Nhỏ Bình thường Lớn

Triều Tiên phóng thử vệ tinh trinh sát: Nỗi lo từ chính sự thất bại

Mặc dù Triều Tiên đã thất bại trong vụ phóng tên lửa ngày 31/5 nhưng lại khiến Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản vô cùng lo ngại trước những ý đồ tiếp theo của Bình Nhưỡng.
Triều Tiên phóng thử vệ tinh trinh sát: Nỗi lo từ chính sự thất bại
Hình ảnh một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. (Nguồn: AP)

Ngày 31/5, Triều Tiên đã phóng một "phương tiện phóng vào không gian" nhưng vụ phóng thất bại và tên lửa đã rơi xuống biển.

Theo một quan chức Triều Tiên, tên lửa mới "Chollima-1" mang theo vệ tinh trinh sát quân sự "Malligyong-1" đã rơi xuống biển do "khởi động bất thường của động cơ giai đoạn hai".

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết nước này có kế hoạch tiến hành vụ phóng thứ hai càng sớm càng tốt.

Tin liên quan
Triều Tiên phóng vệ tinh: Bình Nhưỡng khẳng định quyết tâm, Seoul nêu nguyên nhân kĩ thuật Triều Tiên phóng vệ tinh: Bình Nhưỡng khẳng định quyết tâm, Seoul nêu nguyên nhân kĩ thuật

Tham mưu trưởng liên quân (JCS) của Seoul cho biết họ đã phát hiện vụ phóng từ Tongchang-ri trên bờ biển phía Tây của Triều Tiên lúc 6h29 sáng và tên lửa rơi xuống vùng biển cách đảo Eocheong của Hàn Quốc khoảng 200 km về phía Tây sau khi bay qua hòn đảo biên giới Baengnyeong.

Quân đội Hàn Quốc đã thu được một phần mảnh vỡ tên lửa này của Triều Tiên. Đó là một vật thể hình trụ được cho là đã được sử dụng để kết nối giai đoạn thứ nhất và thứ hai của tên lửa. Các nhà quan sát cho rằng một bộ phận như vậy có thể làm sáng tỏ cấu tạo của tên lửa và tiến bộ công nghệ của Triều Tiên.

Triều Tiên đã thông báo cho Nhật Bản và Tổ chức Hàng hải Quốc tế về kế hoạch phóng vệ tinh vào đầu tuần này từ ngày 31/5 đến ngày 11/6 bất chấp những lời chỉ trích rằng hoạt động đó sẽ vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về việc cấm bất kỳ vụ phóng nào sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.

Vụ phóng tên lửa đánh dấu hành động khiêu khích đầu tiên của Triều Tiên kể từ khi nước này phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-18 vào ngày 13/4.

Thất bại, vì sao?

Theo KCNA, thất bại trong lần phóng này là do "độ tin cậy và ổn định thấp của hệ thống động cơ mới được áp dụng cho tên lửa mang và tính chất không ổn định của nhiên liệu được sử dụng".

KCNA đề cập đến việc tên lửa bay "bình thường" cho đến khi tách rời giai đoạn đầu tiên cho thấy các khiếm khuyết xuất phát từ hệ thống đẩy giai đoạn thứ hai và nhiên liệu tên lửa - những yếu tố quan trọng để đưa vệ tinh vào quỹ đạo.

Chang Young-keun, một chuyên gia tên lửa tại Đại học Hàng không vũ trụ Hàn Quốc, cho biết động cơ giai đoạn hai có thể đã thất bại trong quá trình đánh lửa và đốt cháy sau khi tách giai đoạn đầu.

Các nhà phân tích cho biết tên lửa này của Triều Tiên được cho là được trang bị động cơ nhiên liệu lỏng Paektusan mô phỏng theo động cơ đôi RD-250 do Liên Xô sản xuất.

