TIN LIÊN QUAN | |
(Trực tuyến): Tọa đàm giữa các Trưởng CQĐD Việt Nam ở nước ngoài và Doanh nghiệp | |
Đồng hành cùng doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế theo tinh thần Ngoại giao kiến tạo |
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Thưa các vị đại biểu,
Thưa toàn thể các đồng chí,
Trước hết, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, các đồng chí lãnh đạo các địa phương, các đồng chí trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và toàn thể các đồng chí đại biểu đến tham dự Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19.
Đây là kỳ Hội nghị thứ tư được tổ chức cùng Hội nghị Ngoại giao để các đại biểu địa phương không chỉ nắm bắt diễn biến mới của tình hình quốc tế và khu vực; mà còn là dịp để địa phương và trung ương, trong nước và ngoài nước cùng trực tiếp bàn bạc các biện pháp tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả triển khai công tác đối ngoại, trong đó có chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng.
Điều này hết sức có ý nghĩa bởi Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh năm nay là năm bản lề giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và giai đoạn nước rút triển khai chủ trương hội nhập sâu rộng và các Nghị quyết của Quốc hội, của địa phương về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, thực hiện đồng bộ ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Thưa các đồng chí,
Kể từ Hội nghị Ngoại vụ 18 đến nay, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới duy trì đà tăng trưởng nhưng manh nha xuất hiện những nguy cơ mới như chủ nghĩa bảo hộ, xung đột thương mại... Tình hình chính trị - an ninh quốc tế chuyển biến phức tạp, nảy sinh các nhân tố rủi ro, khó đoán định từ sự điều chỉnh chính sách và tranh giành ảnh hưởng gay gắt giữa các nước lớn, các xu hướng tập hợp lực lượng, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống…
Ở trong nước, bên cạnh thời cơ thuận lợi, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Nhiệm vụ ngày càng nặng nề, yêu cầu đặt ra cho công tác đối ngoại ngày càng phức tạp.
Dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước và sự thống nhất, phối hợp từ Trung ương đến tất cả các địa phương trong cả nước, công tác đối ngoại đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Những thành tựu đối ngoại đạt được thời gian qua, mà đỉnh cao là năm APEC 2017, đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới đầy triển vọng cho đất nước ta thời gian tới.
Trong thành tựu chung đó có dấu ấn quan trọng của đối ngoại địa phương và công sức to lớn của đội ngũ anh chị em làm công tác đối ngoại địa phương. Công tác đối ngoại địa phương đã được triển khai chủ động, tích cực, có trọng tâm, trọng điểm. Chúng ta đã mở rộng và khai thác hiệu quả các mối quan hệ với đối tác nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu, thúc đẩy thương mại, đầu tư, đóng góp thiết thực vào các mục tiêu phát triển của địa phương và cả nước.
Đặc biệt, thành công rực rỡ của Năm APEC 2017, với 243 hoạt động dọc trên 10 tỉnh, thành phố trong cả nước, đã cho thấy công sức, trí tuệ và nỗ lực vượt bậc của các địa phương để vượt lên mọi khó khăn chủ quan và khách quan của thời tiết, khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục cảnh quan, đón tiếp đại biểu, bảo đảm an toàn trước và trong tuần lễ cấp cao. Điều đó đã minh chứng mạnh mẽ sự chuyển mình của các địa phương với một ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của hội nhập, thực sự triển khai hội nhập, và đóng góp hết mình cho nhiệm vụ đối ngoại chung của đất nước.
Để đạt được những kết quả đó, trước hết phải kể đến sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các tỉnh, thành phố dành cho công tác đối ngoại địa phương, vai trò tham mưu của các cơ quan ngoại vụ địa phương, sự phối hợp giữa địa phương và các bộ, ngành trung ương, trong đó có vai trò nòng cốt của Bộ Ngoại giao, trong việc triển khai các nhiệm vụ về đối ngoại tại địa phương.
Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận tiến trình hội nhập quốc tế ở cả cấp trung ương và địa phương vẫn còn nhiều hạn chế. Có những vấn đề hết sức cấp bách, nếu không có giải pháp tháo gỡ, sẽ là những nút thắt, rào cản đối với tiến trình hội nhập quốc tế, không chỉ ngăn cản chúng ta tranh thủ lợi ích của hội nhập, mà còn làm gia tăng nguy cơ tụt hậu xa hơn.
Trước hết, nhận thức, tư duy hội nhập quốc tế tại nhiều nơi chưa sát thực tiễn địa phương và còn thiếu tầm nhìn dài hạn, cách hiểu, cách triển khai giữa các địa phương còn rất khác nhau. Nhiều địa phương thiếu một chiến lược hội nhập quốc tế mang tính dài hạn; hoạt động hội nhập mang tính sự vụ hàng ngày, vẫn còn hình thức.
Một số nơi lúng túng trong việc triển khai những chủ trương, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, cụ thể hóa và lồng ghép vào các nội dung phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tiến trình hội nhập chưa đồng bộ với đổi mới thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh tại địa phương.
Đến nay, mới có 40/63 địa phương đã điều chỉnh Kế hoạch, Chương trình hành động theo Nghị quyết 38 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06 về hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ hai, chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng nhưng chưa tận dụng được hết các cơ hội do hội nhập quốc tế mang lại để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như ứng phó hữu hiệu với các thách thức.
Chúng ta chưa tranh thủ được lợi ích mở rộng thị trường trong khi thách thức mở cửa thị trường, sức ép cạnh tranh ngay trên sân nhà ngày càng lớn.
Nguyên nhân chính do năng suất, trình độ công nghệ, năng lực quản trị còn thấp, chưa tạo dựng uy tín thương hiệu, trong khi các thị trường xuất khẩu đều nâng yêu cầu chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Còn có tình trạng các địa phương, doanh nghiệp “đói” thông tin về thị trường thế giới, luật pháp quốc tế, môi trường kinh doanh ở nước ngoài. Ngay như các cơ chế của WTO đã được am hiểu và vận dụng đầy đủ chưa, không nhiều địa phương có thể nắm rõ!
Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của các địa phương không đồng đều, dẫn đến việc thụ hưởng lợi ích hội nhập giữa các địa phương cũng có sự chênh lệch, xuất hiện tình trạng cạnh tranh nguồn lực thay vì hợp tác, kết nối.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2016 và 2017 tập trung ở 06 địa phương có trên 10 tỷ USD/năm. Hơn 90% địa phương còn lại chỉ chiếm 30% xuất khẩu, có địa phương là “vùng trắng” về xuất khẩu. 6/63 địa phương có FDI trên 500 triệu USD, chiếm khoảng 90% tổng FDI tại Việt Nam. Như vậy có đến 47 địa phương chỉ chiếm khoảng 10% thu hút đầu tư FDI. Chúng ta cần nghiêm túc nhìn thẳng vào các khó khăn, yếu kém để có giải pháp khắc phục, cả trước mắt và dài hạn.
Các cán bộ ngoại vụ địa phương và Bộ Ngoại giao phải luôn trăn trở tìm lời giải cho bài toán làm sao để công tác ngoại vụ địa phương phải thực sự tạo ra bước chuyển về chất đối với tiến trình hội nhập quốc tế tại địa phương, phát huy tối đa tiềm năng địa phương, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm của địa phương, góp phần giải quyết hữu hiệu các bài toán phát triển của địa phương trong thời gian tới.
Thưa các đồng chí,
Tình hình quốc tế thời gian tới sẽ còn biến chuyển phức tạp, khó lường, cơ hội đan xen với thách thức, trong đó mặt thách thức có phần gia tăng. Để thực hiện thắng lợi đường lối của Đại hội Đảng XII, các Nghị quyết Đảng bộ tại địa phương nhiệm kỳ 2016 - 2021 về triển khai các nhiệm vụ đối ngoại, công tác đối ngoại, trong đó có đối ngoại địa phương phải hết sức chủ động, linh hoạt, sáng tạo, với một tư duy đổi mới mạnh mẽ, đúng với tinh thần của Hội nghị Ngoại vụ lần này -“Chủ động, sáng tạo, phục vụ hội nhập hiệu quả và phát triển bền vững”.
