Đây là những chia sẻ của hai nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Bath và Đại học King's College của Australia là nghiên cứu sinh Trần Bá Linh và Giảng viên cao cấp về Kinh tế chính trị Robyn Klingler-Vidra.
Theo đó, những ví dụ này nằm trong một dự án nghiên cứu về chủ đề sáng tạo của người Việt được họ thực hiện trong suốt một năm qua thông qua các cuộc phỏng vấn và các chuyến đi điều tra thực địa địa để tìm hiểu về các mô hình đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy năng suất và rộng hơn là mang lại lợi ích cho xã hội ở Việt Nam.
Máy ATM phát khẩu trang phòng chống Covid-19 miễn phí ở Việt Nam. (Nguồn: EPA) |
Theo nội dung chia sẻ trên trang theconversation.com, qua quá trình nghiên cứu họ đặc biệt ấn tượng với những sáng kiến và đóng góp của các cá nhân bình thường có năng lực sáng tạo và doanh nhân có ý thức và trách nhiệm xã hội trong việc giúp đỡ những người yếu thế và chịu tác động nghiêm trọng nhất của đại dịch Covid-19 kể từ tháng 2/2020, từ việc tiếp cận với các nhu yếu phẩm đến việc xét nghiệm, truy vết và điều trị.
Điển hình cho những ví dụ sáng tạo nổi bật trong việc ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19 lây lan là việc công ty khởi nghiệp công nghệ BusMap tại Đà Nẵng - nơi bắt đầu tâm dịch của làn sóng lây nhiễm thứ hai tại Việt Nam - phối hợp với chính quyền địa phương lập ra bản đồ lây nhiễm Covid-19 nhằm giúp người dân tránh các điểm nóng của dịch bệnh và tìm ra các cơ sở y tế gần nhất.
Hay như tại một bệnh viện quân đội ở Thành phố Hồ Chí Minh, sinh viên của một trường đại học tư ở Hà Nội và sinh viên một trường đại học công ở Thành phố Hồ Chí Minh đã thiết kế ra những con robot với các mẫu khác nhau làm nhiệm vụ tẩy trùng các bệnh viện và cơ sở công cộng.
Trước đó, khi đại dịch bắt đầu bùng phát tại Việt Nam, ca khúc "Ghen Co Vy", hay còn gọi là "Vũ điệu Rửa tay", do các nhạc sĩ trong nước phối hợp với Bộ Y tế sáng tác đã lan truyền khắp thế giới. Sau đó, những người dân bình thường đã tự sáng tác ra nhiều bài hát Covid-19 khác.
Bên cạnh đó, theo hai nhà nghiên cứu, có một nhóm các ý tưởng đổi mới sáng tạo khác tập trung vào việc giảm nhẹ tác động xã hội tiêu cực của Covid-19. Ví dụ như ông Kao Siêu Lực - một người làm bánh nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh đã sử dụng thanh long để làm nhân bánh mỳ, và chia sẻ công thức của mình với cả nước với mong muốn giúp những người nông dân trồng thanh long không thể tiêu thụ được sản phẩm của mình do những hạn chế đi lại nghiêm ngặt được áp dụng.
Điều đáng nói hơn, là không chỉ những người dân bình thường mà cả các doanh nghiệp cũng sử dụng công thức này, dẫn đến sự ra đời của bánh mì kẹp thanh long KFC. Hay như tại thủ đô Hà Nội, bác sỹ Khuất Thị Hải Oanh đã thành lập quỹ từ thiện mang tên “Mỗi ngày một quả trứng” để cung cấp thực phẩm, khẩu trang và các mặt hàng thiết yếu cho người vô gia cư và các gia đình nghèo ở khắp miền Bắc Việt Nam. Quỹ từ thiện này cũng giúp những người dân có nhu cầu tìm việc làm và chỗ ở, đồng thời trợ cấp tiền thuê nhà cho họ.
Hay như doanh nhân Hoàng Tuấn Anh đã chế tạo một máy ATM cung cấp khẩu trang cho cộng đồng trong đợt bùng phát dịch lần thứ hai. Máy này cung cấp khẩu trang miễn phí, được gói riêng từng chiếc, và được điều khiển từ xa để đảm bảo phân phối công bằng và yêu cầu người nhận khẩu trang rửa tay trước khi chạm vào máy.
Trước đó, trong đợt bùng phát dịch bệnh đầu tiên, ông Tuấn Anh đã đặt cây ATM gạo đầu tiên trước văn phòng của mình. Máy ATM này cung cấp 1,5kg gạo miễn phí cho mỗi người dân và đã cấp 5 tấn gạo chỉ trong hai ngày đầu tiên.
Máy ATM gạo ở Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19. (Nguồn: EPA) |
Máy ATM gạo và khẩu trang của ông Tuấn Anh đã được các doanh nhân và tổ chức từ thiện nhân rộng trên cả nước. Và còn rất nhiều những ví dụ khác nữa được hai nhà nghiên cứu chia sẻ trên trang theconversation.com.
Bài chia sẻ trên trang theconversation.com kết thúc với việc hai nhà nghiên cứu bày tỏ ấn tượng với phạm vi và tốc độ của các hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như sự khâm phục đối với các cá nhân và doanh nghiệp ở Việt Nam đang nỗ lực làm việc sáng tạo vì lợi ích cộng đồng, là những tấm gương về sự đoàn kết và giúp đỡ nhau vượt qua cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện nay.