TIN LIÊN QUAN | |
Chủ nghĩa bảo hộ Mỹ sẽ đe dọa Australia như thế nào? | |
RCEP không thể nhanh chóng thay thế TPP |
Mở đầu đoạn phim phát trên YouTube về kế hoạch 100 ngày đầu điều hành đất nước, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố sẽ rút nước Mỹ khỏi TPP - Hiệp định mà ông cho là thảm họa, lấy đi việc làm của nước Mỹ. Đây là điều ông Trump đã tuyên bố trong khi tranh cử và dường như ông quyết tâm “theo lao”.
Ý định trên của ông Trump khiến cho 11 nước thành viên còn lại của Hiệp định phải có những tính toán mới. Lãnh đạo một số nước đã có cách thức khác nhau để trao đổi với ông Trump. Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull là một trong những lãnh đạo đầu tiên điện thoại cho Tổng thống đắc cử Mỹ, trong khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe là lãnh đạo đầu tiên gặp ông Trump ở New York.
Chính sách chưa rõ ràng
Trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại “nước Mỹ trên hết” (America first) ngày 27/4, ông Trump nhấn mạnh chính sách đối ngoại (của ông) sẽ đặt lợi ích của người Mỹ và an ninh Mỹ lên hàng đầu, trên tất cả mọi thứ. Đó sẽ là nền tảng của mọi quyết định. “Nước Mỹ trên hết” sẽ là chủ đề chính và bao trùm của chính quyền mới.
Những người biểu tình phản đối TPP tại Mỹ. (Nguồn: Popular Resistance) |
Đương nhiên, mọi chính sách đối ngoại đều xuất phát từ đối nội. Song những phát biểu trên phản ánh xu thế thực dụng trong chính sách đối ngoại của chính quyền Trump. Nhiều đánh giá cho rằng, ông Trump sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại “biệt lập”, thúc đẩy song phương hơn là đa phương. Về thương mại quốc tế, Trump đã thể hiện rõ ủng hộ chính sách bảo hộ, cho rằng một số quốc gia đang “lấy cắp” việc làm của nước Mỹ.
Tư tưởng biệt lập này từng được thể hiện trong chính sách đối ngoại Mỹ từ thế kỷ XIX với Học thuyết Monroe, tập trung vào những lợi ích của Mỹ ở Tây bán cầu. Song rõ ràng học thuyết này có nhiều bất cập. Theo Joseph Nye, học giả hàng đầu về sức mạnh Mỹ, tư tưởng kiểu này luôn hiện diện trong chính trị Mỹ, nhưng không phải là tư tưởng chính thống kể từ khi Thế chiến thứ Hai kết thúc vì nó gây cản trở chứ không thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở trong và ngoài nước.
Chủ nghĩa biệt lập và bảo hộ mà mọi người suy đoán chính quyền Trump áp dụng, sẽ tác động mạnh đến chính sách tái cân bằng của Mỹ tại châu Á. Đặc biệt, việc Mỹ rút khỏi TPP đồng nghĩa với việc Mỹ rút đi một trụ cột rất quan trọng của chính sách này, đó là trụ cột kinh tế - thương mại. Đồng thời, quyết định này sẽ làm ảnh hưởng sâu sắc đến hình ảnh cũng như uy tín quốc tế của Mỹ. Nó làm lung lay niềm tin của các đối tác về những cam kết của Mỹ đối với khu vực, dẫn đến những hệ lụy to lớn về trật tự và luật chơi, về kinh tế và an ninh ở khu vực thời gian tới. Làm sao có thể “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” khi mà chính quyền Trump rút đi các cam kết đối ngoại của mình?
Tuy nhiên, cần nhớ rằng tất cả những dự báo về chính sách đối ngoại và thương mại quốc tế của ông Trump vẫn chỉ là những suy đoán dựa trên những phát biểu và trả lời phỏng vấn của ông. Như Niall Ferguson viết trong bài “Trật tự thế giới mới của Donald Trump” trên tờ American Interest, rất ít Tổng thống Mỹ hoạch định chính sách đối ngoại dựa hoàn toàn vào những phát ngôn khi tranh cử. Cũng rất ít Tổng thống Mỹ rời bỏ hoàn toàn những chính sách của người tiền nhiệm, và cũng ít vị giữ nguyên học thuyết chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm. Vì vậy, vào lúc này chỉ có thể nói là định hướng chính sách đối ngoại của chính quyền Trump còn bất định.
Điều chúng ta cần theo dõi tiếp là việc ông Trump sẽ chọn ai trong bộ máy chính quyền, nhất là cho các vị trí Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng sau khi ông Michael Flynn được đề cử làm Cố vấn An ninh Quốc gia. Hiện cựu Thị trưởng New York Rudy Giuliani và cựu Thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney đang là ứng viên sáng giá cho ghế Ngoại trưởng Mỹ, trong khi Thượng nghị sĩ bang Alabama Jeff Sessions và Tướng thủy quân lục chiến về hưu James Mattis đang được cân nhắc cho vị trí người đứng đầu Lầu Năm Góc. Đây là những vị trí chủ chốt, có tác động mạnh đến chính sách đối ngoại của chính quyền mới.
