📞

Tổng thống Joe Biden công du châu Âu: Bài toán 'khó nhằn' khi tập hợp liên minh đối phó Trung Quốc

Trần Quyên 14:30 | 11/06/2021
Tổng thống Joe Biden sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn nhất từ trước đến nay: thuyết phục một châu Âu đầy thận trọng hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ để đối phó với Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 10/6 bắt đầu chuyến công du châu Âu với lịch trình dày đặc. (Nguồn: cer.eu)

Kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã định hình ưu tiên chính sách đối ngoại, đó là phối hợp với các đồng minh để kiềm chế Trung Quốc.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc nhưng cũng có xích mích với các đối tác thân thiết nhất. Từ khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã cố gắng tập hợp một liên minh toàn cầu do Washington lãnh đạo và nhắm mục tiêu chính vào Bắc Kinh.

Khi phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich vào tháng 2/2021, Tổng thống Biden trình bày kế hoạch này, kêu gọi Mỹ, châu Âu và châu Á phải đẩy lùi các hành vi lạm dụng và cưỡng ép kinh tế của chính phủ Trung Quốc.

Kế hoạch của ông Biden được cho là đã đạt được một số thành công ở châu Á, khi Mỹ tìm được tiếng nói chung với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.

Tuy nhiên, khi chuẩn bị cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên, Tổng thống Biden đã phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn nhất từ trước đến giờ: cố gắng thuyết phục một châu Âu hợp tác chặt chẽ hơn với Washington trong vấn đề Trung Quốc.

Chuyến công du đầy khó khăn

Tổng thống Biden tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Anh ngày 11/6, sau đó tới Brussels để dự Thượng đỉnh NATO và Thượng đỉnh Mỹ-Liên minh châu Âu (EU) vào tuần tới. Sau đó, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ tới Geneva, Thụy Sỹ để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Các nhà ngoại giao và quan chức cảnh báo rằng, đằng sau những tuyên bố về tình đoàn kết, ông Biden sẽ phải đối mặt với một thực tế khó xử.

Dù quan điểm của EU đối với Trung Quốc đã trở nên cứng rắn hơn, song các ưu tiên kinh tế và chiến lược của liên minh kinh tế-chính trị này khác với của Mỹ, do đó luôn có nguy cơ xảy ra chia rẽ.

Một nhà ngoại giao cấp cao của EU nêu rõ: “Chính quyền của Tổng thống Biden đã đúng khi tính đến những quan ngại của EU và tìm cách tránh những cuộc đối đầu công khai nhưng vô ích mà chính quyền của ông Trump và cựu Ngoại trưởng Pompeo ưa thích. Mặc dù vậy, trên thực tế hai bên không nhất trí với nhau 100%, và Trung Quốc biết điều đó”.

Một số nguồn tin từ các cuộc đàm phán trước hội nghị thượng đỉnh cho biết, Tổng thống Biden hy vọng sẽ thiết lập được liên minh gồm các quốc gia cùng chung chí hướng để chỉ trích Trung Quốc về việc đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ ở Hong Kong, đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, các hoạt động gây hấn về quân sự ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, và việc sử dụng chiến lược cưỡng ép kinh tế để đáp trả sự chỉ trích.

G7 sẽ thảo luận về phương thức thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng ở những nước có thu nhập trung bình và thấp nhằm chống lại Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Trong khi đó, EU và Mỹ cũng muốn tìm cách hợp tác trong các vấn đề như bán công nghệ nhạy cảm cho Trung Quốc.

Các nước rõ ràng nhận thức được sự cần thiết phải thể hiện tình đoàn kết sau những tranh cãi gay gắt dưới thời ông Trump, qua đó gửi một thông điệp rõ ràng đến Trung Quốc rằng, mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương sẽ khó bị chia rẽ hơn.

Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng sẽ phải hành động thận trọng để tránh bị các đồng minh xa lánh, bao gồm cả Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Các đồng minh này có thái độ cảnh giác với những luận điệu kiểu chiến tranh lạnh nhằm vào Trung Quốc. Một quan chức châu Âu cho biết, một số nước EU không thích thuật ngữ “đối thủ” mà Washington thường dùng khi đề cập Bắc Kinh.

Noah Barkin, chuyên gia của tổ chức nghiên cứu Rhodium Group cho rằng, dù Mỹ và EU có nhiều mối quan ngại chung về Trung Quốc, nhưng họ có quan điểm khác nhau về cách ứng phó.

Ông nói: “Châu Âu có những lợi ích riêng, do vậy Mỹ và châu Âu nhiều khả năng sẽ không có sự hợp tác liền mạch trong vấn đề Trung Quốc”.

Bước dịch chuyển đáng kể

Trong 2 năm qua, việc đánh giá về mối quan hệ của châu Âu với Trung Quốc đã đi từ sự chuyển biến dần dần sang sự thay đổi đáng kể trước những động thái ngày càng quyết đoán và chính sách ngoại giao "chiến lang" của Bắc Kinh.

Một số quốc gia châu Âu, bao gồm Anh, Pháp và Đức, sẵn sàng gửi tàu hải quân đến Biển Đông để củng cố thông điệp của Mỹ đối với Trung Quốc về quyền tự do hàng hải.

