Khi Bộ tứ được thành lập với tư cách là một liên minh chiến lược của 4 nền dân chủ hàng đầu ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, không ít người đã nghi ngờ về mức độ lớn mạnh của nhóm này.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng chế giễu đây chỉ là một “ý tưởng để thu hút sự chú ý của báo giới" và sẽ tiêu tan “như bọt biển ở khu vực Thái Bình Dương hay Ấn Độ Dương”.
Tuy nhiên, do Bắc Kinh tiếp tục chủ nghĩa bành trướng, cộng với quyết tâm xây dựng năng lực phòng thủ của cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, đã dẫn tới một Bộ tứ ngày càng vững mạnh, có tiềm năng thực sự để củng cố an ninh khu vực.
Câu hỏi đặt ra là liệu Bộ tứ có thực hiện cam kết của mình hay không.
Tổng thống Joe Biden phát biểu trong hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ với Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, ngày 24/9/2021 tại Washington D.C. (Nguồn: AP) |
Át chủ bài của Trung Quốc
Có một điều chắc chắn rằng tất cả 4 thành viên Bộ tứ - Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ - đều cần hiện thực hóa Tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở do Nhật Bản khởi xướng vào năm 2016 và được Mỹ xác nhận vào năm 2017.
Bộ tứ phải mất một khoảng thời gian để bắt đầu thực sự đi vào hoạt động và hiện đã đạt được động lực đáng kể. Kể từ năm 2021, Bộ tứ đã tổ chức ba hội nghị thượng đỉnh, trong đó có 2 hội nghị trực tuyến và hội nghị thượng đỉnh thứ tư dự kiến diễn ra theo hình thức trực tiếp tại Tokyo vào ngày 24/5.
Tuy nhiên, Bộ tứ vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Đặc biệt khó khăn vì hành động của chính các thành viên đang làm suy yếu cơ sở chiến lược dẫn tới sự ra đời của nhóm, đó là việc cần thiết phải ngăn chặn Trung Quốc khuấy động tình hình an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Một vấn đề then chốt là cả 4 thành viên Bộ tứ đã để cho mình bị dụ dỗ bởi câu chuyện của Trung Quốc rằng các mối quan hệ kinh tế có thể tách khỏi vấn đề địa chính trị. |
Thặng dư thương mại của Trung Quốc, đạt mức kỷ lục 676,4 tỷ USD vào năm 2021, hiện là động lực chính của nền kinh tế nước này.
Nếu không có thặng dư thương mại này, tăng trưởng của Trung Quốc có thể sẽ bị đình trệ, đặc biệt là khi Chủ tịch Tập Cận Bình tăng cường sự kiểm soát của nhà nước đối với các công ty tư nhân.
Điều đó cũng sẽ cản trở khả năng Trung Quốc đầu tư vào quân đội và cung cấp tài chính cho các hoạt động hung hăng của nước này ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và xa hơn nữa.
Chưa hết, Mỹ và Ấn Độ lại là những nước đóng góp chính vào thặng dư thương mại của Trung Quốc, trong đó đứng đầu là Mỹ. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc tăng hơn 25% vào năm 2021, lên 396,6 tỷ USD và hiện chiếm hơn 58% tổng thặng dư thương mại của Trung Quốc.
Thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc - đạt 77 tỷ USD trong 12 tháng tính đến tháng 3/2022 - vượt quá ngân sách quốc phòng của Ấn Độ, ngay cả khi hai nước bị vướng vào một tình thế đối đầu quân sự nguy hiểm dọc khu vực biên giới ở dãy Himalaya.
Các cuộc xâm phạm lén lút của Trung Quốc vào một số khu vực biên giới của Ấn Độ vào năm 2020 đã châm ngòi cho các cuộc đụng độ chết người, thúc đẩy việc xây dựng lực lượng và cơ sở hạ tầng ở biên giới vốn vẫn còn được tiếp tục cho đến ngày nay.
Theo Giáo sư Brahma Chellaney, đây đáng lẽ phải là một lời cảnh tỉnh đối với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ông đã quá quan tâm đến việc xoa dịu Trung Quốc đến mức bị bất ngờ trước hành động hiếu chiến của nước này.
Australia và Nhật Bản cũng đã bị phụ thuộc đáng kể vào thương mại với Trung Quốc. Trung Quốc chiếm gần 1/3 trao đổi thương mại quốc tế của Australia và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản.
