“Phía trên ngôi nhà của chúng tôi bầu trời nước khác,
Và hoàng hôn xa lạ ngó nhìn chúng tôi qua khung cửa sổ.
Đã hai năm không về Moscow,
Nghề của tôi là thế đó - nhà ngoại giao...”
Vì sao ông lựa chọn trở thành một nhà ngoại giao?
Ngày 10/2 hàng năm vô cùng có ý nghĩa với tôi và đồng nghiệp. Ngành Ngoại giao Nga đã có bề dày lịch sử phát triển và có tầm quan trọng nhất định trong thế giới đương đại. Mỗi nhân viên ngoại giao có một sứ mệnh đặc biệt, đại diện cho lợi ích của đất nước mình ở nước ngoài. Đó là vinh dự lớn lao, đồng thời cũng là nhiệm vụ không ít khó khăn. Đây là một phần lý do tôi quyết tâm theo đuổi con đường ngoại giao chuyên nghiệp.
Từ thời thơ ấu, tôi rất say mê nghiên cứu lịch sử, văn hóa của các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là châu Á. Khi đó, hầu như tất cả người dân Xô Viết đều đồng cảm, ủng hộ với cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do của nhân dân Việt Nam. Năm 1981, tôi học tại Viện Nghiên cứu các nước châu Á và châu Phi, thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia Moscow. Trong những năm tháng sinh viên này, tôi bắt đầu nghiên cứu ngôn ngữ tiếng Việt và có nhiều lần trao đổi với các bạn Việt Nam khi phiên dịch cho các nhóm sinh viên Việt tham dự Trại hè thiếu niên Artek ở Crimea. Tôi cũng có kỳ thực tập kéo dài cả năm ở Việt Nam, có cơ hội tìm hiểu trực tiếp lịch sử, văn hóa Việt cũng như nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng Việt.
Tôi ngưỡng mộ Việt Nam không chỉ bởi thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn cả bởi lòng tốt, sự cảm thông mà người Việt dành cho nhau. Hơn nữa, người Việt có nghị lực mạnh mẽ, đặc biệt trong nỗ lực vượt qua những khó khăn sau chiến tranh. Ngành Ngoại giao và Việt Nam với tôi là duyên phận. Con đường tôi đi cũng có không ít khó khăn và lời bài hát mới chỉ lột tả được phần nào, nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc và may mắn về những gì mà tôi đang có. Tôi và tất cả đồng nghiệp ở Đại sứ quán tự hào và vinh dự được là các nhà ngoại giao Nga tại Việt Nam - đất nước gần gũi và thân thiện của Nga.
Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm của mình với Việt Nam?
Đây là nhiệm kỳ công tác thứ ba của tôi ở Việt Nam. Tôi đã làm việc ở đất nước các bạn hơn 20 năm và may mắn được làm việc ở cả miền Nam (Thành phố Hồ Chí Minh) và cả miền Bắc (Thủ đô Hà Nội).
20 năm là khoảng thời gian sung sức trong nghề nghiệp và ý nghĩa nhất trong cuộc đời tôi. Tôi đã góp sức mình vào việc vận hành các dự án hợp tác quy mô lớn như Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Tôi hạnh phúc được chứng kiến mối quan hệ song phương trong thời kỳ Xô Viết cũng như những nỗ lực của lãnh đạo hai nước về tăng cường quan hệ trong hiện tại. Hai con gái của tôi trải qua hầu hết thời thơ ấu và tuổi trẻ ở Việt Nam. Cả hai coi nơi đây như Tổ quốc thứ hai của mình.
Tôi luôn nhận được sự giúp đỡ to lớn cũng như sự ủng hộ của các nhà ngoại giao Việt Nam trong công việc. Giữa chúng tôi hình thành các mối quan hệ tốt đẹp trong cả cuộc sống thường nhật. Điều đó khiến tôi cảm nhận nghề ngoại giao không hề khô khan, mà rất ấm áp, nhân văn.
Từ những trải nghiệm của mình, theo anh, làm thế nào để trở thành một nhà ngoại giao giỏi?
Bề ngoài, làm ngoại giao có vẻ đơn giản và “nhàn” với những hình ảnh tham dự tiệc tùng, ăn vận lịch sự… Song thực tế, ngoại giao là một trong những nghề phức tạp nhất.
Nhà ngoại giao phải trải qua quá trình đào tạo lâu dài từ cơ bản tới chuyên sâu, cần có kiến thức uyên thâm và khả năng giải quyết vấn đề quốc tế phức tạp nhất trong khoảng thời gian ngắn. Nhà ngoại giao phải biết ngoại ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ sở tại, đồng thời cần tôn trọng và quan tâm đến lịch sử, văn hóa, truyền thống, phong tục của quốc gia sở tại, cũng như phải thực sự yêu thích đất nước nơi mình tới mới có thể gắn bó bằng trái tim. Nếu không có được những tiêu chí trên, tôi nghĩ rằng, công tác ngoại giao chuyên nghiệp khó có thể thành công.
“Và vào ngày lễ, lại mong muốn nhiều hơn,
Được trở về Moscow dù chỉ một ngày thôi,
Vào buổi chiều xuân xuống tàu điện ngầm,
Vội đến sân khúc côn cầu nhộn nhịp,
Mặc sức nói tiếng Nga thỏa thích,
Pha trò, cười giỡn với bạn bè,
Rồi đi bộ dạo chơi dưới bầu trời đầy sao”.
Những lời hát ấy thể hiện nỗi nhớ quê hương của mỗi nhà ngoại giao công tác nhiệm kỳ. Nhà ngoại giao phải biết thích ứng với môi trường sống mới, biết cất giấu những nỗi niềm riêng tư vì nhiệm vụ chung.
Xin cảm ơn ông!