Ngoại trưởng Trung Quốc và Ngoại trưởng Iran tại lễ ký Thỏa thuận hợp tác toàn diện 25 năm, ngày 27/3, tại Tehran, Iran. Theo giới phân tích, việc ký kết và công bố thỏa thuận hợp tác được coi là một hàn thử biểu quan trọng trong đọ sức Mỹ-Trung. (Nguồn: Reuters) |
Theo báo HK01, trong chuyến thăm Iran ngày 27/3, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã cùng Ngoại trưởng Iran Javad Zarif ký Thỏa thuận hợp tác toàn diện Trung Quốc-Iran 25 năm, với các nội dung hợp tác bao trùm nhiều phương diện chính trị và kinh tế.
Phản công chiến lược dài hạn đối với Mỹ?
Giới quan sát nhận định, hợp tác toàn diện Trung Quốc-Iran tượng trưng cho việc Trung Quốc và Iran triển khai phản công chiến lược dài hạn đối với Mỹ, đây chắc chắn là một bước phát triển quan trọng khác tiếp sau cuộc “đấu khẩu” giữa Mỹ và Trung Quốc tại hội đàm cấp cao tại Alaska.
Ngay từ tháng 7/2020, tờ The New York Times đã tiết lộ một văn bản hợp tác dài 18 trang giữa Trung Quốc và Iran, nội dung cơ bản tương tự với công bố lần này của Chính phủ Iran.
Trọng điểm là Trung Quốc sử dụng đồng nhân dân tệ (NDT) trong giao dịch, dùng phương thức kinh tế hàng đổi hàng (đầu tư trực tiếp để đổi lấy dầu thô) nhằm đầu tư khoảng 400 tỷ USD vào Iran trong khi lách các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Về phía Iran, Tehran cam kết sẽ cung cấp các sản phẩm năng lượng ổn định và tiết kiệm cho Trung Quốc trong vòng 25 năm tới. Mục đích của những động thái trên rõ ràng là làm suy giảm ảnh hưởng các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Theo giới phân tích, việc ký kết và công bố thỏa thuận hợp tác Trung Quốc-Iran được coi là một hàn thử biểu quan trọng trong đọ sức Mỹ-Trung, là sự cảnh báo mạnh mẽ đối với Washington rằng Bắc Kinh đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc triển khai một cuộc chiến toàn diện với Mỹ. Diễn biến tình hình quốc tế thời gian gần đây có thể nói là ngày càng khẳng định nhận định này.
Mỹ và Trung Quốc vừa tổ chức đối thoại cấp cao vào trung tuần tháng 3, trong đó phản ứng cứng rắn của Trung Quốc đối với Mỹ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong cộng đồng quốc tế.
Tin liên quan |
Vì sao ông Biden vẫn chưa thể đảo ngược chính sách chống Trung Quốc? |
Mặc dù Mỹ và Trung Quốc có thể vẫn duy trì quan hệ “đấu nhưng không vỡ” trong thời gian tới, song sau cuộc gặp không lâu, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã cùng lúc đưa ra các biện pháp trừng phạt Trung Quốc về vấn đề Tân Cương.
Thời cơ thách thức trừng phạt đã chín muồi?
Từ lâu Trung Quốc đã không hài lòng với những biện pháp trừng phạt của Mỹ, đồng thời cũng luôn tìm cách để làm suy yếu sức ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây về phương diện này. Dường như trước đây Trung Quốc cảm thấy thời cơ chưa chín muồi cả về sức mạnh lẫn môi trường quốc tế.
Trong vấn đề Trung Quốc và Iran hợp tác, quyền chủ động thuộc về Trung Quốc chứ không phải Mỹ. Giới quan sát đặt câu hỏi, việc Trung Quốc và Iran triển khai hợp tác vào thời điểm này liệu có chứng tỏ rằng thời cơ thách thức các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã chín muồi?
Trung Quốc không tuyên truyền rầm rộ như chính phủ Iran về thỏa thuận hợp tác Trung Quốc-Iran và nếu phương Tây thờ ơ thì sẽ có lợi đối với Trung Quốc. Tất nhiên, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng sẽ không nghĩ rằng chỉ cần mình không “ầm ĩ” thì người khác không nhận ra.
Ngày 28/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thẳng thắn nói rằng “luôn cảm thấy lo ngại vấn đề này trong nhiều năm qua” khi trả lời phỏng vấn giới truyền thông Mỹ.
Việc Trung Quốc và Iran “xích lại gần nhau” có thể nói là kết quả tất yếu của việc Mỹ quá lạm dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế. Quyền thống trị kinh tế của Mỹ được xây dựng dựa trên địa vị thống trị của đồng USD đã giúp các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ mang lại hiệu quả lớn.
Tuy nhiên, càng sử dụng và thậm chí lạm dụng biện pháp trừng phạt có thể dẫn đến sự phản kháng ngày càng lớn. Cuối cùng, biện pháp này có thể phản tác dụng và đe dọa quyền thống trị của đồng USD.
Sau cuộc gặp cao cấp Mỹ-Trung ở Alaska, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thăm Trung Quốc, đồng thời tuyên bố quan hệ Trung Quốc-Nga đang ở vào thời điểm tốt nhất trong lịch sử.
Ông Sergey Lavrov gợi ý Trung Quốc cách làm suy yếu địa vị thống trị của đồng USD. Theo trang Dịch vụ báo chí của Bộ Ngoại giao Nga, Nga và Trung Quốc đang cố gắng đảm bảo an toàn cho mối quan hệ tài chính và thương mại của mình trước đe dọa từ các nước khác.
Giờ đây, Trung Quốc lại cùng Iran ký một bản thỏa thuận hợp tác về sử dụng USD trong giao dịch thương mại song phương, dường như hai nước đang hạ quyết tâm phản công các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Sự thống trị của đồng USD sẽ không dễ dàng bị “lung lay” trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, Trung Quốc không chỉ là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mà còn là quốc gia có chuỗi sản xuất công nghiệp hoàn thiện, do đó việc nước này dốc sức thúc đẩy quốc tế hóa đồng NDT được cho rằng sẽ là mối đe dọa lớn đối với Mỹ trong dài hạn.