Các công ty ở châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc rõ ràng đã tìm ra cách để tiếp tục làm việc cùng nhau "bất chấp mọi ồn ào, căng thẳng và gián đoạn". |
Quan hệ kinh tế Mỹ-Trung vẫn phát triển
Hàng loạt doanh nghiệp Trung Quốc hiện đang gặp khó khăn ở Mỹ. Các mức thuế trừng phạt do chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt được Tổng thống Joe Biden bổ sung vài tuần một lần với các biện pháp trừng phạt mới trong ngành công nghệ. Hàng chục công ty Trung Quốc, ví dụ các công ty sản xuất pin Mặt trời hoặc chất bán dẫn, bị đưa vào "danh sách đen".
Công nghệ của tập đoàn Huawei bị cấm ở Mỹ; lệnh cấm tương tự đối với ứng dụng Tiktok cũng đang được thảo luận. Các chính trị gia của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đang cạnh tranh để xem ai phản đối Bắc Kinh mạnh mẽ hơn.
Với những động thái như vậy, có vẻ như Mỹ đang dần "tách rời" nền kinh tế của mình khỏi nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng điều đó không đúng.
Chuyên gia tư vấn thị trường vốn độc lập Ed Yardeni cho rằng, một mặt, có một kiểu Chiến tranh lạnh chống lại Bắc Kinh vẫn leo thang mỗi ngày. Mặt khác, Mỹ vẫn có hoạt động thương mại rất tích cực với Trung Quốc và sự phụ thuộc lẫn nhau vẫn chặt chẽ.
Điều này được thể hiện qua các số liệu thương mại mới nhất: Nền kinh tế Trung Quốc còn yếu sau các đợt phong tỏa chống đại dịch Covid-19, giá trị hàng hóa mà nước này nhập khẩu từ Mỹ trong tháng 2/2023 thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng lượng hàng hóa Mỹ nhập từ Trung Quốc lại tăng, đạt mức 38,2 tỷ USD (tăng 1,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái).
Tính chung trong năm 2022, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã lập mức kỷ lục mới với hơn 690 tỷ USD. Các chuyến tàu tiếp tục vận chuyển hàng nghìn container hàng hóa giữa hai nước.
Theo chuyên gia Derek Scissors từ Viện Doanh nghiệp Mỹ: "Không có chuyện tách rời kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc".
Ông Vincent Clerc, lãnh đạo công ty logistics Maersk của Đan Mạch, đánh giá, các cuộc thảo luận về việc tách rời chỉ là "đòn gió", ít nhất là trên phương diện khối lượng hàng hóa giao dịch.
Cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung không có hậu quả rõ rệt, ông khẳng định, các công ty ở châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc rõ ràng đã tìm ra cách để tiếp tục làm việc cùng nhau "bất chấp mọi ồn ào, căng thẳng và gián đoạn".
Tại diễn đàn cấp cao phát triển Trung Quốc hồi cuối tháng 3/2023 ở Bắc Kinh, nhóm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn nhất tham dự diễn đàn đến từ Mỹ, trong số đó có các giám đốc điều hành (CEO) của những tập đoàn lớn như Apple, Boeing, Pfizer, Procter&Gamble và Qualcomm.
Mặc dù Apple đã chuyển một phần sản xuất iPhone sang Ấn Độ, nhưng CEO của hãng này, Tim Cook, đã khẳng định tại Bắc Kinh rằng, Apple và Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục cùng nhau phát triển. Mối quan hệ giữa hai bên là mối quan hệ "cộng sinh".
Chỉ có điều những điều này không được thể hiện trực tiếp, công khai trên sân khấu vì các doanh nhân lo lắng rằng doanh nghiệp của họ có thể trở thành mục tiêu nhắm tới của các nghị sĩ quốc hội tại Washington.
Theo ông Colm Rafferty, lãnh đạo Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Trung Quốc, trong khi quan hệ thương mại Mỹ-Trung tiếp tục phát triển trong đại dịch, mối quan hệ chính trị song phương giữa hai nước đối với doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc ngày càng trở nên phức tạp.
Một cuộc khảo sát của AmCham được công bố vào tháng 3/2023 cho thấy, hầu hết các công ty Mỹ tại Trung Quốc đều không kỳ vọng sẽ có sự cải thiện trong mối quan hệ Trung-Mỹ.
Nhưng hiện tại, quan hệ kinh doanh vẫn tiếp tục. Các tập đoàn lớn như Microsoft, Amazon, Facebook và IBM đều đã thông báo tăng cường đầu tư vào Trung Quốc.
Các hãng như McDonald's và Starbucks sẽ sớm mở hàng trăm chi nhánh mới tại nước này. Các hãng thời trang Ralph Lauren và Tapestry đang lên kế hoạch mở thêm cửa hàng mới. Các công ty chế biến thịt Tyson Foods và Hormel Foods cũng đang xây dựng các nhà máy mới tại Trung Quốc...
