Đương kim Thủ tướng Julia Gillard (phải) sẽ phải đối mặt với đối thủ nặng ký là ông Tony Abbott (trái), Thủ lĩnh liên minh hai đảng Tự do - Quốc gia đ |
Giành phiếu bằng công nghệ
Trong cuộc tổng tuyển cử lần này, bà Julia Gillard, đương kim Thủ tướng, lãnh đạo Công Đảng, sẽ phải đối mặt với đối thủ nặng ký là ông Tony Abbott, thủ lĩnh liên minh hai đảng Tự do - Quốc gia đối lập.
Đầu tiên, người ta nhận thấy chiến dịch tranh cử trực tuyến đang nóng bỏng tại Australia. Các đảng phái tung ra nhiều chiêu quảng cáo, phát hình ảnh hoặc trò chơi điện tử đả kích đối thủ trên các trang mạng xã hội, blog cá nhân và trang chia sẻ video như Facebook, Twitter, YouTube… Trước thời điểm Tổng tuyển cử, cả Công Đảng và Đảng Tự do, hai chính đảng lớn nhất Australia đều ra sức thiết lập các "kênh" tuyên truyền trên mạng nhằm thu hút cử tri.
Công Đảng phát hành game trực tuyến mới với tên gọi "Mổ xẻ ông Abbott". Trong game này, người chơi tha hồ "tra tấn" một nhân vật nằm trên bàn mổ, được mô tả như là ông Tony Abbott. "Lúc còn là Bộ trưởng Y tế, Tony Abbott đã cắt hơn 1 tỷ USD chi phí rót cho các bệnh viện. Giờ đây, quý vị có thể làm điều mà ông từng làm cho hệ thống y tế của chúng ta" - quảng cáo mở đầu trò chơi viết.
Rút kinh nghiệm sau thất bại trong cuộc bầu cử năm 2007, Đảng Tự do đối lập đã tung lên YouTube đoạn clip hoạt hình "Biểu diễn của rối" phê phán cựu Thủ tướng Kevin Rudd và tân Thủ tướng Julia Gillard lãng phí tiền của, đồng thời kêu gọi cử tri quay lưng lại với Công Đảng.
Cuộc tranh luận trên mạng phản ánh phần nào không khí nóng của cuộc tổng tuyển cử. Tuy nhiên, một số chuyên gia về mạng xã hội tại Australia cũng cảnh báo việc Công Đảng và Đảng Tự do chỉ tuyên truyền chính sách một chiều mà không chịu nghe ngóng, phản hồi những lời bình luận, chỉ trích của cử tri sẽ gây bất lợi cho kết quả bầu cử chung.
Phần thắng thuộc về ai?
Trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 21/8, cử tri sẽ bầu chọn toàn bộ Hạ viện và một nửa Thượng viện. Phe của ông Abbott chỉ cần giành thêm 13 ghế tại Hạ viện là có quyền thành lập chính phủ. Dù vậy, cuộc thăm dò dư luận do hãng Nielsen tiến hành công bố ngày 14/8 cho thấy, Công Đảng cầm quyền của Thủ tướng Julia Gillard nhiều khả năng sẽ giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử. Theo kết quả thăm dò, Công Đảng đang dẫn trước liên minh Tự do-Quốc gia với tỉ lệ 53%/47%, tăng thêm so với tỉ lệ 51%/49% hồi tuần trước.
Đại diện của phe đối lập - bà Julie Bishop - nhân vật dự kiến sẽ làm Ngoại trưởng nếu Liên đảng Tự do - Quốc gia giành thắng lợi trong cuộc bầu cử, khi nói về thứ tự ưu tiên trong mối quan hệ giữa Australia với thế giới bên ngoài, đã phát biểu: "Từ trước tới nay, Australia thường hướng về phía Đông và phía Bắc. Tôi tin rằng chúng ta cũng phải nhìn về phía Tây, tới các nước láng giềng".
Trong khi lên tiếng thừa nhận tầm quan trọng của mối quan hệ đa phương, bà Bishop cho biết Australia cần tăng cường và củng cố quan hệ song phương, đặc biệt với các nước trong vùng Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trong khi đó, đương kim Ngoại trưởng Stephen Smith, đại diện của Công Đảng, cho rằng con đường duy nhất để Australia tiếp cận với thế giới bên ngoài là qua nhiều cấp độ quan hệ khác nhau, từ song phương tới đa phương và qua Liên Hiệp Quốc.
Theo nữ Thủ tướng Julia Gillard, cuộc Tổng tuyển cử là cơ hội để người dân Australia quyết định đất nước sẽ "tiến về phía trước" hay sẽ "quay trở lại". Đương nhiên, tiến về phía trước là lựa chọn của phần đông cử tri đất nước chuột túi. Dù vậy, chắc chắn những băn khoăn của cử tri khi bỏ phiếu là không nhỏ vì thời gian trước mắt mới là câu trả lời cho việc liệu đảng thắng cử có đưa đất nước tiến về phía trước hay không.
Hòa Bình