📞

Tổng thống Macron - Bước ra từ G7 'trong bộ áo giáp chói lọi' và gian nan đón chờ

16:07 | 29/08/2019
Trong một bài viết gần đây trên tờ AP, chuyên gia Francois Heisbourg nhận định, Tổng thống Macron bước ra từ G7 "trong bộ áo giáp chói lọi" nhưng ánh hào quang ấy sẽ yếu dần, gian nan đón chờ ông ở phía trước. 
Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Macron tại Thượng đỉnh G7 Biarritz, Pháp ngày 25/8. (Nguồn: AFP)

Màn trình diễn xứng đáng điểm 9/10

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tận dụng hội nghị thượng đỉnh 3 ngày của các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) do ông chủ trì để nhắc nhở thế giới và nước Pháp vốn đang hoài nghi của ông (thể hiện trong nhiều tháng qua thông qua những cuộc biểu tình chống chính phủ gây tổn thương cho nhiệm kỳ tổng thống) rằng: Tổng thống Macron chắc chắn không phải không có tài.

"Ông ấy thật xuất sắc", Francois Heisbourg, cố vấn tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế có trụ sở ở London (Anh) và Quỹ nghiên cứu chiến lược có trụ sở ở Paris (Pháp), nói sau khi Hội nghị G7 kết thúc. Được yêu cầu chấm điểm về màn thể hiện của Macron tại G7 theo thang điểm 10, ông Heisbourg đã cho Tổng thống Pháp điểm 9. "Mọi thứ diễn ra vô cùng tốt đẹp. Ông ấy đã cố gắng để giữ cho ông Trump vui vẻ. Ông Trump đã không nổi giận hay quở trách. Điều đó chưa lúc nào xảy ra".

Những kỳ vọng trước thềm Hội nghị G7 diễn ra tại thành phố nghỉ mát ven biển Biarritz ở miền Nam nước Pháp rất khiêm tốn. Điều đó có nghĩa là việc các nhà lãnh đạo của nhóm G7 đơn giản chỉ cư xử với nhau với thái độ lịch sự bề ngoài khi diễn ra hội nghị đã có thể nói là một thành công. Nhưng cuối cùng, "điều quan trọng hơn hết là chúng ta đã hợp tác rất rốt", ông Trump tuyên bố tại cuộc họp báo kết thúc hội nghị.

Có lẽ, thời điểm đến phiên nước Pháp làm chủ nhà của hội nghị G7 hàng năm cũng là cơ hội đối với ông Macron. Các cuộc biểu tình "Áo vàng" phản đối các chính sách tài khóa Pháp và mục tiêu sâu sa hơn là chống lại chính Tổng thống Macron đã ảnh hưởng lớn đến chương trình nghị sự của Pháp từ giữa tháng 11 năm ngoái trước khi suy yếu dần vào cuối tháng 6 năm nay. Điều này đã phần nào phá hỏng những thành tích đối nội của ông, tưởng chừng không thể cứu vãn được.

Hội nghị G7 diễn ra đúng thời điểm đã tái khẳng định vai trò của nhà lãnh đạo Pháp. Trong bối cảnh Thủ tướng mới của Anh Boris Johnson, vốn được coi là không phù hợp với vị trí này, đang đau đầu với vấn đề Brexit, còn Italy một lần nữa lại rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị, và Thủ tướng Đức Angela Merkel đang chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ cuối, Tổng thống Macron đã tìm cách lấp đầy khoảng trống bằng tài ngoại giao mạnh mẽ, chứng minh ông là một nhà lãnh đạo tài ba của châu Âu.

Có thể thấy rõ, ấn tượng nhất là thuật "dụ rắn" của ông Macron đối với ông Trump trong vấn đề Iran. Quyết định bất ngờ của Tổng thống Macron khi mời Ngoại trưởng Iran tới Biarritz tham gia các cuộc hội đàm bên lề hội nghị thượng đỉnh có thể dễ làm ông Trump nổi giận. Nhưng nhà lãnh đạo Pháp đã "rào trước đón sau" người đồng cấp Mỹ, cố gắng cập nhật tình hình với ông Trump mọi lúc có thể.

