Chủ tịch TQ Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng NB Y.Fukuda |
Mặc dù lịch trình hoạt động tại Nhật chủ yếu là các hoạt động ngoại giao, nghi lễ... song chuyến công du dài ngày nhất của ông Hồ Cẩm Đào cho thấy mục tiêu của hai nước không giới hạn trong những thỏa thuận, hiệp định hợp tác cụ thể mà là thiện chí, mong muốn đưa quan hệ hai nước lên một bước phát triển mới.
Bóng bàn và gấu trúc
Trong những hoạt động của ông Hồ Cẩm Đào, thì việc chơi bóng bàn với ông Fukuda và tặng gấu trúc cho vườn thú Ueno ở Tokyo được khá nhiều người chú ý. Bởi cả bóng bàn lẫn gấu trúc đều là “đặc sản” của Trung Quốc, nên có thể hiểu đây là những cử chỉ thân thiện, mang ý nghĩa mong muốn xây dựng mối quan hệ nồng ấm như một “mùa xuân ấm áp vĩnh viễn” mà Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã bày tỏ trước chuyến thăm.
Và trên thực tế, Nhật Bản và Trung Quốc đã trao đổi cho nhau rất nhiều “đặc sản” trên lĩnh vực kinh tế. Với thế mạnh về vốn, công nghệ, Nhật Bản đã trở thành một nguồn cung cấp dồi dào cho “công xưởng của thế giới” đồng thời cũng là thị trường tiêu thụ lớn các sản phẩm tiêu dùng của Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc là miền đất hứa với rất nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, là mảnh đất màu mỡ để vận hành các nhà máy sản xuất trong bối cảnh dân số Nhật Bản ngày càng già đi. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Nhật Bản và Nhật Bản là bạn hàng lớn thứ ba của Trung Quốc với kim ngạch thương mại song phương đạt 236 tỷ USD năm 2007. Nhật Bản cũng là nước có số vốn đầu tư trực tiếp lớn thứ hai tại Trung Quốc với 60,7 tỷ USD. Sự cạnh tranh về kinh tế trong bối cảnh suy thoái hiện nay đang trở nên bất hợp lý và nhu cầu tìm kiếm thêm những cơ hội hợp tác phát triển mới là rất mạnh mẽ khiến Trung Quốc, Nhật Bản phải xích lại gần nhau.
Về chính trị, mối quan hệ giữa Nhật Bản, Trung Quốc không chỉ ở vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên mà nó còn nằm trong sự đối trọng đảm bảo cân bằng ở khu vực Đông Á. Sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc về cả kinh tế lẫn quân sự, chính trị... đã khiến giới lãnh đạo Nhật Bản phải xem xét nhiều hơn đến khả năng hợp tác chứ không chỉ khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc tích cực gia tăng ảnh hưởng đối với các nước trong khu vực. Trong khi đó, tính thực dụng của ban lãnh đạo Trung Quốc hiện nay là điều kiện cơ bản để khởi động, duy trì và phát triển mối quan hệ với Nhật Bản. Không chỉ là vấn đề kinh tế mà việc thông qua sự thân thiết với Nhật Bản, Trung Quốc có khả năng tạo thêm thế đứng ở vùng Đông Á trong sự so sánh ảnh hưởng với Mỹ cũng như có thêm kênh đối thoại nhằm tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề Đài Loan. Đồng thời, chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào có lẽ còn là sự hài lòng của Trung Quốc đối với tiến trình cải thiện quan hệ với Nhật Bản dưới thời Thủ tướng S.Abe và Thủ tướng Fukuda hiện nay với chính sách duy trì quan hệ hữu nghị Trung - Nhật bên cạnh liên minh Nhật - Mỹ.
Né tránh lịch sử
Tuy nhiên, mối quan hệ Trung - Nhật vẫn còn đó những vấn đề được coi là gai góc trong quan hệ giữa hai bên liên quan đến việc khai thác tài nguyên trên biển Hoa Đông, thái độ của mỗi nước về giai đoạn Nhật Bản xâm lược Trung Quốc trong Chiến tranh thế giới thứ II... Thế nhưng dường như cả hai nhà lãnh đạo đều không muốn đề cập tới những vấn đề này, bởi Trung Quốc chắc chắn không muốn có những cuộc tranh cãi nảy lửa trước thềm Olympic 2008 mà họ đăng cai vào tháng 8. Nhật Bản cũng cần mọi chuyện diễn ra một cách êm ả vì họ sắp tổ chức hội nghị thượng đỉnh G-8 vào tháng 7. Ngoài ra, cả hai cũng chưa quên những căng thẳng sau chuyến thăm Nhật Bản năm 1998 của Chủ tịch Giang Trạch Dân với lời yêu cầu chính giới Tokyo xin lỗi về quá khứ xâm lược tàn bạo trên hầu khắp lãnh thổ Trung Quốc (1931-1945). Thay vào đó, Thủ tướng Fukuda cho rằng, có một loạt vấn đề cần được thảo luận, không chỉ về quan hệ Nhật-Trung mà còn về hòa bình, kinh tế và ổn định trong khu vực.
Với mẫu số chung là duy trì ổn định, phát triển kinh tế trong khu vực và trên thế giới, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Fukuda có thể trao đổi tương đối cởi mở và thẳng thắn về những giải pháp để giải quyết các vấn đề trong khu vực như “câu chuyện hạt nhân” của CHDCND Triều Tiên, cơ chế hợp tác với các nước ASEAN, biện pháp nâng cấp toàn diện quan hệ kinh tế, văn hóa, chính trị giữa hai nước cũng như sự phối hợp, trách nhiệm của hai quốc gia đối với việc thực hiện những thỏa thuận quốc tế như cắt giảm khí thải, giải quyết khủng hoảng lương thực... Dù vậy, các mâu thuẫn liên quan đến chủ quyền khai thác tài nguyên ở vùng biển Hoa Đông, hay sự chi phối của yếu tố Mỹ, Đài Loan trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản, bất đồng về lịch sử... vẫn cần phải được giải quyết để hai nước có thể duy trì mối quan hệ thân thiện, lâu dài. Nhưng liệu những vấn đề này có thể được giải quyết theo kiểu “có qua, có lại” như trong một ván đấu bóng bàn ?!
Trong chuyến thăm, lãnh đạo hai nước đã ký một thỏa thuận mang tính lịch sử sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Tokyo. Thỏa thuận thứ tư được ký kết giữa lãnh đạo hai nước kể từ năm 1972 được xem là một “điểm khởi đầu mới” trong quan hệ hai nước, thống nhất về kế hoạch cho mối bang giao trong tương lai, trong đó có việc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh hàng năm giữa lãnh đạo hai bên. Tuyên bố chung sau cuộc gặp thượng đỉnh viết: “Hai nước nhất trí rằng, Trung Quốc - Nhật Bản sẽ chia sẻ trách nhiệm lớn vì hòa bình và phát triển của thế giới trong thế kỷ 21”. |