Tầng thứ nhất và thứ hai của nó có thể mang động cơ Paektusan hai buồng với lực đẩy 160 tấn và một buồng đơn, trong khi tầng thứ ba có thể được trang bị hai động cơ nhiên liệu lỏng nhỏ. Hoạt động của các động cơ này cần nhiên liệu lỏng cũng như chất oxy hóa. Đặc biệt, yêu cầu lưu trữ oxy lỏng ở nhiệt độ cực thấp có thể là một thách thức đối với Triều Tiên.

Hiện vẫn chưa rõ liệu Triều Tiên có thể tuân theo kế hoạch đã tuyên bố là khắc phục mọi khiếm khuyết và tiến hành một vụ phóng tên lửa không gian khác "càng sớm càng tốt" hay không.

Ngày 30/5, Ri Pyong-chol, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương của Đảng Lao động Triều Tiên nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo các phương tiện do thám trước khi chính thức công bố kế hoạch phóng tên lửa.

Trong một tuyên bố của KCNA, ông Ri cho biết vệ tinh do thám này "không thể thiếu để theo dõi, giám sát, phân biệt, kiểm soát và đối phó với các hành động quân sự nguy hiểm theo thời gian thực" của Mỹ và Hàn Quốc.

Phản ứng của cộng đồng quốc tế

Sau vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đã triệu tập một phiên họp khẩn cấp của Ủy ban thường trực Hội đồng An ninh Quốc gia, lên án vụ phóng là một "sự khiêu khích nghiêm trọng" đe dọa hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên nói riêng và thế giới nói chung.

Trước thềm vụ phóng, Hàn Quốc đã cảnh báo "mạnh mẽ" rằng họ sẽ khiến Bình Nhưỡng phải “trả giá thích đáng” nếu tiến hành vụ phóng.

Ngay sau khi phóng, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo kêu gọi người dân ở phía Nam Okinawa tìm nơi trú ẩn, nhưng lệnh này đã được dỡ bỏ khoảng 35 phút sau khi xác nhận rằng tên lửa không có khả năng rơi xuống lãnh thổ quốc gia.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nói với các phóng viên ở Tokyo rằng chính phủ đang thu thập và phân tích thông tin về vụ phóng và không có báo cáo về thiệt hại từ quả đạn.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết tại một cuộc họp báo, Tokyo đã gửi công hàm phản đối với Bình Nhưỡng về vụ phóng, đồng thời cho biết thêm liệu vật thể phóng có phải là tên lửa mang theo vệ tinh hay không vẫn "đang được phân tích".

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada nói với các phóng viên rằng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ duy trì cảnh giác và sẵn sàng đánh chặn khi cửa sổ phóng được chỉ định vẫn chưa kết thúc.

Nhà Trắng cho biết Mỹ đã lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, đồng thời lưu ý rằng Tổng thống Joe Biden và đội ngũ an ninh của ông đang phối hợp đánh giá tình hình với các đồng minh và đối tác.

Các đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã tổ chức các cuộc điện đàm ba bên và cũng "lên án mạnh mẽ" vụ phóng, nhấn mạnh nó không thể được biện minh bằng bất kỳ cách nào, theo Bộ Ngoại giao Seoul.

Trong một thông cáo khác, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ nhấn mạnh cam kết an ninh "sắt thép" đối với Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời cho biết họ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình.

Người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ cho biết trong một tuyên bố rằng Tổng thư ký Antonio Guterres lên án "mạnh mẽ" vụ phóng, nhắc lại lời kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt các hành động như vậy và "nhanh chóng" nối lại đối thoại vì hòa bình.

Với Bình Nhưỡng chỉ là bước đầu?

Sau khi thừa nhận thất bại nhanh chóng bất thường, Triều Tiên tuyên bố sẽ tiến hành vụ phóng thứ hai sau khi biết được điều gì đã xảy ra. Điều đó cho thấy Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un vẫn quyết tâm mở rộng kho vũ khí của mình và gây thêm áp lực lên Washington và Seoul trong khi ngoại giao bị đình trệ.

Một vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên là vi phạm các nghị quyết của HĐBA LHQ cấm nước này tiến hành bất kỳ vụ phóng nào dựa trên công nghệ đạn đạo.