Phần lớn các doanh nghiệp Mỹ không có kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất kinh doanh của họ sang các nước khác. Bất chấp sự bi quan chính trị ngày càng tăng, họ vẫn nhìn thấy tiềm năng to lớn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Đường vòng qua Mexico
Theo hướng ngược lại, các khoản đầu tư từ Trung Quốc sang Mỹ cũng tiếp tục diễn ra, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và giải trí. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều công ty lớn của Trung Quốc chọn cách tiếp cận thị trường Mỹ thông qua "đường vòng" Mexico.
Tại đây, họ xây dựng các nhà máy sản xuất đồ điện tử, may mặc hoặc đồ nội thất và xuất khẩu miễn thuế sang Mỹ với nhãn hiệu "Made in Mexico". Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) làm cho điều này trở nên khả thi và hiệu quả.
Theo ông Bill Chan, Giám đốc điều hành công ty con tại Mexico của thương hiệu nội thất Trung Quốc Man Wah Furniture Manufacturing, thị trường chính của doanh nghiệp này là Mỹ. Đầu năm 2022, công ty quyết định xây dựng một nhà máy trị giá 300 triệu USD ở Nuevo Leon, miền Bắc Mexico, để tăng cường sản xuất sản phẩm cho thị trường Mỹ.
Tập đoàn Solarever, nhà sản xuất các tấm pin năng lượng Mặt trời của Trung Quốc, cũng có kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào nhà máy sản xuất pin cho xe điện ở Mexico trong những năm tới.
Theo Giáo sư kinh tế David A. Gantz tại Đại học Arizona, các công ty Trung Quốc hiện đang đầu tư vào Mexico vì nhiều lý do, giống như các công ty Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản đã bắt đầu làm như vậy từ 30 năm trước. Chi phí lao động thấp, gần với "thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới" và ít hoặc không có hàng rào thuế quan là những nguyên nhân chính cho điều này.
Bộ Kinh tế Mexico cho biết, năm ngoái, nước này đã tiếp nhận 500 triệu USD đầu tư từ Trung Quốc. Trước đó năm 2019, khoản đầu tư khoảng 200 triệu USD.
Trung Quốc và thế thống trị khó bị phá vỡ
Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ được cho là sẽ thúc đẩy hơn nữa việc "tách rời" khỏi Trung Quốc. Trên cơ sở luật này, 370 tỷ USD ngân sách sẽ được Washington "rót" vào việc thúc đẩy các công nghệ thân thiện với khí hậu, đồng thời các khoản đầu tư tư nhân trong lĩnh vực này cũng sẽ tăng lên mạnh mẽ.
Nhưng sự thống trị của Trung Quốc trong các ngành công nghệ định hướng tương lai này sẽ rất khó bị phá vỡ, mà pin lithium - loại pin cực kỳ quan trọng đối với thị trường ô tô điện - là ví dụ điển hình.
Theo dự báo của các chuyên gia, vào năm 2031, tỷ trọng sản xuất pin lithium của Mỹ trong tổng lượng pin được sản xuất trên toàn cầu sẽ tăng gấp đôi, từ mức 5,5% vào năm 2021. Nhưng nếu so với lượng pin được sản xuất tại Trung Quốc thì tỷ lệ này chỉ chiếm một phần nhỏ.
Các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là ở Trung Quốc, đang chứng kiến sự bùng nổ của các nhà máy pin lithium khổng lồ. Năng lực sản xuất của Trung Quốc, vốn đã vượt xa tất cả các quốc gia khác, sẽ tăng khoảng 486% vào năm 2031 so với năm 2021.
Áp lực lên châu Âu ngày càng tăng
Áp lực từ Mỹ đối với châu Âu trong việc "tách rời" khỏi Trung Quốc một cách nghiêm túc hơn tiếp tục gia tăng. Thống đốc bang Florida Ron DeSantis của đảng Cộng hòa chỉ trích mạnh mẽ Tổng thống Biden vì đã không ngăn được sự phụ thuộc vào hàng hóa từ Trung Quốc.
Theo ông, điều này "gây thiệt hại to lớn" cho người Mỹ và an ninh quốc gia. Trong chiến dịch bầu cử tới đây, những "giọng điệu" như vậy có thể sẽ ngày càng gay gắt hơn.
Bên cạnh đó, áp lực buộc châu Âu phải đi theo định hướng của Mỹ có thể sẽ tăng lên. Theo chuyên gia Scott Kennedy của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS), áp lực với châu Âu là rất lớn. Ví dụ, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu do Washington tự áp đặt, nhưng Mỹ cũng yêu cầu các đồng minh ban hành quy định tương tự nếu không muốn đối mặt với những áp lực lớn về kinh tế từ nước này.
Các nhà ngoại giao Đức cho biết, trong mọi cuộc đối thoại, hầu hết các quan chức Mỹ đều đề cập vấn đề Trung Quốc. Một chính trị Đức mới đến thăm Washington nhận định, sự sẵn sàng bước vào một cuộc Chiến tranh lạnh mới đã tăng lên từ phía Mỹ. Trong khi đó, Berlinh "hoàn toàn không chuẩn bị cho tình huống này".