Theo đó, quan chức thương mại Mỹ cho biết, phía Trung Quốc đưa ra phương án tăng nhập khẩu nông sản và năng lượng của Mỹ mỗi năm lên đến 70 tỷ USD, với điều kiện Mỹ hủy bỏ phương án gia tăng thuế suất đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá khoảng 50 tỷ USD, dự kiến sẽ công bố vào tuần tới.
Tuy nhiên, phía Mỹ hoài nghi về phương án của Trung Quốc, cho rằng, Trung Quốc nhập khẩu một lượng lớn than đá và dầu thô của Mỹ sẽ không giúp Mỹ giảm bớt con số thâm hụt thương mại với Trung Quốc.
Ngày 3/6 vừa qua, tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã cùng với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tiến hành đàm phán thương mại song phương vòng 3. Sau đó, Trung Quốc và Mỹ mỗi bên đều đưa ra tuyên bố riêng.
Nội dung đàm phán thương mại Trung - Mỹ vòng 3 đã được tiết lộ. (Nguồn: SCMP) |
Phía Trung Quốc một mặt cho biết, 2 bên đã có được những tiến triển cụ thể trong đàm phán về hàng nông sản và năng lượng. Tuy nhiên, mặt khác đưa ra cảnh báo, một khi phía Mỹ tăng thuế suất đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, kết quả đàm phán không có giá trị.
Trong khi đó, phía Mỹ cho biết, trong đàm phán lần này, 2 bên tập trung thảo luận vấn đề Trung Quốc mở rộng nhập khẩu nông sản và năng lượng của Mỹ nhằm giảm bớt thâm hụt thương mại của Mỹ trong trao đổi thương mại với Trung Quốc.
Tuy nhiên, cả Trung Quốc và Mỹ đều không tiết lộ chi tiết cụ thể của phương án này, khiến giới quan sát nghi ngờ đàm phán thương mại Trung - Mỹ lần này đã đi vào ngõ cụt.
Quan chức Bộ Thương mại Mỹ tiết lộ, trong đàm phán lần này, phía Trung Quốc đưa ra phương án mở rộng nhập khẩu đậu tương, ngô, khí thiên nhiên, dầu mỏ và than đá của Mỹ, ước tính năm đầu tiên lên đến 70 tỷ USD. Trung Quốc còn cam kết nới lỏng hơn nữa hạn chế nhập khẩu nông sản, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc gia tăng nhập khẩu khí thiên nhiên của Mỹ.
Tuy nhiên, phía Mỹ hoài nghi đối với phương án trên của Trung Quốc. Thứ nhất, Trung Quốc nhập khẩu nhiều hơn nữa sản phẩm năng lượng của Mỹ như than đá cũng chỉ khiến Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc số sản phẩm năng lượng vốn được xuất khẩu sang nước khác, không giúp gì cho Mỹ giảm bớt con số thâm hụt thương mại khổng lồ.
Thứ hai, sản lượng nông nghiệp của Mỹ chưa hẳn đã có thể tăng lên nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc. Do vậy, Trung Quốc cam kết mở rộng nhập khẩu hàng nông sản của Mỹ cũng coi như thừa. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã có kế hoạch sang tuần tới sẽ cùng với các cố vấn thương mại của mình tiến hành thảo luận về phương án trên của Trung Quốc.
Bình luận về vấn đề này, ông Lý Triệu Ba, Chủ nhiệm Chương trình giảng dạy tổng hợp quản lý công thương của Đại học Trung văn Hong Kong (Trung Quốc) cho rằng, Trung Quốc đưa phương án gia tăng nhập khẩu hàng hóa của Mỹ là một bước nhượng bộ, nhưng con số 70 tỷ USD mới chỉ bằng 20% con số 300 tỷ USD thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.
Vì thế với Mỹ là con số không đáng kể, nên chắc chắn 2 bên sẽ còn tiếp tục “mặc cả” trong thời gian tới. Theo ông Lý Triệu Ba, khi nào Trung Quốc đưa ra danh sách nhập khẩu hàng hóa của Mỹ với tổng giá trị khoảng 150 tỷ USD, bao gồm hàng nông sản, năng lượng, tài chính và bảo hiểm, chắc phía Mỹ sẽ đồng ý. Ông Lý Triệu Ba dự đoán, đàm phán thương mại Trung - Mỹ hy vọng đạt được kết quả trong tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay.
Chuyên gia bình luận thời sự nổi tiếng của Hong Kong (Trung Quốc), Lưu Nhuệ Thiệu cho rằng, sức mạnh tổng hợp quốc gia của 2 nước Trung - Mỹ tồn tại sự khác biệt rất lớn, dẫn đến Trung Quốc không thể không đưa ra nhượng bộ ở mức độ nhất định trong đàm phán thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, so sánh con số 70 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu với con số 300 tỷ USD thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, rõ ràng Trung Quốc mới chỉ đưa ra sự nhượng bộ khiêm tốn, không ảnh hưởng nhiều đến phát triển kinh tế tổng thể của Trung Quốc.
Chuyên gia Lưu Nhuệ Thiệu nhận định, tranh chấp thương mại Trung - Mỹ không chỉ là chiến tranh thương mại mà còn là chiến tranh công nghệ, chiến tranh tài chính và chiến tranh quân sự. Có thể nói đây là một cuộc chiến tranh lập thể vượt qua mọi giới hạn và bản chất chính là một phần trong chiến lược của Mỹ kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy.
Phân tích từ góc độ này có thể thấy Mỹ đã định vị Trung Quốc là kẻ thù, theo đó tranh chấp Trung - Mỹ sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.