Hội nghị chỉ diễn ra trong ngày hôm nay. Do đó, tôi đề nghị các đại biểu cần tập trung đi sâu phân tích những tồn tại, bất cập, tìm ra những “rào cản”, “nút thắt” cản trở công tác đối ngoại địa phương thời gian qua, đưa ra các biện pháp hữu hiệu nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác đối ngoại địa phương, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với địa phương.
Tôi đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận một số định hướng lớn sau:
Thứ nhất, cần quyết liệt đổi mới tư duy hội nhập quốc tế, hội nhập phải đi vào chiều sâu, vừa “tư duy toàn cầu” để bắt kịp tình hình quốc tế và tốc độ hội nhập quốc tế của nước ta, các lợi ích, cam kết tại các Hiệp định thương mại tự do đa phương, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vừa phải “hành động địa phương”, hiểu rõ “quê ta” có gì mà đối tác cần, ta cần gì để nâng cao chất lượng và thương hiệu sản phẩm, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển bền vững của địa phương…
Hội nhập quốc tế phải đi liền với việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lực nguồn nhân lực.
Tới đây, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan trung ương và địa phương đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức hội nhập, hướng dẫn rõ ràng, hiệu quả về nội dung hội nhập quốc tế tại từng địa phương.
Cần nhận thức rõ địa phương, doanh nghiệp, mới là nơi làm sống động tiến trình hội nhập, trực tiếp triển khai và thực thi các cam kết hội nhập.
Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt với các Bộ ngành hết sức bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ ngoại vụ địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp địa phương trong việc hiểu đúng và vận dụng các nội dung của cam kết, đặc biệt là cơ hội, thách thức và những yêu cầu phải đáp ứng khi tham gia và thực hiện các FTA thế hệ mới.
Thứ hai là, cần tập trung cao độ để thực hiện tốt công tác hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chính phủ đã có Nghị quyết 38 về thực hiện hội nhập quốc tế, thông qua chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06 của Hội nghị Trung ương 4, khóa XII và đã chỉ đạo các địa phương cần nhanh chóng cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trong kế hoạch công tác hàng năm của mỗi địa phương.
Trên cơ sở đó, Bộ Ngoại giao và tất cả các đồng chí trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có mặt hôm nay sẵn sàng đồng hành cùng các địa phương triển khai toàn diện công tác đối ngoại địa phương như:
- Giới thiệu cơ hội hợp tác đầu tư, hỗ trợ xúc tiến kinh tế đối ngoại, kết nối mở rộng thị trường, thẩm định đối tác và hỗ trợ xử lý tranh chấp thương mại trong bối cảnh đất nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới;
- Hỗ trợ địa phương triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa, thông tin tuyên truyền đối ngoại nhằm quảng bá hình ảnh và thương hiệu địa phương;
- Phối hợp làm tốt công tác lãnh sự, bảo hộ công dân, ngư dân, tàu cá và công tác người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt việc thu hút nguồn lực trí thức, chuyên gia người địa phương ở nước ngoài đóng góp vào sự phát triển khoa học, công nghệ của đất nước nói chung và của địa phương nói riêng.
Địa phương cần đặt hàng cụ thể cho Bộ Ngoại giao, trực tiếp cho các đồng chí trưởng cơ quan đại diện.
Đề nghị các Đại sứ tư vấn địa phương về ngành nghề, thị trường “đúng đối tác, đúng ngành”, giúp các địa phương rút ngắn thời gian và nắm thông tin chất lượng, đáng tin cậy.
Thứ ba là, ngoài việc khai thác lợi thế khác biệt và tiềm năng của mỗi địa phương, phải chăng đã đến lúc các địa phương cần xem xét lại, khắc phục tình trạng mỗi địa phương “tự độc lập tác chiến” để tiến tới cùng “chung tay”, cùng liên kết, phân công và hợp tác với các địa phương khác để phát huy lợi thế của từng vùng trong hợp tác cấp độ địa phương với các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài.
