Sự tham dự tích cực của các thế lực bên ngoài vào tình hình nội bộ của Belarus có thể để lại hậu quả khôn lường. (Nguồn: Sputnik) |
Sai lầm của ông Lukashenko
Bình luận trên BBC, Giáo sư Vladimir Kolotov, nhà quan sát và phân tích chính trị người Nga công tác tại Đại học Tổng hợp St. Petersburg cho rằng, sai lầm lớn nhất có thể được hiểu về mặt chiến lược của chính trị gia, Tổng thống Lukashenko và chế độ do ông đang cầm quyền tại Belarus.
“Đó là sai lầm lớn nhất của chế độ Lukashenko… và chế độ dần dần mất khả năng phân tích tình hình xung quanh, cũng như trong nước và trở thành nạn nhân của mật vụ nước ngoài khiêu khích ngay trên lãnh thổ của Belarus. Và đấy là điều hết sức nguy hiểm”, ông nói.
Trả lời câu hỏi những gì đang xảy ra ở Belarus có phải là hệ quả của thay đổi mang tính thế hệ sau 30 năm Liên Xô tan rã và Đông Âu sụp đổ, ông Kolotov nêu quan điểm: “Phần nào đó thì ý kiến này là đúng".
Theo ông Kolotov, việc ông Lukashenko đề ra những phúc lợi xã hội theo mô hình Liên Xô cũ như là bảo hiểm y tế miễn phí, việc làm cho đại đa số... đã khiến cho phần lớn người dân nước này coi đó là việc đương nhiên.
Để đạt được những kết quả về mặt kinh tế, chính quyền Belarus đã phải cùng một lúc "ngồi nhiều ghế". "Chính vì thế, đường lối chính sách đối ngoại không ổn định và sớm muộn gì cũng phải kết thúc", ông Kolotov bình luận.
Cây bút bình luận Pierre Haski trên tuần báo L’Obs lại bày tỏ sự lo ngại cho “sự cô đơn của người dân Belarus”. Tác giả nhận xét, những hình ảnh của một dân tộc đang phải đấu tranh cho tự do thật ấn tượng và đầy xúc động. Cuộc nổi dậy chưa từng có sau vụ gian lận bầu cử với một ứng cử viên bất ngờ là Svetlana Tikhanovskaia, đã làm dấy lên những lời kêu gọi ủng hộ tại một quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Trước tình thế "căng như dây đàn" trong nước, Tổng thống Lukashenko đã phải quay sang Moscow để tìm sự giúp đỡ dù quan hệ hai nước có "lấn cấn". Ông Putin có thể quyết định cứu ông Lukashenko theo logic “vùng ảnh hưởng”, hoặc bỏ rơi nếu thấy “cuộc cách mạng” Belarus không làm mất đi thế quân bình về địa chính trị.
Châu Âu một lần nữa lại phải lên tuyến đầu trong khi vũ khí trừng phạt ít hiệu quả. Ba Lan và các nước Baltic muốn đi xa hơn, nhưng vấp phải sự do dự thường lệ trong Liên minh châu Âu (EU). Sự chia rẽ trong Liên minh lại càng thấy rõ: Hy Lạp chặn thông cáo chung của EU về Belarus vì cho rằng đã không được bênh vực đến nơi đến chốn trước Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ biển Aegea.
Một thực tế nữa cũng đang đè nặng lên Belarus là sự vắng mặt của Mỹ khi "siêu cường" này đang ở lúc cận kề bầu cử Tổng thống, dịch bệnh hoành hành, xã hội chia rẽ. "Người Belarus hiểu rằng họ cô đơn, khiến người ta nhớ đến Budapest (Hungary) năm 1956 hay Prague (CH Czech) năm 1968", ông Haski nhận định.
Kịch bản nào cho Belarus?
Bình luận về tình hình của Belarus, tờ Courrier International dịch lại bài viết của Den, một tờ báo Ukraine cho rằng, sắp tới sẽ là một kịch bản theo kiểu Công đoàn Đoàn kết. Belarus là quốc gia Đông Âu duy nhất có tầng lớp công nhân rất đông đảo, giai cấp vô sản này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong phong trào.
Tại khắp các thành phố Belarus, các nhà máy lần lượt đình công, từ ngành hóa chất, giao thông cho đến thực phẩm, trong đó có những nhà máy lớn nhất nước.
Đối với Tổng thống Lukashenko, công nghiệp nặng luôn có vị trí quan trọng. Ông có thói quen đi thăm các xưởng máy, với các ống kính truyền hình đi kèm, ca ngợi mô hình phát triển của đất nước.
Trong suốt 25 năm qua, ông Lukashenko đã thành công trong việc duy trì ở Trung Âu một chế độ theo mô hình Liên Xô, trừ một điều là quyền điều hành đất nước lại không nằm trong tay Đảng Cộng sản mà do Tổng thống và tầng lớp tinh hoa nắm giữ.
Nhưng nhiều người cho rằng, có lẽ ông thất bại ở một điểm: không biết ra đi đúng lúc!