Bên cạnh đó, lập trường ngày càng quyết đoán của EU đối với Trung Quốc được thể hiện rõ bởi quyết định gần đây của Nghị viện châu Âu dừng phê chuẩn hiệp ước đầu tư của khối này với Trung Quốc.

Quyết định này được đưa ra sau khi Bắc Kinh áp đặt các biện pháp trừng phạt trả đũa đối với các chính trị gia và thể chế của EU, đáp lại các biện pháp trừng phạt trước đó của châu Âu, Mỹ, Anh và Canada đối với các quan chức Trung Quốc về cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Sự suy yếu dần của nhóm được gọi là “17 + 1”, gồm Trung Quốc và các quốc gia Trung và Đông Âu, là một ví dụ khác cho thấy khoảng cách ngày càng lớn giữa EU và Trung Quốc.

Nhóm này bao gồm 12 quốc gia EU, từng được coi là cơ chế để các nước thành viên nhỏ hơn nhận được đầu tư của Trung Quốc. Giờ đây, Litva đã công khai khước từ sáng kiến này và các nước EU khác cũng đang giữ khoảng cách với nó.

Quan điểm cứng rắn hơn của châu Âu đối với Trung Quốc đã được nêu bật trong một báo cáo năm 2019, mô tả Bắc Kinh vừa là đối tác, vừa là đối thủ cạnh tranh kinh tế trong một số lĩnh vực, nhưng lần đầu tiên gọi Trung Quốc là “đối thủ mang tính hệ thống”.

Sau đó, Hiệp hội Công nghiệp Đức (BDI) cũng bất ngờ công bố báo cáo có nội dung tương tự, kêu gọi một cách tiếp cận cứng rắn hơn của châu Âu đối với các hành vi không công bằng của Trung Quốc.

Đồng thời, Brussels đã tích lũy các công cụ mới để bảo vệ lợi ích của châu Âu trước các mối đe dọa từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Nổi bật nhất gần đây là các cuộc thảo luận về một đạo luật cho phép Ủy ban châu Âu trừng phạt các doanh nghiệp nhà nước từ bên ngoài EU, cũng như kế hoạch buộc các công ty chấm dứt tình trạng bóc lột lao động trong chuỗi cung ứng.

Trong chuyến công du tới Brussels vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cho biết đã có một sự thay đổi lớn trong cách nhìn nhận của châu Âu về Trung Quốc.

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nói: “Chúng tôi đã đạt được rất nhiều tiến bộ với châu Âu về vấn đề Trung Quốc, chẳng hạn như các biện pháp trừng phạt có phối hợp về vấn đề Tân Cương. Nếu 6 tháng trước có người hỏi tôi rằng, liệu tôi có nghĩ Brussels, Ottawa, London và Washington sẽ cùng tham gia các biện pháp trừng phạt chống lại Trung Quốc về vấn đề nhân quyền hay không, thì tôi tin chắc điều đó sẽ không thể xảy ra”.

Đức không muốn "chọn phe"

Tại Đức, quốc gia coi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, Thủ tướng Angela Merkel cố gắng tránh mọi khả năng có thể đẩy Berlin vào một lập trường đối đầu.

Khi bà Merkel phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich vào đầu năm nay, có một sự khác biệt rõ ràng giữa bà và ông Biden trong quan điểm về Trung Quốc.

Bà Merkel cũng là nhân tố đứng sau quyết định của EU khi chấp nhận những động thái của Trung Quốc vào cuối năm ngoái và thúc đẩy Thỏa thuận Đầu tư toàn diện với Bắc Kinh ngay trước khi ông Biden nhậm chức.

Với việc Thủ tướng Đức Merkel sẽ nghỉ hưu sau cuộc bầu cử ở nước này vào tháng 9, các chính trị gia Đức, trong đó có ông Reinhard Bütikofer, một nghị sĩ đảng Xanh - một trong những người chịu các lệnh trừng phạt của Trung Quốc cho rằng sẽ có sự "dịch chuyển quan trọng" trong lập trường của Berlin với Bắc Kinh.

Dù vậy, Thủ tướng Đức không đơn độc khi phản đối những nỗ lực tách rời nền kinh tế Trung Quốc với EU. Iuliu Winkler, một nghị sĩ Romania đã phản đối bất kỳ ý tưởng "chọn bên" nào giữa Mỹ và Trung Quốc.

Mặc dù Tổng thống Biden sẽ đối mặt với rất ít sự phản đối từ G7 sau khi các ngoại trưởng nhóm này đưa ra tuyên bố chung với những chỉ trích chưa từng có nhằm vào Trung Quốc nhưng tại diễn đàn đó, những ưu tiên của các bên cũng rất khác nhau.

Trong khi Anh, Pháp và Đức chỉ trích vấn đề nhân quyền của Trung Quốc thì Nhật Bản lại quan tâm đến các động thái quân sự của Bắc Kinh trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Rõ ràng, EU cần hợp tác với Mỹ để đối phó với Trung Quốc nhưng việc hành động cùng nhau như thế nào mới đóng vai trò quan trọng để tránh những kết quả mâu thuẫn trong chính sách với Bắc Kinh.

(theo Financial Times)