Sự kiện phóng Tàu không gian Thiên Cung 1 vào vũ trụ được cho là một bước đi tiên phong trong mục tiêu xây trạm vũ trụ của Trung Quốc. Sau khi tàu rời bệ phóng khoảng 2 tháng, nước này sẽ cho tàu vũ trụ không người lái Thần Châu 8 vào không gian và thực hiện việc kết nối với Thiên Cung 1 trên quỹ đạo. Tiếp đó, đến năm 2012, tàu Thần Châu 9 và Thần Châu 10 sẽ rời Trái đất để hoàn thành ít nhất một cuộc kết nối với trạm vũ trụ có người lái, dự kiến nặng 60 tấn và đi vào hoạt động vào năm 2020.
"Đó là vấn đề về uy thế", James Lewis, quan chức cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (CIS) nói về mục tiêu xây trạm vũ trụ của Trung Quốc. Tại cuộc họp báo hồi tháng tư năm nay, Yang Liwei, phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc bay vào vũ trụ, nói rằng anh đã cảm nhận được niềm tự hào mà chương trình không gian có thể mang lại cho đất nước. "Chương trình không gian của Trung Quốc sẽ thúc đẩy sự phát triển khoa học và văn hóa... Khi tôi bay trong vũ trụ, tôi cảm thấy tự hào cho cả đất nước và cho cả nhân loại".
Thiên Cung 1 cũng là một sự kiện tiếp nối thành tích của Trung Quốc trong việc đưa con người vào vũ trụ bằng tên lửa của riêng mình, chỉ đứng sau Nga và Mỹ. Những thành công trong chương trình không gian của Trung Quốc chắc chắn cũng sẽ xoa dịu lo ngại của không ít quan chức nước này về khả năng xảy ra cuộc chiến giả tưởng ngoài không gian với Mỹ. Việc phóng vệ tinh thành công cho thấy khả năng Bắc Kinh có thể tấn công hệ thống vệ tinh liên lạc của Mỹ.
Xuyên suốt lịch sử, nước Mỹ đã phản ứng nhanh trong những vấn đề đụng đến chiến lược an ninh quốc gia. Thế nhưng trong lĩnh vực không gian, nhiều sử gia cho rằng nếu Liên Xô không phóng vệ tinh và sau đó là đưa một nhà du hành vào vũ trụ thì Mỹ cũng chẳng có tàu vũ trụ Apollo hay chương trình đưa người vào không gian để tạo dựng một hình ảnh "cường quốc vũ trụ".
Sự thụt lùi của Mỹ đã mở ra cơ hội cho Trung Quốc, đó là nhận định của Joan Johnson-Freese, giáo sư ĐH Naval War, Mỹ, trên tờ Businessweek. Trung Quốc phóng tàu không gian đúng lúc NASA vừa kết thúc hoạt động của tàu con thoi Apollo. Còn trạm không gian vũ trụ của Trung Quốc dự kiến hoàn thành đúng vào thời điểm Trạm Không gian Quốc tế (ISS) sẽ ngừng hoạt động. Không phải ngẫu nhiên mà phi hành gia Mỹ đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng, Neil Armstrong, cảnh báo rằng vị trí đi đầu của Mỹ trong lĩnh vực này có thể bị nước khác giành mất. Đáng lo ngại hơn, trong khi Mỹ còn chưa xác định được một kế hoạch khai thác không gian rõ ràng thì Trung Quốc đã tuyên bố chiến lược không gian quốc gia khai thác năng lượng từ vũ trụ (SBSP). Bắc Kinh xem đây là phần không thể thiếu trong "định hướng tương lai của đất nước", trong khi ở Mỹ vẫn coi SBSP là một sản phẩm của khoa học viễn tưởng và là giấc mơ không có thực!
Dẫu vậy, không phải mọi thứ đều hoàn hảo với Trung Quốc. Thiên Cung 1 là một cuộc cách mạng, nhưng không phải không có rủi ro, nhất là trong kỹ thuật lắp ráp các tàu không gian khi Trung Quốc không dựa vào công nghệ của các nước khác mà chỉ tự mày mò. Còn Mỹ và Nga đã phát triển công nghệ này, nhưng đó chỉ dành cho việc lắp ghép đơn giản. Ngoài ra, việc từ chối tham gia ISS và tự mình xây dựng trạm không gian, Trung Quốc sẽ đi sau Mỹ vì thiếu các cơ sở giám sát vệ tinh đặt quanh thế giới.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã đạt thành tích tuyệt vời về phóng tên lửa và không gian vũ trụ, một chiến trường mới cho Trung Quốc cạnh tranh và chứng tỏ sức sáng tạo. Với đà phát triển của mình, Trung Quốc đã có thể mơ tới những giấc mơ hướng ra ngoài Trái đất và chinh phục không gian!
Minh Khôi