Cũng cần nhớ rằng, chính sách tái cân bằng được cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ủng hộ. Hiệp định TPP thực ra được đảng Cộng hòa ủng hộ nhiều hơn so với đảng Dân chủ. Trong khi đó, bản thân ông Trump có nhiều mâu thuẫn không chỉ với đảng Dân chủ mà cả đảng Cộng hòa. Mặt khác, châu Á – Thái Bình Dương là thị trường lớn và tiềm năng của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ. Như người Mỹ hay nói, tương lai của thế kỷ XXI nằm ở châu Á – Thái Bình Dương. Nếu Mỹ rút khỏi TPP, chắc chắn nhiều doanh nghiệp Mỹ sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, ông Trump phải cân nhắc kỹ thiệt hơn trong quyết định của ông đối với TPP.
Giai đoạn định hình kinh tế khu vực
Bất chấp quan điểm của chính quyền mới của Mỹ đối với TPP, tại cuộc gặp cấp cao các nước thành viên TPP bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Lima (Peru) ngày 19/11, lãnh đạo 12 nước tham gia TPP đã khẳng định lại lập trường thúc đẩy việc thông qua để Hiệp định có hiệu lực.
Ngày 20/11, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh “nếu chúng ta ngừng các thủ tục (phê chuẩn) trong nước, TPP sẽ chết hoàn toàn. Chúng ta sẽ không thể ngăn được chủ nghĩa bảo hộ”. Trên thực tế, Nhật Bản vẫn đẩy mạnh việc thông qua TPP với việc Hạ viện nước này thông qua Hiệp định vào ngày 10/11 và dự kiến Thượng viện thông qua vào đầu tháng 12 năm nay. Các thành viên Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Brunei đều có kế hoạch phê chuẩn TPP trong nửa đầu năm 2017.
Có lẽ sẽ hữu ích khi nhìn lại quá khứ để suy ngẫm về tương lai. Đầu thế kỷ này, Mỹ từng làm chậm tiến trình thực thi một số hiệp định thương mại song phương đã ký với các nước do chuyển đổi chính quyền. Điển hình là các Hiệp định thương mại tự do (FTA) Mỹ – Hàn Quốc và Mỹ – Colombia. May mắn là tuy thời gian bị gián đoạn dài ngắn khác nhau song cuối cùng các hiệp định đều được thông qua.
Mỹ và Hàn Quốc đã ký kết FTA vào ngày 30/6/2007 dưới thời chính quyền Bush (con), nhưng việc phê chuẩn bị trì hoãn nhiều năm do những tranh cãi trong nội bộ mỗi nước về một số điều khoản liên quan đến công nghiệp ô tô Mỹ và thị trường thịt bò Hàn Quốc. Dưới thời chính quyền Obama, hai nước đã phải đàm phán lại đến tháng 12/2010 mới kết thúc, được cả Quốc hội hai nước thông qua để có hiệu lực vào tháng 3/2012.
FTA Mỹ - Colombia cũng gây nhiều tranh cãi trong nội bộ Mỹ do những lo ngại lớn về ma túy, bạo lực, nhân quyền và quyền của người lao động… Hiệp định được ký ngày 2/11/2006 song phải đến ngày 12/10/2011 Quốc hội Mỹ mới thông qua. Như vậy, sau 6 năm, Hiệp định mới chính thức có hiệu lực vào ngày 15/10/2012.
Có lẽ sẽ hơi vội nếu nói rằng TPP đã chết, song rõ ràng nó đang ở giai đoạn nguy kịch. Một số kịch bản cho TPP được tính đến, trong đó có kịch bản tương tự như những gì đã diễn ra với FTA Mỹ - Hàn Quốc, Mỹ - Colombia. Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull bày tỏ hy vọng rằng đến một lúc nào đó TPP sẽ được Quốc hội và Tổng thống mới của Mỹ ủng hộ với hình thức của Hiệp định như hiện nay hoặc khác đi.
Ngoài ra, các nước cũng đã buộc phải nghĩ tới khả năng TPP sẽ không có Mỹ. Thủ tướng New Zealand John Key nói bên lề Diễn đàn APEC tại Peru rằng New Zealand sẵn sàng chấp nhận TPP mà không có Mỹ. Tuy nhiên Thủ tướng Nhật Bản Abe cho rằng TPP sẽ trở nên “vô nghĩa” nếu Mỹ không tham gia. Mặt khác, việc đàm phán lại TPP sẽ gặp nhiều khó khăn khi một số nước thành viên đã thông qua Hiệp định này ở Quốc hội nước mình.
Trong bối cảnh đó, các thành viên TPP đang tính toán những bước đi tiếp theo trong bức tranh tổng thể về liên kết ở khu vực. Trong đó, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với 16 thành viên gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản,Hàn Quốc, Australia và New Zealand đang được đẩy nhanh; và ý tưởng về Hiệp định thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) đang được APEC thúc đẩy. Rõ ràng, đây là thời điểm quan trọng để định hình cục diện liên kết kinh tế đa tầng nấc ở khu vực. Cục diện này có ý nghĩa chiến lược không chỉ bó hẹp trong phạm vi kinh tế đối với các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương.
Chủ nghĩa bảo hộ Mỹ sẽ đe dọa Australia như thế nào? Đó là câu hỏi mà chính quyền Australia đang đặt ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ đưa ... |
RCEP không thể nhanh chóng thay thế TPP Tương lai của TPP rất mỏng manh, nhưng RCEP cũng đang có những vấn đề riêng và khó có thể đáp ứng nhanh chóng kỳ ... |
TPP đang đi về đâu? Mặc dù nước Mỹ của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ từ bỏ Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), ... |