Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến. (Nguồn: VGP) |
Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết chương trình CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 và xây dựng chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình chủ trì.
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành phố tại 63 điểm cầu trong cả nước. Thay mặt Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Tô Anh Dũng và Trợ lý Bộ trưởng Phạm Quang Hiệu đã tham dự Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của công tác CCHC đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đặc biệt là khi đất nước chuyển mạnh sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, với những cơ hội và thách thức mới, trong bối cảnh hội nhập và hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, với những thời cơ thuận lợi cũng như khó khăn thách thức đan xen nhau, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường.
Thứ trưởng Tô Anh Dũng tiếp nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ từ Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình. (Nguồn: VGP) |
Trong 10 năm qua, CCHC đã được triển khai đồng bộ trên tất cả 6 nội dung: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công và hiện đại hoá nền hành chính.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, công tác cải cách thể chế được các cơ quan nhà nước trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương quan tâm, chỉ đạo sát sao. Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương thường xuyên quan tâm, tập trung chỉ đạo xây dựng các thể chế thuộc phạm vi quản lý, chú trọng việc xây dựng các dự thảo luật, pháp lệnh trình Quốc hội và ban hành một số lượng lớn nghị định hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Tổng số văn bản quy phạm pháp luật mà các bộ đã ban hành từ năm 2012 đến nay là hơn 8.600 văn bản.
Cải cách thủ tục hành chính được xác định là khâu đột phá và đã được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp hành chính theo hướng đơn giản hoá, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm lợi ích chính đáng và quyền làm chủ của nhân dân. Việc triển khai thực thi phương án đơn giản hóa TTHC; cắt giảm điều kiện kinh doanh và hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa dòng hàng đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến tháng 11 năm 2020, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 TTHC, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
Cơ chế một cửa, một cửa liên thông, Trung tâm phục vụ hành chính công và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung cấp tỉnh, cấp huyện đã được triển khai ở nhiều địa phương với nhiều đổi mới về phương thức hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), tạo sự chuyển biến rõ nét trong giải quyết TTHC nhanh chóng, thuận tiện, giảm thiểu tình trạng chậm, muộn, nhũng nhiễu, tỉ lệ giải quyết đúng hạn đạt 97,37%, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó có việc kịp thời hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức các bộ, ngành Trung ương, cơ bản khắc phục được những tồn tại, hạn chế của các giai đoạn trước, bảo đảm bao quát đầy đủ chức năng quản lý nhà nước của Chính phủ. Triển khai Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII, đến nay đã giảm 12 tổ chức cấp vụ và tương đương, giảm 4 tổng cục; 10 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ. Ở địa phương cũng đã giảm 5 cơ quan chuyên môn, gần 1.000 tổ chức cấp phòng, gần 130 tổ chức cấp chi cục, gần 1.200 tổ chức cấp phòng thuộc chi cục; cấp huyện giảm gần 300 tổ chức; giảm biên chế 8,7% so với năm 2015.
Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được chú trọng triển khai đồng bộ trên tất cả các khâu từ tuyển dụng, sử dụng, bố trí, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch, thăng hạng... Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện, bố trí công chức đảm bảo theo vị trí việc làm và tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức tương ứng với bản mô tả công việc, khung năng lực của từng vị trí. Việc thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý; việc tuyển dụng, thu hút những người có tài năng vào làm việc trong các cơ quan nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cũng như thực hiện các giải pháp cải thiện chế độ chính sách, cải cách chính sách tiền lương đã được quan tâm và đạt được những kết quả tích cực.
Về công tác cải cách tài chính công: Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được ban hành, đã từng bước góp phần hoàn thiện chính sách về thuế, thu nhập, tiền lương và chính sách an sinh xã hội, trở thành động lực phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện tốt hơn công bằng xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Công tác hiện đại hóa nền hành chính, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số là điểm sáng thúc đẩy thay đổi lề lối, phương thức làm việc của các cơ quan nhà nước. Cơ chế, thể chế, chính sách về khung pháp lý về xây dựng Chính phủ điện tử dần được hoàn thiện.
Bên cạnh những kết quả đạt được những kết quả tích cực trong CCHC giai đoạn vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ các hạn chế, yếu kém trên một số lĩnh vực cần tập trung có giải quyết khắc phục trong thời gian tới và đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích những kết quả đạt được.
Qua đó, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, rút ra những bài học kinh nghiệm để từ đó đề xuất, xây dựng Dự thảo Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 với những mục tiêu, nội dung mang tính cải cách nổi bật, có trọng tâm, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030 và những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với khát vọng mãnh liệt về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra 5 nhiệm vụ đối với Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước trong 10 năm tới, đồng thời yêu cầu Chương trình CCHC phải được triển khai với quyết tâm chính trị cao, quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, phải khơi dậy được khát vọng phát triển của mọi người dân và tổ chức để xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, từ Nghị quyết Đại hội Đảng XI đến nay, đã có 4 cuộc cải cách lớn là giáo dục, cải cách tiền lương, cải cách tư pháp và CCHC. Trong 4 cải cách này, CCHC là liên quan đến nhiều mặt và phức tạp nhất vì liên quan đến con người, bộ máy và thể chế pháp luật. Tuy nhiên, 10 năm qua, nhất là nhiệm kỳ này đã có sự tiến bộ và đóng góp trực tiếp vào thành tựu trên tất cả các lĩnh vực của đất nước, đặc biệt là kinh tế.
Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Phạm Quang Hiệu tiếp nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho tập thể có thành tích trong cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2020-2021. (Nguồn: VGP) |
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 22 tập thể và 9 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác CCHC nhà nước giai đoạn 2020-2021. Bộ Ngoại giao vinh dự có 1 cá nhân và 1 tập thể được khen thưởng là Thứ trưởng Tô Anh Dũng và Vụ Tổ chức Cán bộ.
Những năm qua, công tác CCHC của Bộ Ngoại giao luôn được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh và Lãnh đạo Bộ quan tâm sát sao, chỉ đạo triển khai quyết liệt, toàn diện và đã đạt được những thành tích quan trọng được Ban Chỉ đạo CCHC Nhà nước ghi nhận. Chỉ số xếp hạng CCHC của Bộ Ngoại giao những năm qua liên tục thăng hạng và luôn nằm trong số những bộ, ngành được xếp hạng cao nhất về CCHC, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi chủ trương xây dựng một nền Ngoại giao toàn diện, hiện đại trong bối cảnh tình hình mới.