Hơn nữa, cả hai nước này đều là thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà đứng đầu là Trung Quốc. Việc cho phép Trung Quốc hình thành các quy tắc thương mại ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rõ ràng là một cái giá phải trả cho lợi ích kinh tế mà họ thu được khi gia tăng trao đổi thương mại với khu vực.
Thay vì tiếp tục chấp nhận quyền lực kinh tế và địa chính trị của Trung Quốc, nhóm Bộ tứ nên coi hợp tác kinh tế - bao gồm cả tăng cường thương mại giữa các thành viên - là trọng tâm trong chương trình nghị sự của nhóm.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết sẽ công bố Khuôn khổ kinh tế khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao hàm nhiều lĩnh vực từ cơ sở hạ tầng đến nền kinh tế kỹ thuật số.
Tuy nhiên, việc chính quyền Mỹ không muốn cam kết cung cấp thêm các nguồn lực cho khu vực hay đề xuất giúp các đối tác khu vực được tiếp cận thị trường Mỹ dễ dàng hơn đã hạn chế nghiêm trọng tiềm năng của sáng kiến này.
Hơn nữa, ông Biden còn thúc đẩy một chương trình nghị sự mở rộng của nhóm Bộ tứ, bao gồm các vấn đề không liên quan gì đến mục tiêu cốt lõi của nhóm - từ biến đổi khí hậu, phân phối vaccine Covid-19 đến việc phục hồi chuỗi cung ứng.
Các thành viên Bộ tứ có khi nào "mất cảnh giác" khi Trung Quốc cho rằng các mối quan hệ kinh tế có thể tách khỏi vấn đề địa chính trị? (Nguồn: AU) |
Lu mờ bức tranh chiến lược
Giáo sư Brahma Chellaney nhận định, xung đột mang tính ủy nhiệm ngày càng sâu sắc của Mỹ với Nga càng làm lu mờ bức tranh chiến lược. Ông Biden là tổng thống thứ ba liên tiếp của Mỹ cam kết thực hiện chính sách xoay trục sang châu Á và rộng hơn là khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Nhưng cuộc chiến Ukraine, mà ông chủ Nhà Trắng tin rằng "có thể tiếp diễn trong một thời gian dài", có khả năng khiến ông không thể hoàn thành được chính sách xoay trục này, giống như những người tiền nhiệm.
Cuộc chiến ở Ukraine cũng có thể thúc đẩy ông Biden thực hiện một cách tiếp cận mang tính hòa giải hơn với Trung Quốc. Ngay cả trước khi Nga tấn công Ukraine, ông Biden đã bắt đầu giảm bớt áp lực đối với Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ đã để Trung Quốc "thoát tội" mà không bị trừng phạt khi che giấu nguồn gốc của dịch Covid-19 và không đáp ứng các cam kết trong thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” năm 2020 với Mỹ.
Ông cũng từ bỏ cáo buộc gian lận đối với Mạnh Vãn Châu, con gái người sáng lập tập đoàn công nghệ khổng lồ có liên quan đến quân đội Trung Quốc - Huawei.
Hiện nay, khi đang cố gắng bảo đảm rằng Chủ tịch Tập Cận Bình không cung cấp cho Tổng thống Nga Putin "phao cứu sinh" kinh tế bằng cách vô hiệu hóa tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây, ông Biden có thể sẽ áp dụng một cách tiếp cận mang tính hòa giải hơn với Bắc Kinh.
Đại diện Thương mại Mỹ đã khôi phục miễn trừ thuế quan từ thời cựu Tổng thống Donald Trump đối với 352 sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Và hiện Nhà Trắng đang xem xét việc cắt giảm thuế trên diện rộng hơn đối với các mặt hàng không mang tính chiến lược được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Như vậy là, Bộ tứ có thể tổ chức bao nhiêu hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo tùy thích. Tuy nhiên, theo chuyên gia Brahma Chellaney, nếu không có tầm nhìn chiến lược rõ ràng với một chương trình nghị sự phù hợp thì điều đó sẽ không mang lại nhiều lợi ích.
Mục đích của Bộ tứ là hoạt động như một bức tường thành chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc và bảo đảm sự cân bằng quyền lực ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tại hội nghị thượng đỉnh ngày 24/5 tới tại Tokyo, tất cả các vấn đề khác nên được đặt sau mục tiêu này.
* Nhà địa chiến lược người Ấn Độ, tác giả của cuốn sách Asian Juggernaut (2010) và Water: Asia's New Battlefield (2011), hiện là giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách ở New Delhi.