📞

TPP trước tương lai mờ mịt

15:00 | 29/09/2016
Gần 8 tháng sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, số phận của hiệp định này vẫn mịt mù. 
Bản đồ các nước tham gia TPP. (Nguồn: Reuters)

Trong bài phát biểu tại Havana (Cuba) hôm 26/9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tái khẳng định cam kết sẽ phê chuẩn hiệp định này trước năm 2017. Cùng ngày, Nghị viện Nhật Bản đã triệu tập phiên họp đặc biệt kéo dài 66 ngày để thảo luận về một số vấn đề, trong đó có các dự luật để phê chuẩn TPP. Căn cứ vào việc liên minh của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền nắm "siêu đại biểu" tại cả hai viện của Quốc hội, TPP gần như chắc chắn sẽ được thông qua tại Nhật Bản. Tuy nhiên, điều đó vẫn hầu như không dập tắt được những hoài nghi về tương lai của TPP, vốn đang ngày càng bấp bênh do những biến động của chính trường Mỹ.

Phụ thuộc nhiều vào Mỹ

Tương lai của TPP hiện phụ thuộc vào việc các nghị sĩ Mỹ và vị Tổng thống Mỹ sắp tới sẽ xử lý những cách nhìn nhận trái chiều nhau về hiệp định này như thế nào. Mặc dù được ký từ tháng 2 năm nay, song TPP sẽ chỉ có hiệu lực nếu như nhận được sự phê chuẩn của quốc hội tại ít nhất 6 quốc gia thành viên chiếm ít nhất là 86% Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của tất cả các bên tham gia hiệp định. Riêng Mỹ đã chiếm tới hơn 60% GDP của 12 nước gia TPP cộng lại. Do đó, sự phê chuẩn của Washington có ý nghĩa quyết định đối với sự thành bại của hiệp định này.

Còn quá sớm để nói rốt cuộc Mỹ có phê chuẩn TPP, một trong những sáng kiến nổi bật của Tổng thống Barack Obama, hay không. Ngày càng nhiều khả năng Quốc hội Mỹ sẽ không phê chuẩn hoặc thậm chí thảo luận về hiệp định này trước thời điểm cuộc bầu cử ngày 8/11, mặc dù Chính quyền Obama đã rất nỗ lực thúc đẩy vấn đề này. Ngày 26/8, Thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell đã tái xác nhận rằng, Thượng viện sẽ không bỏ phiếu về TPP trong năm nay. Trong khi đó, một số thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ chủ chốt đã rút lại sự ủng hộ của họ đối với văn kiện này, và cả hai ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ và Cộng hòa đã bày tỏ sự phản đối đối với TPP. Tất nhiên, những tuyên bố công khai của các chính khách không có sự ràng buộc nào hết, nhất là trong năm bầu cử. Song, chí ít những phát biểu này cũng tạo ra thước đo đáng tin cậy nhất về sự ủng hộ của Quốc hội và dân chúng đối với TPP.

Các nước còn lại cầm chừng chờ đợi

Việc Mỹ không thể phê chuẩn TPP có thể khiến các quốc gia khác đặt dấu hỏi về sự tham gia của nền kinh tế hàng đầu thế giới vào Hiệp định. Một số nước đã tuyên bố sẽ không phê chuẩn TPP chừng nào Mỹ chưa thông qua hoặc chứng tỏ ý định sẽ thông qua.

Rõ ràng, phản ứng của các quốc gia tham gia TPP sẽ phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng như dư luận Mỹ đối với hiệp định này sau khi cuộc bầu cử kết thúc. Mặc dù cả hai ứng cử viên đều phản đối TPP, song bà Hillary Clinton, nếu đắc cử, nhiều khả năng sẽ thúc đẩy hiệp định này mạnh hơn so với ông Donald Trump.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang theo dõi sát các cuộc tranh cãi xung quanh TPP và mậu dịch tự do nói chung đang rộ lên ở Mỹ bởi việc TPP thành hay bại ảnh hưởng rất nhiều đến Trung Quốc. Nếu TPP được thông qua, trong đó hai quốc gia chủ chốt tham gia hiệp định là Mỹ và Nhật Bản, kết hợp với tăng cường hợp tác an ninh khu vực, sẽ khiến sức mạnh kinh tế và quân sự của khối các nước tham gia TPP ngày càng gia tăng và Bắc Kinh sẽ đứng trước nguy cơ bị cô lập. Do đó, sự thất bại về chính trị của TPP sẽ là diễn biến có lợi cho Bắc Kinh.

Tuy nhiên, "sự chết yểu" của TPP không báo hiệu sự chấm dứt ảnh hưởng của Mỹ tại Đông Á. Dù có hiệp định này hay không, Washington sẽ vẫn duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trên toàn bộ môi trường địa chính trị của châu Á. Ngoài ra, sức mạnh quân sự được mở rộng nhanh chóng và những ý định không rõ ràng của Mỹ đặt ra mối đe dọa đủ nghiêm trọng đối với các quốc gia Đông Á khiến họ không thể cắt quan hệ với Mỹ, cho dù có bất kỳ điều gì xảy ra với TPP đi nữa.

Cuối cùng, làn sóng hoài nghi đối với mậu dịch tự do đang ngày càng lan rộng và trở thành vấn đề nóng trên chính trường Mỹ và châu Âu, song chưa phổ biến tại Đông Á. Các nền kinh tế khu vực nhìn chung vẫn coi việc tự do hóa các luồng hàng hóa, vốn và người lao động qua các biên giới là diễn biến tích cực. Do đó, ít có khả năng các quốc gia dựa vào chiếc ô chiến lược của Washington sẽ rút khỏi TPP trong tương lai gần, hoặc khu vực Đông Á sẽ quay lưng lại với tự do mậu dịch với nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, việc không phê chuẩn TPP chắc chắn sẽ làm thay đổi cách nhìn nhận của khu vực đối với Mỹ cũng như vai trò của quốc gia này tại châu Á - Thái Bình Dương, về lâu dài có thể phá hỏng các mối quan hệ đối tác chiến lược cũng như những những lợi ích của Washington tại khu vực.

(theo Stratfor)