Các nhà quan sát cho rằng các vụ phóng vệ tinh trước đây của Triều Tiên đã giúp cải thiện công nghệ tên lửa tầm xa của nước này. Các vụ thử tên lửa tầm xa của Triều Tiên trong những năm gần đây cho thấy khả năng vươn tới toàn bộ lục địa Mỹ, nhưng các chuyên gia bên ngoài cho rằng Triều Tiên vẫn còn một số việc phải làm để phát triển tên lửa hạt nhân hoạt động được.

Hình ảnh vệ tinh thương mại gần đây về trung tâm phóng Sohae của Triều Tiên cho thấy hoạt động xây dựng đang diễn ra, theo đó nước này có thể có kế hoạch phóng nhiều hơn một vệ tinh. Triều Tiên đã cho biết sẽ thử nghiệm “các phương tiện do thám khác nhau” để theo dõi các động thái của Mỹ và các đồng minh theo thời gian thực.

Theo Lee Choon Geun, nhà nghiên cứu danh dự tại Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ của Hàn Quốc, với 3-5 vệ tinh do thám, Triều Tiên có thể xây dựng một hệ thống giám sát trên không gian cho phép nước này giám sát Bán đảo Triều Tiên trong thời gian gần như thực.

Vệ tinh này là một trong một số hệ thống vũ khí công nghệ cao mà Chủ tịch Kim Jong Un đã công khai tuyên bố sẽ giới thiệu. Các vũ khí khác trong danh sách mong muốn của ông bao gồm tên lửa đa đầu đạn, tàu ngầm hạt nhân, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhiên liệu rắn và tên lửa siêu thanh.

Trong chuyến thăm cơ quan vũ trụ vào giữa tháng 5, Chủ tịch Kim Jong Un đã nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của một vệ tinh do thám trong cuộc đối đầu giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc.

Hàn-Nhật gấp rút chuẩn bị cho chuyến thăm Seoul của Thủ tướng Kishida

Hàn-Nhật gấp rút chuẩn bị cho chuyến thăm Seoul của Thủ tướng Kishida

Hàn Quốc và Nhật Bản đang gấp rút chuẩn bị cho chuyến thăm quan trọng của Thủ tướng Kishida tới Seoul.

Thủ tướng Nhật Bản bắt đầu thăm chính thức Hàn Quốc, lịch trình hoạt động nhiều điểm nhấn

Thủ tướng Nhật Bản bắt đầu thăm chính thức Hàn Quốc, lịch trình hoạt động nhiều điểm nhấn

Chuyến thăm được mong đợi của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tới Hàn Quốc đã chính thức diễn ra.

Nga bắt đầu duyệt binh, Chủ tịch Triều Tiên chúc mừng Tổng thống Putin vì 'cuộc chiến thần thánh'

Nga bắt đầu duyệt binh, Chủ tịch Triều Tiên chúc mừng Tổng thống Putin vì 'cuộc chiến thần thánh'

Khoảng 10h sáng ngày 9/5 (giờ địa phương, 14h chiều giờ Việt Nam), tại Quảng trường Đỏ, Nga đã tổ chức lễ duyệt binh kỷ ...

Mỹ-Hàn Quốc-Nhật Bản nỗ lực thúc đẩy việc chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa

Mỹ-Hàn Quốc-Nhật Bản nỗ lực thúc đẩy việc chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa

Theo hãng tin Yonhap, ngày 9/5, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, nước này cùng với Mỹ và Nhật Bản đang đàm phán về ...

Pháp hiểu 'vai trò quan trọng' của Trung Quốc trên trường quốc tế, bày tỏ với Bắc Kinh các nỗi lo

Pháp hiểu 'vai trò quan trọng' của Trung Quốc trên trường quốc tế, bày tỏ với Bắc Kinh các nỗi lo

Ngày 10/5, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna đã có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương đang có chuyến thăm Paris.

(theo Korea Times, Kyodo News)