chế hòa bình lâu dài cho Bán đảo Triều Tiên, việc bình thường hóa quan hệ Triều - Mỹ và giải tỏa các biện pháp cấm vận, trừng phạt đối với Triều Tiên. Trong khi đó, quá trình thương lượng vừa qua cho thấy, Mỹ và Triều Tiên còn nhiều khác biệt trong các vấn đề trên.
Tuy nhiên, việc lãnh đạo cao nhất của Mỹ và Triều Tiên đã đồng ý gặp nhau hai lần trong vòng 8 tháng và với những kết quả tích cực của Hội nghị Thượng đỉnh Triều - Mỹ lần này tại Hà Nội đã gửi thông điệp chung tới cộng đồng quốc tế về cam kết của cả hai nước là giảm căng thẳng, thúc đẩy đối thoại, thương lượng để đạt kết quả cao hơn, góp phần giảm đối đầu, duy trì hòa bình ổn định và thúc đẩy hợp tác phát triển trên Bán đảo Triều Tiên và khu vực.n
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Không thể nóng vội khi làm Ngoại giao Văn hóa Chia sẻ với TG&VN về công tác Ngoại giao Văn hóa (NGVH), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Uỷ ban UNESCO Việt Nam Lê ... |
Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam gặp mặt đầu Xuân 2019 Sáng 29/1, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã chủ trì cuộc gặp mặt ... |
LHQ thông qua Báo cáo sơ bộ về kết quả rà soát UPR Chu kỳ III của Việt Nam Chiều 25/1, tại Trụ sở của Liên hợp quốc tại Geneva, Thuỵ Sỹ, Nhóm làm việc về Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu ... |