Tổng thống Macron nhậm chức vào năm 2017, bốn tháng sau người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Mối quan hệ của họ đôi khi giống như một "cuộc thi vật tay", bị ngắt quãng bởi những cái bắt tay mạnh mẽ, những dòng tweet sâu cay và những bất đồng rõ rệt về vấn đề chống biến đổi khí hậu và Iran.

Tại Biarritz, Tổng thống Macron đã có một cách tiếp cận tôn trọng hơn và có vẻ như đã phát huy tác dụng. Ông Trump dường như đã chấp nhận đề xuất của ông Macron về việc Pháp làm trung gian hòa giải nhằm mở đường cho một cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Iran. "Nếu những sự việc này là chính xác, tôi chắc chắn sẽ đồng ý với đề xuất đó", ông Trump nói.

Chuyên gia Heisbourg nói rằng, ông bị ấn tưởng bởi "sự kiên trì tuyệt đối" của Tổng thống Macron: "Tôi đã nghĩ rằng ông ấy sẽ từ bỏ thuyết phục ông Trump, nhưng ông ấy đã không làm vậy và bắt đầu được đền đáp". Chuyên gia Heisbourg nhấn mạnh: "Dù điều gì xảy ra với Iran, ông Macron sẽ cố gắng. Nếu ông ấy thành công, ông ấy sẽ được trao giải Nobel Hòa bình hoặc bất cứ thứ gì, và nếu thất bại, đó sẽ không phải là lỗi của ông ấy vì ông ấy đã cố gắng".

Tổng thống Macron đã chứng minh tài ngoại giao tại Hội nghị G7 năm nay. (Nguồn: AFP)

Gian nan còn ở phía trước

Điều trái ngang đối với Tổng thống Macron là những màn trình diễn được ca ngợi trên sân khấu quốc tế của ông không phải là thành tích có thể giúp ông giành được nhiều phiếu bầu tại Pháp. Liên tục trong 3 ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay, trong những lần xuất hiện trên truyền hình và các cuộc gặp gỡ báo chí truyền thông, ông Macron đã dành thời gian để giải thích cẩn thận về việc các cuộc thảo luận tại hội nghị có thể liên quan đến người dân Pháp như thế nào. Ông Macron đã phá vỡ những phức tạp ngoại giao theo cách của người ngoại đạo, cho thấy ông đã không đánh mất những kỹ năng giao tiếp từng giúp ông đắc cử tổng thống mặc dù có rất ít kinh nghiệm trong chính phủ.

Tuy nhiên, vầng hào quang của Biarritz có thể yếu dần, nhanh hơn so với màu da rám nắng mà ông Macron mang về từ kỳ nghỉ Hè, khi người dân Pháp trở lại làm việc sau kỳ nghỉ lễ và các vấn đề trong nước trở lại chiếm vị trí chủ đạo. Những tháng sắp tới một lần nữa có thể trở nên khó khăn khi ông Macron tìm cách áp dụng các kế hoạch hiện đại hóa để nước Pháp trở lại đúng hướng sau các cuộc biểu tình phá hỏng chương trình cải cách của ông.

Về các vấn đề nhạy cảm như cải cách lương hưu mà người lao động Pháp cảm thấy bị ảnh hưởng trực tiếp hơn so với các vấn đề quốc tế như Iran, Tổng thống Macron sẽ cần phải thận trọng như ông đã làm với ông Trump để tránh làm tái bùng phát làn sóng biểu tình của phong trào "Áo vàng".

"Ông ấy bước ra từ G7 trong bộ áo giáp chói lọi", ông Heisbourg nói. "Nhưng ông ấy biết rằng mình đã đến gần bờ vực trong quãng thời gian diễn ra cuộc biểu tình của những người 'Áo vàng' như thế nào", chuyên gia Heibourg cảm nhận.

(theo AP)