Bộ Ngoại giao và các cơ quan ngoại vụ địa phương sẽ tăng cường phối hợp để hỗ trợ địa phương xây dựng kế hoạch, kết nối về kinh tế, xây dựng thương hiệu, thu hút nguồn lực cho phát triển địa phương.
Các hoạt động hỗ trợ, kết nối địa phương với các đối tác nước ngoài thời gian qua của Bộ Ngoại giao cũng chính là để làm gia tăng thêm “sự hấp dẫn” của địa phương Việt Nam trong liên kết kết vùng với các địa phương, đối tác và doanh nghiệp nước ngoài. Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục nhân rộng và nâng cao hiệu quả thực chất của những chương trình kết nối trong thời gian tới.
Thứ tư là, làm tốt công tác thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
Những năm qua, ODA và viện trợ phi chính phủ nước ngoài đã tạo nền tảng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết các vấn đề xã hội của nước ta.
Tuy nhiên, trong khi nhiều địa phương đang tìm biện pháp tăng huy động vốn thì tại một số địa phương tốc độ giải ngân đầu tư công rất chậm, năm 2018 đã có 14 địa phương bị cắt giảm do không có khả năng giải ngân, đây là sự lãng phí rất lớn.
Tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo địa phương quan tâm vì đây là cơ hội rất tốt để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện và thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam chúng ta đã trở thành nước thu nhập trung bình và thời gian tới sẽ không được tiếp tục nhận nguồn vốn vay ưu đãi nữa mà chuyển sang mức lãi suất cao hơn.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan ở trung ương và các địa phương sửa đổi Nghị định 12 nhằm tăng cường thu hút và quản lý hiệu quả hơn nữa nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài trong thời gian tới.
Song song với các định hướng trên, cần tiếp tục kiện toàn bộ máy làm công tác đối ngoại địa phương đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
Các cơ quan ngoại vụ địa phương cần nâng tầm tham gia, đóng góp về công tác nghiên cứu, tham mưu chính sách, phát huy tốt hơn nữa “vai trò đầu mối”, “trái tim hội nhập” tại địa phương trong nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế và kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực thi các cam kết hội nhập quốc tế và khu vực.
Tôi cho rằng “con người” là vấn đề có ý nghĩa then chốt, “giải pháp của giải pháp” đối với tiến trình hội nhập quốc tế của các địa phương.
Trên cơ sở các chỉ đạo của Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tôi cũng đề nghị các đồng chí Lãnh đạo địa phương tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa để kiện toàn bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại vụ chuyên nghiệp, có trình độ, tri thức và tinh thông nghiệp vụ trong triển khai công tác đối ngoại tại địa phương.
Những yêu cầu và nhiệm vụ của hội nhập quốc tế đặt ra cho Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 19 ngày càng cao, kỳ vọng đối với đóng góp của công tác ngoại vụ địa phương và các cán bộ mang sứ mệnh trong sự phát triển của địa phương, doanh nghiệp và người dân ngày càng lớn.
Tôi tin tưởng rằng, Hội nghị sẽ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, đem lại nhiều kết quả thiết thực, đề ra được các phương hướng và giải pháp hiệu quả.
Tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19 và chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
Chúc toàn thể các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Những hình ảnh bên lề Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 19 Ngày 12/8, Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 19 với chủ đề "Chủ động, sáng tạo, phục vụ hội nhập hiệu quả và phát triển bền vững" ... |
(Trực tiếp) Hội nghị Ngoại vụ 19: Phiên thảo luận về Công tác Đối ngoại phục vụ phát triển địa phương Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 19 diễn ra ngày 12/8, các đại biểu đã bước vào phiên "Công tác đối ngoại phục vụ phát ... |
(Trực tiếp) Bộ Ngoại giao khai mạc Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 19 Ngày 12/8, tại Nhà làm việc số 2 Lê Quang Đạo, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 19 với chủ đề "Chủ động, ... |